Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 31-10-2021] Thông qua việc đọc các bài chia sẻ về học Pháp trên Minh Huệ, tôi đã được truyền cảm hứng để viết ra một số kinh nghiệm tu luyện gần đây của bản thân.
Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ năm 1996, nên nhận thức rõ việc học Pháp quan trọng đến thế nào. Theo thời gian, với tôi, việc đọc các bài giảng Pháp hàng ngày dần trở thành một thói quen mang tính hình thức. Hàng ngày, tôi vẫn đọc sách nhưng chỉ giống như là đang cố gắng hoàn thành một nhiệm vụ. Với cách nghĩ như vậy nên tôi hiếm khi hiểu nội hàm của Pháp đằng sau các chữ.
Để phá bỏ lối suy nghĩ này, tôi đã thử hết mọi cách, từ việc đọc thầm, đọc to, đọc nhanh, chép Pháp, học thuộc, đến cả dành nhiều thời gian học Pháp. Nhưng, tôi thấy mình vẫn chưa thật sự thấu Pháp. Đối với các học viên, chẳng có điều gì khó khăn hay đáng thất vọng hơn là học nhiều mà chưa ngộ được Pháp.
Vài ngày trước, tôi cầm quyển sách Chuyển Pháp Luân lên đọc bằng tâm thành kính, trân trọng và biết ơn. Tôi cố gắng đặt tâm người thường xuống, trầm tĩnh, tập trung và đọc mỗi từ trong sách một cách chậm rãi và cẩn trọng. Khi đọc sách, cả tâm lẫn thân tôi đều hòa vào Pháp. Nếu có nghĩ loạn, tôi sẽ đọc lại những phần đó.
Chú ý vào từng từ từng chữ giúp tâm trí tôi được thẩm thấu Pháp, các Pháp lý tuôn ra như nước. Tôi có thể tiếp thu những đạo lý mới, những nhận thức mới mà Pháp triển hiện cho tôi thấy.
Khi đọc xong bài giảng, tôi cảm thấy phấn chấn và không thể đặt sách xuống. Tôi đọc liền một mạch ba tiếng rưỡi. Trước đây, cũng có lần tôi đọc được hai đến ba bài giảng trong một lần.
Thật quá đỗi ngạc nhiên. Tôi đã không trân quý Đại Pháp suốt nhiều năm qua và cảm thấy xấu hổ vì mình không xứng đáng với ân cứu độ từ bi của Sư phụ. Nếu không khởi một niệm mong muốn học Pháp chân thành và khiêm tốn thì có lẽ tôi đã không thể nhận thức được nội hàm của Pháp và các Pháp lý.
Tôi xin nêu một vài trải nghiệm của bản thân về cảm thụ nội hàm của Pháp trong quá trình này.
Khi đọc bài giảng đầu tiên của sách Chuyển Pháp Luân, tôi ngộ ra mục đích chân chính của đời người là phản bổn quy chân – quay trở về bản chất nguyên thủy của vũ trụ, thiên thể, và hết thảy các sinh mệnh. Chúng ta nên từ bỏ thuyết vô thần luận và thuyết tiến hóa. Quá trình đọc sách, tôi cảm nhận được Phật tính xuất ra và kết nối với Thần Phật (Đại Pháp). Nội hàm về tu luyện Đại Pháp giúp tôi khai mở trí huệ.
Sư phụ giảng:
“[Khi] quan niệm cũ cố hữu đã hình thành hệ thống và phương pháp tư duy, [thì] rất khó tiếp thu nhận thức mới. Khi chân lý xuất hiện [người ta] không dám tiếp thụ, mà lại bài xích nó theo bản năng.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
Tôi ngộ được tại sao việc học thấu Pháp lại khó đến vậy. Biểu hiện bề ngoài là can nhiễu của tạp niệm, tư tưởng nghĩ loạn không tập trung v.v…Nhưng lý do cơ bản đằng sau vấn đề này chính là bởi chúng ta là những sinh mệnh từ cựu vũ trụ. Trong quá trình thành – trụ – hoại – diệt của vũ trụ, khi các sinh mệnh lệch khỏi Pháp, các nhân tố cũ, biến dị và bại hoại mà chúng ta chưa tiêu trừ hết, đều không muốn được Đại Pháp chính lại. Vì vậy, chúng tìm mọi cách kháng cự lại. Để học Pháp tốt, chúng ta cần phải phân biệt rõ và trừ bỏ can nhiễu này.
Thanh âm từ bi và cách Sư phụ giảng Pháp đã dạy cho tôi hiểu rõ rằng một vị Thần cần nói như thế nào. Sư phụ không áp đặt ý kiến của Ngài lên chúng ta, không giáo điều hay gây áp lực khiến chúng ta phải thay đổi. Thay vào đó, Sư phụ yêu cầu chúng ta tự soi xét lại bản thân. Thanh âm của Ngài luôn trầm tĩnh, khoan dung, từ bi và uy nghiêm. Tôi rất muốn học theo Ngài.
Đoạn Pháp Sư phụ giảng đã khai mở khúc mắc trong tâm tôi:
“Chư vị làm một người tu luyện chân chính, Pháp Luân của chúng tôi [sẽ] bảo hộ chư vị. Gốc của tôi gắn trên vũ trụ, ai có thể động tới chư vị, người ấy có thể động đến tôi; nói thẳng ra, người ấy có thể động đến vũ trụ này.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
Trước đây, tôi luôn cho rằng hàm ý trong lời Sư phụ giảng là nói đến “gốc của tôi gắn trên trái đất này”. Sự hiểu biết của tôi về trái đất và vũ trụ rất mơ hồ. Lần này, đọc đến chỗ “Gốc của tôi gắn trên vũ trụ”, tôi chợt ngộ ra. Vũ trụ quả thật vô cùng to lớn! Pháp này quá vĩ đại và sức mạnh của Sư phụ là vô biên vô tế.
Giờ đây khi học Pháp, tôi có thể minh bạch được những Pháp lý, từ đó biết cách hướng nội và tìm ra thiếu sót của bản thân. Càng học Pháp nhiều tôi lại càng có mong muốn đọc Pháp nhiều hơn. Tôi từng có trải nghiệm về vẻ đẹp và sự tráng lệ của việc học Pháp bằng tâm thái thuần chính và thành kính. Tôi ít chấp trước vào ham muốn thoải mái và dần lấy lại trạng thái tu luyện như thuở ban đầu.
Không gì diễn tả được niềm vui khi thực tu đắc Pháp. Càng ngày tôi càng thấy vô cùng trân quý cuộc sống và những bài giảng của Sư phụ hơn. Tôi sẽ cố gắng làm tốt ba việc và cứu được nhiều người hơn nữa.
Kết thúc bài viết này, tôi xin được trích dẫn một đoạn Pháp của Sư phụ để khích lệ các đồng tu và bản thân.
Sư phụ giảng:
“Còn nội hàm bác đại tinh thâm của Ông là chỉ những người tu luyện tại các tầng thứ chân tu khác nhau mới có thể thể ngộ và triển hiện ra được, mới có thể thật sự thấy Pháp là gì.” (Rộng lớn, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Trên đây là nhận thức còn hạn chế của tôi ở tầng thứ hiện tại. Nếu có điều gì chưa phù hợp với Pháp, rất mong các đồng tu từ bi chỉ rõ.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/10/31/433057.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/6/196477.html
Đăng ngày 27-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.