Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-12-2021] Một phụ nữ ở huyện Lâm Lễ, tỉnh Hồ Nam đã thắng kiện Văn phòng An sinh Xã hội địa phương vì đã tự ý đình chỉ lương hưu của bà, nhưng Văn phòng này đã từ chối khôi phục lương hưu cho bà và thậm chí còn đe dọa sẽ đệ đơn kiện ngược lại để giữ nguyên quyết định của họ.

Bà Ngô Truyền Anh, 68 tuổi, đã nghỉ hưu tại Trung tâm cung ứng và tiếp thị huyện Lâm Lễ vào năm 2005. Tháng 9 năm 2006, bà bị kết án 8 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Vào tháng 8 năm 2020, sáu năm sau khi bà ra tù, Văn phòng Lao động và An sinh Xã hội Lâm Lễ (VPLĐASXH) đã đình chỉ lương hưu của bà mà không thông báo trước. Họ cũng yêu cầu bà hoàn trả lại hơn 130.000 nhân dân tệ tiền lương hưu đã cấp cho bà từ năm 2006.

VPLĐASXH tuyên bố rằng theo chính sách do Bộ lao động ban hành vào năm 2001 và sau đó được cập nhật vào năm 2003, những người về hưu trong thời gian thụ án không được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp hưu trí nào. Bà Ngô cho rằng không có luật lao động nào của Trung Quốc quy định như vậy. Ngay cả khi chính sách thực sự có hiệu lực, bà đã đặt câu hỏi tại sao VPLĐASXH không đình chỉ lương hưu của bà trong thời gian bà bị giam giữ và tại sao họ lại yêu cầu hoàn trả lại các khoản trợ cấp lương hưu đã được cấp từ năm 2006, trong 8 năm tù giam của bà.

Vào ngày 20 tháng 10 năm 2020, bà Ngô đã nộp đơn yêu cầu xem xét lại về mặt hành chính đối với quyết định của VPLĐASXH với Phòng Tư pháp huyện Lâm Lễ. Văn phòng tư pháp từ chối tiếp nhận đơn kiện của bà với lý do bà không gửi thư quyết định đình chỉ lương hưu chính thức từ VPLĐASXH – một tài liệu mà bà Ngô không hề có.

Bà đã dành nhiều tháng để liên hệ với VPLĐASXH, cơ quan này đã đồng ý đưa ra thông báo chính thức vào ngày 14 tháng 1 năm 2021 về quyết định đình chỉ lương hưu của bà. Tính đến thời điểm đó, đã sáu tháng kể từ khi lương hưu của bà bị đình chỉ. Với quyết định chính thức, văn phòng tư pháp đã chấp nhận đơn kiện của bà.

Trong khi chờ đợi phán quyết từ văn phòng tư pháp, bà Ngô cũng đã viết đơn thư cho văn phòng kỷ luật của tỉnh và lãnh đạo VPLĐASXH, kêu gọi họ chú ý đến vụ việc của bà, nhưng vô ích.

Vào ngày 28 tháng 3 năm 2021, văn phòng tư pháp đã ra phán quyết có lợi cho VPLĐASXH trong việc đình chỉ “khoản thu lợi tài chính không chính đáng” của bà.

Vào ngày 29 tháng 4 năm 2021, bà Ngô đã nộp đơn khiếu nại hành chính đối với VPLĐASXH lên tòa án địa phương. Tòa án đã thụ lý vụ kiện và tổ chức phiên xét xử vào ngày 15 tháng 6. Bà Ngô lập luận rằng lương hưu là tài sản hợp pháp của bà trong khi VPLĐASXH, chỉ đóng vai trò đại diện trong việc cấp phát tiền lương hưu của bà, chứ không có thẩm quyền đình chỉ lương hưu.

Vào ngày 11 tháng 10, tòa án đã đưa ra quyết định có lợi cho bà Ngô, phán quyết nêu rằng:

1) VPLĐASXH đình chỉ lương hưu của bà là bất hợp pháp;

2) VPLĐASXH sẽ phải khôi phục lương hưu của bà trong vòng 20 ngày kể từ ngày ra phán quyết và hủy bỏ quyết định đình chỉ lương hưu của bà hoặc yêu cầu hoàn trả;

3) Quyết định của văn phòng tư pháp ủng hộ việc đình chỉ lương hưu của VPLĐASXH bị vô hiệu;

4) 50 nhân dân tệ phí đăng ký hồ sơ sẽ được trả bởi VPLĐASXH và Chính quyền huyện Lâm Lễ.

Đã hơn hai tháng trôi qua kể từ thời điểm ra phán quyết của tòa án, VPLĐASXH vẫn từ chối tuân theo lệnh của tòa. Khi giám đốc VPLĐASXH trước đó là Lưu Diễm Cúc đã chuyển sang vị trí mới, bà Ngô đã liên lạc với hai phó giám đốc Lý Thanh và Trương Tân Xuân nhiều lần và thúc giục họ khôi phục lương hưu cho bà, nhưng vô ích. VPLĐASXH cũng đe dọa vào ngày 16 tháng 12 sẽ đệ đơn kiện dân sự với bà trong nỗ lực của họ để “đòi lại” 130.000 nhân dân tệ mà bị cho là “nợ” họ.

Để bảo vệ các quyền hợp pháp của mình và ngăn các cán bộ tiếp tục các hành vi sai trái, bà Ngô đã gửi một bức thư ngỏ tới các cán bộ chính quyền và các cá nhân có liên quan.

* * *

Vi phạm Hiến pháp và các Luật khác

Theo Hiến pháp, Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội Trung Quốc, bà Ngô vẫn được hưởng lương hưu ngay cả khi đang ở trong tù. Có nghĩa là, VPLĐASXH không có thẩm quyền yêu cầu trả lại các khoản trợ cấp hưu trí đã chi trả trong thời gian bà ngồi tù. Trên thực tế, Điều 44 của Hiến pháp quy định: “Nhà nước áp dụng chế độ hưu trí đối với công nhân, viên chức của các doanh nghiệp, tổ chức và đối với các cơ quan chức năng của Nhà nước theo luật định. Sinh kế của người đã nghỉ hưu do Nhà nước và xã hội đảm bảo”.

Ngoài ra, Điều 72 Luật Lao động quy định “Người sử dụng lao động và cá nhân người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và đóng bảo hiểm xã hội”. Điều 73 Luật Lao động quy định: “Điều kiện và tiêu chuẩn để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội do pháp luật quy định. Quỹ bảo hiểm xã hội cho người lao động được đóng đúng hạn, đầy đủ.”

Điều này cho thấy rằng trợ cấp hưu trí chỉ có thể được quy định trong các luật và quy định liên quan và không có chính sách nào do chính quyền địa phương hoặc cơ quan ban hành có thể đảo ngược lại luật. Ngoài ra, số tiền lương hưu cần được chi trả đầy đủ mà không bị khấu trừ bất kỳ khoản nào.

Hơn nữa, Điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: “Mỗi người lao động phải tham gia hệ thống bảo hiểm hưu trí cơ bản; và người sử dụng lao động và người lao động sẽ cùng nhau đóng góp bảo hiểm hưu trí cơ bản.” Điều 16 cũng nêu rõ rằng: “Người tham gia bảo hiểm hưu trí cơ bản sẽ nhận được lương hưu cơ bản hàng tháng nếu thời gian đóng góp tích lũy của người đó không dưới mười lăm năm sau khi đủ tuổi nghỉ hưu hợp pháp. Nếu thời gian đóng góp tích lũy của thành viên tham gia bảo hiểm hưu trí cơ bản dưới mười lăm năm khi thành viên đó đến tuổi nghỉ hưu hợp pháp, thì thành viên đó có thể nhận bảo hiểm hưu trí cơ bản hàng tháng sau khi thành viên đóng góp đầy đủ các khoản được yêu cầu trong mười lăm năm.“

Tóm lại, không có luật nào được trích dẫn ở trên ngăn cấm người nhận lương hưu miễn là đáp ứng các yêu cầu về hưu trí.

Vi phạm pháp luật

Điều 80 của Luật Pháp chế quy định: “Hiệu lực của các quy tắc của địa phương cao hơn so với các quy định của chính quyền địa phương ở cấp độ tương ứng hoặc thấp hơn. Hiệu lực của các quy tắc do chính quyền nhân dân tỉnh hoặc khu tự trị cao hơn các quy định do chính quyền nhân dân của các thành phố tương đối lớn hơn trong phạm vi hành chính của tỉnh và khu tự trị.”

Vì lương hưu được quy định trong Hiến pháp, Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, và không có luật nào thu hồi việc phân phát lương hưu, nên việc tước bỏ lương hưu của công dân là trái pháp luật. Đúng là Bộ lao động và An sinh Xã hội đã ban hành chính sách năm 2019 với tiêu đề “Quy trình quản lý bảo hiểm y tế cơ bản cho người dân thành thị và nông thôn (QLBHYT)” kèm theo số văn bản 2019-84. Chính sách này đã trích dẫn một chính sách khác từ Bộ Lao động và An sinh Xã hội năm 2001 (số 200-44) và chính sách thứ ba vào năm 2003, tuy nhiên, không có chính sách nào có hiệu lực pháp luật. Do đó, việc VPLĐASXH sử dụng các chính sách đó làm cơ sở pháp lý để đình chỉ lương hưu của bà Ngô là bất hợp pháp.

Tiền lương hưu là sở hữu hợp pháp của nguyên đơn

Lương hưu dựa trên quan hệ hợp đồng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Cả hai người đều được yêu cầu đóng góp vào quỹ hưu trí, là một phần trong tổng gói bảo hiểm của người lao động (bao gồm cả lương thường xuyên và các quyền lợi ngoài luật định như lương hưu và bảo hiểm y tế). Sau khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu, quỹ hưu trí trở thành tài sản riêng của người lao động và được Hiến pháp bảo vệ.

Do đó, người sử dụng lao động nên rõ ràng rằng theo luật lương hưu luôn thuộc về người lao động mặc dù họ cũng đóng góp công sức. Sau khi nhân viên nghỉ hưu, tài khoản lương hưu của người đó được chuyển đến văn phòng an sinh xã hội địa phương của họ, nơi có vai trò duy nhất là làm người ủy thác để quản lý và phân phát quỹ lương hưu. Nói cách khác, người về hưu có quyền sở hữu lương hưu một cách hợp pháp, chứ không phải các văn phòng an sinh xã hội.

Do đó, việc phân phát lương hưu là nghĩa vụ pháp lý của cơ quan an sinh xã hội, không phải là ưu đãi mà họ cấp cho người về hưu. Trong trường hợp của bà Ngô, VPLĐASXH không có thẩm quyền dừng chi trả lương hưu của bà hoặc yêu cầu trả lại các khoản trợ lương hưu đã được phân phát. Hơn nữa, theo các luật như Luật Hôn nhân và Luật Thừa kế, lương hưu cũng được coi là tài sản cộng đồng thuộc sở hữu của cả vợ và chồng và có thể được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho người già và trẻ em trong gia đình. Do đó, việc tước bỏ lương hưu là bất hợp pháp và vô nhân đạo vì nó có thể gây nguy hại cho toàn bộ gia đình hoặc nhiều gia đình.

Mâu thuẫn với luật về trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự

Việc đình chỉ lương hưu của bất kỳ ai cũng là sai từ các khía cạnh trách nhiệm dân sự, hành chính và hình sự.

Về trách nhiệm dân sự, không có tranh chấp dân sự giữa nguyên đơn (bà Ngô) và bị đơn (VPLĐASXH). Nguyên đơn không nợ bị đơn bất kỳ khoản nợ nào, do đó có cơ sở pháp lý để yêu cầu trả lại tiền trợ cấp hưu trí đã được cấp. Ở một số khu vực, các văn phòng an sinh xã hội địa phương, tương tự như VPLĐASXH trong trường hợp của bà Ngô, đã dán nhãn các khoản trợ cấp hưu trí đã được cấp là “làm giàu bất chính” và đệ đơn kiện dân sự đối với những người về hưu. Những vụ kiện như vậy là vi phạm Luật Dân sự và Luật Tố tụng Dân sự vì “tội làm giàu bất chính” chỉ áp dụng cho các vụ kiện dân sự giữa hai bên tư nhân chứ không phải các vụ kiện do cơ quan chính quyền khởi kiện đối với một công dân.

Đối với trách nhiệm hành chính, mặc dù VPLĐASXH là một cơ quan chính quyền, nhưng vai trò của cơ quan này chỉ giới hạn trong chức năng ủy thác quản lý quỹ lương hưu của người về hưu. Bên cạnh việc thu các khoản đóng góp từ người sử dụng lao động và người lao động, cơ quan không có bất kỳ quyền hạn nào để sở hữu các quỹ hưu trí. Trên thực tế, không có luật hoặc thủ tục nào để VPLĐASXH xử phạt hành chính đối với bà Ngô theo Luật phạt Hành chính. Mặc dù bà Ngô đã nhận hình phạt hình sự là bị bỏ tù, nhưng đây không phải là một hình phạt hành chính, và chủ thể quyết định và thực hiện hình phạt tù giam cũng không phải là VPLĐASXH.

Dưới góc độ trách nhiệm hình sự, đình chỉ lương hưu không phải là hình phạt dành cho những người phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo luật hình sự của Trung Quốc, hình phạt hình sự bao gồm tước bỏ quyền tự do cá nhân (chẳng hạn như tử hình, tù chung thân, tù có thời hạn, giam giữ, giám sát), tước quyền chính trị và hình phạt tài chính (phạt tiền hoặc tịch thu tài sản). Hơn nữa, các hình phạt này phải được cụ thể hóa trong các bản án hình sự do tòa án ban hành và các cơ quan luật định thực hiện. Trong trường hợp của bà Ngô, VPLĐASXH không có cơ sở pháp lý hoặc phán quyết của tòa án để đình chỉ lương hưu của bà. Thêm vào đó, ngay cả khi một hình phạt tài chính được áp dụng theo lệnh của tòa án, hình phạt cũng không thể liên quan đến việc tước bỏ tiền trợ cấp hưu trí cùng một lúc; nếu không, hình phạt sẽ vi phạm nguyên tắc “không được có hai hình phạt cho một tội phạm.” Thêm vào đó, lương hưu được nhận hợp pháp và không thể bị tịch thu.

Vi phạm Luật nhà tù

Điều 38 của Luật Nhà tù quy định: “Một người được trả tự do sau khi chấp hành xong bản án của mình sẽ được hưởng các quyền bình đẳng với các công dân khác theo quy định của pháp luật.”

Vào tháng 8 năm 2020, không có thông báo, VPLĐASXH đã đình chỉ lương hưu của bà Ngô và chưa khôi phục lại vào thời điểm viết bài. Điều này đã vi phạm Hiến pháp và Luật Nhà tù. Như đã chỉ ra trước đó, VPLĐASXH đã trích dẫn và lấy làm cơ sở pháp lý các chính sách do Bộ lao động và An sinh xã hội ban hành. Nhưng những chính sách đó mâu thuẫn với Hiến pháp và các luật khác nhau. Do đó, VPLĐASXH nên khôi phục lại lương hưu của bà Ngô và hoàn trả, bao gồm cả việc điều chỉnh chi phí sinh hoạt.

Vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội

Theo Điều 7 Luật Bảo hiểm xã hội: “Cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội của chính quyền nhân dân địa phương ở cấp quận huyện trở lên chịu trách nhiệm quản lý bảo hiểm xã hội trong khu vực hành chính của mình. Bất kỳ bộ phận nào khác có liên quan của Chính quyền nhân dân địa phương ở cấp quận hoặc cao hơn sẽ phụ trách các vấn đề về bảo hiểm xã hội trong phạm vi trách nhiệm của mình.”

Điều 89 của luật này quy định: “Khi cơ quan bảo hiểm xã hội và nhân viên của cơ quan có hành vi vi phạm nằm trong danh sách sau đây thì cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội sẽ ra lệnh chấn chỉnh. Khi gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động hoặc cá nhân thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp và người chịu trách nhiệm trực tiếp khác sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

(1) Không thực hiện các chức năng theo luật định của BHXH;

(2) Không nộp quỹ bảo hiểm xã hội vào tài khoản tài chính chuyên dùng;

(3) Nộp thiếu hoặc không trả đúng hạn nghĩa vụ hưởng bảo hiểm xã hội; ”

Ngoài ra, Điều 93 quy định: “Cán bộ công chức lạm quyền, bỏ mặc nhiệm vụ, gian dối để trục lợi sẽ bị xử phạt theo pháp luật”.

Hơn nữa, Điều 60 của Luật Cán bộ công chức sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1 tháng 6 năm 2019, đã quy định những công chức thực hiện các quyết định, mệnh lệnh rõ ràng là trái pháp luật phải chịu trách nhiệm tương ứng.

Ủng hộ lẽ phải

Ngoài các khía cạnh pháp lý được đề cập ở trên, bà Ngô cũng chia sẻ cách Pháp Luân Công đã mang lại cho bà một sức khỏe tốt và tiết kiệm tiền cho người chủ của bà và chính quyền về chi phí y tế. Bằng cách tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, bà cũng trở thành một người tốt bụng và quan tâm đến người khác. Nhưng án tù oan sai không chỉ tước đi 10 năm tự do cá nhân của bà – 8 năm tù giam và 2 năm trong trại tạm giam, mà còn khiến bà chịu tổn thất lớn về tài chính.

Mặc dù chính sách bức hại đến từ cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân, nhưng những quan chức ĐCSTQ mù quáng tuân theo mệnh lệnh cũng sẽ phải đối mặt với hậu quả, cả trước pháp luật và từ góc độ đạo đức.

Từ xa xưa, văn hóa truyền thống của Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Nói cách khác, những người ủng hộ lẽ phải và người vô tội sẽ nhận được phước lành, trong khi những người tiếp tay cho kẻ xấu làm hại người sẽ phải chịu báo ứng. Có rất nhiều ví dụ như vậy từ những tội phạm chiến tranh trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Tình huống tương tự cũng xảy ra ở Trung Quốc. Sau mỗi chiến dịch chính trị như Cách mạng Văn hóa, ĐCSTQ thường xử tội một số thủ phạm chính để xoa dịu sự tức giận của công chúng nhằm duy trì quyền lực của mình. Điều này cũng có thể xảy ra với những ai bức hại Pháp Luân Công ngày nay. Hơn nữa, một số lượng lớn các quan chức liên quan đến cuộc bức hại, chẳng hạn như Zhao Chuanjun và Zhu Zufeng, cựu cảnh sát trưởng của huyện Lâm Lễ, đã phải đối mặt với hậu quả.

Chúng tôi chân thành hy vọng tất cả mọi người có một cuộc sống an toàn và khỏe mạnh. Bằng cách hành động theo lương tâm của mình, chúng ta có thể đạt được điều đó để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho chúng ta và gia đình.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/18/434990.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/27/197172.html

Đăng ngày 30-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share