Bài viết của Vương Anh, phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 10-06-2022] Trong một bài báo ngày 27 tháng 5 với tiêu đề “Liệu khoa học Anh có hỗ trợ và tiếp tay cho hành vi buôn bán nội tạng người của Trung Quốc không?” Tờ Telegraph, một tờ nhật báo quốc gia của Anh, đã xem xét thực tế kinh hoàng của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.
Phóng viên cấp cao Henry Bodkin viết: “Thị trường cưỡng bức thu hoạch nội tạng rất béo bở và một số chuyên gia phương Tây nghi ngờ rằng họ đã vô tình tiếp tay cho hệ thống y tế này.“
Ông cho biết, vào đầu những năm 2000, Trung Quốc đã có bước nhảy vọt, từ một nước đi sau thành nước dẫn đầu trong công nghệ cấy ghép. Trích dẫn thông tin từ Wayne Jordash QC, người sáng lập Tổ chức Tuân thủ Quyền Toàn cầu, bài báo cho hay các bệnh viện cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc đã tăng gấp ba lần trong vòng 4 năm: “Số ca ghép thận tăng 510%, ghép gan tăng 1.820%, ghép tim tăng 1.100%, và ghép phổi tăng 2.450%.”
Vấn đề ở chỗ tất cả những điều này đã xảy ra khi không có hệ thống hiến tạng tự nguyện. Người ta ước tính rằng ít nhất hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công đã trở thành nạn nhân của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Lời khai của nhân chứng
Bà Annie Yang, 59 tuổi, là một phiên dịch làm việc tại London. Khi còn ở Trung Quốc, bà đã bị giam trong một trại lao động bên ngoài Bắc Kinh từ tháng 3 năm 2005 đến tháng 9 năm 2006, vì tu luyện Pháp Luân Công. Ngoài việc phải lao động 20 giờ mỗi ngày, bà và các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ khác còn bị tra tấn hết lần này đến lần khác.
Và cứ sau vài tuần, bà Yang và các học viên bị giam giữ khác lại bị đưa đến bệnh viện cảnh sát gần đó. “Ở đó, họ đã trải qua một loạt các cuộc kiểm tra sức khỏe toàn diện: chụp cắt lớp, xét nghiệm máu, chụp X-quang .v.v..” Bài báo viết, “Tại sao một chế độ tra tấn người ta một cách dã man lại có vẻ quan tâm đến sức khỏe của họ?”
Bà Yang không hiểu điều đó cho đến khi bà trốn sang Anh và đọc được các báo cáo về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc, bà mới kinh hãi nhận ra. “Toàn thân tôi run lên – tôi có thể là một trong số họ,” bà nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Telegraph. Nhưng bà không biết có bao nhiêu bạn tù vẫn còn sống dưới hệ thống cưỡng bức cấy ghép nội tạng do nhà nước bảo trợ ở Trung Quốc này.
Hai năm trước, bà Yang đã làm chứng tại Tòa án Luận tội Trung Quốc dưới sự chủ trì của Ngài Geoffrey Nice QC, cựu công tố viên chính trong vụ xét xử Slobodan Milošević. Tòa án cũng kết luận rằng, “Các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung chính cho hệ thống cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Một nhân chứng khác là cựu bác sỹ phẫu thuật Enver Tohti ở Trung Quốc, hiện là tài xế Uber tại London. Ông được lệnh phải “cắt sâu và thao tác thật nhanh” khi mổ lấy nội tạng của các tù nhân chính trị trong khi họ vẫn còn sống. Ngoài ra, 8 báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc cũng xác nhận điều này cùng các bằng chứng khác là “những dấu hiệu đáng tin cậy về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng.”
“Nói thẳng ra là, nạn nhân bị giết theo yêu cầu, cơ thể của họ bị mổ ra để lấy gan, tim, thận và phổi, thậm chí cả giác mạc. Sau đó, nội tạng của họ được bán trên thị trường quốc tế với lợi nhuận béo bở,” bài báo viết,“ Thận có giá từ 50.000 đến 120.000 USD, và tuyến tụy có giá từ 110.000 đến 140.000 USD.”
Phù hợp với những phát hiện này, “các chuyên gia cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng ngày càng sẵn sàng cho phép các thí nghiệm khoa học trên các tù nhân chính trị, điều này không khác gì những hành vi đen tối nhất của các trại tập trung của Đức Quốc xã,” bài báo giải thích.
Các nước phương Tây đã thực hiện các biện pháp để hạn chế nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Vào tháng trước, một dự luật của chính phủ đã được thông qua trong đó có nội dung cấm công dân Anh đi du lịch nước ngoài để mua nội tạng.
Mối liên hệ với công nghệ phương Tây
Cưỡng bức thu hoạch nội tạng không phải là vấn đề chỉ liên quan đến Trung Quốc. “Các bác sỹ nổi tiếng của phương Tây đang bắt đầu nhìn lại và cảm thấy khó chịu về những thập kỷ “cam kết mang tính xây dựng” với các cơ sở y tế Trung Quốc – những chuyến đi được đài thọ toàn bộ chi phí để đến giảng cho các bác sỹ phẫu thuật non trẻ của Trung Quốc, và những thỏa thuận đem lại lợi nhuận trong việc đào tạo hàng loạt bác sỹ phẫu thuật người Trung Quốc tại phương Tây,” bài báo viết.
Tháng 10 năm ngoái, Giáo sư Russell Strong, một bác sỹ cấy ghép người Úc nổi tiếng thế giới, đã kêu gọi, “cấm tất cả các bác sỹ phẫu thuật Trung Quốc đến các bệnh viện phương Tây để ngăn họ sử dụng các kỹ năng mà họ học được trong thị trường thu hoạch nội tạng.”
“Tất cả điều này ngụ ý một câu hỏi đáng lo ngại. Cụ thể là, phương Tây đã hỗ trợ và tiếp tay cho ngành thu hoạch nội tạng của Trung Quốc? ” bài báo giải thích, “Hoặc, nói một cách nhân văn hơn, nếu bà Yang phải ở lại Bắc Kinh để bị cắt đi trái tim tươi của mình, thì bị bác sỹ phẫu thuật đó có thể đã được đào tạo từ một trường đại học của Anh, hoặc thậm chí là NHS (Dịch vụ Y tế Quốc gia)?”
Chuỗi cung ứng
Có một thực tế rõ ràng là nhu cầu nội tạng toàn cầu vượt xa nguồn cung hợp pháp. Giáo sư Martin Elliott từ Bệnh viện Great Ormond Street ở London cho biết nội tạng thường được tìm kiếm một cách ráo riết. Điều này dẫn đến một thị trường du lịch nội tạng trị giá khoảng 1,7 tỷ đô la mỗi năm. Một phụ nữ Nhật Bản thậm chí đã trả 5 triệu đô la cho một lá gan, bài báo cho biết.
Những “đại lý” cấy ghép này có sẵn ở nhiều quốc gia và các công ty bảo hiểm y tế ở Israel thậm chí còn giúp cho khách hàng tìm kiếm những đại lý như thế ở Trung Quốc. Mặc dù những hỗ trợ như vậy có thể hiểu được, nhưng “điều chưa rõ ràng đối với những người quan sát thông thường là làm cách nào trong một vài thập kỷ ngắn ngủi mà Trung Quốc có thể trở thành trung tâm cấy ghép nội tạng của thế giới.”
Ông Wayne Jordash QC, người sáng lập Tổ chức Tuân thủ Quyền Toàn cầu, đã cố gắng tìm ra câu trả lời. Ông cho biết: “Vào đầu những năm 2000, CHND Trung Hoa đã chuyển mình từ một quốc gia đi sau trở thành dẫn đầu về công nghệ cấy ghép. “Công dân Trung Quốc và du khách đến Trung Quốc để cấy ghép được báo cáo là có thể nhận được cơ quan tạng phù hợp trong vòng vài tuần hoặc vài tháng, trong khi ở các quốc gia khác bệnh nhân có thể phải đợi đến hàng năm mặc dù hệ thống hiến tặng nội tạng ở đó đã được thiết lập tốt.”
Câu hỏi tiếp theo là nguồn cung dồi dào của các cơ quan tạng này. Năm 2009, chính quyền Trung Quốc cho biết 2/3 nội tạng dùng để cấy ghép được lấy từ các tử tù, và các tù nhân đã đồng ý hiến tạng trước khi bị hành quyết. “Nhưng con số này chắc chắn là không đúng. Kể từ năm 2000, số vụ thi hành án tử hình đã giảm, trong khi số ca cấy ghép lại tăng theo cấp số nhân,” bài báo giải thích.
Đó là lý do tại sao người ta nghi ngờ rằng nguồn tạng đến từ học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại tàn khốc. “Năm 1999, ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công. Sau đó, các vụ bắt bớ hàng loạt đã diễn ra và các học viên Pháp Luân Công trở thành nạn nhân của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, ước tính một cách khiêm tốn, con số đã lên đến hàng trăm nghìn người“, bài báo viết,” Theo Tòa án Luận tội Trung Quốc của Ngài Geoffrey Nice, từ năm 2000 đến năm 2014, khoảng 60.000 đến 100.000 ca cấy ghép đã được thực hiện mỗi năm và các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung cấp nội tạng chủ yếu.”
Vài năm sau khi nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng bị phanh phui, năm 2010, Trung Quốc cho biết hoạt động mua bán nội tạng từ các tù nhân bị tử hình sẽ chấm dứt vào năm 2015 và được thay thế bằng hiến tặng tự nguyện. “Nhưng các chuyên gia không hề tin điều đó. Họ chỉ ra rằng số lượng nội tạng được sử dụng để cấy ghép ở Trung Quốc vượt xa những gì có thể thu được từ hệ thống hiến tặng tự nguyện,” bài báo viết.
Phương hướng
“Điều đáng xấu hổ là mặc dù tôi đã dành cả đời cho việc cấy ghép, nhưng tôi hoàn toàn không biết về những hoạt động như thế, vốn bản thân nó có vấn đề,” ông Elliott nhận xét, “Bạn thường được mời đến [Trung Quốc], có thể là để thuyết trình, có thể là để giảng dạy, có thể để thực hiện cấy ghép, và bạn chỉ nhìn thấy phần hạn hẹp của những gì bạn được phép xem.“
Điều này xảy ra trên quy mô lớn. “Điều quan trọng là phải biết có nhiều tổ chức, thường là với mục đích tốt, đang kiếm tiền và thu được lợi ích từ các mối quan hệ có lợi cho cả hai bên với các quốc gia như Trung Quốc,” ông Elliott nói.
Tiến sỹ Julian Sheather, cố vấn đặc biệt của Hiệp hội Y khoa Anh (BMA), cho biết, “Không có nghi ngờ gì rằng những hoạt động này là một sự phỉ báng y đức.” Liên quan đến các công nghệ phương Tây, những người ủng hộ đang mong chờ các đạo luật “có thể đóng vai trò như một biện pháp ngăn chặn chống lại sự đồng lõa vô tình vào việc thu hoạch nội tạng của các công ty và tổ chức phương Tây.”
“Học thuyết pháp lý về đồng lõa và tiếp tay là một trong những công cụ có thể gây nguy hiểm đặc biệt cho các nhà sản xuất thiết bị y tế”, bài báo viết, “Nó đã được sử dụng vào năm 1946 để kết tội tổng giám đốc của Tesch & Stabenow, nhà sản xuất khí độc Zyklon B, vì sự đồng lõa trong cuộc thảm sát Holocaust.”
Trong số các bộ máy nhà nước khác, Trung Quốc có tiếng là thiếu minh bạch trong hệ thống y tế. Điều này khiến các công ty phương Tây khó tin tưởng rằng máy chẩn đoán hoặc thiết bị phẫu thuật của họ sẽ không được đưa vào sử dụng cho việc thu hoạch nội tạng.
Ông Sheather nhận xét: “Nếu họ không thể yên tâm rằng thiết bị của họ không được sử dụng theo cách đó, họ cần phải tự đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về việc liệu họ có nên tham gia vào thị trường đó hay không.”
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/6/10/444731.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/6/12/201779.html
Đăng ngày 13-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.