Bài viết của Vương Anh, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 02-04-2022] Ngày 31 tháng 3 năm 2022, Ủy ban Điều hành Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc (CECC) đã công bố Báo cáo Thường niên năm 2021. Báo cáo cho thấy những vi phạm nhân quyền như cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn ở Trung Quốc, đây được xem như “một lời kêu gọi hành động và cũng là một thông điệp rằng thời kỳ ‘coi như chưa có chuyện gì xảy ra’ đã qua”.

3a112842db8e31855070ebc01cadd1a4.jpg

Báo cáo do Thượng Nghị sỹ Hoa Kỳ Jeff Merkley (D-OR) và Hạ Nghị sỹ Hoa Kỳ James McGovern (D-MA), chủ tịch và đồng chủ tịch của Ủy ban, ban hành

Chủ tịch CECC Jeff Merkley cho biết: “Việc chính quyền Trung Quốc vi phạm nhân quyền và chà đạp nhân phẩm một cách nghiêm trọng làm cho những ghi chép của CECC về vi phạm nhân quyền và pháp trị ở Trung Quốc, cũng như những gì CECC đã thực hiện trong 20 năm qua, trở nên trọng yếu hơn bao giờ hết”. Ông hy vọng Quốc hội và chính quyền Hoa Kỳ sẽ hành động theo các khuyến nghị của CECC.

Đàn áp tôn giáo

Trích dẫn từ mục tóm tắt của báo cáo: “Giống như những năm trước, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục giam giữ các học viên Pháp Luân Công và đối xử tàn bạo với họ. Theo thống kê của trang web Minh Huệ, trong năm 2020, có ít nhất 622 học viên đã bị kết án vì tội danh ‘tà giáo’.

“Cũng theo các báo cáo của trang Minh Huệ, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục tra tấn và ngược đãi các học viên. Việc tra tấn, ngược đãi này có khi kéo dài trong nhiều năm, gây ra, hoặc góp phần gây ra cái chết của hàng chục học viên trong năm 2020 và 2021.”

Báo cáo cũng đề cập đến hơn 10 trường hợp, đại diện cho “một số ít các cá nhân đã bị chính quyền Trung Quốc giam giữ hoặc kết án chỉ vì thực thi quyền con người, vốn được quốc tế thừa nhận, một cách ôn hòa.” Trong số đó học viên Pháp Luân Công Tôn Thiến, công dân Canada và là giám đốc điều hành của một công ty công nghệ y tế. Bà bị bắt giữ tại nhà riêng ở Bắc Kinh vào năm 2017. “Trong cuộc đột kích, cảnh sát đã thu giữ các tài liệu Pháp Luân Công của bà Tôn. Tiếp theo phiên xét xử vào tháng 9 năm 2018, ngày 30 tháng 6 năm 2020, Tòa án Nhân dân Quận Triều Dương đã kết án bà Tôn 8 năm tù vì bà tu luyện Pháp Luân Công.”

Ngoài việc ngăn cản bà Tôn thuê luật sư, chính quyền còn gây áp lực buộc luật sư phải rút khỏi vụ án. Hơn nữa, “họ còn ngược đãi bà Tôn trong khi giam giữ, bằng cách cùm chân bà trong thời gian dài [trong hai tuần liên tiếp] và xịt hơi cay vào bà.”

Giam giữ và tra tấn phi pháp

Cụm từ “Pháp Luân Công” xuất hiện hơn 40 lần trong các chương về tư pháp hình sự, tự do tôn giáo và nhân quyền của bản báo cáo dài 343 trang này.

Chính quyền cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng nhiều hình thức giam giữ ngoài khuôn khổ pháp luật như cưỡng chế mất tích, hắc ngục, cơ sở tâm thần và nhiều loại hình khác. Báo cáo đã trích dẫn bằng chứng từ một báo cáo của trang web Minh Huệ đăng ngày 31 tháng 8 năm 2020, “việc tồn tại và sử dụng các hình thức giam giữ này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, và những người bị giam giữ tại những cơ sở đó – nhiều người trong số họ là các học viên Pháp Luân Công – không biết khi nào mình được thả và không có bất kỳ thủ tục bảo hộ nào.”

Liên quan đến việc vi phạm tự do tôn giáo trên diện rộng, báo cáo cho thấy chính quyền ĐCSTQ đã nỗ lực đàn áp và kiểm soát các nhóm tôn giáo cũng như các cá nhân có tín ngưỡng, và sử dụng chiến thuật chung đối với các nhóm này. Cụ thể, trong những năm gần đây chính quyền ở nhiều tỉnh thành đã giam giữ phi pháp những người theo Đạo Tin lành, tín đồ Cơ Đốc giáo ngầm, và các học viên Pháp Luân Công trong các cơ sở “chuyển hóa” bí mật và lưu động, gây áp lực buộc họ phải từ bỏ đức tin của mình thông qua các hình thức tẩy não, giam giữ trong những căn phòng kín không có ánh sáng, đánh đập, chửi mắng và tra tấn tinh thần.” Ngoài ra, chính quyền ở nhiều thành phố còn ra lệnh cho các cán bộ điều tra dân số báo cáo khi có dấu hiệu về hoạt động tôn giáo tín ngưỡng tại nhà của người dân để nhắm mục tiêu vào các nhóm này.

Hơn nữa, các quan chức Trung Quốc đã lạm dụng các điều khoản hình sự để buộc tội các học viên Pháp Luân Công và các nhóm thiểu số khác. Theo đó, báo cáo khuyến nghị các Nghị sỹ Quốc hội và quan chức chính quyền Hoa Kỳ hối thúc những người đồng cấp ở Trung Quốc chấm dứt sự bức hại này.

Thu hoạch nội tạng và những ca tử vong

Đối với những vi phạm nhân quyền phân theo các nhóm tín ngưỡng, báo cáo cho thấy, giống như những năm trước đó, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục ngăn cấm việc tin và tu luyện theo Pháp Luân Công, giam giữ các học viên và đối xử tàn bạo với họ.

“Chính quyền Trung Quốc tiếp tục truy tố các học viên Pháp Luân Công theo Điều 300 Luật Hình sự Trung Quốc, quy kết tội danh ‘tổ chức và sử dụng tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật.”

Trích dẫn một báo cáo từ trang web Minh Huệ tiếng Anh vào tháng 12 năm 2020 và một báo cáo khác vào tháng 1 năm 2021, báo cáo của CECC chỉ ra rằng “các quan chức Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về cái chết của hàng chục học viên Pháp Luân Công trong năm 2020 và ít nhất 622 học viên đã bị kết án liên quan đến việc tu luyện Pháp Luân Công, trong đó nhiều nhất là ở các tỉnh Liêu Ninh, Sơn Đông, Tứ Xuyên, Hà Bắc và Cát Lâm.”

Đặc biệt, báo cáo của CECC cho biết một nhóm gồm 12 chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã tuyên bố vào tháng 6 năm 2021 rằng họ “cực kỳ lo lắng” và “quan ngại sâu sắc” trước những báo cáo đáng tin cậy về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc mà dường như làm cho “các nhóm thiểu số về dân tộc, tín ngưỡng và ngôn ngữ bị giam giữ mà thường không có lệnh bắt giữ và cũng không giải thích lý do bắt giữ, ở nhiều địa phương.” Trong số các nhóm bị nhắm đến, nhóm chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc nhắc đến “các dân tộc thiểu số, học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, Phật tử Tây Tạng, người Hồi giáo và Cơ đốc nhân.”

Hơn nữa, báo cáo của CECC đề cập đến các báo cáo trên Minh Huệ về việc chính quyền Trung Quốc “vi phạm tự do tín ngưỡng đối với các học viên Pháp Luân Công, bao gồm cả việc giam giữ ngoài khuôn khổ pháp luật và những ca tử vong mà người thân của họ nghi ngờ là do bị tra tấn.”

Trách nhiệm đạo đức

“CECC cần ưu tiên ghi lại những tội ác không thể kể xiết của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ, Phật tử Tây Tạng, học viên Pháp Luân Công, tín đồ Cơ Đốc giáo, nhà báo, luật sư bào chữa và những người khác bị ngược đãi nghiêm trọng vì chính sách đồng hóa cưỡng bức của Trung Quốc”, báo cáo kết luận.

Đồng chủ tịch CECC James McGovern cho hay: “Việc ghi lại những vi phạm nhân quyền mà chính quyền Trung Quốc đã gây ra không chỉ là nhiệm vụ của Ủy ban mà còn là trách nhiệm đạo đức của chúng tôi đối với những người không thể lên tiếng về cảnh ngộ của mình do bị bức hại và bị kiểm duyệt. Tôi mong muốn được tiếp tục làm việc với các đồng nghiệp của mình để đưa các khuyến nghị của CECC vào thực thi.”

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/4/2/440765.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/4/3/199775.html

Đăng ngày 07-04-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share