Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-10-2021] Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp trẻ tuổi sống ở Trung Quốc. Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2017, tôi đã trải qua sự thay đổi lớn khi đối mặt với danh và lợi.

Trường trung học của tôi thuê tôi theo diện tìm kiếm tài năng đặc biệt các giáo viên có bằng Tiến sỹ. Tôi nghĩ sẽ được lãnh đạo nhà trường và các đồng nghiệp coi trọng mình, nhưng mọi việc lại không diễn ra tốt đẹp.

Một hôm, chúng tôi có cuộc họp giáo viên kéo dài rất lâu. Trong khi thầy Hiệu trưởng đang nói về các điều luật, tôi xem đồng hồ và thấy đã đến giờ đi đón con. Các giáo viên thường lén về trước khi họ có việc gì đó. Tuy nhiên, khi tôi lén về thì đột nhiên thầy hiệu trưởng hỏi tôi đi đâu. Tôi trả lời mà không hề nghĩ: “Em phải đi đón con ạ.”

Thầy Hiệu trưởng không nói gì. Ông ấy trông rất tức giận nhưng vẫn giữ vẻ mặt bình thản. Từng giây qua đi nhưng vẫn im phăng phắc. Bầu không khí trở nên im lặng. Tôi cảm thấy mình đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Sau một hồi, một vị lãnh đạo nhà trường cuối cùng cũng nói: “Chị đi đi.” Thầy Hiệu trưởng để tôi đi nhưng trông vẫn rất tức giận.

Mất mặt trong buổi họp giáo viên

Tôi cảm thấy rất xấu hổ. Đó là một buổi họp lớn. Tôi cá rằng tất cả các giáo viên mà chưa từng biết tôi thì đã biết đến tôi qua sự vụ này. Tôi cảm thấy như một đứa trẻ bị phạt vì phạm lỗi và bị bỏ rơi không thương tiếc.

Nó gợi tôi nhớ đến đoạn Pháp mà Sư phụ giảng:

“Có người nói: ‘Đi ngoài đường, bị người ta đá một cước, nhưng không ai biết mình là ai, thì cũng có thể Nhẫn được’. Tôi nói rằng vậy không đủ; trong tương lai có khi đang ở trước mặt người mà chư vị không muốn mất mặt nhất thì chư vị bị người ta tát cho hai cái, không cất đầu lên nổi; chư vị đối đãi vấn đề ấy như thế nào, xem chư vị có thể Nhẫn được hay không. Nếu chư vị có thể Nhẫn được vững, nhưng trong tâm vẫn không dứt bỏ, thì như thế vẫn chưa được.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra sự việc này đã làm sáng tỏ một việc rằng tôi vẫn còn tâm giữ thể diện, và tôi nên loại bỏ nó thay vì phàn nàn về thầy Hiệu trưởng. Tôi không hề ôm giữ bất cứ tâm bất bình nào đối với ông ấy và sau đó tôi đã xin lỗi ông.

Sư phụ đã dạy chúng ta rằng:

“Tuy nhiên thường khi mâu thuẫn đến, [nếu] chẳng làm kích động đến tâm linh người ta, [thì] không đáng kể, không tác dụng, không đề cao được.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Sáng hôm sau, vị đồng nghiệp đầu tiên mà tôi gặp đã kéo tôi lại một bên và nói: “Trong buổi họp hôm qua quả là một tình huống khó xử. Đáng nhẽ em nên nói là em cần vào nhà vệ sinh hoặc trả lời điện thoại chứ. Sao em lại nói là cần đi đón con kia chứ?” Tôi mỉm cười, nhưng không biết nói gì. Một đồng nghiệp khác nhìn thấy tôi thì cười và nói ngay: “Xấu hổ quá! Xấu hổ quá!” Hôm đó tôi cảm thấy rất khó chịu khi đi dọc hành lang.

Sư phụ giảng:

“Như mọi người đã biết, [khi đã] đạt đến tầng La Hán, [thì] gặp sự việc gì cũng không để trong tâm, hết thảy những sự việc nơi người thường đều hoàn toàn không để tâm, đều là vui vẻ thoải mái; chịu thiệt thòi lớn đến mấy, vẫn cứ vui vẻ thoải mái.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Nhớ đến lời dạy của Sư phụ, tôi trấn tĩnh lại rất nhanh. Tôi muốn nhân cơ hội này tu khứ tâm chấp vào giữ thể diện. Có Đại Pháp trong tâm thật tuyệt vời. Đại Pháp giúp tôi đề cao thay vì cảm thấy bối rối khi đối mặt với mâu thuẫn.

Tôi nghĩ thực ra tôi có thể trừ bỏ được rất nhiều tâm chấp trước qua sự việc này. Tuy nhiên, cơn bão thực sự sau này mới tới.

Vài ngày sau, vị Giám đốc khối chúng tôi tức giận tìm tôi. Khi ấy, tôi không ở trong văn phòng. Các đồng nghiệp nói với tôi rằng vị Giám đốc đã đóng sầm cửa khi bà ấy rời đi mạnh đến mức cái tay nắm cửa bị lỏng ra. Tôi nhanh chóng đến văn phòng của bà ấy. Không kể tất cả các giáo viên khác đang có mặt ở đó, bà ấy bắt đầu chỉ trích tôi ngay lập tức và giọng bà càng ngày càng cao. Mặc dù tôi bị hiểu nhầm nhưng tôi không hề có cơ hội được giải thích.

Mới đầu, tôi buộc mình nhẫn chịu sự lăng mạ đó nhưng sau đó tôi đã khóc và cuối cùng thì không thở được. Tôi càng khóc lớn thì bà ấy càng tức giận. Bà ấy hét lên: “Cô nghĩ là mình bị oan đấy à? Không chút nào đâu! Tôi không thể tin nổi là cô không hiểu vấn đề! Cô nghĩ mình là Hiệu trưởng chắc?” Bà ấy nói rất nhiều từ khó nghe, nhưng tôi không thể nhớ hết. Không ai ở trong văn phòng cố ngăn bà ấy cả. Tôi cảm thấy mình đã bị hiểu sai thật tệ và tôi chắc chắn rằng mình đã mất mặt toàn diện. Hóa ra là tôi vẫn còn tâm chấp trước vào giữ thể diện.

Sau đó, tôi vẫn cảm thấy sững sờ về những lời lăng mạ của bà ấy trong vài ngày và thường nhìn thất thần trong thời gian lâu. Một vài đồng nghiệp không có mặt ở đó đã cố gắng an ủi tôi. Tôi biết rằng tất cả mọi người đã nghe về chuyện này. Một niệm xuất ra trong đầu tôi là đấu lại với bà ấy và đệ đơn kiện bà ấy lên cấp cao hơn về những điều bà ấy đã làm với tôi, vì tôi không thể chịu nổi bà ấy!

Tuy nhiên, tôi đã bỏ luôn cái niệm này sau khi nghĩ đến lời dạy của Sư phụ:

“Người bình thường đâu chịu nhịn việc này? Làm sao nén nổi tức giận đây? “Hắn chơi tôi, [thì] tôi chơi hắn. Hắn có người [ủng hộ], tôi cũng có người [ủng hộ]; xử lý nhau thôi.” Ở nơi người thường, [nếu] làm thế, thì người thường sẽ nói chư vị là người mạnh mẽ. Tuy nhiên là một người luyện công, thì như thế là quá dở. Chư vị cũng tranh cũng đấu giống như người thường, thì chư vị chính là người thường; nếu chư vị còn hơn cả hắn, thì chư vị lại còn chẳng bằng người thường như hắn.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra rằng bà ấy đã giúp tôi đề cao tâm tính, và tôi không nên ghét bà ấy. Tuy nhiên, tôi nghĩ tôi nên giải thích với bà ấy mặc dù bà ấy có thể không nghe tôi. Hành xử của tôi cho thấy tôi cần sửa đổi bản thân ở một số khía cạnh. Tôi nhận ra rằng tôi có xu hướng tự ra những quyết định và thỉnh thoảng làm mọi thứ bất cẩn.

Cuối cùng tôi đến xin lỗi vị Giám đốc đó. Bà ấy cười và nói: “Cuối cùng chúng ta sẽ phối hợp tốt hơn.” Cơn bão đã qua. Tôi thấy mình tĩnh tại và không còn lo lắng xem những người khác nghĩ về tôi như thế nào.

Như Sư phụ đã dạy chúng ta:

“Cần làm cho chư vị vứt bỏ những tâm nào mà chưa vứt bỏ được ở nơi người thường. Tất cả các tâm chấp trước, miễn là chư vị có, thì cần phải vứt bỏ tại các chủng hoàn cảnh [khác nhau]. [Sẽ] làm cho chư vị trượt ngã, từ đó mà ngộ Đạo; tu luyện là như thế.”(Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Con muốn tạ ơn Sư phụ vì đã giúp con trừ bỏ được rất nhiều chấp trước khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống thường nhật và nhờ đó mà có được tâm trí an nhiên.

Con xin tạ ơn Sư phụ! Con tạ ơn Pháp Luân Đại Pháp!

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/10/12/-432456.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/28/196766.html

Đăng ngày 28-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share