Bài viết của Ninh Giản

[MINH HUỆ 06-07-2011] Nhiều giáo viên giỏi không chỉ truyền đạt kiến thức, mà họ còn là những hình mẫu tiêu biểu. Một giáo viên có tiêu chuẩn đạo đức cao và có kiến thức sâu rộng đều được nhiều cha mẹ và học sinh kính trọng.

Có rất nhiều giáo viên ở Trung Quốc sống theo các tiêu chuẩn của Chân – Thiện – Nhẫn, vậy mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bức hại những giáo viên gương mẫu này từ tháng 7 năm 1999.

Ông Mạnh Phỉ bị tra tấn tại trại lao động cưỡng bức

Ông Mạnh Phỉ là một giáo viên môn hóa ở Trường cấp hai Tân Hưng, huyện Thương Sơn, tỉnh Sơn Đông. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng giáo viên xuất sắc trong 32 năm làm giáo viên. Ba học sinh ở lớp ông đã đạt giải nhất trong kỳ thi hóa quốc gia, đó là một vinh dự hiếm thấy cho một trường cấp hai ở huyện.

Tuy nhiên, ông Mạnh đã bị giam hai lần ở trại giam và bị đưa đến trại lao động hai lần vì ông tập Pháp Luân Công. Một lần, một lính canh ở trại giam đã nói với ông “Khi tôi đến trường ông và hỏi về ông, nhiều người nói với tôi rằng ông là một người tốt và là giáo viên tốt. Tôi tin họ, nhưng tôi không có cách nào khác là làm theo mệnh lệnh.”

2006-3-4-msj-kuxin-65--ss.jpg

Miêu tả tra tấn: Ghế sắt

Hai lính canh và hai tù nhân ở Trại lao động cưỡng bức nam Số 2 tại Sơn Đông đã trói ông Mạnh vào một ghế sắt vào ngày 8 tháng 9 năm 2009 và đánh ông. Lính canh Tôn Phong Tuấn đã đánh mạnh vào đầu, ngực và xương sườn ông. Mũi và miệng của ông bị chảy nhiều máu. Ông nói: “Đừng đối xử với tôi như vậy. Điều đó không tốt cho các anh. Tôi chỉ muốn tập Pháp Luân Công và muốn làm một người tốt”. Trước khi kịp nói xong, Tôn đã đánh mạnh vào bắp đùi bên trái của ông. Ông Mạnh đau đến nỗi phải thét lên. Tôn nói: “Có một tấm ván lớn ở ngay phía dưới ông. Cho dù đau đớn thế nào, xương của ông sẽ không bị gãy. Đây là một kỹ năng mà tôi học được. Cho dù ông bị nội thương thế nào, bề ngoài của ông sẽ rất khỏe mạnh” Ông ta tiếp tục đấm ông Mạnh liên tục. Lúc đó, hai tù nhân ở đằng sau ông Mạnh đã đánh vào đầu, hai vai, lưng, và xương sườn của ông. Cuộc tra tấn diễn ra hơn hai giờ.

Thông tin liên quan:

https://en.minghui.org/html/articles/2010/12/26/122119.html
https://en.minghui.org/html/articles/2010/12/27/122136.html

Bà Hầu Hữu Phương bị học sinh của mình tra tấn.

Có nhiều câu chuyện trong thời Cách Mạng Văn Hóa khi học sinh tấn công và nhục mạ giáo viên của họ. Thật không may là điều tương tự vẫn đang xảy ra.

Bà Hầu Hữu Phương, 48 tuổi, là giáo viên vật lý ở Trường cấp hai Tây Pha ở thành phố Kim Xương, tỉnh Cam Túc. Bà được mọi người công nhận là giáo viên xuất sắc. Khi bà đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào tháng 2 năm 2000, bà đã bị bắt và bị đưa về Kim Xương. Hiệu trưởng Hoàng Kế Sinh đã không cho bà Hầu quay lại dạy học mà bắt bà làm việc tại quầy café.

Tháng 1 năm 2001, bà Hầu bị bắt và bị đưa đến Trại giam Kim Xương. Khi bà tuyệt thực để phản đối, trưởng trại giam Hồ Đăng Bình đã dùng một dụng cụ để cạy miệng bà và sau đó bức thực bà. Bà bị đánh dã man khiến trên người có nhiều vết thâm tím. Một trong những kẻ bức hại là học sinh của bà.

2005-8-17-jiangjin-31--ss.jpg

Miêu tả tra tấn: Bức thực

Bà Hầu bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức số 1 tỉnh Cam Túc vào tháng 8 năm 2002 vì bà không từ bỏ niềm tin của mình, và tiếp tục cho mọi người biết sự thật về Pháp Luân Công. Lính canh ở trại đã treo bà lên và nhiều lần đánh bà tàn nhẫn, khiến cho chân tay của bà đều bị gãy. Có thông tin rằng bà Hầu bị xuất huyết nặng, gãy xương sườn, vỡ xương chậu, và thương tổn cơ quan nội tạng. Bà qua đời vào ngày 29 tháng 11 năm 2002. Thi thể bà ngay lập tức bị hỏa táng mà không cần thông báo cho gia đình. Những kẻ bức hại đã chuyển nhiều thư khác nhau đến các cấp chính quyền khác.

Thông tin liên quan: https://en.minghui.org/html/articles/2008/1/29/93793.html

Cô Lục Hồng Phong qua đời trong bệnh viện tâm thần

Cô Lục Hồng Phong, 37 tuổi, từng là hiệu phó và là trưởng Phòng quản trị. Cô nhận được nhiều bằng khen của quận và cấp thành phố vì hoàn thành công việc xuất sắc. Cô đã ký vào một thư thỉnh nguyện gửi đến Quốc hội nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại vào tháng 3 năm 2000. Kết quả là, cô bị buộc thôi việc, và bị nhiều người ở Bệnh viện tâm thần Linh Võ đến bắt giữ tại nhà. Họ trói cô vào một chiếc giường ở bệnh viện, bức thực và tiêm vào người cô một lượng lớn dược phẩm. Theo một bác sĩ làm việc tại bệnh viện, một loại thuốc được nhập từ Đức và một loại thuốc khác dùng ở bệnh viện có thể khiến một người ngủ trong ba ngày. Cô Lưu bị ép phải ăn 24 viên thuốc này trong một ngày. Cô đã bị tra tấn theo cách đó trong 50 ngày, cô qua đời vào ngày 6 tháng 9 năm 2000.

Bà Hồ Khắc Linh bị ép tiêm thuốc

Bà Hồ Khắc Linh, 46 tuổi, là một giáo viên ở Trường cấp hai thành phố Lai Tây, tỉnh Sơn Đông. Khi bà bị giữ tại Trại giam Lai Tây trong tám ngày vào tháng 12 năm 2005, có nhiều cha mẹ học sinh đã đến trường và đồn công an để yêu cầu trả tự do cho bà.

Phó Phòng 610 Lai Tây, Đinh Hội Quân, và Mã Học Quân, một viên chức ở Trường cấp hai thực nghiệm Lai Tây, đã dẫn theo nhiều công an ở Đồn công an Thanh Đảo Lộ đến bắt bà Hồ vào tháng 9 năm 2002. Họ đưa bà đến Khoa chữa trị tâm thần tại Bệnh viện số 2 Lai Tây, nơi bà bị giam hơn ba tháng và bị ép tiêm nhiều loại thuốc. Kết quả là, tinh thần của bà có vấn đề, bà chỉ được phép về nhà sau nhiều nỗ lực giải cứu bà của gia đình. Ngay cả sáu tháng sau khi được thả, hai bàn chân của bà vẫn bị sưng tấy, và bà không thể xỏ bất kỳ cái gì vào chân. Các ngón tay của bà vẫn bị sưng và biến dạng.

2010-6-27-minghui-persecution-hukeling--ss.jpg

Các ngón tay bị sưng tấy của bà Hồ – bị ảnh hưởng vì bị tiêm thuốc

Ông Ngô Thắng Lợi bị đưa đến trại lao động cưỡng bức

Ông Ngô Thắng Lợi là một giáo viên dạy tiếng Trung ở Trường cấp hai Xước Miếu, tại huyện Hòa, tỉnh An Huy. Ông đã rèn luyện bản thân theo các tiêu chuẩn của Chân – Thiện – Nhẫn. Học sinh trong các lớp ông dạy đều đạt được điểm cao. Ông không quan tâm về lợi ích bản thân và thường giúp lau chùi và sắp xếp lại không gian chung của phòng làm việc.

Nhiều người ở Đội an ninh nội địa huyện Hòa đã bắt ông Ngô vào ngày 31 tháng 8 năm 2010 vì ông bị trông thấy nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Khi ông bị đưa đến trại lao động vào ngày 9 tháng 10 năm 2010, một người hàng xóm lớn tuổi của ông đã rất giận dữ khi biết tin này. Bà nói với những người khác: “Ngay cả một người tốt như ông Ngô còn bị bắt thì thế giới này là kiểu gì đây?

Bi kịch của ông Đinh Phát Đống, một giáo viên dạy nhạc

Ông Đinh Phát Đống từng là giáo viên dạy nhạc ở trường cấp hai thuộc quận Nhất Nam, khu tự trị Ninh Hạ, ông nhận được giải thưởng cấp quốc gia về biểu diễn âm nhạc. Khi ông bắt đầu tập Pháp Luân Công vào cuối năm 1998, những bệnh tật đã dày vò ông trong hơn 20 năm đã dần biến mất.

Khi ông Đinh bị giam, lính canh đã cho nhiều tù nhân tra tấn ông bất cứ lúc nào. Ông bị biệt giam và tra tấn bằng ghế hổ ba ngày tại Trại giam Ngân Xuyên. Căn phòng rất bé và lạnh lẽo. Ông Đinh bị trói và hai bàn tay bị phồng rộp của ông thì bị còng lại, hai chân của ông cũng bị cùm lại ngay dưới ghế

Ông Đinh bị đưa đến trại lao động ba lần. Có một đội hơn 10 người chịu trách nhiệm trong việc cưỡng ép học viên từ bỏ niềm tin của họ, nhưng ông Đinh đã không đầu hàng. Vợ ông đã chăm sóc đứa con nhỏ của hai người trong lúc ông bị giam. Do sống trong hoàn cảnh khó khăn, tinh thần của bà bị suy sụp và đã yêu cầu ly hôn với ông. Khi ông Đinh được trả tự do ba năm sau đó, cân nặng của ông chỉ bằng một nửa lúc trước. Vợ ông đã về đoàn tụ với ông, nhưng vì liên tục bị công an sách nhiễu, ông đã quyết định rời khỏi nhà để tránh bị bức hại sau này.

Theo thông tin thu thập đến tháng 6 năm 2010, trong số 3,425 học viên đã qua đời vì bức hại, có ít nhất 320 học viên làm việc trong ngành giáo dục, họ gồm các giáo sư đại học, hiệu trưởng và giáo viên.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2011/7/6/优秀教师们的遭遇-243470.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/7/25/126977.html
Đăng ngày: 3-8-2011. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share