Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 29-05-2021] Vào tháng 10 năm 1995 sau khi bà Lý Kim Nhữ 58 tuổi ở thành phố Đạt Châu tỉnh Tứ Xuyên bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, bà thường được bố mẹ chồng khen ngợi là một người con dâu tốt. Tuy nhiên, kể từ khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Lý đã bị bắt giam ba lần, bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức và bị kết án. Bà đã nhiều lần bên bờ vực của cái chết do bị tra tấn.

Gia đình bà Lý cũng chịu ảnh hưởng nặng nề trong cuộc bức hại kéo dài hàng thập kỷ. Cha của bà, người bị mất trí nhớ, bị liệt sau khi bà bị kết án và đã qua đời vào năm 2006, 5 năm sau khi mẹ bà qua đời. Chồng bà cũng suýt mất mạng vì chứng tăng huyết áp do áp lực.

Lo sợ bị liên lụy trong cuộc bức hại, bố mẹ chồng của bà Lý, những người đang sống với vợ chồng bà, đã thường mắng chửi và cố đuổi bà ra khỏi nhà khi bà vẫn tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công. Khi bà suýt mất mạng hai lần, họ lo lắng điều đó có thể ảnh hưởng đến con trai bà, người đã trở nên thu mình và lập dị khi chứng kiến cuộc bức hại. Họ từng thừa nhận rằng nếu cuộc bức hại này không xảy ra, họ sẽ không đối xử với bà Lý theo cách này và sẽ công nhận bà là một người con dâu tốt.

Dưới đây là tường thuật về cuộc bức hại đối với bà:

Một người con dâu tốt

Năm 1987, bà Lý bị mất máu nặng sau khi sinh mổ. Bà bị đau ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể. Bà yếu đến mức không còn sức để bế con. Bà thường xuyên bị mất ngủ và hay bị nôn mửa. Để tránh làm việc nhà và chăm sóc con, bà thường chơi mạt chược và cãi vã với chồng. Bà đã thử học một số bài tập khí công để thuyên giảm các cơn đau nhưng không mấy hiệu quả.

Mẹ của bà Lý, bà Hoàng Tĩnh Lan, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995. Nhiều bệnh của bà như xơ gan và bệnh dạ dày đã được chữa khỏi trong vòng một tháng. Theo lời giới thiệu của mẹ, bà Lý cũng bắt đầu tu luyện vào tháng 10 năm đó và thu được nhiều lợi ích – bà sớm nhận ra mình có thể đi bộ mà không cảm thấy mệt mỏi và bệnh thấp khớp của bà đã được chữa khỏi.

Bà Lý đã chủ động học cách làm việc nhà sau khi hồi phục và giúp chồng làm việc vặt khi ông vốn có vấn đề về thị lực.

Trước khi tu luyện, bà Lý là một nhân viên bán hàng tại nhà máy thực phẩm nơi mà chồng bà cùng làm việc với mơ ước trở nên giàu có chỉ sau một đêm. Bà sẽ cố tình không thông báo cho khách hàng của mình khi giá sản phẩm được giảm và bỏ túi phần chênh lệch. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, bà đã trả lại tất cả số tiền chênh lệch cho khách hàng của mình. Bà cũng bỏ việc chơi cờ bạc.

Vào cuối năm 1995, bà Lý, lúc đó đang làm việc tại Nhà máy dệt Thiên Lệ, đã quyên góp 2.000 nhân dân tệ cho nơi làm việc như một khoản trợ cấp sinh hoạt cho các nhân viên có hoàn cảnh khó khăn. Bà yêu cầu được giấu tên và nói rằng số tiền này là do một học viên Pháp Luân Công quyên góp. Bà chỉ ngừng quyên góp sau khi cả bà và chồng đều bị cho thôi việc vào năm 1998.

Vào một ngày năm 1997, bà Lý và con trai đang trên đường về nhà thì nhìn thấy vài trăm nhân dân tệ trên phố. Con trai bà muốn tiến đến và nhặt lấy nhưng bà Lý đã ngăn lại và đặt tiền về lại chỗ cũ.

Mẹ chồng của bà Lý bị chứng tăng huyết áp, bệnh tim, tiểu đường và sỏi mật. Sau khi mẹ chồng bà bị liệt vào năm 2009 và thường xuyên đại tiện ra quần, bà Lý đã tắm rửa vệ sinh sạch sẽ cho bà. Bà Lý thường làm những món ăn yêu thích cho bố mẹ chồng và cắt thức ăn thành nhiều miếng nhỏ để họ dễ ăn hơn.

Bất kể bố mẹ chồng đối xử như thế nào, bà Lý chưa bao giờ lớn tiếng với họ và luôn nói chuyện với họ một cách điềm tĩnh. Vì lòng tốt của bà, chồng bà nói rằng kết hôn với bà là điều tốt nhất mà ông đã làm trong cuộc đời này; mẹ chồng bà cũng nói với mọi người rằng may mắn lắm mới tìm được người con dâu tốt như vậy.

Bị bắt và tra tấn tại sở cảnh sát

Khi cuộc bức hại bắt đầu, bà Lý đã đến Bắc Kinh để thỉnh cầu cho quyền tu luyện Pháp Luân Công vào cuối tháng 2 năm 2000. Bà bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn và bị đưa đến Sở cảnh sát Thiên An Môn để thẩm vấn và tra tấn.

Cảnh sát đã còng tay bà ra sau lưng trong nhiều giờ, với một tay kéo qua vai với tay còn lại kéo lên từ phía sau lưng. Cảm giác tê dại ở tay và lưng của bà vẫn còn cho đến tận sáu tháng sau đó. Vết sẹo quanh cổ tay của bà phải mất một năm mới có thể lành.

2004-11-11-hljbeijing2.jpg

Tái hiện tra tấn: Còng tay ra sau lưng

Bà Lý cũng bị ép phải gập người 90 độ với hai chân duỗi thẳng và hai tay duỗi thẳng, song song với mặt đất, đồng thời cầm một túi vật nặng trong mỗi tay. Nếu tay bà hơi buông xuống, lính canh sẽ đánh bà.

Trong vài ngày sau màn tra tấn này, bà Lý đã không thể giữ thăng bằng khi đi bộ và phải đi rất chậm để không bị ngã. Các phương pháp tra tấn khác được áp dụng bao gồm tát vào mặt và mũi.

Sáng hôm sau, một thanh niên cao to đến đánh, đá vào đầu và mặt bà Lý. Anh ta túm tóc và đập đầu bà vào tường. Anh ta cũng đá bà trong một góc tường. Trước khi bỏ đi, anh ta còn nói: “Ngày mai tôi sẽ tiếp tục đến để bà thấy thà chết còn hơn là sống. Cứ chờ xem.“

Đôi mắt và khuôn mặt của bà Lý bị thâm tím vì bị đánh đập. Phải mất một tháng, các vết bầm tím mới biến mất, và các cục u trên đầu bà vẫn còn trong vài năm.

2004-12-2-draghair1.jpg

Tái hiện tra tấn: Đập đầu vào tường

Ngày hôm sau, cảnh sát chuyển bà Lý đến Văn phòng thành phố Đạt Châu ở Bắc Kinh và bà bị các nhân viên an ninh đưa trở lại thành phố Đạt Châu từ nơi làm việc của mình hai ngày sau đó. Các lính canh đã giao bà cho Công an quận Thông Xuyên và sau đó bà bị giam giữ tại Trại tạm giam Phượng Linh Quan hơn 20 ngày trước khi được thả. Bà được biết rằng chồng bà đã trả 2.000 nhân dân tệ để bà được tại ngoại.

Bà Lý cũng bị ép phải trả 2.000 nhân dân tệ chi phí đi lại cho các lính canh đã đưa bà trở về.

Bị bố mẹ chồng đuổi khỏi nhà

Cha của bà Lý bị tăng huyết áp và ngất xỉu khi nghe tin bà bị giam giữ vì đến Bắc Kinh. Bố mẹ chồng của bà, cả hai đều đã nghỉ hưu, buộc bà Lý phải lựa chọn giữa Pháp Luân Công và gia đình. Khi bà Lý quyết định tiếp tục tu luyện và chồng bà không đồng ý việc ly hôn với bà, bố mẹ chồng đã đuổi bà ra khỏi nhà vì bố chồng bà sợ ngân hàng mà ông làm việc sẽ bị liên lụy.

Trong khoảng chín năm, bà Lý bị buộc phải sống một mình trong căn hộ tại nơi làm việc của chồng. Bà được gọi đến chăm sóc chồng và bố mẹ chồng khi họ nhập viện. Sau khi họ xuất viện, bà lại bị đuổi ra khỏi nhà. Cuối cùng bố mẹ chồng cũng đồng ý cho bà trở về nhà vào năm 2008 để tiện chăm sóc họ.

Trong một vài năm sau năm 2000, con trai của bà Lý đang chuẩn bị cho kỳ thi trung học và kỳ thi vào đại học. Vì bà Lý không thể ở bên cạnh cháu, cháu trở nên thu mình và có phần lập dị và bực bội với vợ chồng bà sau khi nghe ông bà và dì của cháu mắng mỏ và xúc phạm cha mẹ mình.

Bà Lý bị bắt vào ngày 6 tháng 5 năm 2000, khi bà đi đến huyện Vạn Nguyên cùng với một học viên khác. Nơi làm việc đã nghĩ rằng họ sẽ đến Bắc Kinh và có cảnh sát theo dõi họ. Cả hai bị bắt tại Nhà ga xe lửa Vạn Nguyên và bị đưa đến đồn công an để thẩm vấn trong một ngày và hai đêm. Sau đó, họ bị chuyển đến sở cảnh sát và bị thẩm vấn trong một ngày. Họ bị giữ trong 15 ngày trước khi bà Lý được nhân viên bảo vệ của nơi làm việc đưa về nhà.

Vài ngày sau, bà Lý được cảnh sát thông báo rằng việc bảo lãnh tại ngoại của bà đã bị hủy bỏ, do bà đã vi phạm điều kiện tại ngoại khi rời khỏi nơi cư trú.

Vào tháng 1 năm 2001 mẹ của bà Lý bị ốm nặng và bà đã nộp đơn xin phép vài ngày để chăm sóc mẹ nhưng đã bị bắt khi bà trở về quê. Cảnh sát muốn đảm bảo rằng bà sẽ không liên lạc với các học viên địa phương nhưng bà đã từ chối tuân thủ với yêu cầu vô lý đó. Cuối cùng, cảnh sát đã giam giữ bà trong hai ngày tại trại tạm giam huyện Tự Vĩnh, trước khi thả bà và yêu cầu bà về nhà ngay lập tức mà không được gặp mẹ của mình.

Thụ án 1,5 năm trong trại lao động cưỡng bức

Vào ngày 6 tháng 5 năm 2001, bà Lý đã gửi đồ dùng sinh hoạt cơ bản cho một học viên trẻ tàn tật, người đã bị giam trong trại tạm giam và bị tách khỏi cha mẹ mình cũng là những học viên. Cảnh sát nghi ngờ rằng bà Lý là một học viên và đã thông báo cho cảnh sát quận Thông Xuyên. Một sĩ quan đã đến và nhận ra bà Lý, anh ta lục túi xách của bà và tìm thấy các sách Pháp Luân Công. Sau đó bà Lý bị bắt và bị đưa đến trại tạm giam Phượng Linh Quan. Nhà của bà cũng bị lục soát và nhiều sách và tài liệu Pháp Luân Công bị tịch thu.

Trong vòng nửa tháng của tháng 7 năm 2001, bà Lý đã bị đánh vào đầu và mặt bằng một chiếc giày và bị còng tay khi bà không chịu học thuộc nội quy nhà tù. Sau đó, bà nôn liên tục, đau quặn bụng và khó thở. Bà không ăn uống được, tứ chi tê liệt, yếu ớt. Sau ba tuần bị giam giữ, bà bị kết án lao động cưỡng bức 1,5 năm.

Bà Lý bị đưa đến Trại Lao động cưỡng bức nữ Tư Trung vào tháng 10 năm 2001. Khám sức khỏe cho thấy bà bị cao huyết áp và bệnh tim. Trại lao động đã từ chối nhận bà và cảnh sát đưa bà trở lại trại tạm giam Phượng Linh Quan. Cảnh sát đã thả bà vài ngày sau đó vì tình trạng của bà trở nên nguy kịch.

Sách nhiễu và tẩy não

Cảnh sát nghi ngờ rằng bà Lý có liên quan đến việc các tài liệu Pháp Luân Công được phân phát ở nơi làm việc và cố gắng đột nhập vào căn hộ tại nơi làm việc của chồng bà vào tháng 5 năm 2003. Bà Lý đã khóa trái cửa và họ không thể vào được bên trong, bà đã hét lên để thu hút sự chú ý của hàng xóm khi cảnh sát muốn bắt bà.

Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2006, cảnh sát nghi ngờ rằng bà Lý đã hợp tác với các học viên ở một thị trấn khác để treo những khẩu hiệu lớn trên đường phố. Họ bắt bà khi bà đang ở với con trai của mình, người đang sống trong nhà của dì vì gần trường và cháu đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học. Bà bị giam trong một trung tâm tẩy não trong hai ngày và sau đó được thả ra sau khi tuyệt thực.

Được thả khi bên bờ vực của cái chết ngay sau khi bị kết án 5 năm

Vào tháng 7 năm 2011, cảnh sát đã bắt giữ hơn 30 học viên vì việc vận chuyển sách và tài liệu Pháp Luân Công. Cảnh sát nghi ngờ bà Lý đã tham gia vào việc này và bắt giữ bà tại nhà vào ngày 19 tháng 7 năm 2011. Căn hộ tại nơi làm việc của chồng bà cũng bị lục soát và hàng chục nghìn nhân dân tệ đồ đạc cá nhân, bao gồm một máy tính xách tay, đĩa cứng di động, DVD , điện thoại di động, máy ảnh mini, và thậm chí cả quạt máy tính xách tay, đều bị tịch thu.

Bà Lý bị giam tại trại tạm giam Phúc Hưng. Việc bắt giữ bà được chấp thuận vài ngày sau đó.

Vì bà Lý từ chối điểm danh khi đến trại tạm giam, nên bà bị buộc phải đứng quay mặt vào tường nửa ngày và làm công việc lao động không công. Vào ngày 23 tháng 10, khi phát hiện bà Lý bị cao huyết áp, trại tạm giam không còn phân công bà làm công việc trực đêm và lao động nữa.

Khi ở trong trại tạm giam vào ngày 23 tháng 10 năm 2011, bà Lý đã bị ngã. Khám sức khỏe cho thấy bà bị huyết áp cao (170-260 mmHg), bà được đưa đến Bệnh viện Nhân dân số 2 thành phố Đạt Châu để điều trị và phát hiện bà mắc thêm bệnh tim.

Bất chấp hàng chục yêu cầu của trại tạm giam để bà tại ngoại điều trị y tế, Phòng 610 và Ủy ban Chính trị và Pháp luật (hai cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát cuộc bức hại) đã từ chối yêu cầu đó với lý do “duy trì sự ổn định” trước các cuộc họp chính trị lớn.

Bà Lý đã bị Tòa án quận Thông Xuyên ở thành phố Đạt Châu kết án 5 năm tù giam vào ngày 28 tháng 12 năm 2011. Các thành viên trong gia đình đã không được thông báo về bản án của bà.

Vào ngày 3 tháng 4 năm 2012 bà Lý bị bất tỉnh trong trại tạm giam và được đưa đến bệnh viện, nơi bà được chẩn đoán mắc bệnh huyết áp cao, tiểu đường và bệnh tim. Trong năm ngày bà nằm viện, chân bà bị còng vào giường và cảnh sát theo dõi bà suốt ngày đêm. Chồng bà đã yêu cầu bà được tạm tha để điều trị y tế nhưng vô ích.

Bà Lý bị chuyển đến Nhà tù nữ tỉnh Tứ Xuyên vào cuối tháng 4 năm 2012. Bà bị từ chối tiếp nhận do sức khỏe yếu và phải trở lại trại tạm giam.

Vào giữa tháng 5 năm 2012, bà đang trong tình trạng nguy kịch và đã được thả để thụ án tại nhà. Vài tháng sau, các viên chức từ văn phòng tư pháp đến nhà bà Lý và yêu cầu bà ký vào một văn bản. Họ cũng dặn bà không được ra ngoài khi chưa được sự đồng ý của nhà chức trách. Bà thường xuyên bị sách nhiễu qua điện thoại và được yêu cầu phải báo cáo thường xuyên với nhà chức trách.

Bà Lý đã bị theo dõi suốt ngày đêm vào đầu tháng 11 năm 2012 trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc và bị một số người theo dõi mỗi khi bà ra ngoài. Việc giám sát chỉ dừng lại vào giữa tháng 11.

Bà Lý đã trở về quê nhà của mình ở huyện Tự Vĩnh vào đầu năm 2013 để giải quyết vấn đề phá dỡ nhà. Văn phòng tư pháp quận Đạt Châu yêu cầu bà phải báo cáo với văn phòng tư pháp quận Tự Vĩnh. Nếu không, bà sẽ bị bắt và đưa về Đạt Châu.

Bị đe dọa vì gửi đơn kiện Giang Trạch Dân

Vào giữa tháng 4 năm 2014, bà Lý ở nhà một mình và chuẩn bị đến bệnh viện thăm bố mẹ chồng thì hai cảnh sát xuất hiện. Họ hỏi bà có còn tập Pháp Luân Công không và bắt đầu nhìn quanh căn hộ, hỏi bà có máy tính hay không.

Bà Lý đã nộp đơn tố cáo hình sự đối với Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, người đã ra lệnh cho cuộc bức hại vào tháng 7 năm 2015. Sau đó, bà bị cảnh sát và các nhân viên từ văn phòng tư pháp sách nhiễu. Họ vu khống bà gây rối trật tự công cộng và gây rối trật tự xã hội.

Văn phòng tư pháp cố gắng tìm mọi cách để bức hại bà. Vào ngày 10 tháng 3 năm 2016, bà Lý nhận được một cảnh báo, thông báo rằng bà đã không nộp báo cáo khám sức khỏe theo yêu cầu (mặc dù bà chưa bao giờ biết về yêu cầu đó). Bà được lệnh phải đi kiểm tra y tế ngay trong tuần, nếu không sẽ bị trừng phạt vì không chịu hợp tác.

Cha mẹ qua đời

Mẹ của bà Lý, bà Hoàng, một giáo viên đã nghỉ hưu, đã bị bắt tại Bắc Kinh vào tháng 4 năm 2000 khi bà đến đó để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị đưa trở lại trại tạm giam huyện Tự Vĩnh và bị giam trong một tháng và bị phạt 5.000 nhân dân tệ. Bà cũng buộc phải trả 4.000 nhân dân tệ chi phí đi lại cho cảnh sát để đưa bà trở về nhà. Khi bà được thả, chồng bà, ông Lý Chính Phương, buộc phải theo dõi bà và không cho phép bà ra khỏi nhà, nếu không ông sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Do áp lực tinh thần, hầu như ngày nào ông Lý cũng chửi mắng bà Hoàng và phí báng Pháp Luân Công. Nhân viên bảo vệ tại nơi làm việc của bà Hoàng cũng được chỉ đạo giám sát bà và ghi lại thời gian bà ra ngoài và trở về nhà. Một lần, bà Hoàng đến thăm em gái và trở về vào ngày hôm sau. Người bảo vệ nói với bà: “Chúng tôi sẽ gọi cảnh sát và gửi thông báo truy nã nếu bà vẫn chưa quay lại.”

Người thân của bà Hoàng bắt đầu đến thăm bà và yêu cầu bà từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Do áp lực về tinh thần, bà bị liệt vào đầu năm 2001. Tình trạng của bà trở nên tồi tệ hơn vào tháng 6 năm 2001 sau khi nghe tin con gái bị bắt lần thứ tư. Bà đã qua đời vài ngày sau đó.

Vài ngày sau khi bà Hoàng qua đời, đài truyền hình địa phương đã cố gắng để các chị của bà xuất hiện trên truyền hình để vu khống Pháp Luân Công và đổ lỗi cho Pháp Luân Công về cái chết của bà. Một trong những người chị của bà đã từ chối tuân thủ và một người chị khác buộc phải hợp tác sau khi bị đe dọa đến việc làm.

Khi bà Lý được thả trong tình trạng nguy kịch vào đầu tháng 11 năm 2001, bà biết rằng chồng mình đã viết bốn bức thư cho bà nhưng trại tạm giam đã tịch thu tất cả.

Chồng bà đã viết thư cho bà về việc mẹ bà đang bị ốm nặng và khả năng sẽ qua đời. Ông yêu cầu cho bà có thể được gặp mẹ lần cuối, nhưng nhà chức trách đã từ chối.

Trong các bức thư, ông cũng đề cập rằng cha bà không thể chịu đựng nổi cơn bạo bệnh của mẹ bà và việc bà bị giam cầm khiến ông bị tăng huyết áp và chứng sa sút trí tuệ. Ông không thể nhận ra bất cứ ai. Sau đó ông bị liệt và mất khả năng tự chăm sóc bản thân. Cuối cùng ông đã qua đời vào tháng 9 năm 2006.

Bố mẹ chồng chịu đựng áp lực tinh thần

Ông nội của chồng bà Lý đã bị hành quyết trong những ngày đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, để lại một vết thương tinh thần trong tim của họ. Những năm sau đó, bố mẹ chồng bà sống rất cẩn trọng và không dám nói những điều chỉ trích chính quyền. Khi bà Lý tu luyện Pháp Luân Công, họ đã nhiều lần cố ép con trai họ ly hôn với bà. Nhưng con trai của họ đã từ chối làm điều đó.

Bố chồng sợ bà làm ảnh hưởng đến tình trạng nơi làm việc của ông nên không cho bà ở nhà từ năm 2000 đến năm 2008.

Năm 2008, bà Lý về quê để chăm sóc bố mẹ chồng. Bất cứ khi nào bà ra ngoài, họ sẽ lo lắng. Họ vô cùng lo lắng khi bà về nhà muộn. Mẹ chồng bà sẽ ngóng nhìn ra cửa sổ để có thể thấy bà trở về nhà. Sau khi bà về nhà, lâu lâu mẹ chồng bà lại cằn nhằn, mắng mỏ, thậm chí có lúc còn lôi cả chồng bà vào. Khi ở nhà, bố chồng bà cấm đề cập đến bất kỳ chủ đề nhạy cảm nào và muốn đuổi bà đi nếu ông không vui.

Chồng bà Lý bị huyết áp cao, mất ngủ và thường xuyên bị đau đầu. Ông ấy biết rằng bà Lý là một người tốt, và do đó phải chịu áp lực từ gia đình và xã hội. Ông bị đau đầu dữ dội trong vài ngày vào tháng 12 năm 2010 và bị xuất huyết não. Ông đã được đưa đi cấp cứu và bác sĩ đã đưa ra sáu thông báo về tình trạng nguy kịch. Ông đã được cứu sau khi niệm những câu chân ngôn “Pháp Luân Đại Pháp hảo”.

Chồng bà đã rất lo lắng khi bà bị bắt giam từ năm 2011 đến năm 2012. Mặc dù có vấn đề về thị lực và đi lại khó khăn, ông vẫn chống gậy, đeo kính râm để tránh ánh sáng mặt trời và đến thăm bà. Hành động của ông đã khiến cảnh sát và các tù nhân cảm động.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/29/426294.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/25/193824.html

Đăng ngày 13-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share