Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Vương quốc Anh

[MINH HUỆ 29-05-2022] Một luật mới, Dự luật Y tế và Chăm sóc Sức khỏe, đã đi vào hiệu lực ở Vương quốc Anh vào cuối tháng 4 năm 2022. Luật này cấm công dân và người có quốc tịch Anh tham gia vào hoạt động du lịch ghép tạng “có liên quan đến nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng hoặc chợ đen buôn bán nội tạng.”

Luật mới này là bản sửa đổi của luật y tế hiện hành, đưa ra các điều khoản cụ thể để cấm công dân Anh ra nước ngoài để nhận nội tạng mà không rõ nguồn gốc về mặt pháp lý.

Vừa qua, Metro– tờ báo có số lượng độc giả lớn nhất của Vương quốc Anh – có bài báo với tựa đề “Các công ty Vương quốc Anh có ‘nguy cơ chịu hành động pháp lý’ nếu có liên quan đến buôn bán nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc” (UK companies ‘risk legal action’ if they are linked to forced organ trade in China), trong đó chỉ ra rằng, theo luật mới, các công ty ở Vương quốc Anh sẽ phải đối mặt với các hành động pháp lý nếu họ bị phát hiện tham gia buôn bán nội tạng, thu hoạch nội tạng sống và giết người.

Bài báo cho biết luật sửa đổi mới được đưa ra nhờ quá trình nỗ lực của nhiều nghị sỹ do quan ngại về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.

Thượng nghị sỹ Philip Hunt của Kings Heath là người đi đầu trong nỗ lực này. Ông cũng nhận được sự ủng hộ của hai đảng, từ Thượng nghị sỹ Alton of Liverpool, Thượng nghị sỹ Ribeiro, Nam tước phu nhân Finlay of Llandaff, Nam tước phu nhân Northover, Nghị sỹ Quốc hội Marie Rimmer, đến Nghị sỹ Quốc hội Alex Norris kiêm Bộ trưởng Y tế đảng đối lập.

Tờ báo đã phỏng vấn luật sư hàng đầu Wayne Jordash thuộc Hội đồng Cố vấn của Nữ hoàng, người cảnh báo các tổ chức y tế của Vương quốc Anh, kể cả NHS (Cục Y tế Quốc gia Vương quốc Anh), rằng họ sẽ đối mặt với nguy cơ bị kiện tụng nếu liên quan đến nạn thu hoạch nội tạng.

Ông nói thêm rằng các tổ chức như tạp chí y khoa, trường đại học, bệnh viện và các công ty bán sản phẩm y tế cần phải kiểm tra chặt chẽ hơn chuỗi cung ứng, đối tác là ai và ở vị trí nào trong vấn đề này. Chẳng hạn, các bác sỹ đến thăm các bệnh viện Trung Quốc hoặc các bác sỹ Trung Quốc chủ nhà sau đó có thể nhận ra họ đã chia sẻ các kỹ năng đã sử dụng trong quá trình cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Bài báo cũng trích dẫn phán quyết cuối cùng của Tòa án Luận tội Trung Quốc (The China Tribunal), do Ngài Geoffrey Nice thuộc Hội đồng Cố vấn của Nữ hoàng làm chủ tọa, rằng các tù nhân lương tâm Trung Quốc, như các học viên Pháp Luân Công, và gần đây là người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, là mục tiêu chính của nạn thu hoạch nội tạng.

Mặc dù không đưa ra ràng buộc pháp lý, nhưng phán quyết của tòa án đã được trình lên Liên Hợp Quốc và thế giới được hối thúc đưa ra những hành động chống lại nạn giết hại tàn bạo này.

Ông Hamid Sabi, người phát ngôn của Tòa án Luận tội Trung Quốc, đã phát biểu trước LHQ rằng “Lấy nạn nhân này để biến người khác thành nạn nhân kia, lấy cái chết này thay cho cái chết kia, mà không bị buộc tội, không bị trừng phạt; lấy đi tim và các nội tạng khác từ những người ôn hòa còn sống cấu thành một trong những tội ác hàng loạt tệ nhất trong thế kỷ này.”

Luật sư Jordash cũng phát biểu với tờ Metro: “Lô-gíc và kiến thức phổ thông cho thấy nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng vẫn tiếp diễn cho đến nay.”

Ông còn cho hay, Trung Quốc là một “nhân vật chính” trong ngành cấy ghép toàn cầu và nhiều tổ chức có quan hệ với Trung Quốc trong chuỗi cung ứng hoặc đào tạo của họ. Ông nói: “Một số vi phạm nhân quyền trong ngành cấy ghép liên quan đến một số tội nghiêm trọng nhất mà chúng tôi biết – tội ác chống lại loài người, thậm chí có thể là tội diệt chủng.”

Tiến sỹ Martin Elliot, bác sỹ phẫu thuật nhi khoa, người lãnh đạo các nhóm cấy ghép và là cộng tác của Tòa án Trung Quốc, cho biết “hợp tác quốc tế” là cần thiết để chấm dứt nạn buôn bán nội tạng có được từ nạn thu hoạch nội tạng sống.

Cuối cùng, Hiệp hội Y khoa Anh đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nạn buôn bán nội tạng ở Trung Quốc và hệ thống cấy ghép nội tạng của nước này.

Ngoài bài báo của MetroThe Sunday Express cũng đưa tin về luật sửa đổi mới dưới tiêu đề “Buôn bán nội tạng: Người Anh không thể mua nội tạng ở nước ngoài nữa” (Organ trafficking: Britons no longer able to purchase an organ outside UK).

Bài báo cho biết, Tòa án Luận tội Trung Quốc đã nghe bằng chứng từ các chuyên gia y tế, nhà điều tra nhân quyền và nạn nhân trong sáu tháng và kết quả cho thấy các học viên Pháp Luân Công “chắc chắn” đã bị sử dụng làm nguồn thu hoạch nội tạng sống trong mấy thập kỷ qua và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang đối mặt với nguy cơ tương tự.

Bài báo nêu rằng nạn nhân bị mổ phanh khi vẫn còn sống. Nhiều người đã bị lấy đi thận, gan, tim, phổi, giác mạc và da để bán.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/29/444213.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/30/201601.html

Đăng ngày 03-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share