Bài viết của Lâm Yến

[MINH HUỆ 07-07-2022] Trong bài báo “Bác sỹ sát thủ của Trung Quốc” (China’s Killer Doctors) đăng trên tạp chí Tabletngày 27 tháng 6 năm 2022, bác sỹ phẫu thuật ghép tạng người Israel Jacob Lavee nhớ lại cuộc trò chuyện ớn lạnh với một bệnh nhân vào tháng 11 năm 2005.

Theo bác sỹ Lavee, bệnh nhân này bị suy tim giai đoạn cuối và được lên lịch ghép tim ở Trung Quốc trong hai tuần sau một năm chờ tìm nội tạng phù hợp ở Israel.

Bất chấp sự hoài nghi của bác sỹ Lavee về “việc hiến tim mà lại có thể hẹn lịch”, bệnh nhân này vẫn đến Trung Quốc để được ghép tim theo thời gian được hẹn.”

Sự việc này cuối cùng đã thôi thúc bác sỹ Lavee tìm hiểu về hệ thống cấy ghép ở Trung Quốc và đưa ra phát hiện gây sốc rằng các bác sỹ Trung Quốc lấy nội tạng từ người sống. Ba năm sau, ông là người tiên phong vận động ban hành đạo luật cấy ghép ở Israel, trong đó cấm các công ty bảo hiểm Israel chi trả bảo hiểm cho những bệnh nhân nhận “nội tạng bất hợp pháp” ở Trung Quốc.

Ngày 2 tháng 4 năm 2022, bác sỹ Lavee và ông Matthew P. Robertson từ Đại học Quốc gia Úc đã xuất bản một bài báo có tiêu đề “Hành quyết dưới hình thức mua bán nội tạng: Vi phạm nguyên tắc hiến tạng của người chết tại Trung Quốc” (Execution by organ procurement: Breaching the dead donor rule in China)trên Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ (American Journal of Transplantation, AJT), trong đó trình bày các phát hiện của nghiên cứu về nạn thu hoạch nội tạng sống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Bài báo của AJT đã đối chứng 2.838 bài báo từ cơ sở dữ liệu gồm 124.770 ấn phẩm cấy ghép bằng tiếng Trung và tìm thấy “bằng chứng trong 71 trong số các báo cáo này, bao phủ trên toàn quốc, rằng các trường hợp chết não chưa được khai báo đầy đủ.”

“Từ những báo cáo này, chúng tôi suy luận rằng đã xảy ra tình trạng vi phạm quy tắc DDR (quy tắc người hiến tặng đã chết): Vì người hiến tặng không thể bị chết não trước khi xảy ra việc thu mua nội tạng, nên việc tuyên bố về cái chết não là không có cơ sở về mặt y tế. Theo đó, trong những trường hợp này, cái chết hẳn phải do các bác sỹ phẫu thuật lấy nội tạng gây ra”, bài báo kết luận.

Lời thú nhận của chính bác sỹ

Trong bài báo mới “Các bác sỹ sát thủ của Trung Quốc” trên Tablet, cả bác sỹ Lavee và ông Robertson đã trình bày chi tiết quá trình nghiên cứu của họ và nêu bật các bằng chứng đã được ghi lại trong bài báo AJT.

Họ lưu ý rằng hệ thống cấy ghép nội tạng của Trung Quốc bắt đầu mở rộng nhanh chóng vào năm 2000, từ đào tạo hàng nghìn bác sỹ mới, xây dựng các tòa nhà bệnh viện mới dành riêng cho hoạt động cấy ghép, hồ sơ bằng sáng chế về công nghệ cấy ghép mới, cho đến hoạt động sản xuất thuốc ức chế miễn dịch trong nước.

Với sự phát triển nhanh chóng như vậy, một bác sỹ phẫu thuật hàng đầu phát biểu với truyền thông Trung Quốc rằng “Năm 2000 là một năm bước ngặt của ngành cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc”. Một người khác cho biết số lượng bệnh viện thực hiện ghép gan sau năm 2000 “tăng đột biến — như tre mọc sau mưa”, theo bài báo trên Tablet.

Tuy nhiên, tất cả những thay đổi đã xảy ra cho dù Trung Quốc không có hệ thống hiến tạng. Mặc dù một số quan chức y tế Trung Quốc cho rằng tử tù là nguồn tạng chính, nhưng số ca cấy ghép vẫn tiếp tục tăng sau khi số vụ hành quyết giảm mạnh do những cải cách lớn trong hệ thống tử hình vào năm 2007.

Năm 2015, Tưởng Ngạn Vĩnh, một bác sỹ quân y Trung Quốc, đã thừa nhận với truyền thông ở Hồng Kông rằng các bác sỹ Trung Quốc “sẽ bắn tù nhân sao cho họ chưa chết hoàn toàn … sau đó nhanh chóng lôi họ vào xe tải và mổ lấy gan ra.”

“Tù nhân bị mổ lấy tim để cấy ghép có phải đã chết hẳn?”

Trong khi các nhà nghiên cứu khác đã chứng minh rằng các học viên Pháp Luân Công và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ là hai nhóm đối tượng chính của nạn thu hoạch nội tạng, Lavee và Robertson vẫn đặt câu hỏi liệu những người hiến tặng đã thực sự chết khi các bác sỹ mổ lấy tim của họ hay chưa.

Như bài báo trên Tablet đã chỉ ra: “Để một người hiến tạng chết về mặt y tế và hợp pháp, trước tiên phải tuyên bố não hay hệ tuần hoàn của họ đã chết. Chết não là mọi chức năng của não, kể cả hô hấp, đã ngừng vĩnh viễn và không thể hồi phục. Miễn là còn giữ ống thông khí để duy trì sự sống nhân tạo ở những bệnh nhân như vậy, thì tim vẫn tiếp tục đập thêm một thời gian ngắn nữa, nhờ đó có thể giữ cho các nội tạng chính duy trì sự sống và thích hợp cho việc cấy ghép.”

“Đây là vấn đề trọng tâm, bởi nếu người hiến tặng là tù nhân ở Trung Quốc thực sự đã chết não vào thời điểm đó, thì việc mổ tim sẽ không phải là nguyên nhân gây ra cái chết. Nhưng nếu tuyên bố chết não là giả – đúng ra là không thể về mặt y tế – thì việc mua tim tất phải là nguyên nhân gây ra cái chết. Nói cách khác, tù nhân vẫn còn sống tại thời điểm mổ lấy tim và các bác sỹ phẫu thuật chính là kẻ hành quyết.”

Để đáp án cho vấn đề này, họ đã tìm kiếm trong 120.000 ấn phẩm y học bằng tiếng Trung trong cả cơ sở dữ liệu học thuật lẫn y tế từ những năm 1950 đến cuối năm 2020, trong đó sử dụng các từ khóa như “脑 死亡 后 立即 气管 内 插管 给氧” (lập tức đặt nội khí quản ngay sau khi chết não) và “供 体 大脑 死亡 后, 首先 分秒必争 地 建立 呼吸 与 静脉 通道” (cấp tốc thông đường hô hấp và tĩnh mạch ngay sau khi người hiến tặng chết não).

Trong phát hiện của họ, có 71 nghiên cứu được công bố từ năm 1980 đến năm 2015, với 56 bệnh viện, trong đó có 12 bệnh viện quân đội ở 33 thành phố trong 15 tỉnh. Những nghiên cứu này chỉ ra rằng cái chết não không được công bố chính xác trước khi mổ tim. Do đó, chính việc cấy ghép mới là nguyên nhân dẫn đến cái chết của người hiến tặng.

Bác sỹ Lavee và ông Robertson đã trích dẫn một nghiên cứu như vậy (họ mã hóa là tài liệu 0191) trong phần phụ lục của bài báo AJT. Nghiên cứu này cho hay vị bác sỹ phẫu thuật Trung Quốc tham gia vào ca cấy ghép này đã nói rất rõ rằng tim của nạn nhân vẫn còn đập trước khi họ tiến hành cắt bỏ. “Người hiến đã được tiêm heparin 3mg/kg vào tĩnh mạch 1 giờ trước khi mổ… Tim đập yếu và cơ tim tím tái. Sau khi được hỗ trợ thông khí bằng thủ thuật đặt nội khí quản, cơ tim đỏ lên và nhịp tim đập mạnh lên… Tim của người hiến tặng được lấy ra bằng một vết rạch từ xương ức thứ 4… Đường mổ này là một lựa chọn tốt cho phẫu thuật tại chỗ vì không thể cưa mở xương ức ở nơi không có nguồn điện.”

Trong một nghiên cứu khác mà hai ông Lavee và Robertson mã hóa là tài liệu 0173, một bác sỹ phẫu thuật Trung Quốc khác thừa nhận rằng nạn nhân vẫn còn thở và không được đặt nội khí quản. “Trước khi mở lồng ngực, 100mg heparin được tiêm vào và mặt nạ được điều áp để cung cấp oxy hỗ trợ hô hấp.”

Nghiên cứu thứ ba được mã hóa là tài liệu 0463 cho biết một bác sỹ phẫu thuật đã tiết lộ một chi tiết quan trọng: “Sau khi người hiến được xác nhận đã chết não, bốn trường hợp được đặt nội khí quản, ba trường hợp thở oxy qua mặt nạ, đã nhanh chóng được hô hấp nhân tạo, nhanh chóng giải phẫu lồng ngực trung thất…” Nạn nhân đã chết thì không thể tự thở nên mặt nạ (oxy) cũng không cần thiết. Khi bác sỹ phẫu thuật vẫn sử dụng mặt nạ (oxy) trên các nạn nhân, thì khả năng duy nhất là họ vẫn còn thở và còn sống.

Không bao giờ nữa

Ông Lavee và Robertson viết ở cuối bài báo trên Tablet, “Tội ác chống lại loài người của Trung Quốc — những vụ hành quyết hàng loạt bởi các bác sỹ lấy nội tạng — đã được thực hiện một cách bí mật dưới ánh đèn của các phòng phẫu thuật, bởi vậy mấy chục năm qua khó mà phát hiện được. Sự im lặng trên toàn cầu đối với những tội ác này là vô lương tâm — những tội ác tương tự như tội ác của các bác sỹ Đức Quốc xã đang lặp lại trước mắt chúng ta, nhưng thế giới vẫn yên lặng. Đã đến lúc các nhà khoa học, bác sỹ phương Tây và phần còn lại của nhân loại tái khẳng định tính tôn nghiêm của lời thề Hippocrate và trả lại ý nghĩa cho khẩu hiệu của người Do Thái sau vụ thảm sát Holocaust: ‘Không bao giờ nữa’.”

Ngày 28 tháng 6 năm 2022, Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Tom Cotton đã tweet bài báo này. Ông viết: “Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn thu hoạch nội tạng từ các nhóm tôn giáo bị bức hại, tù nhân lương tâm và tù nhân. @ChrisCoons và tôi đã ban hành luật để truy cứu trách nhiệm của ĐCSTQ về những tội ác tày trời này.”

Đạo luật mà Thượng nghị sỹ Cotton nhắc đến là “Đạo luật Chấm dứt Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng 2021” (Stop Forced Organ Harvesting Act of 2021) do Thượng viện đưa ra vào tháng 3 năm 2021. Cho đến nay, đạo luật này đã được có 15 người ủng hộ lưỡng đảng và đang chờ thêm hành động Thượng viện.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/7/7/445906.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/9/202172.html

Đăng ngày 11-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share