Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 01-12-2021] Bà Thôi Tiểu Bình tin rằng Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, đã chữa khỏi nhiều bệnh cho bà. Nhưng vì bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại vào tháng 7 năm 1999, bà đã liên tục bị bắt giữ và bỏ tù ba lần với tổng thời gian thụ án hơn mười năm.

Lợi ích từ việc tu luyện Pháp Luân Công

Bà Thôi ở thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên đã phải vật lộn với sức khỏe kém từ khi còn nhỏ. Bà từng mắc nhiều căn bệnh, bao gồm viêm ruột mãn tính, viêm dạ dày, đau nửa đầu và cao huyết áp. Bắt đầu từ năm 1991, phải nhập viện hai lần một năm và được truyền máu hàng năm. Việc lạm dụng thuốc trong thời gian dài khiến bà bị phản ứng nặng với thuốc. Vì vậy, bà trở nên cáu kỉnh và lo lắng. Bà đã thử đủ mọi cách chữa trị nhưng vô ích.

Tháng 12 năm 1994, bà Thôi đã tham gia một khóa học Pháp Luân Công ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Các căn bệnh của bà đã biến mất hoàn toàn sau lớp học 8 ngày này, điều này đã giúp bà tiết kiệm được rất nhiều chi phí y tế.

Bà Thôi cũng đã có sự thay đổi lớn thế giới quan của mình sau khi tu luyện. Bà đã ngộ ra ý nghĩa thực sự của sinh mệnh và cố gắng sống chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công. Bà từng công tác tại Cục Giáo dục ở thành phố Lạc Sơn trước khi cuộc bức hại bắt đầu. Bà đã làm việc chăm chỉ và rất có trách nhiệm. Bà xem nhẹ lợi ích cá nhân và không nhận quà biếu. Bà được đồng nghiệp và lãnh đạo hết lời khen ngợi.

Khi cuộc bức hại bắt đầu diễn ra vào năm 1999, bà Thôi đã bị mất việc làm và phải làm nhiều việc lặt vặt để kiếm sống. Khi mọi người xung quanh cười nhạo bà, bà không hề tức giận mà chỉ mỉm cười.

Khi bà bị bắt vào tháng 8 năm 1999, một lính canh đã đe dọa đánh bà. Bà nói: “Có thể là vì điều gì đó mà tôi đã làm không tốt nên anh muốn đánh tôi. Nếu đánh tôi có thể xoa dịu tâm trạng của anh và làm cho anh vui vẻ, thì anh cứ đánh đi, tôi sẽ không đánh lại đâu”. Cuối cùng, lính canh đã không đánh bà mà thay vào đó lấy đi những đồ dùng thiết yếu của bà.

Giam giữ và bức hại vì đức tin

Trong hơn mười năm, bà Thôi đã nhiều lần bị bắt và bị kết án. Sau mỗi lần bị bắt giữ là cuộc lục soát nhà của bà và nhiều tài sản cá nhân như sách và tài liệu Pháp Luân Công, máy ghi âm và máy ghi hình đã bị tịch thu. Bà bị quản thúc tại gia và chịu sự giám sát của khu dân cư sau mỗi lần bị bắt. Bà cũng bị sách nhiễu, theo dõi, vu khống và điện thoại của bà cũng bị nghe lén.

Vào năm 1999, sau khi cuộc bức hại bắt đầu, bà Thôi đã bị bắt và giam giữ nhiều lần. Bà bị kết án ba năm tù vào năm 2000 và bị lao động cưỡng bức hai năm vào năm 2003. Trại lao động từ chối nhận bà do tình trạng sức khỏe yếu. Bà được trả tự do nhưng lại bị bắt vào năm 2004 và bị kết án sáu năm trong Nhà tù Nữ Tứ Xuyên. Trong thời gian bà bị giam giữ, gia đình thường gửi đồ dùng thiết yếu và gửi tiền để bà mua đồ, nhưng hầu hết đồ đạc và tiền bạc đều bị lính canh giữ lại.

Chi tiết bên dưới là sự bức hại mà bà Thôi đã phải chịu đựng.

Nhiều lần bị giam giữ vào năm 1999

Ngày 20 tháng 7 năm 1999, bà Thôi lần đầu bị nhân viên Văn phòng An ninh Nội địa thuộc Công an Thành phố Lạc Sơn. Cả nhà và văn phòng của bà đều bị lục soát. Bà được lệnh thuyết phục các học viên khác không đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Khi bà Thôi từ chối, cảnh sát đã giữ bà tại Đồn Công an phố Thuận Thành trong hai ngày. Sau khi được thả, bà bị quản thúc tại gia.

Tháng 8 năm 1999, bà Thôi bị đưa đến một trung tâm tẩy não nằm trong nhà khách của cảnh sát. Nhiều học viên bị giam giữ và bị yêu cầu từ bỏ Pháp Luân Công ở cơ sở này. Mỗi phòng đều được canh gác bởi một cảnh sát vũ trang. Các học viên không được phép nói chuyện với nhau. Họ cũng buộc phải tham gia huấn luyện quân sự vào mỗi buổi chiều.

Sau một tháng tẩy não, bà Thôi bị chuyển đến Trại tạm giam Huyện Kiến Vi và bị giam ở đó thêm hai tuần nữa, vì bà không bị chuyển hóa. Mẹ bà đã bị sốc và bất tỉnh khi nghe tin bà bị giam giữ kéo dài.

Hai ngày sau khi bà được thả khỏi trại tạm giam Huyện Kiến Vi, bà Thôi đã bị bắt và bị giam tại trại tạm giam Thành phố Lạc Sơn trong hai tuần. Trong thời gian đó, nhà chức trách trại tạm giam đã đe dọa đánh bà và lấy đi tất cả những đồ dùng cần thiết sinh hoạt hàng ngày của bà.

Bà bị quản thúc tại khu dân cư sau khi được thả. Khi trở lại Cục Giáo dục làm việc, bà buộc phải xem “phỏng vấn tiêu điểm”, một chương trình tin tức tuyên truyền quan trọng của đài truyền hình nhà nước và viết báo cáo “tư tưởng” mỗi ngày. Ủy ban Chính trị và Pháp luật địa phương đã cố gắng để một đài truyền hình địa phương phỏng vấn bà để sản xuất một chương trình khác phỉ báng Pháp Luân Công, nhưng bà đã từ chối.

Tháng 11 năm 1999, bà Thôi lại bị bắt khi bà trở về sau một chuyến đi xa. Nhà của bà đã bị lục soát. Bà bị đưa đến trại tạm giam Thạch Trụ Sơn ở thành phố Lạc Sơn và bị giam trong một tháng. Bà cũng đã bị đơn vị công tác sa thải. Sau khi được thả, bà bị quản thúc tại khu dân cư và được lệnh phải báo cáo đồn công an mỗi ngày.

Kết án ba năm tù

Đầu tháng 6 năm 2000, bà Thôi lại bị bắt và bị đưa đến một đồn công an ở thành phố Thành Đô. Lính canh liên tục ra lệnh cho bà phải từ bỏ Pháp Luân Công và tiết lộ thông tin về các học viên khác. Bà đã từ chối và ba ngày sau, bà bị đưa đến Đồn Công an Thị trấn Ngưu Hoa.

Điều kiện sinh hoạt trong phòng giam rất tồi tệ, ở đây có rất nhiều muỗi và bà Thôi bị muỗi đốt chi chít. Thức ăn rất nghèo nàn nhưng cảnh sát đã thu 50-100 Nhân dân tệ mỗi ngày tiền thức ăn của bà.

Sáu ngày sau, bà tuyệt thực để phản đối điều kiện sinh hoạt tồi tệ. Sau đó bà bị chuyển đến Trại giam Thành phố Nga Mi Sơn, sáu tháng sau, bà lại bị chuyển đến trại tạm giam Thành phố Nga Mi Sơn. Tại đó, vì luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, bà đã bị lãnh đạo trại tạm giam đánh đập và bị đau ở chân trong hơn một tháng.

Sau đó bà Thôi đã bị kết án ba năm trong Nhà tù Nữ Tỉnh Tứ Xuyên. Bà bị hai tù nhân theo dõi cả ngày lẫn đêm và liên tục ép bà phải từ bỏ Pháp Luân Công. Bà bị biệt giam 48 ngày và bị cưỡng bức lao động nặng nhọc không công.

Hai năm trong trại lao động cưỡng bức

Hai tuần sau khi được trả tự do vào năm 2003, bà Thôi lại bị bắt và đưa đến Đồn Công an Trương Công Kiều và sau đó là trại tạm giam Thạch Trụ Sơn. Bà đã tuyệt thực để phản đối việc bắt giữ. Bốn ngày sau, bà bị kết án 2 năm lao động và thụ án trong Trại lao động Nam Mộc Tự.

Trại lao động từ chối tiếp nhận bà Thôi vì sức khỏe yếu. Cảnh sát đã phải đưa bà trở về nhà.

Tháng 8 năm 2003, bà Thôi làm đơn gửi tới các nhà chức trách địa phương xin được khôi phục công tác. Các nhà chức trách đã không hồi đáp yêu cầu của bà. Sau đó, bà đã khiếu nại lên chính quyền tỉnh.

Tháng 3 năm 2004, giám đốc Cục Giáo dục Thành phố Lạc Sơn nói với bà Thôi rằng cần phải có sự chấp thuận của Vương Chí Thanh, bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật để bà có thể được phục hồi công tác. Bà đã đến gặp Vương trong giờ hành chính và lại bị bắt và giam giữ tại trại tạm giam Huyện Giáp Giang.

Bà Thôi đã tuyệt thực để phản đối việc bắt giữ tùy tiện. Bà bị còng tay, cùm chân và truyền tĩnh mạch tại bệnh viện huyện. Vài ngày sau bà được thả về vì tình trạng sức khỏe kém.

Hai tháng sau, vào tháng 5 năm 2004, cảnh sát của Công an Thành phố Lạc Sơn lại bắt bà Thôi và đưa bà đến trại tạm giam Thạch Trụ Sơn. Cảnh sát tuyên bố rằng bà đã quảng bá Pháp Luân Công trong lá thư kháng cáo của mình. Bà đã tuyệt thực trong 13 ngày và chỉ được thả khi bên bờ vực của cái chết.

Án tù sáu năm

Tháng 7 năm 2004, bà Thôi lại bị bắt và bị Tòa án Quận Thị Trung kết án sáu năm. Bà bắt đầu tuyệt thực và kháng cáo bản án. Vì những lần tuyệt thực lặp đi lặp lại, bà trở nên vô cùng yếu ớt. Để tránh những trách nhiệm pháp lý có thể xảy ra, trại giam đã trả tự do cho bà.

Không bao lâu sau khi trở về nhà, bà Thôi lại bị bắt. Bà tiếp tục tuyệt thực và sau đó được trả tự do.

Tháng 12 năm 2004, cảnh sát bắt giam bà Thôi khi bà đang đi bộ trên đường phố. Họ đã đưa cho bà phán quyết từ tòa án cấp cao hơn về việc giữ nguyên bản án ban đầu của bà và đưa bà đến Nhà tù Nữ Tỉnh Tứ Xuyên.

Dù rất yếu, nhưng bà Thôi vẫn bị cưỡng chế lao động nặng nhọc không công. Bà đã tuyệt thực để phản đối sự bức hại.

Ban đầu nhà tù cho phép gia đình bà nộp đơn xin tạm tha điều trị y tế cho bà sau 83 ngày ngồi tù, tuy nhiên cảnh sát từ chối cung cấp các giấy tờ cần thiết mà nhà tù yêu cầu. Một cảnh sát thậm chí còn nói với gia đình bà: “Chúng tôi đã nhận được chỉ đạo từ cấp trên, rằng chỉ được phép để bà ấy chết trong nhà tù và không cho phép bà ấy về nhà.”

Khi gia đình bà nói lý lẽ với cảnh sát, cảnh sát đã đổ lỗi rằng đó là do bà đã liên lạc với Vương của Ủy ban Chính trị và Pháp luật để phục hồi công việc.

Đến cuối năm 2010, bà Thôi đã thụ án đủ thời hạn sáu năm và được trả tự do.

Trong khi bà Thôi bị cầm tù, cảnh sát thường xuyên sách nhiễu người mẹ ngoài 60 tuổi và cô con gái đang tuổi vị thành niên của bà. Cả hai người đều phải chịu đựng áp lực tinh thần to lớn và sống trong sợ hãi.

Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu bà Thôi sau khi bà trở về nhà. Bà đã không thể có một công việc ổn định hay một cuộc sống yên ổn.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/1/434233.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/17/197020.html

Đăng ngày 31-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share