Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 17-12-2022] Ông Mạnh Kim Thành ở thành phố Tuân Hoá, tỉnh Hà Bắc đã bị bắt vào tháng 11 năm 2002 khi đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Ông đã bị tù nhân đánh đập đến chết vào ngày 7 tháng 7 năm 2003, ngày mà ông bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Hà Hoa Khanh. Khi đó ông chỉ mới 50 tuổi.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

2022-12-16-mengjincheng.jpg

Ông Mạnh Kim Thành

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 7 tháng 7 năm 2003, ông Mạnh vẫn rất khoẻ mạnh khi bị đưa đến trại lao động. Vương Ngọc Lâm, phó giám đốc trại lao động, đã đưa ông đến đội 6 để làm thủ tập nhập trại. Vương ra lệnh cho ông Mạnh phải thừa nhận rằng “Pháp Luân Công là tà giáo”, nhưng ông Mạnh từ chối nên đã bị 8 tù nhân đánh đập. Vương đứng bên ngoài cửa nhìn một hồi rồi rời đi.

Trong khi ông Mạnh đang bị đánh đập, một số tù nhân đã nghe thấy tiếng la hét của ông.

2018-12-29-torture-duda--ss.jpg

Minh hoạ tra tấn: Đánh đập

Vào buổi chiều, ông Mạnh bị ngã ngửa ra và ngất đi. Ban đầu lính canh đưa ông đến bệnh viện của trại lao động. Khi bác sỹ ở đó không thể chữa trị, lính canh lập tức đưa ông đến Bệnh viện Công nhân thành phố Đường Sơn, cuối cùng, ông đã qua đời.

Trại lao động đã ngụy tạo tài liệu để che đậy tội ác này, tuyên bố ông Mạnh qua đời vì bệnh tật và họ đã kịp thời cấp cứu cho ông.

Một lính canh tuyên bố: “Chúng ta không sợ phải chịu trách nhiệm. Hằng năm đều có người (học viên Pháp Luân Công) bị tra tấn đến chết ở đây, nhưng đã có ai trong chúng ta phải chịu trách nhiệm chưa?”

Thi thể ông Mạnh bị thiêu vài ngày sau đó. Cao Khắc Ái, một trong những tù nhân tham gia vụ đánh đập, đã được thả ra sớm 8 tháng trước hạn. Một tù nhân khác là Hoàng Vĩnh Tân đã được thăng chức làm tù nhân trưởng, chịu trách nhiệm tra tấn các học viên Pháp Luân Công.

Sau đây là những lời chứng của một số nhân chứng mà Minghui.org đã thu thập được, nói chi tiết về cái chết bi thảm của ông Mạnh. Để bảo vệ thân phận của họ, các tên dưới đây đều là hóa danh.

Nhân chứng 1

Tôi tên là Đại Hải. Vào lúc 10 giờ sáng ngày 7 tháng 7 năm 2003, tôi hay tin một học viên Pháp Luân Công bị đưa đến. Ông ấy người Tuân Hoá. Không lâu sau đó, tôi nghe thấy tiếng người chửi bởi và đánh đập ông ấy.

Chừng nửa tiếng sau, người bị đánh đập được đưa vào phòng học. Ngay khi vào phòng, ông ấy ngã xuống gần một cái giá dùng để chụp hình. Nhiều tù nhân đi theo sau ông ấy vào phòng, dẫn đầu là tù nhân Hoàng Vĩnh Tân.

Họ ra lệnh cho ông ấy đứng yên (không được cử động) nhưng ông không thể. Sau đó họ bảo ông ngồi ra phía sau. Tôi nhìn ông ấy thì thấy mặt ông ấy vàng vọt, tái nhợt. Hai mắt trợn tròn, miệng cũng há to và thở hổn hển vì rất đau đớn. Không lâu sau, ông ấy lại bị ngã, và lần này là ngã ngửa ra sau và bất tỉnh. Một tù nhân báo cáo sự việc với lính canh và họ đã đưa ông ấy ra ngoài.

Sau đó tôi biết rằng người này tên là Mạnh Kim Thành. Ông ấy đã được đưa đến bệnh viện để cấp cứu nhưng cuối cùng vẫn không qua khỏi. Lính canh ra lệnh cho tù nhân Lô Giang viết một bản tường trình giả về cái chết của ông. Lô, Bàng Khai Ngọc, Trần Phúc và Thường Phúc Hải đã ký tên vào bản tường trình này.

Nhân chứng 2

Tôi tên là Dân Tử. Một học viên Pháp Luân Công ở Tuân Hoá đã được đưa đến đây lúc 10 giờ sáng ngày 7 tháng 7 năm 2003. Không lâu sau đó, tôi nghe thấy tiếng ông ấy bị đánh đập và mắng chửi. Khoảng nửa giờ sau, ông ấy được đưa vào phòng học. Sau đó tôi nghe thấy tiếng ông ấy bị ngã ra sàn. Họ dựng ông ấy dậy và để dựa vào tường và bảo ông ấy đứng lên. Ông ấy không thể và vẫn đổ sụp xuống. Họ đã dội một xô nước lên người ông ấy nhưng ông ấy vẫn không tỉnh lại.

Nhân chứng 3

Tôi là Nhị Sơn. Sau khi ông Mạnh Kim Thành bị đưa đến trại lao động lúc 10 giờ sáng ngày 7 tháng 7 năm 2003, vì từ chối ký vào một bản tuyên bố gán nhãn Pháp Luân Công là “tà giáo”, ông đã bị tù nhân đánh đập dưới sự chỉ đạo của Hoàng Vĩnh Tân. Ông Mạnh yếu đến nỗi không thể đứng dậy và Hoàng đã dội nước lạnh lên đầu ông.

Sau bữa trưa, mặt ông Mạnh tái nhợt và ông thở dốc. Tù nhân Lô Giang nói với ông: “Bảo ông ký thì ông ký đi, tránh khỏi bị đánh đập”. Sau đó Lô hỏi ông Mạnh: “Ông vẫn tu luyện chứ?” Ông Mạnh trả lời: “Đúng vậy”. Ông Mạnh lại ngất đi vào khoảng 3 giờ chiều. Lô đã báo cáo với lính canh và đưa ông Mạnh đến bệnh viện để cấp cứu. Bác sỹ đã không thể cứu sống ông ấy và ông ấy đã qua đời.

Nhân chứng 4

Tôi là Khuê Vĩ. Vào ngày 7 tháng 7 năm 2003, những học viên Pháp Luân Công bị giam trong trại lao động mà từ chối “chuyển hóa” sẽ bị quản lý nghiêm ngặt trong phòng học. Khoảng 10 giờ sáng, chúng tôi nghe các tù nhân nói rằng có một học viên mới bị đưa đến đây. Không lâu sau, tôi nghe nói gười này đang bị đánh đập và chửi rủa. Khoảng 10 phút sau, tôi nghe thấy một tiếng hét thất thanh và sau đó im bặt. Tôi nghĩ rằng có lẽ ông ấy bị ngất đi do bị đánh đập. Sau đó một tù nhân quát ông ấy: “Ông dám giả chết à!”

Một hồi sau, tôi nghe thấy tiếng bước chân của nhiều người đang đi đến. Vì tôi không được quay đầu, nên chỉ có thể liếc mắt nhìn và thấy một người đang đi vào phòng học. Hoàng Vĩnh Tân đánh ông ấy từ phía sau khiến ông ấy ngã xuống.

Trong lúc ăn trưa, tôi nhân cơ hội nhìn kỹ người đó một chút và đã bị sốc. Hai mắt ông ấy trợn tròn, miệng cũng há to vì ông ấy đang khó thở và mặt ông tái nhợt. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông Mạnh Kim Thành.

Nhân chứng 5

Tôi là Đông Xuyên. Khoảng 3 giờ chiều ngày 7 tháng 7 năm 2003, khi đang đóng gói đũa ở đội 5, tôi nhìn qua cửa sổ ở phía bắc thì thấy nhiều người đang đẩy một chiếc xe ba bánh về hướng toà nhà phía bắc, có một người đang nằm trên xe. Trong số họ tôi nhận ra Lưu Nhữ Giang và Trần Phúc, còn có một người rất cao và gầy nhưng tôi không biết tên.

Tại lối ra vào toà nhà, Trần Phúc và người dáng cao gầy kia khiêng người trên xe vào bên trong, có lẽ đó là bệnh viện. Chỉ một lát liền thấy họ trở ra. Sau đó một chiếc xe van đi đến và đợi ở bên ngoài toà nhà. Vương Ngọc Lâm cũng lái xe máy đến với một mảnh giấy cầm trên tay. Trần và người dáng cao gầy kia khiêng người đó ra ngoài, đặt ông ấy lên bãi cỏ dưới một cái gốc cây, và sau đó khiêng vào trong xe tải. Sau khi tôi bị chuyển đến đội 6, tôi mới biết rằng người bị khiêng đi đó là ông Mạnh Kim Thành.

Nhân chứng 6

Tôi là Chu Văn. Vào khoảng 9 giờ 30 sáng ngày 7 tháng 7 năm 2003, tôi nghe tin một học viên Pháp Luân Công mới bị đưa đến trại lao động. Sau đó tôi biết tên ông ấy là Mạnh Kim Thành. Tù nhân Lý Hải Hà đã đưa ông Mạnh đến phòng trực để làm thủ tục nhập trại. Tất cả học viên Pháp Luân Công đều bị yêu cầu phải điền hai từ “tà giáo” vào một cột trong bảng đăng ký thông tin cá nhân của họ, nhưng ông Mạnh từ chối.

Không lâu sau, tôi nghe tiếng ông Mạnh bị đánh đập và tiếng hét thê thảm của ông. Ai đó quát ông: “Ông có viết hay không?” Sau đó ông Mạnh bị đưa đến phòng học và ông ngã ngửa ra sau chỗ gần giá chụp hình. Hoàng Vĩnh Tân đã ra lệnh cho các tù nhân khác đem ông lên phía trước và ra lệnh cho ông phải đứng yên. Ông Mạnh không thể duy trì thăng bằng và ngã lăn ra hôn mê.

Sau khi chúng tôi quay trở lại phòng giam vào tối ngày 11 tháng 7, khoảng 9 giờ 30 phút tối tôi nghe Lý Hải Hà nói nhỏ với Hoàng Vĩnh Tân: “Mạnh Kim Thành chết rồi.”

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/17/453216.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/12/18/205243.html

Đăng ngày 12-01-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share