Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc Đại Lục

[MINH HUỆ 18-06-2021] (tiếp theo Phần 2)

[Tình huống 5] Đây là vấn đề tu luyện, chứ không phải khả năng ăn nói

Một ngày nọ, một đồng tu nói với tôi: “Huynh đệ, anh thật sự có khả năng ăn nói. Anh nói gì cũng đều rõ ràng, họ đều hiểu. Còn tôi ăn nói vụng về. Tôi biết mình muốn nói gì nhưng lại không thể nói rõ ra được. Tôi phải làm thế nào bây giờ?“

“Điều này có thể không liên quan đến khả năng ăn nói đâu,” tôi trả lời. “Khi anh có thể đứng ở trong Pháp mà nhận thức Pháp, có thể coi bản thân như một vì Thần mà đối đãi với việc này, anh sẽ có thể nói được rõ ràng. Nếu anh cứ dung túng cho các đồng tu khác ỷ lại vào mình, họ sẽ khó có thể bước trên con đường chứng thực Pháp của bản thân. Hãy giúp họ hiểu vấn đề dựa trên Pháp, chứ không chỉ dựa trên việc sửa chữa các thiết bị.”

Anh ấy liền nói: “Tôi hiểu rồi.”

[Tình huống 6] Mọi việc xảy ra đều không phải ngẫu nhiên

Một đồng tu đã đến giúp sửa máy in của một học viên khác. Khi đến đó, anh ấy cố gắng chia sẻ vấn đề từ góc độ của Pháp, kết quả nhận được phản hồi: “Anh biết không, các học viên kỹ thuật khác vừa đến đã bắt tay vào sửa máy. Anh thì muốn chia sẻ với mọi người, và còn còn muốn chúng tôi học công nghệ. Anh nghĩ rằng mọi người học được những kỹ năng này chăng? Sao anh không hoàn thành công việc thay vì lãng phí thời gian như vậy?”

Đồng tu đó nghe vậy không biết phải nói gì nữa.

Tôi giải thích với anh ấy rằng anh ấy thực sự đã làm rất tốt, vì những tình huống như thế này cần chia sẻ và thảo luận kỹ lưỡng hơn bình thường. Nếu tôi ở trong tình huống đó, tôi sẽ trả lời như sau:

“Tại sao chị lại vội vàng như vậy? Chị đang bận in tờ rơi để cứu người phải không? Khi máy in của chị bị hỏng, nhất định có yếu tố cần phải đề cao ở trong đó. Là một người tu luyện, nếu chị chỉ sửa máy móc mà không tận dụng cơ hội này để hướng nội, chị có thể đã bỏ lỡ một cơ hội đề cao. Nếu mỗi lần máy hỏng, chị luôn để người khác sửa thì làm sao có thể đề cao bản thân? Nếu chị có thể thảo luận vấn đề, hướng nội và tìm ra chỗ cần cải thiện của bản thân, thì chị sẽ thực sự đề cao trong Pháp. Và nếu chị học cách tự sửa máy in và không còn phải dựa vào người khác, chị sẽ có thể chứng thực Pháp bằng cách tự đi trên con đường của mình. Bằng cách đó, tài liệu chị in ra sẽ càng có sức mạnh hơn trong việc cứu người. Điều đó chẳng phải tuyệt vời hay sao?”

[Tình huống 7] Các học viên nên chăm sóc cho các dụng cụ của mình

Một đồng tu rời thị trấn để sửa máy in. Khi trở về, cô ấy trông có vẻ bực bội. Tôi hỏi cô ấy chuyện gì đã xảy ra. Cô ấy nói với tôi rằng trong khi sửa máy cô ấy đã cố gắng chỉ một số kỹ thuật cơ bản cho đồng tu, nhưng cô ấy lại nhận được lời “giáo huấn” từ vị đồng tu đó.

“Tại sao chị lại muốn chỉ cho tôi cách sửa máy in? Chị chẳng phải chuyên làm việc kỹ thuật này sao? Học viên Đại Pháp chúng ta giống như một nhà máy lớn, trong đó có đủ loại phân công công việc. Chị chẳng phải là người chịu trách nhiệm việc sửa chữa trong nhà máy sao? Nhờ chị đến sửa chẳng phải là hợp lý sao? Sao chị cứ muốn người khác học cách sửa?”

Cô ấy nghe xong rất bực bội và không nói lời nào trong suốt thời gian còn lại ở đó. Cô ấy cũng sửa máy in vừa đủ để máy hoạt động, nhưng vẫn còn một số vấn đề.

Tôi nói với cô ấy rằng, trước hết, chúng ta không nên tức giận khi nghe những lời đó. Đây chẳng phải là cơ hội tốt để đề cao hay sao? Chúng ta có thể dùng tâm thái bình hòa để giải thích rõ mọi việc cho đồng tu.

Ví dụ, nếu là tôi, tôi sẽ trả lời đồng tu đó như sau: “Giả sử điều này xảy ra với người thường. Khi máy in của chị bị hỏng và chị nhờ bạn bè đến giúp. Chị có thể sẽ rất lịch sự, mang cho họ đồ uống và đồ ăn nhẹ để họ chịu khó giúp chị. Ở đây điều khác biệt duy nhất là một học viên Đại Pháp đã từ thành phố khác tới đây để giúp chị. Thêm vào đó, máy in là Pháp khí của chị, dùng để cứu người. Vì vậy chị nên chăm sóc nó thật tốt. Đồng thời, khi máy in bị hỏng, có thể đây là cơ hội để chúng ta hướng nội và cũng học một số kỹ thuật bảo trì cơ bản. Hơn nữa, các học viên đến hỗ trợ chúng ta không phải là thợ sửa chữa chuyên nghiệp, họ đến vì họ muốn hỗ trợ đồng tu. Là học viên Đại Pháp, chúng ta nên nghĩ đến thời gian và công sức của người khác.”

Cô ấy cũng đồng ý với quan điểm của tôi.

[Tình huống 8] Phủ nhận an bài của cựu thế lực

Một lần tôi tới khu vực khác để dạy kỹ thuật sửa chữa các thiết bị điện tử, một đồng tu nhận xét: “Tôi nghĩ rằng trước khi tất cả chúng ta từ Thiên thượng hạ xuống đây, có lẽ chỉ có một số học viên được an bài biết làm kỹ thuật. Đó là lý do tại sao hiện nay chúng ta đang thiếu trầm trọng nhân lực kỹ thuật. Nhiều học viên không học hoặc không học được các kỹ năng này.”

Tôi nói rằng theo tôi thì không phải như vậy. Cho dù là như vậy, thì đó hẳn là do cựu thế lực an bài, chứ không phải là an bài của Sư phụ. Nếu chúng ta thừa nhận an bài như vậy, thì cựu thế lực sẽ tập trung nỗ lực bức hại các học viên kỹ thuật này để đạt được mục tiêu khảo nghiệm các đệ tử Đại Pháp nói chung. Trong những năm gần đây, các học viên kỹ thuật và điều phối viên ở Trung Quốc Đại Lục đã bị bức hại hàng loạt. Có lẽ do nhiều đồng tu của chúng ta ý thức hoặc vô thức tuân theo an bài của cựu thế lực và bị dùi vào sơ hở.

Sư phụ giảng rằng:

“Đệ tử Đại Pháp chúng ta quả là kiêm nhiều chức, nếu bản thân mình có thể vừa làm tốt việc này vừa làm tốt việc kia, thế thì chư vị cứ làm đi.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2010)

Thể ngộ của tôi là Sư phụ đã ban cho chúng ta năng lực và trí huệ để đột phá an bài của cựu thế lực và cứu tất cả chúng sinh.

Đôi khi tôi nói vui với các đồng tu: “Từ năm 1999 tới nay, chúng ta đã chứng thực Pháp và cứu độ chúng sinh trong bao nhiêu năm rồi nhỉ? Trong suốt 20 năm như vậy một người từ không biết gì có thể đã hoàn thành được toàn bộ chương trình giáo dục, nếu nghiêm khắc với bản thân, có lẽ bây giờ đã học xong Tiến sĩ rồi ấy chứ?“

Về cơ bản, tôi tin rằng việc có kiến thức kỹ thuật hay không là vấn đề có nghiêm khắc với bản thân và đặt tiêu chuẩn cao trong tu luyện hay không.

[Tình huống 9] Hết sức thận trọng với các vấn đề liên quan đến tiền bạc

Xử lý mọi việc chiểu theo Pháp chứ không phải theo cảm tính người thường

Trong tu luyện, chúng ta thường gặp những tình huống như sau. Một số đồng tu nói: “Tôi không có bất kỳ kỹ năng nào, tôi không tham gia vào bất kỳ hạng mục nào và tôi cũng chưa lập điểm làm tài liệu tại nhà. Nhưng tôi muốn phó xuất tài chính.”

Chúng ta phải làm gì trong tình huống như vậy?

Tôi sẽ chia sẻ một số hiểu biết của tôi dựa trên kinh nghiệm của bản thân. Tôi biết một đồng tu cao tuổi tên là Jing, ngay cả từ trước khi tu luyện Đại Pháp, ông đã thường giúp đỡ người khác. Sau khi đắc Pháp, ông ấy còn giúp mọi người nhiều hơn. Sau đó, một số đồng tu thậm chí còn đặt cho ông biệt danh “cầu gì được nấy.” Tôi đã nói chuyện với ông ấy vài lần và chia sẻ rằng ông ấy cần làm mọi việc chiểu theo Pháp, nhưng ông ấy vẫn tiếp tục theo cách thường làm.

Một ngày nọ, một vị đồng tu mà ông thường giúp đỡ tới nhà ông để nhận tiền, vị ấy cầm tiền về nhà rồi lại quay lại nói ông đưa thiếu 10.000 tệ. Ông Jing biết chắc rằng ông đã đưa đủ tiền nhưng vẫn không cách nào giải thích được. Cuối cùng, ông Jing cho qua chuyện đó, nghĩ rằng ông có thể đã mắc nợ người học viên kia trong một kiếp nào đó trong quá khứ.

Cuối cùng, Jing biết được rằng học viên kia thường lãng phí tiền của các học viên khác và có quan hệ bất chính với phụ nữ. Anh ấy đã bị bắt và bị kết án nhiều năm tù. Ông Jing hối hận vì đã tạo điều kiện cho học viên này phạm lỗi; kể từ đó, ông ấy đã học được một bài học và ngừng việc đáp ứng mọi đề nghị giúp đỡ của các học viên.

Không tạo thêm khổ nạn không đáng có cho các học viên

Một đồng tu khác tên là Yun hỏi tôi: “Khi người khác khăng khăng phó xuất tiền cho một hạng mục, tôi nên làm gì?” “Nếu hạng mục của bạn không lớn, bạn nên từ chối đề nghị đó,” tôi nói.

“Nếu họ khăng khăng muốn phó xuất thì sao?”

“Nếu vậy bạn nên tìm hiểu xem họ muốn gì. Nếu họ muốn chứng thực Pháp, thì bạn có thể mua máy tính và máy in cho họ. Hãy để họ tự đi trên con đường chứng thực Pháp — chẳng phải như vậy sẽ rất tuyệt vời phải không?”

“Nếu họ từ chối mua máy tính thì sao?”

“Vậy thì bạn nên trả lại tiền cho họ. Bởi vì nếu một người chỉ quan tâm đến việc phó xuất tiền để có được uy đức thì điều đó không đúng. Làm một người tu luyện, họ phải tự nỗ lực chứng thực Pháp và cứu độ chúng sinh.”

Vài ngày sau, Yun nói với tôi rằng cô ấy muốn mua một chiếc máy in phun cỡ lớn. Cô ấy muốn hỏi thêm thông tin về chiếc máy vì tôi cũng có một chiếc máy tương tự. Tôi nói rằng nó rất đắt. Cô ấy nói rằng điều đó không thành vấn đề vì cô ấy có tiền. Tôi cũng thấy rằng nó quá to và gây tiếng ồn, như vậy sẽ khó giữ bảo mật. Cô ấy không trả lời và bỏ đi.

Sau đó, cô ấy đã bị bắt và nhà của cô bị lục soát. Tôi được biết rằng cảnh sát đã tịch thu 70.000 nhân dân tệ từ nhà của cô ấy. Bây giờ tôi đã hiểu tại sao cô ấy muốn mua những thiết bị đắt tiền. Cô ấy đã nhận quá nhiều tiền từ các học viên khác và muốn dùng nó để mua các thiết bị để giảng chân tướng. Do đó, tà ác đã tăng cường bức hại vì cô nhận số tiền này. Bản thân cô sống rất kỷ luật và tiết kiệm. Nhưng số tiền mà mọi người kiên quyết đưa cô để phục vụ cho hạng mục cuối cùng chỉ làm hại cô.

Một đồng tu đã đưa cho cô ấy 10.000 nhân dân tệ đã cảm thấy rất đau lòng. Cô biết Yun rất nghiêm khắc với bản thân về vấn đề tiền bạc, vì vậy đó là lý do cô cảm thấy yên tâm khi đưa tiền cho Yun. Tuy nhiên, trái lại điều đó lại mang đến khổ nạn cho Yun. Thật là một bài học đau xót! Sau này, chúng ta phải tuân theo các yêu cầu của Pháp về các vấn đề liên quan để thực sự đi đúng đường.

Có lần một đồng tu bị bắt và bị giam tại nhà tù ở thành phố khác. Học viên Kai nghe tin và thảo luận với Jing; họ muốn đi thăm gia đình cô ấy. Kai rất có điều kiện tài chính, họ nghĩ rằng họ có thể để lại ấn tượng tốt với chồng của học viên bị bắt, người chồng đó vốn là một người thường.

Hai đồng tu đã lái một chiếc xe ô tô trị giá hàng trăm nghìn đô la Mỹ đến nhà của học viên bị bắt để nói chuyện, sau đó để lại 2.000 nhân dân tệ cho chồng của học viên đó. Jing rất vui và kể cho tôi nghe về điều đó.

Nhưng ngay sau đó, Jing nói với tôi rằng mọi việc trở nên tồi tệ hơn kể từ chuyến đi đó của họ. Chồng của học viên bị bức hại đã phung phí tiền một cách nhanh chóng và đến gặp điều phối viên địa phương để xin thêm tiền từ Kai. Anh ấy đe dọa rằng nếu không nhận được tiền, anh ấy sẽ báo cảnh sát bắt tất cả các học viên.

Điều này khiến Jing cảm thấy rất tệ. Bắt đầu là một ý định tốt, nhưng ông ấy và Kai đã bỏ lỡ cơ hội để giảng chân tướng thêm với chồng của học viên bị bức hại. Họ đã kích thích lòng tham và sự đố kỵ của anh ấy, điều này gây ra sự mất an toàn cho các học viên ở địa phương.

Đó là lý do tại sao tu luyện là việc rất nghiêm túc. Nếu chúng ta không tuân theo các yêu cầu của Pháp, chúng ta có thể sẽ thất bại trong tu luyện của mình và tiếp tục bị bức hại. Sự việc này cũng nêu bật một vấn đề mà nhiều đồng tu của chúng ta không thể giải quyết — không giảng chân tướng cho chính gia đình của họ. Xin nhắn gửi tới những người vẫn chưa làm tốt điều này, hãy nhanh chóng giảng chân tướng cho gia đình!

Kinh nghiệm trên đây thực sự cho thấy sự nghiêm túc của tu luyện và sự cần thiết của việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các học viên chúng ta. Trong bài viết “Đôi lời nhắc nhở tới các học viên tham gia hỗ trợ kỹ thuật”, tác giả đã chỉ ra rằng các học viên kỹ thuật thiếu môi trường tu luyện tổng thể, vì vậy tâm tính của họ không thể theo kịp.

Cá nhân tôi nghĩ rằng tình huống thực tế không phải như vậy. Họ có một môi trường tu luyện rất tốt, chính vì họ thường xuyên liên lạc với điểm tài liệu. Họ thường tiếp xúc với nhiều đồng tu tu luyện kiên định. Sự khác biệt là hầu hết các đồng tu chúng ta đã không giao tiếp, giao tiếp không tốt và sẽ không giao tiếp trên cơ điểm của Pháp.

Chúng ta cần giao tiếp và xử lý mọi việc tốt chiểu theo Pháp, chứ không phải theo cảm tính. Nếu thực sự có thể suy nghĩ vì muốn tốt cho đồng tu và chúng sinh, nếu chúng ta thực sự có thể nhìn vấn đề như một vị Thần của vũ trụ mới, và nếu có thể chiểu theo Pháp, chúng ta thường sẽ tìm ngay ra được điểm cốt lõi của vấn đề.

Nguyên tắc này không chỉ đơn giản là loại bỏ chấp trước của chúng ta. Theo cách nhìn của tôi, trở thành một vị La Hán chính là thoát khỏi mọi chấp trước trong thế giới con người. Sau đó, để tu luyện thành một vị Thần cao hơn, tiêu chuẩn của người tu luyện phải cao hơn nhiều so với các vị La Hán, vì vậy nó không chỉ đơn giản là vấn đề loại bỏ các chấp trước. Vấn đề là liệu chúng ta có thể chịu trách nhiệm cho nhiều sinh mệnh hơn hay không. Nhưng bằng cách nào?

Tôi hiểu rằng chúng ta phải giúp nhiều đồng tu đề cao hơn càng sớm càng tốt, để mọi người có thể đề cao một cách toàn diện. Chúng ta sẽ làm như thế nào? Tôi tin rằng chúng ta phải đối xử vị tha với người khác trong quá trình tu luyện, xem xét mọi việc từ quan điểm của người khác và có trách nhiệm đối với viên mãn của các học viên nhiều hơn, thay vì chỉ mang lại cho họ những tiện ích cá nhân trong xã hội hàng ngày.

(còn tiếp)

Ghi chú của Ban biên tập: Bài viết này chỉ đại diện cho nhận thức cá nhân tại trạng thái tu luyện hiện tại của tác giả, tại đây chia sẻ cùng các đồng tu, để chúng ta “tỉ học tỉ tu.” (Thực tuHồng Ngâm)

[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org]


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/18/427025.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/20/194164.html

Đăng ngày 29-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share