Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-11-2021] Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây nằm tại số 826 đường Bác Lãm, quận Thanh Vân Phổ, thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, được thành lập vào tháng 11 năm 1991 và chính thức bị giải thể vào tháng 10 năm 2013.

Trong suốt 14 năm hoạt động từ tháng 7 năm 1999-khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, đến năm 2013-khi hệ thống trại lao động ở Trung Quốc bị xóa bỏ, trại này đã giam giữ ít nhất 249 nữ học viên Pháp Luân Công, và tra tấn họ bằng đủ loại thủ đoạn man rợ nhất.

Ví dụ, để buộc các học viên từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, lính canh thường ngược đãi và đánh đập họ, bắt họ đứng yên trong nhiều giờ hoặc lao động nặng nhọc; các học viên còn bị phơi mình trong giá rét, bị sốc điện, treo người lơ lửng, tập luyện thể lực quá độ, bức thực, cấm ngủ, cưỡng chế tiêm các loại thuốc độc hại, cưỡng bức tẩy não bằng cách bị ép xem các ấn phẩm và video vu khống, phỉ báng, phân biệt đối xử và các hình thức ngược đãi khác.

Bởi sự phong tỏa thông tin nghiêm ngặt của ĐCSTQ, các trường hợp bị bức hại vẫn chưa được thống kê đầy đủ.

Ước tính trong 14 năm, có 249 học viên Pháp Luân Công thuộc nhiều địa phương khác nhau trong tỉnh đã bị giam giữ tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây, trong đó có 85 người đến từ Nam Xương (11 người bị giam giữ 2 lần, 4 người bị giam giữ 3 lần và 1 học viên bị giam giữ 5 lần); 44 người đến từ Cửu Giang (2 người bị giam 2 lần); 40 người đến từ Nghi Xuân (2 người bị giam 2 lần); 11 người đến từ Phủ Châu (4 người bị giam 2 lần); 4 người đến từ Cát An; 3 người đến từ Thượng Nhiêu; 18 người đến từ Cống Châu (3 người bị giam 2 lần, 1 người bị giam giữ 3 lần); 10 người đến từ Ưng Đàm (2 người bị giam 2 lần); 9 người đến từ Tân Dư (1 người bị giam 2 lần); 8 người đến từ Bình Hương (1 người bị giam 2 lần); 15 người không rõ địa chỉ, và 2 người từ các tỉnh khác.

Trong số các học viên bị giam giữ, ít nhất 3 người đã qua đời và 4 người bị mắc bệnh tâm thần do hậu quả của việc bức hại.

1. Học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp đến từ địa khu Nam Xương

Địa khu Nam Xương bao gồm thành phố Nam Xương, quận Nam Xương, huyện Tân Kiến (hiện được gọi là quận Tân Kiến), huyện An Nghĩa và huyện Tiến Hiền. Ít nhất 85 học viên Pháp Luân Công ở địa khu Nam Xương đã bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây. Trong đó, 11 người bị giam giữ hai lần, 5 người bị giam giữ 3 lần và 1 người bị giam giữ 5 lần.

Dưới đây là tên của các học viên ở địa khu Nam Xương được biết là đã bị giam giữ tại trại lao động này.

Thành phố Nam Xương : Trần Tiểu Quyên (2 lần), Ngô Tỉnh Quân (5 lần), Giang Lan Anh (2 lần), Đặng Tiểu Mẫn, Lương Hồng Anh (2 lần), Khương Phượng Anh, Phổ Ngọc Tiên, Lưu Triệu Cầm, Tiếu Căn Tường (2 lần), Dư Thúy Hoa (2 lần), Chương Nghênh Chi, Lưu Hải Trân, Dư Bảo Trân, Hùng Tuyền Muội, Lương Mỹ Hoa, Vu Trụ, Tạ Xuân Mỵ (3 lần), Tuyên Hải Kim, Phó Kim Phượng (2 lần, Trạm Huyết học Nam Xương), Vạn Tân Nhân, Phó Tiểu Cầm, Khổng Hướng Minh, Lý Phân Ngọc (3 lần), Trần Đông Mai (3 lần), Hạ Minh Kim, Trần Hoa Anh, Ngô Phượng Trân, Cát Kim Liên, Giang Tiểu Yến (2 lần), Vạn Kiến Linh (2 lần), Hoàng Lợi Quỳnh, Phó Đạo Phiếm (2 lần), La Xuân Vinh, Thư Quyên (2 lần), Bành Tiểu Lan, Vạn Tinh, Trần Hồng Mai, Lưu Vĩnh Anh (2 lần), La Bồi, Trần Tú Trân, Chu Xuân Mai, Chu Ngân Mai, Chu Tân Mai, Chu Đông Mai, Tả Thiến Thiến, Hứa Văn Quân, Đường Khiết Anh, Tiếu Vận Thanh, Vạn Thiệu Trân, Từ Trúc Ảnh, Lâm Quần Anh, Vạn Văn Quyên, Vu Quân, Triệu Trung Duy, Tông Tiểu Yến, Trần Phương Hoa, Hồ Hỏa Muội, Tào Vực Thành, Triệu Quế Lan (3 lần), Vương Thục Anh, Chu Lệ Quyên, La Tú Anh, Dư Nhuận Hương, Nhạc Dược Hồng, Đặng Chiêu Hưng, Cung Tiểu Hồng, Trương Kim Tú, Tiếu Yến Bình, Lưu Văn Hồng, Trần Mộc Lan, Phó Kim Phượng, Lô Lâm Hương.

Huyện Tân Kiến : Hùng Mỹ Hoa, Viên Tiên Vân, Cát Mãn Trân, Trình Quang Bình, Ngụy Mai Anh, Vu Mỗ Mỗ, Trần Tiểu Cúc

Huyện Nam Xương : Trần Ngọc Liên (2 lần)

Huyện Tiến Hiền : Trương Dục Trân, Lý Phương Lan (3 lần), Trâu Lục Mỹ, Ngô Xuân Linh, Vạn Đào Anh

Các trường hợp bị bức hại nghiêm trọng

Trường hợp 1: Bà Đặng Tiểu Mẫn bị suy sụp tinh thần bởi bức hại

Bà Đặng Tiểu Mẫn, sinh năm 1977, quê ở huyện Vi Giang. Bà từng là giáo viên dạy tiếng Anh cấp 1. Bà đã bị giam giữ bất hợp pháp trong ba năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây vì tu luyện Pháp Luân Công, và bị tra tấn vô cùng tàn bạo.

Bà đã nhiều lần bị sốc điện bằng dùi cui điện cho đến khi bất tỉnh; bị bức thực dã man cho đến khi cả hai lỗ mũi bà sưng lên, mưng mủ và chảy mủ.

Phó đại đội trưởng Đội 1 là Vương Tuấn Chinh (Đội 1 được thành lập đặc biệt để bức hại các học viên Pháp Luân Công), đã từng túm chặt tóc bà Đặng và lôi bà vào văn phòng của mình để đánh đập.

2005-6-28-masanjia-kxysh14--ss.jpg

Tái hiện tra tấn: Sốc điện bằng dùi cui điện

Trong mùa đông lạnh giá, bà Đặng bị còng tay vào khung giường kim loại và phải đứng xuyên đêm, và bà đã bị tra tấn như vậy trong hơn hai tháng.

Bà cũng bị nhốt trong phòng giam tối tăm hơn hai năm.

Một tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát bà Đặng là Ngụy Tiểu Muội. Bà ta đã dùng đủ mọi thủ đoạn để tra tấn và thường xuyên đánh đập bà Đặng.

Do liên tục bị tra tấn và ngược đãi trong một thời gian dài, bà Đặng không thể chịu đựng được nữa và cuối cùng bị suy sụp tinh thần nghiêm trọng.

Vào tháng 3 năm 2003, bà được thả nhưng không thể hồi phục sau những bức hại mà bà phải chịu đựng. Bà thường đánh người, đập phá đồ đạc, nói năng không mạch lạc và ăn rất ít.

Hiện không ai biết bà đang ở đâu.

Trường hợp 2: Bà Ngô Tỉnh Quân bị giam giữ bất hợp pháp 5 lần, bức thực và đánh đập tàn nhẫn

2021-11-2-i091339_02.jpg

Bà Ngô Tỉnh Quân

Bà Ngô Tỉnh Quân sinh năm 1970. Bà từng là Phó trưởng Ban Tài vụ của Công ty Xuất nhập khẩu Sản phẩm Công nghiệp nhẹ thuộc Sở Kinh tế và Thương mại Tỉnh Giang Tây (nay là Sở Thương mại).

Bà đã 5 lần bị kết án lao động cưỡng bức, trong đó 2 án 3 năm, 1 án 2 năm, 1 án 1,5 năm và 1 án 1 năm.

Để phản đối sự bức hại, bà Ngô đã tuyệt thực hơn mười lần và mỗi lần bà đều bị bức thực.

Bà bị trói vào giường trong tư thế “đại bàng sải cánh”. Các thủ phạm bức hại đã nhét một ống truyền thức ăn vào lỗ mũi của bà, ngay cả khi bà đang nôn mửa dữ dội. Khi ống được rút ra, nó dính đầy máu. Một tù nhân sợ hãi đến nỗi bà ấy bắt đầu run rẩy mất kiểm soát.

Nhiều lần khi ống được đưa vào dạ dày, bà Ngô đã nôn dữ dội và bụng bà quặn thắt.

Bà Ngô đã bị bức thực như vậy nhiều lần và cơ thể bà đầy máu và vật bẩn. Thậm chí, bà còn không được tắm rửa sạch sẽ, có khi phải nằm lên nước tiểu của mình cả ngày lẫn đêm.

Vào tháng 4 năm 2003, tức giận trước việc tuyệt thực của bà Ngô, đại đội trưởng Hồng Sang Hoa đã túm tóc và kéo bà từ tầng 4 xuống đến phòng giam ở tầng 2. Phó giám đốc trại lao động, Đặng Kiệm (nam), cũng đấm bà ấy rất mạnh vào đầu khi bà đang bị kéo xuống cầu thang. Đại đội phó Thạch Quỳnh Anh cũng đấm liên tiếp vào đầu bà.

Vào tháng 11 năm 2004, hai tù nhân đã tát vào mặt bà Ngô và đánh bà tới tấp. Các tù nhân luôn được quản lý trại lao động khuyến khích ngược đãi các học viên.

Trường hợp 3: Bà Phổ Ngọc Tân bị bất tỉnh vì bị đánh đập, cả hai chân đều chảy máu

Bà Phổ Ngọc Tân sinh năm 1951, nguyên là nhân viên của Công ty Động cơ Giang Linh.

Bà bị bắt giữ bất hợp pháp và bị lãnh án lao động cưỡng bức 1 năm, sau đó bị gia hạn thêm 8 tháng.

Một hôm, bốn người (gồm đại đội trưởng Lý Tiểu Lương và Vương Tuấn Chinh, bác sỹ công an Từ Giáo Lương và Phó) đẫ đến phòng giam của bà Phổ và cố gắng ngăn bà học thuộc các bài giảng của Pháp Luân Công. Khi bà từ chối, các thủ phạm đã tháo giày và đánh mạnh vào mặt bà, sau đó họ đẩy bà vào góc tường và đánh vào mông bà một cách thô bạo.

Bà Phổ lúc đó đã rất yếu vì đã tuyệt thực trong một thời gian dài. Bà ngã ra và khó thở. Mặt bà chuyển màu tím tái, mông và chân bà sưng lên và cứng đơ vì bị đánh. Bà nằm bất tỉnh trên sàn nhà.

Tuy nhiên, trại lao động vẫn tăng cường bức hại bà Phổ vì bà không từ bỏ đức tin của mình.

Trong cái nắng gay gắt của mùa hè, bà Phổ bị trói trên giường dây thép suốt ngày đêm trong hơn hai tuần. Bà thậm chí không được phép sử dụng nhà vệ sinh, cũng như không được phép tắm rửa. Toàn bộ phòng giam bốc mùi hôi thối.

Có lần, một phó giám đốc kiêm đại đội trưởng Dương đã chỉ đạo một người nghiện dùng roi làm bằng móc treo quần áo quất vào chân khiến chân bà chảy nhiều máu và bầm tím.

Trường hợp 4: Bà Tiêu Căn Tường với lòng bàn tay bị rách, miệng và mũi bị chảy máu

2021-11-2-i091339_03.jpg

Bà Tiêu Căn Tường

Bà Tiêu Căn Cường sinh năm 1950, nguyên là nhân viên của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Hồng Đô Giang Tây. Bà đã hai lần bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây.

Vào nửa đầu năm 2000, bà Tiêu đã tuyệt thực và phản kháng việc bức thực. Trưởng bộ phận Đặng Kiệm (nam) đã kéo bà một cách thô bạo khiến ngón tay thứ hai và thứ ba của bàn tay trái của bà bị rách toạc ra và chảy máu.

Vào năm 2002, khi bà Tiêu lại bị giam giữ bất hợp pháp để thụ án 3 năm, trại lao động đã gia tăng bức hại hòng ép bà “chuyển hóa” (từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công).

Để che đậy tội ác của mình, những kẻ hành ác đã nhốt bà một mình trong tòa nhà phía Tây, nơi này hầu như chỉ có một mình bà. Hai tay của bà Tiêu bị trói ra sau lưng và bà bị cưỡng chế đứng yên từ 6 giờ sáng đến 2 giờ sáng ngày hôm sau và sự hành hạ này kéo dài liên tục trong bảy ngày.

Trong suốt 20 giờ đồng hồ bị bắt đứng yên, bà Tiêu cũng bị buộc phải nhìn chằm chằm vào TV khi nó liên tục phát các video phỉ báng Pháp Luân Công. Khi bà quay đi, các lính canh Trần Văn và Trần Anh sẽ xoay đầu bà lại để ép bà xem các chương trình đó.

Trường hợp 5: Bà Trần Ngọc Liên bị còng tay và treo lơ lửng, bị chọc kim, dội nước sôi, nhét đầy phân và nước tiểu vào miệng

2021-11-2-i091339_04.jpg

Bà Trần Ngọc Liên

Bà Trần Ngọc Liên sinh năm 1956, là cư dân thị trấn Liên Đường, huyện Nam Xương. Bà đã bị giam giữ bất hợp pháp 2 lần với tổng thời gian thụ án là 3,5 năm, và bị tra tấn liên tục.

Vào tháng 5 năm 2011, bà Trần bị tra tấn mỗi ngày chỉ vì bà tập các bài công pháp của Pháp Luân Công.

Những kẻ hành ác đã còng tay phải của bà vào khung sắt của giường tầng trên, chân trái vào khung giường dưới, và hai cánh tay bị trói chặt trước ngực. Đại đội trưởng Hồng Sang Hoa đã dùng một sợi dây xích dài để trói chặt bà Trần khiến bà không thể cử động được và khó thở. Bà bị trói theo cách này trong ba ngày đêm liên tục, khiến bà đau đớn khủng khiếp.

Tù nhân Tiểu Thanh cũng dùng kim châm vào mu bàn tay và đầu gối của bà Trần.

Vào một ngày mùa hè nóng nực của năm 2012, khi Tiểu Thanh nhìn thấy bà Trần đang ngồi đả tọa trên giường, cô ta đã đổ đầy nước sôi vào một cái cốc và đổ quanh eo của bà Trần. Bà Trần đã bị co giật mất kiểm soát vì quá đau đớn.

Vào cuối năm 2012, bà Trần lại bị trói vào giường sắt. Bà đã hô lên: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!”

Vì sợ người khác có thể nghe thấy, lính canh đã chỉ đạo các tù nhân Hồng Diễm, Vương Tiểu Quỳnh và nhân viên trực ban Hà Tuyết Anh nhét khăn tẩm phân và nước tiểu vào miệng bà Trần. Sau đó, họ dùng băng dính bịt miệng bà lại. Cuộc tra tấn diễn ra trong nhiều giờ cho đến khi bà Trần bất tỉnh và ngạt thở.

Trường hợp 6: Lý Phân Ngọc bị trói vào “Giường chết”, cấm ngủ và đánh đập tàn bạo

2021-11-2-i091339_05.jpg

Bà Lý Phân Ngọc

Bà Lý Phân Ngọc sinh năm 1957, là cựu nhân viên của Nông trường khai hoang Ngũ tinh Nam Xương. Bà đã bị giam giữ bất hợp pháp ba lần với tổng số sáu năm vì tu luyện Pháp Luân Công.

Vào khoảng tháng 3 năm 2001, bà Lý bị đội trưởng Vương Tuấn Trinh (nam) và lính canh Lữ Tú Anh trói vào “Giường chết” trong ba ngày ba đêm liên tục, trong thời gian đó bà tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại, và bị ép phải nằm trên phân và nước tiểu của mình.

2004-12-4-dalian9_xrhtgqm.jpg

Tái hiện phương thức tra tấn: Trói vào “Giường chết”

Một lần khác vào khoảng tháng 5 năm 2006, bà Lý bị buộc phải tham gia vào các cuộc “nói chuyện” đến nửa đêm mỗi tối trong hơn ba tuần. Sau cuộc “nói chuyện”, bà phải bắt đầu lau toàn bộ sàn nhà lúc 5 giờ sáng. Kết quả là bà bị thiếu ngủ trầm trọng.

Các lính canh cũng xúi giục cô con gái 16 tuổi của bà Lý gây áp lực lên bà. Sự tra tấn về thể xác và sự dày vò về tinh thần đã khiến bà Lý bị tổn thương nghiêm trọng. Bà thường xuyên rơi vào trạng thái mê sảng và gần như suy sụp tinh thần.

Vào tháng 5 năm 2012, lính canh Lữ Tú Anh đã túm tóc bà Lý, nắm lấy vai và đập bà vào tường một cách thô bạo.

Vào tháng 8 cùng năm, trưởng nhóm Hứa Yến Bình nắm lấy cổ áo bà Lý và đẩy bà ngã xuống đất. Vai của bà Lý tiếp đất mạnh vào mép một bồn hoa bằng bê tông. Bà gần như ngất đi vì cơn đau dữ dội.

2. Các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp ở địa khu Cửu Giang

Khu vực Cửu Giang bao gồm thành phố Cửu Giang, thành phố Thụy Xương, thành phố Cộng Thanh Thành, huyện Cửu Giang, huyện Hồ Khẩu, huyện Bành Trạch, huyện Tinh Tử, huyện Đô Xương, huyện Đức An, huyện Vũ Ninh, huyện Vĩnh Tu và huyện Tu Thủy.

Ít nhất 44 học viên Pháp Luân Công từ khu vực Cửu Giang đã bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây, trong số đó, hai người đã bị giam giữ hai lần. Chi tiết như sau:

Thành phố Cửu Giang : Vương Nguyệt Lan, Hà Đạo Trân, Ân Tiến Mĩ, Hiệp Hựu Thanh, Vương Tuế Hồng, Tạ Kim Bình, Triệu Ngọc Phương, Âu Dương Thắng Cầm (2 lần), Mã Tự Vân, Giang Tiểu Anh, Vương Ánh, Lê Quốc Hoa, Đãn Tiểu Linh, Chu Mỹ Lệ (2 lần), Trương Đại Đệ, Uông Mai, Chu Hải Hà, Tang Long Cúc, Từ Đông Ngọc, Hồ Mỹ Trân, Âu Dương Quang Hoa, Hoàng Kim Vinh, Vương Thế Phạm, Chung Tường Duy, Đàm Mỹ Lệ, Dương Xuân Tú, Trâu Xuân Hồng, Tống Tam Muội, Lăng Khấu Lan.

Huyện Cửu Giang : Điền Hải Anh, Quế Bách Hoa

Thành phố Thụy Xương : Chu Bối Thực, Chu Thụy Hà (khuyết tật), Lưu Cửu Trân, Tiếu Thủy Mộc, Ngụy Án Trân

Huyện Tinh Tử : Ngô Vĩ Bình

Huyện Tu Thủy : Đỗ Bồ Đào, Hồ Phương Cúc

Huyện Vĩnh Tu : Cát Linh

Huyện Bành Trạch : Hạ Thúy Lan, Âu Dương Tú Hoa

Huyện Đô Xương : Trình Thái Phương

Huyện Vũ Ninh : Trần Huệ Lan

Các trường hợp bị bức hại nghiêm trọng

Trường hợp 1: Bà Ân Tiến Mỹ qua đời sau khi bị bức thực bằng chất độc và tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc

2021-11-2-i091339_06.jpg

Bà Ân Tiến Mỹ

Bà Ân Tiến Mỹ (không rõ ngày sinh chính xác) quê ở khu phố Đông Thành, thị trấn Liên Hoa, quận Lư Sơn, thành phố Cửu Giang.

Ngày 24 tháng 3 năm 2006, bà bị bắt giữ trái phép và bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây để thụ án một năm rưỡi lao động cưỡng bức.

Bà Ân bị cưỡng bức tẩy não hàng ngày, biệt giam dưới sự giám sát 24/7 của các tù nhân được giao nhiệm vụ theo dõi bà. Do hệ thống thông gió kém trong phòng giam chật hẹp khiến bà Ân vốn rất khỏe mạnh trước đó dần dần xuất hiện các triệu chứng của bệnh hen suyễn, huyết áp cao và bệnh tim.

Đội trưởng Khu số 1, Lữ Tú Anh đã hai lần chỉ đạo cho một nhóm sáu hoặc bảy lính canh bức thực bà Ân bằng thuốc độc và tiêm cho bà những loại thuốc không rõ nguồn gốc sau khi bà bị gây mê toàn thân. Vết tiêm để lại một vết màu xanh đậm cỡ đồng xu trên mu bàn tay của bà với một lỗ kim ở giữa.

Bà Ân tiếp tục bị ảnh hưởng bởi chất độc trong người sau khi được thả. Bà thường xuyên ở trạng thái suy sụp và không muốn ăn. Bà đã phải chịu đựng cả ngày lẫn đêm vì bệnh hen suyễn, cao huyết áp, bệnh tim, nhiễm độc đường tiết niệu và các triệu chứng khác và thường xuyên phải vật lộn bên bờ vực của cái chết.

Bà đã ba lần phải được đưa đi cấp cứu 3 lần trong tình trạng nguy kịch. Bà đã qua đời vào ngày 9 tháng 5 năm 2015.

Trường hợp 2: Bà Hà Đạo Trân bị đánh đập và tra tấn dã man, đã qua đời năm 2010

Bà Hà Đạo Trân sinh năm 1952, về hưu tại Nhà máy Giày da Cửu Giang. Bà bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây trong một năm và phải chịu sự tra tấn nghiêm trọng về thể xác cũng như bị giày vò về mặt tinh thần.

Bà Hà bị nhốt trong phòng giam ngay sau khi bà bị đưa đến trại lao động, nơi bà bị hành hạ và đánh đập hàng ngày bởi hai người nghiện ma túy được giao nhiệm vụ giám sát bà, cũng như bị tra tấn dưới hình thức “huấn luyện quân sự”.

Một lần, một lính canh yêu cầu bà Hà viết những trải nghiệm của bà ở trại, và ngay khi bà viết từ “bức hại”, người lính canh đã chỉ đạo những người nghiện ma túy đánh bà và một người lính canh khác đang trực giả câm giả điếc khi bà la hét vì đau đớn.

Trong một khoảng thời gian, bà Hà bị buộc phải xem các chương trình vu khống trên TV mỗi ngày. Khi bà từ chối xem, các thủ phạm sẽ làm cho cuộc sống của bà trở nên vô cùng khó khăn.

Khi được trả tự do một năm sau đó, bà Hà đã phải chịu đủ mọi cực hình, trên cổ có một khối lở loét, mưng mủ và chảy máu rất khó lành. Bà đã qua đời vào ngày 24 tháng 4 năm 2010.

Trường hợp 3: Vương Nguyệt Lan đã qua đời do bị tra tấn ở tuổi 47

Bà Vương Nguyệt Lan sinh năm 1968, cư dân ở Thành Tây Cảng Khu, thành phố Cửu Giang. Bà kiếm sống bằng những công việc lặt vặt.

Năm 2008, bà Vương đã bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây và bà đã phải chịu đựng nhiều giờ lao động khổ sai cùng nhiều hình thức tra tấn khác nhau. Kết quả là bà trở nên rất yếu và thường xuyên cảm thấy chóng mặt và toàn thân bà bị sưng tấy nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các thủ phạm đã tra tấn bà và tiêm cho bà những loại thuốc không rõ nguồn gốc, khiến bà xuất hiện các triệu chứng huyết áp cao và bệnh tim.

Vào cuối năm 2008, huyết áp của bà Vương trở nên nghiêm trọng và bà đã được tại ngoại để điều trị y tế.

Vào ngày 23 tháng 3 năm 2015, bà Vương đã qua đời ở tuổi 47.

Trường hợp 4: Âu Dương Thắng Cầm suy sụp tinh thần vì bị đánh đập dã man

Bà Âu Dương Thắng Cầm sinh khoảng năm 1964. Bà đã hai lần bị giam giữ trái phép tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây lần lượt vào các năm 2000 và 2010.

Bà từ chối lao động cưỡng bức do bà tin rằng mình vô tội vì đức tin vào Pháp Luân Công. Kết quả là, các lính canh đã chỉ đạo cho một nhóm bốn hoặc năm tù nhân đánh bà.

Họ đánh bà vào đầu bà khiến nó sưng tấy và biến dạng.

Các lính canh cũng xúi giục một tù nhân nghiện ma túy khác người Thượng Nhiêu đánh bà nhiều lần, và tiếng la hét của bà có thể nghe thấy từ rất xa.

Một lần, những người bị giam giữ được yêu cầu chuyển phòng giam. Bà Âu Dương quên lấy một đôi giày nên đã quay lại.

Tuy nhiên, đội trưởng Lý (nam) đã kéo bà đến văn phòng và đánh bà chỉ vì bà Âu Dương không báo cáo việc quay trở lại phòng giam cũ để lấy giày.

Vào năm 2011 khi cháu trai và cháu gái của bà Âu Dương đến thăm bà, họ thấy đầu và mặt của bà bị sưng tấy nặng do bị đánh. Họ đau lòng đến mức không kìm nén được và đã khóc lớn.

Vào năm 2011, thời điểm khi bà Âu Dương được trả tự do, bà đã mắc bệnh tâm thần do bị bức hại.

Trường hợp 5: Học viên cao tuổi Lê Quế Hoa chịu nhiều hình thức tra tấn dã man

Bà Lê Quế Hoa sinh năm 1947. Vào các năm 2006 và 2009, bà đã bị giam giữ bất hợp pháp hai lần tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây vì tu luyện Pháp Luân Công.

Trong thời gian bị giam giữ, bà Lê đã phải chịu đủ loại ngược đãi và tra tấn. Ví dụ, khi bà từ chối mặc đồng phục của tù nhân, đội trưởng Hồng Sang Hoa đã chỉ đạo tù nhân nghiện ma túy Vương Tiểu Ánh lột toàn bộ quần áo của bà chỉ để lại nội y và áo ngực.

Bà Lý cũng bị còng tay và buộc phải đứng yên vào ban đêm trong thời gian bốn tháng vì tập các bài công pháp của Pháp Luân Công.

Khi bà không chịu từ bỏ đức tin của mình đối với Pháp Luân Công, các thủ phạm đã ép nhét phân vào miệng và dội nước lạnh lên đầu bà, sau đó ngâm nước chăn bông và đệm bông của bà.

Như thể sự ngược đãi đó chưa đủ làm tổn thương bà, các thủ phạm đã chọc kim tiêm vào cơ thể bà, dùng kìm kẹp vào da thịt và rút móng tay của bà. Một thủ phạm cũng đã cắn đứt một miếng thịt từ ngón tay của bà.

Họ túm tóc, đè đầu bà xuống đất và đánh vào lưng bà một cách thô bạo; ai đó cũng kéo mạnh tai bà khiến tai bà bị rách. Bà Lý cũng bị còng tay và treo lên không trung thường xuyên, tổng cộng là 15 ngày.

Vào tháng 11 năm 2009, bà bị giam giữ lần thứ hai và trong hai năm tiếp theo bà đã bị ngược đãi và tra tấn dã man mỗi ngày, cho đến khi được trả tự do vào ngày 28 tháng 11 năm 2011.

Trường hợp 6: Hạ Thúy Lan bị trói vào giường sắt và bất tỉnh nhiều lần do không thể chịu đựng nổi

Bà Hạ Thúy Lan sinh năm 1961. Bà từng làm kế toán tại Sở Vật tư và Thiết bị của huyện Bành Trạch.

Tháng 7 năm 2008, bà bị bắt và giam giữ bất hợp pháp tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây vì tu luyện Pháp Luân Công.

Khi bà từ chối mặc đồng phục của tù nhân và lao động cưỡng bức, các lính canh đã nhốt bà vào ngục, bức thực bà bằng các chất không rõ nguồn gốc, và treo bà lên không trung trong cả tuần; bà không được thả xuống ngay cả khi bà cần đi vệ sinh hoặc ăn uống. Sự tra tấn là vô cùng đau đớn.

Trong cái gọi là “huấn luyện quân sự”, các lính canh đã cố tình đưa ra mệnh lệnh sai, dẫn đến việc bà Hạ phải đứng bằng một chân, mà các lính canh gọi là “gà trống vàng đứng bằng một chân”. Bà Hạ về cơ bản đã bị tổn thương và bà thậm chí không thể đi lại bình thường sau khi “huấn luyện quân sự”.

Từ tháng 6 năm 2009, bà Hạ đã bị trói trên giường hơn 40 ngày. Bà thậm chí không được phép tắm rửa hoặc sử dụng nhà vệ sinh. Trong quá trình tra tấn, bà đã bị ngất đi một số lần do quá đau đớn.

Ngoài ra, bà cũng bị treo trên không trung trong bảy hoặc tám giờ liên tục, cho đến khi bà bất tỉnh. Các hành vi ngược đãi các tù nhân được khuyến khích bởi các lính canh là điều phổ biến trong trại lao động cưỡng bức.

Các thủ phạm đã kéo dài thời hạn của bà Hạ thêm hai tháng vì sự kiên định của bà vào Pháp Luân Công.

Cuối cùng khi được thả, bà Hạ đã trở nên gầy gò đến mức trông như một bộ xương.

3. Các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp đến từ địa khu Nghi Xuân

Khu vực Nghi Xuân bao gồm thành phố Nghi Xuân, thành phố Cao An, thành phố Chương Thụ, thành phố Phong Thành, huyện Vạn Tái, huyện Thượng Cao, huyện Nghi Phong, huyện Đồng Cổ, huyện Phụng Tân và huyện Tĩnh An. Ít nhất 40 học viên Pháp Luân Công đến từ khu vực Nghi Xuân đã bị giam giữ tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây, 2 trong số họ đã bị giam hai lần. Chi tiết như sau:

Thành phố Nghi Xuân : Từ Căn Anh, Lý Thủy Hương, Lý Thông Hoa, Dương Mỹ Hương, Mẫn Trung, Trần Quảng Tú, Đồ Vượng Liên

Thành phố Cao An : Hà Bích Liên, Trần Vân Tú, La Kim Bảo, Tống Ái Trân, Trần Vĩnh Thanh, Trần Lượng Mai, Phó Tiểu Quyên, La Huy, La Mỗ

Thành phố Chương Thụ: Liệu Hải Mai, Lữ Tam Tú (2 lần), Lý Mỹ Trân, Phó Tiểu Viên, Đinh Nhã Phạm

Thành phố Phong Thành : Hùng Hiệp, Tiếu Thu Ngọc, Tôn Tú Hoa, Lưu Canh Đệ

Huyện Thượng Cao : Ngô Kim Anh, Lý Xuân Hương, Chung Diễm Trân, Ngô Đoàn Viên

Huyện Tĩnh An : La Tú Lan, Quách Thành Anh

Huyện Vạn Tái : Lưu Kiến Hoa, Quách Uẩn Anh (2 lần), Âu Dương Mỹ Hương, Long Hồng Anh, Long Thu Hương, Trương Thọ Viện, Viên Long Nga

Huyện Nghi Phong : Đồ Thủy Tú và Trương Xuân Tú

Các trường hợp bị bức hại nghiêm trọng

Trường hợp 1: Bà Hà Bích Liên bị bệnh tâm thần do bức hại

Bà Hà Bích Liên (không rõ ngày sinh) từng làm y tá tại một bệnh viện ở thành phố Cao An.

Vào khoảng năm 2007, bà bị bắt bất hợp pháp vì tu luyện Pháp Luân Công và bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây.

Khi mới đến, bà trông rất thanh lịch và điềm đạm, với một làn da đẹp.

Trại lao động cưỡng bức đã tăng cường tẩy não bà Hà cực kỳ gắt gao, với nhân viên thay phiên nhau “nói chuyện” với bà, ép bà xem các tài liệu phỉ báng Pháp Luân Công hoặc hoàn thành các công việc đòi hỏi nhiều sức lực trong một khoảng thời gian ngắn. Khi bà quá mệt mỏi và ngồi nghỉ một lát trên giường, lính canh sẽ la mắng, chụp mũ bà giả vờ bị bệnh và trừng phạt bà bằng cách bắt bà đứng nghiêm trong nhiều giờ.

Do bị hành hạ về thể xác và tinh thần trong thời gian dài, bà Hà bị bệnh tâm thần, bà thường la hét vào nửa đêm với đôi mắt đờ đẫn nhìn vào không trung.

Bà ăn mặc tùy hứng mà không quan tâm đến thời tiết, bà bỏ bữa ăn, nhưng lại tìm kiếm thức ăn trong thùng rác.

Thật sự đau lòng khi một người khỏe mạnh và xinh đẹp đã bị bức hại đến mức điên loạn, với thân thể chỉ còn da bọc xương.

Trường hợp 2: Bà Lữ Tam Tú bị đầu độc và tra tấn đế mắc bệnh tâm thần

2021-11-2-i091339_07.jpg

Bà Lữ Tam Tú

Bà Lữ Tam Tú sinh năm 1952, nguyên là nhân viên của Nhà máy Luyện kim Chương Thụ. Từ năm 2002 đến 2007, bà đã bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây hai lần với tổng thời hạn là 5 năm.

Trong lần bị giam giữ đầu tiên, bà đã bị buộc phải xem các video phỉ báng Pháp Luân Công và đọc những cuốn sách có tính chất tương tự. Các tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát bà đã chùm đầu bà bằng vỏ gối, giữ chặt bà trên giường và đánh đập bà dã man bằng giày và các vật dụng khác.

Các lính canh cũng bỏ thuốc độc vào thức ăn của bà, và chỉ 5 phút sau, bà bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như khô miệng, buồn nôn, nôn mửa và rối loạn tâm thần.

Một tháng sau, bà Lữ thường xuyên ở trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Khi đến kỳ kinh nguyệt, bà không biết cách chăm sóc bản thân và máu kinh bị vón cục vương ra khắp nơi. Bà xỏ tay vào hai chiếc giày và bò trên sàn nhà; đôi khi bà còn đá cửa phòng giam, hét lên rằng bà muốn về nhà.

Lính canh Lữ Tú Anh và Chu Chí Hồng không hề thương cảm bà Lữ và phá lên cười một cách khoái chí. Đội trưởng Vương Tuấn Chinh thậm chí còn tệ hơn và còng tay bà Lữ để khống chế bà.

Một hôm, bà Lữ trèo lên cửa sổ và bị rơi mạnh xuống đất từ ​​độ cao hơn 3m dẫn đến bị gãy cột sống thắt lưng và bị thương ở cả hai chân.

Khi bà bị bắt giữ trái phép lần thứ hai, bà Lữ bị cưỡng chế huấn luyện quân sự, và bị buộc phải đứng im trong nhiều giờ hoặc làm công việc nặng nhọc không được trả lương, và bị nhốt trong phòng giam.

Bà Lữ cũng bị bức thực dã man khi tuyệt thực để đòi trả tự do. Tuy nhiên, thời hạn của bà vẫn bị gia hạn thêm 20 ngày nữa trước khi bà được trả tự do.

4. Các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp đến từ địa khu Phúc Châu

Địa khu Phúc Châu bao gồm thành phố Phúc Châu, huyện Đông Hương, huyện Kim Khê, huyện Tư Khê, huyện Sùng Nhân, huyện Nghi Hoàng, huyện Nam Thành, huyện Lê Xuyên, huyện Nam Phong, huyện Lạc An và huyện Quảng Xương.

Ít nhất 11 học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây, 2 trong số họ đã bị giam giữ ba lần, và 2 học viên khác đã bị giam giữ hai lần. Chi tiết như sau:

Thành phố Phúc Châu : Tống Tông Nguyên, Đinh Ngân Tú, Trương Thúy Lan

Huyện Sùng Nhân : Niếp Mai Hương

Huyện Nam Thành : Giang Hữu Hương (2 lần), Quan Thủy Nga (2 lần), Ngao Quế Anh (3 lần), Nghiêu Tiểu Mai (3 lần), La Kiến Dung, Trình Kim Liên, Hoàng Uyển Cầm

Các trường hợp bị bức hại nghiêm trọng

Trường hợp 1: Học viên cao tuổi Ngao Quế Anh bị bắt giữ bất hợp pháp và bức hại ba lần.

2021-11-2-i091339_08.jpg

Bà Ngao Quế Anh

Bà Ngao Quế Anh sinh năm 1947. Bà đã ba lần bị giam giữ bất hợp pháp, với tổng thời hạn là 6 năm.

Bà đã phải chịu đựng tất cả các loại tra tấn trong lần đầu bị giam giữ, và được tại ngoại để điều trị y tế trong vòng chưa đầy một năm. Tuy nhiên, bà đã bị đưa trở lại trại lao động để tiếp tục bị bức hại vào ngày thứ 11 sau khi bà được thả.

Trong lần bị giam giữ thứ hai, bà Ngao liên tục bị ngược đãi. Bà không được phép mua bất kỳ nhu cầu thiết yếu hàng ngày nào hoặc sử dụng nhà vệ sinh. Bà bị còng tay vào một chiếc giường kim loại và không được phép sử dụng nhà vệ sinh. Bà Ngao từng suýt mất mạng.

Mặc dù vậy, các đội trưởng Lý (nam) và Vương Tuấn Chinh đã đánh đập bà một cách dã man. Họ còng tay bà vào khung cửa sổ và sốc điện bà 18 lần bằng dùi cui điện. Khi bà bất tỉnh, các thủ phạm nói rằng bà đang giả vờ chết.

Sau đó, họ ra lệnh cho các tù nhân còng tay bà Ngao vào khung của một chiếc giường kim loại, trói chân bà và kéo về các hướng khác nhau. Do đó, cơ thể bà bị giữ chặt vào chiếc giường kim loại. Các lính canh cũng tát vào mặt bà bốn lần trước khi họ rời đi.

Các thủ phạm đã bức thực bà Ngao bằng cách luồn ống dẫn thực vào dạ dày của bà ba lần một ngày.

Mỗi lần sau khi bức thực, tay chân của bà Ngao lại bị còng và buộc chặt vào chiếc giường kim loại, dưới đó có một cái chậu để hứng phân và nước tiểu của bà. Bà Ngao bị tra tấn ngày đêm và cuộc sống của bà như địa ngục trần gian.

Bà Ngao bị biệt giam trong lần giam giữ thứ ba và bà bị buộc phải lao động không công trong bốn tháng.

Trường hợp 2: Bà Giang Hữu Hương bị treo lên, tát vào mặt và dùng gậy đánh

2021-11-2-i091339_09.jpg

Bà Giang Hữu Hương ở huyện Nam Thành

Bà Giang Hữu Hương sinh năm 1968. Bà đã hai lần bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây, lần đầu vào năm 2000 và sau đó là năm 2004, với tổng thời gian 5 năm.

Tháng 2 năm 2000, bà Giang bị trưởng bộ phận Đặng Kiệm (nam) và trưởng nhóm Dương (nữ) đưa đến phòng giam, và bị còng tay và treo người lơ lửng liên tục suốt ba ngày đêm. Bà không thể ngủ được và cả hai chân của bà bị sưng tấy nặng và cánh tay của bà bị tê liệt; cổ tay của bà cũng bị thương vì bị treo lên.

Vào khoảng 7 hoặc 8 giờ tối ngày 13 tháng 5 năm 2000, các đội trưởng Lý và Vương Tuấn Chinh, bác sỹ Phó của nhà tù và một nhóm năm hoặc sáu người theo sau mang còng tay và dùi cui xông vào phòng giam của bà Giang.

Họ bắt bà Giang đứng úp mặt vào tường và cố ép bà từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Khi bà từ chối, đội trưởng Lý bắt đầu tát vào mặt bà, mặt bà nhanh chóng sưng lên với những vết bầm tím, và máu chảy ra từ khóe miệng của bà.

Đội trưởng Vương Tuấn Chinh cũng quất roi vào mông bà Giang.

Trong lần bị giam giữ thứ hai, bà Giang bị còng tay vào giường và bị bức thực dã man. Bà cũng bị buộc phải lao động nặng nhọc hơn 10 tiếng mỗi ngày.

5. Các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp đến từ địa khu Cát An

Địa khu Cát An bao gồm thành phố Cát An, huyện Cát An, huyện Tân Can, huyện Hạp Giang, huyện Vĩnh Phong, huyện Cát Thủy, huyện An Phúc, huyện Thái Hòa, huyện Vạn An, huyện Toại Xuyên và huyện Vĩnh Tân. Ít nhất 4 học viên Pháp Luân Công từ khu vực này đã bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây. Chi tiết như sau:

Thành phố Cát An : Lưu Ngọc Bân

Huyện Thái Hòa : La Xuân Phương và Hồ

Huyện Cát Thủy : Ngô Đoàn Liên

Trường hợp bị bức hại nghiêm trọng của bà Ngô Đoàn Liên

Bà Ngô Đoàn Liên sinh năm 1966. Vào tháng 12 năm 2010, bà bị kết án một năm lao động cưỡng bức bất hợp pháp và bị giam ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây.

Ngày 28 tháng 3 năm 2011, lính canh Viên Lệ Minh đã cố gắng buộc bà Ngô lúc đó đang bị giam giữ, từ bỏ đức tin của bà đối với Pháp Luân Công. Khi bà từ chối, Viên đã rất tức giận và chỉ đạo các tù nhân nghiện ma túy là Lưu Tiểu Linh và Hoàng Thu Hương quấn phân của họ bằng giấy và nhét vào miệng bà Ngô.

Thấy bà Ngô vẫn không nhượng bộ, các thủ phạm bức hại đã đổ phân và nước tiểu từ bồn cầu lên đầu và cơ thể bà Ngô. Sau đó, họ kéo bà vào phòng vệ sinh và dội một gáo nước lạnh lên người bà. Lúc đó là tháng 3, thời tiết vẫn rất lạnh. Bà Ngô rùng mình và gần như ngất đi.

Trong thời gian bị giam giữ, bà Ngô bị buộc phải lao động không công cả ngày cho đến gần nửa đêm. Trại lao động cưỡng bức cũng kéo dài thời hạn của bà vì bà từ chối từ bỏ đức tin của mình.

6. Các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp đến từ địa khu Thượng Nhiêu

Địa khu Thượng Nhiêu bao gồm thành phố Thượng Nhiêu, huyện Quảng Phong (hiện nay là quận Quảng Phong), thành phố Đức Hưng, huyện Ngọc Sơn, huyện Duyên Sơn, huyện Hoành Phong, huyện Dặc Dương, huyện Dư Can, huyện Bà Dương, huyện Vạn Niên, huyện Vụ Nguyên. Ba học viên Pháp Luân Công từ khu vực này đã bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây. Chi tiết như sau:

Thành phố Thượng Nhiêu : Hùng Đông Mai

Huyện Ngọc Sơn : Chu Lan Tuệ

Huyện Quảng Phong : Hoàng Lan Tình

7. Các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp đến từ địa khu Cống Châu

Khu vực Cống Châu bao gồm huyện Đại Dư, huyện Thượng Do, huyện Sùng Nghĩa, huyện Tín Phong, huyện Long Nam, huyện Định Nam, huyện Toàn Nam, huyện An Viễn, huyện Ninh Đô, huyện Vu Đô, huyện Hưng Quốc, huyện Hội Xương, huyện Thạch Thành, huyện Tầm Ô. 18 học viên Pháp Luân Công từ khu vực này đã bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây, một trong số họ đã bị giam giữ ba lần, và ba người khác đã bị giam giữ hai lần. Chi tiết như sau:

Thành phố Cống Châu : Lương Quỳ Diễm (3 lần), Lương Hướng Dương, Khâu Linh (2 lần), Lý Kì Hoa, Tiếu Hướng Hồng, Tào Mỗ Mỗ, Bình Thành Quân, Điền Tố Hoa, Phổ Liên Anh, Trương Trân Thanh, Lý Tùng Anh

Huyện Đại Dư : Trương Tùng (2 lần)

Huyện Hưng Quốc : Lý Lan Anh

Huyện Sùng Nghĩa : Lam Thường Anh

Một số huyện ở Cống Châu : Chung Tố Cầm, Chung Tố Hồng (2 lần) và Tiểu Liên (họ không rõ họ)

Các trường hợp bị bức hại nghiêm trọng

Trường hợp 1: Bà Lý Lan Anh bị bất tỉnh nhiều lần trong khi bị bức hại

Bà Lý Lan Anh sinh năm 1961, là cư dân huyện Hưng Quốc, thành phố Cống Châu. Bà đã bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây vì tu luyện Pháp Luân Công và phải chịu đủ loại ngược đãi và hành hạ, bao gồm cả việc bị nhốt trong thời gian dài và bị ngộ độc thực phẩm.

Năm 2007, bà Lý bị chảy máu âm đạo nghiêm trọng do hậu quả của việc ngược đãi và bà đã bị ngất đi vài lần. Một lần khi làm sạch bồn cầu, bà bị ngã mạnh xuống nền bê tông bẩn thỉu và bất tỉnh.

Lo lắng rằng bà Lý có thể chết trong trại lao động cưỡng bức, nhà chức trách đã để bà tại ngoại để điều trị y tế.

Trường hợp 2: Bà Trương Tùng, một bác sỹ gây mê ở huyện Đại Dư, bị đánh đập, chửi rủa và bóp cổ

2021-11-2-i091339_10.jpg

Bà Trương Tùng

Bà Trương Tùng sinh năm 1975 và bà từng là bác sỹ gây mê tại Bệnh viện Nhân dân Huyện Đại Dư.

Vào nửa đầu năm 2006, lần đầu bà bị giam giữ tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây vì tu luyện Pháp Luân Công, và bị ngược đãi không ngừng ngay khi bị đưa đến đó.

Vào cuối năm 2006, tổ trưởng Chu Chí Hồng đã nhốt bà Trương vào xà lim và tước bỏ các quyền cơ bản của bà, như quyền thăm thân, viết thư, mua đồ cần thiết hàng ngày, tắm rửa hoặc thậm chí là sử dụng nhà vệ sinh.

Bà Trương và ba tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát bà bị giam trong một phòng giam nhỏ vài mét vuông hết ngày này qua ngày khác và mùi hôi thối trong phòng nồng nặc đến mức khó thở.

Vào tháng 10 năm 2009, bà Trương lại bị bắt giam. Bà bị buộc phải xem các video phỉ báng và đọc các sách vu khống Pháp Luân Công.

Một lần khi bà bị buộc phải “chuyển hóa” (từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công), bà cảm thấy rất khó chịu trong bụng và cần phải đi vệ sinh. Tuy nhiên, yêu cầu của bà đã bị lính canh cố tình phớt lờ.

Tuyệt vọng, bà lao vào nhà vệ sinh, nhưng ngay lập tức bị các tù nhân tóm lại dưới sự chỉ đạo của lính canh. Họ bóp cổ bà, tát vào mặt và đánh vào tay bà khi bà đang bám vào khung cửa sổ.

Sau đó, trại lao động cưỡng bức cáo buộc bà Trương có thái độ không tốt và trừng phạt bà bằng cách kéo dài thời hạn giam giữ.

8. Các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp đến từ thành phố Ưng Đàm

Thành phố Ưng Đàm là một thành phố cấp tỉnh ở tỉnh Giang Tây, thuộc quyền quản lý của thành phố Quý Khê và huyện Dư Giang (hiện nay là quận Dư Giang). Ít nhất 10 học viên Pháp Luân Công Ưng Đàm đã bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây, và 2 người trong số họ đã bị giam giữ hai lần.

Thành phố Ưng Đàm : Lý Á Bình, Lý Mỹ Liên (2 lần), Lưu Thường Nga (2 lần), Lưu Bảo Trân, Trình Lai Hoa

Huyện Dư Giang : Triệu Hương Anh, Chu Tiểu Linh, Vương Thu Phượng, Cao Kim Phượng, Nghê Ái Nga

Các trường hợp bị bức hại nghiêm trọng

Trường hợp 1: Bà Cao Kim Phượng ở huyện Dư Giang bị bệnh tâm thần do bị bức hại

Bà Cao Kim Phượng (không rõ ngày sinh chính xác, đã ngoài 50 tuổi khi bà bị đánh đập và tra tấn trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây.

Lính canh đã xúi giục các tù nhân tra tấn bà Cao bằng cách dùng giày da đá vào đầu bà, thúc gối vào ngực và miệng bà, đồng thời dùng khăn bịt miệng để bà không la hét. Họ tra tấn bà theo cách này hàng ngày, và nói rằng họ sẽ tiếp tục làm như vậy cho đến khi bà từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.

Bà Cao đã tuyệt thực để phản đối sự bức hại này, nhưng các thủ phạm đã đánh đập bà cho đến khi bà bất tỉnh.

Vì sợ phải chịu trách nhiệm nếu bà chết, các lính canh đã đưa bà trở lại phòng truyền tĩnh mạch và để bà thở oxy.

Chỉ mất vài ngày, các thủ phạm đã biến bà Cao từ một phụ nữ khỏe mạnh khoảng 50 tuổi, trở thành một người bị rối loạn tâm thần, không còn biết mình là ai. Bà liên tục la hét vì những cơn đau đầu không thể chịu đựng nổi.

Sau khi bà Cao bị bệnh tâm thần, các lính canh đã bịa đặt những lời buộc tội, nói rằng bà bị mất trí vì bà tu luyện Pháp Luân Công.

Trại lao động cưỡng bức vẫn từ chối trả tự do cho bà Cao cho đến khi họ cưỡng chế tẩy não bà thêm một đợt khác.

Trường hợp 2: Bà Lý Mỹ Liên bị còng tay vào “Giường chết” và bị trói vào “Ghế cọp”

Bà Lý Mỹ Liên ở huyện Ưng Đàm, sinh năm 1965. Bà đã hai lần bị giam giữ trái phép, lần lượt vào năm 2000 và 2012.

Trong lần bị giam giữ đầu tiên, bà Lý đã tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại. Trưởng bộ phận Đặng Kiệm (nam) bóp cổ bà quá mạnh khiến bà gần như bất tỉnh.

Trong một lần khác, trưởng bộ phận Vương Tuấn Chinh (nam) đã đánh đập bà, và sau đó còng tay bà vào “Giường chết” trong tư thế đại bàng sải rộng cánh. Đây là một hình thức tra tấn cực kỳ tàn bạo và gây ra những đau đớn tột cùng cho nạn nhân.

Khi bác sỹ nhà tù họ Phó đến kiểm tra, ông ta không những không thương cảm với bà Lý mà còn dùng còng tay đập vào đầu và mặt bà. Khuôn mặt của bà Lý ngay lập tức sưng lên và biến dạng.

Khi bà Lý bị bắt giữ lần thứ hai, bà không chịu mặc đồng phục của tù nhân và tuyệt thực trong ba ngày đêm.

Để tra tấn bà thậm chí còn nghiêm trọng hơn, trại lao động cưỡng bức đã mua một công cụ tra tấn được gọi là “Ghế cọp”.

1cd0b87d680097050b9699e34885ab73.jpg

Tái hiện tra tấn: Tra tấn trên “Ghế cọp”

Thủ phạm bức hại đã trói bà Lý vào “Ghế cọp” để bức thực bà, rất có thể đã được trộn với thuốc độc, bởi vì ngay sau khi bức thực bà xong, bà Lý đã rất khó chịu trong bụng. Trưởng bộ phận Vương Tuấn Chinh cũng đánh bà dữ dội.

Trường hợp 3: Bà Lưu Thường Nga bị tra tấn bằng cách treo người lên và bị sốc điện

Bà Lưu Thường Nga sinh năm 1953, làm việc tại một ngân hàng ở thành phố Ưng Đàm. Bà đã hai lần bị giam giữ bất hợp pháp, lần đầu vào năm 2002 và sau đó là năm 2009. Trong khi bị giam giữ, một cánh tay của bà đã bị các tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát bà kéo mạnh đến mức bị bong gân.

Trong lần bị giam giữ đầu tiên, bà thường bị tra tấn vì từ chối từ bỏ đức tin của mình đối với Pháp Luân Công. Ví dụ, bà thường bị còng vào khung cửa sổ bằng kim loại, cao hơn mình, và mỗi lần bà bị còng ít nhất ba ngày, có khi mười ngày, thậm chí nửa tháng. Mỗi ngày, bà bị tra tấn như vậy trong bảy hoặc tám giờ liên tục.

Bà cũng thường xuyên bị nhốt, bị sốc điện bằng dùi cui điện, và bị buộc phải lao động không công. Khi bà không thể hoàn thành khối lượng công việc đúng thời hạn, các thủ phạm sẽ kéo dài thời hạn giam giữ bà như một hình phạt.

Một lần, lính canh Quách Lệ lục soát phòng giam của bà Lưu và tìm thấy một số bài giảng của Pháp Luân Công. Quách ngay lập tức tát liên tiếp vào mặt bà.

Vào tháng 8 năm 2010, trong lần bị giam giữ thứ hai, bà Lưu bị đau lưng dữ dội, nhưng bà vẫn bị buộc phải ra khỏi giường để hoàn thành khối lượng công việc theo yêu cầu.

9. Các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp từ thành phố Tân Dư

Thành phố Tân Dư là một thành phố cấp tỉnh ở tỉnh Giang Tây, với huyện Phân Nghi thuộc quyền quản lý của thành phố. Ít nhất 9 học viên Pháp Luân Công ở thành phố này đã bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây, và một trong số họ đã bị giam giữ hai lần. Chi tiết như sau:

Thành phố Tân Dư : Lý Liệt Phương (2 lần), Lý Xuân Phong, Lưu Hồng Bình, Trương Trung Minh, Ngô Xuân Hoa, Hoàng Xuân Hoa, Tân Bình Trân, Ô Mai Hương, Hoàng Thủy Tú.

Trường hợp bức hại nghiêm trọng của Lý Liệt Phương

2021-11-2-i091339_11.jpg

Bà Lý Liệt Phương

Bà Lý Liệt Phương sinh năm 1967, nguyên là nhân viên Nhà máy Chăn ga gối đệm Tân Dư.

Lần đầu bà bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây vì tu luyện Pháp Luân Công là vào tháng 10 năm 2000. Bà đã bị nhốt trong phòng giam, được giám sát bởi hai tù nhân do lính canh chỉ định. Hai tù nhân đã chửi rủa bà suốt cả ngày.

Bà Lý đã bị từ chối quyền thăm thân và không được phép viết bất kỳ lá thư nào. Bà và hai tù nhân phải ăn, uống và đi vệ sinh ngay trong phòng giam nhỏ vài mét vuông khiến nơi đây bốc mùi khó chịu.

Tháng 1 năm 2002, bà Lý bị giam giữ lần hai ở trong trại này với thời hạn hai năm. Suốt thời gian đó, bà bị ngược đãi, trong đó có việc bị nhốt và theo dõi 24/7 bởi các tù nhân được chỉ đạo bởi các lính canh.

Bà không được phép mở cửa để có không khí trong lành ngay cả trong mùa hè nóng nực như thiêu như đốt. Bà cũng không được phép gặp mặt người thân và buộc phải lao động không công mỗi ngày. Bà cũng bị cưỡng bức tẩy não và liên tục bị đánh đập và ngược đãi.

Tháng 11 năm 2003, khi hết thời hạn thụ án, trưởng bộ phận Vương Tuấn Chinh và giám đốc trại lao động Tống Ba đã gia hạn thời hạn bất hợp pháp thêm 15 ngày với lý do bà từ chối “chuyển hóa” và lao động không công.

10. Các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp đến từ thành phố Bình Hương

Thành phố Bình Hương là một thành phố cấp tỉnh ở tỉnh Giang Tây, với các huyện Thượng Lật, Lô Khê, Liên Hoa dưới quyền quản lý của thành phố. Ít nhất 8 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Bình Hương đã bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây, một trong số họ bị giam hai lần. Chi tiết như sau:

Thành phố Bình Hương : Hoàng Tụng Đông (2 lần), Ngao Dịch Văn, Lưu Hòa Vân, Vinh Ái Mai, Phó Yến Phương, Kim

Huyện Liên Hoa : Chu Vũ Liên, Nghiêm Đầu Phượng

Các trường hợp bị bức hại nghiêm trọng

Trường hợp 1: Bà Hoàng Tụng Đông bị còng tay vào giường sắt, dùng chổi cọ vệ sinh chọc vào âm đạo

Bà Hoàng Tụng Đông, không rõ ngày sinh, đã bị giam giữ bất hợp pháp vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà từ chối từ bỏ đức tin của mình và tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại. Các lính canh sau đó đã chỉ đạo một số tù nhân kéo bà Hoàng đến sân thể thao và đánh đập bà.

Các thủ phạm cũng còng tay bà và treo bà lơ lửng trong nhiều ngày liền; bà bị đánh đập và toàn thân đầy vết thương và bầm tím; thủ phạm còn chọc cây cọ bồn cầu vào âm đạo của bà và ngoáy nó một cách thô bạo khiến bà chịu đau đớn tột cùng.

Năm 2006, khi bà tuyệt thực, quản giáo Lữ Tú Anh của Khu 1 đã còng tay bà vào một chiếc giường kim loại và bức thực bà một cách ác độc bằng cách đẩy một ống cao su xuống dạ dày của bà. Máu phun ra từ miệng bà xa tới ba mét.

Cuộc bức hại nghiêm trọng đã làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của bà Hoàng và tính mạng của bà bị đe dọa nghiêm trọng. Bà đã phải nhập viện cấp cứu nhiều lần.

Trường hợp 2: Bà Ngao Dịch Văn bị đánh đập dã man và cưỡng bức lao động chân tay nặng nhọc

Bà Ngao Dịch Văn sinh năm 1976. Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, bà là một người nghiện ma túy, đã trải qua nhiều lần cai nghiện nhưng lại bị tái nghiện nhiều lần. Bà đã từ bỏ thói quen xấu và bắt đầu một cuộc sống mới sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công.

Tháng 8 năm 2010, bà bị bắt giữ bất hợp pháp và bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây vì đã nói với mọi người rằng bà đã được hưởng lợi như thế nào khi tu luyện Pháp Luân Công và về cuộc bức hại.

Khi bà vừa đến, trưởng bộ phận Vương Tuấn Chinh đã đe dọa bà. Vài ngày sau, bà đã bị đánh đập thậm tệ hai lần bởi các tù nhân được chỉ định theo dõi bà theo sự chỉ đạo của trưởng nhóm Trần Anh.

Bà bị cưỡng bức tẩy não và buộc phải làm công việc nặng nhọc. Kết quả là thị lực của bà giảm sút nghiêm trọng.

Sau khi bà bị chuyển đến Khu 3, bà tiếp tục bị ngược đãi thể chất. Bà thường xuyên bị đánh đập và bị bắt phải đứng yên trong nhiều giờ.

Sau đó, bà Ngao được giao phụ trách một dây chuyền sản xuất lắp ráp máy tính, bà phải tiếp xúc với khói độc do đốt dây thiếc.

Bà trở nên rất gầy và khuôn mặt của bà tái nhợt. Khi đến hạn được thả, trại lao động cưỡng bức đã kéo dài thời hạn của bà thêm một ngày lao động không công.

11. Các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp đến từ các khu vực khác trong tỉnh (không rõ thông tin) hoặc các tỉnh thành khác

Ít nhất 15 học viên Pháp Luân Công từ các khu vực khác không rõ thông tin hoặc các tỉnh khác đã bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây.

Họ gồm: Tống Đào, Đinh Hoa, Tôn Ái Quân, Dương Kim Phượng, Dương Ngân Bình, Vương Xuân Mai, Ngô Đoàn Anh, Viên Ái Trân, Lưu Hải Liên, Trần Tuyết Anh, Trình Thái Cầm, Hoàng Thục Bình, Lưu Văn Cô, Đồng Đông Hoa, Lý Mỹ Lệ.

Minh Huệ Net cũng đưa tin về hai học viên Pháp Luân Công từ các tỉnh khác đã bị giam giữ và bức hại tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây.

Họ gồm: Bà Lưu Hân ở thành phố Quảng Châu, và bà Mai Băng Thanh ở tỉnh Hồ Bắc.

Thông tin liên quan về nhân sự của Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Giang Tây:

Giám đốc: Tăng Khánh Trí (曾庆智), Dụ Toàn Kim (喻 全 金), Tống Ba (宋波), Liệu Quốc Hựu (廖国佑) và Trần Hoàng Huy (陈 煌 辉)

Phó giám đốc: Ngô Đông Anh (吴冬英), Đặng Kiệm (邓 俭) và La Phượng Hương (罗 凤 香)

Trưởng bộ phận quản lý: Vương Tuấn Chinh (王俊 征)

Phó trưởng bộ phận quản lý: Chu Đạt Xuân (朱达椿)

Trưởng khu: Lý Tiểu Lương (李小良), Chu Thiến Cầm (周茜琴), Chu Chí Hồng (周志红), Lữ Tú Anh (吕秀英), Hồng Sang Hoa (洪 创 华), Hoàng Hà (黄河), Thạch Quỳnh Anh (石琼瑛), Trần Anh (陈瑛) và Thái Phương Diễm (蔡芳艳)

Trưởng nhóm: Trần Văn (陈文), Lê Lập Tân (黎立新), Chung Tiểu Lan (钟小兰), Viên Lệ Minh (袁丽明), Ngô Hiểu Huy (吴晓晖) và Từ Diễm Bình (徐艳萍)

Lính canh: Dương Tố Bình (杨素平), Trương Tiểu Thúy (张小翠), Dương Lệ Bình (杨丽萍), Ngụy Thu Hồng (魏秋红), Tạ Thế Thanh (谢世清), Tần Lị (秦莉), Trần Thục Mẫn (陈淑敏), Trương Việt (张越), Dương Hiểu Huệ (杨晓慧), La Tố Bình (罗素平), Trương Côn (张鲲) và Trịnh Nhã Linh (郑雅玲)

Các bác sỹ của trại: Trần Ái Chi (陈爱芝), Từ Giáo Lương (徐校良), bác sỹ Phó (付), Lưu Hoa (刘 花) và Đinh Viện (丁 媛)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/11/3/433197.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/2/196828.html

Đăng ngày 02-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share