Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-01-2021] Nhà tù Nữ Số 2 ở tỉnh Vân Nam được thành lập vào ngày 28 tháng 12 năm 1999. Ban đầu cơ sở này được thiết kế để giam giữ tù nhân chung thân, người nước ngoài, tù nhân mắc bệnh AIDS và tội phạm tử hình. Tuy nhiên sau đó nơi này đã trở thành nhà tù duy nhất của tỉnh giam giữ các nữ học viên Pháp Luân Công từ chối từ bỏ đức tin của họ.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Theo một điều tra do Minh Huệ Net thực hiện, nhà tù đã giam giữ tổng cộng hơn 300 nữ học viên Pháp Luân Công trong hai thập kỷ qua. Có hơn 250 người được báo cáo là bị tra tấn. Kết quả, 10 người chết, bốn người bị cầm tù. Sáu người còn lại bị tổn hại nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần, ngay cả sau khi họ được thả. Đối mặt với bức hại tài chính, sách nhiễu của cảnh sát và quan chức, hay những lời chỉ trích của người nhà, sáu học viên đã qua đời vì sức khỏe ngày càng giảm suýt.

Hầu hết các cuộc tra tấn trong nhà tù được thực hiện theo lệnh của Phòng 610 Tỉnh Vân Nam, một tổ chức nằm ngoài vòng pháp luật được thành lập chuyên để bức hại Pháp Luân Công. Nhà tù đã áp dụng các biện pháp tàn ác để huỷ hoại thể chất và tinh thần của học viên, nhằm khiến họ suy sụp tinh thần mà từ bỏ đức tin của mình. Để ghi nhận vai trò tích cực của nhà tù trong cuộc đàn áp, từ năm 2012 đến năm 2018, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bốn lần trao cho nó danh hiệu “Đơn vị Văn minh” của thành phố Côn Minh và tỉnh Vân Nam.

Dưới đây là tóm tắt về cách lính canh tra tấn các học viên để cố gắng buộc họ từ bỏ đức tin và một phần chi tiết về mười học viên đã chết do bị giam giữ và sách nhiễu.

Biệt giam

Theo Điều 58 của Luật Nhà tù Trung Quốc, các tù nhân sẽ bị biệt giam khi họ gây rối trong tù, đánh đập hoặc xúc phạm cảnh sát nhà tù hoặc các tù nhân khác, ăn cắp, đánh bạc hoặc ẩu đả. Điều này cũng quy định kỳ từ 7 đến 15 ngày cho mỗi lần biệt giam.

Các học viên Pháp Luân Công bị biệt giam chỉ vì họ không từ bỏ đức tin của mình, mỗi lần thường kéo dài bốn tháng. Một số học viên có đợt biệt giam kéo dài nhiều năm. Một số thì gần như trong toàn bộ thời hạn cầm tù là bị giam trong phòng biệt giam.

Các học viên không được tắm rửa, đánh răng, tắm rửa hoặc giặt giũ. Họ phải ngồi trên giường 16 tiếng một ngày và buộc phải nghe những audio âm lượng lớn phỉ báng Pháp Luân Công. Các học viên thường bị loét da, giảm thính giác, tăng huyết áp, sưng phù và các vấn đề về tim mạch hoặc hô hấp.

Quản lý nghiêm ngặt

Nhà tù áp dụng nhiều cách quản lý khác nhau dành cho tù nhân: quản lý tập trung, quản lý lơi lỏng, hoặc quản lý nghiêm ngặt. Quản lý nghiêm ngặt được thiết kế cho những tù nhân không ổn định về tinh thần, có xu hướng bạo lực nghiêm trọng hoặc tự sát hoặc tìm cách bỏ trốn. Nhà tù thường xuyên sử dụng sự hình thức quản lý nghiêm ngặt đối với các học viên như một cái cớ để tra tấn họ.

1. Mỗi ngày ngồi 16 tiếng trên một chiếc ghế đẩu nhỏ

Các học viên kiên định không từ bỏ đức tin thường bị bắt phải ngồi yên 16 tiếng một ngày với hai tay đặt lên đầu gối. Ghế đẩu nhỏ có chiều cao khoảng 20,3 cm và chiều rộng 7,6 cm. Những cái nhỏ hơn có chiều cao 10,1 cm, rộng 5 cm) và chiều dài 12,7 cm.

Hình thức tra tấn này khiến cho mông nạn nhân bị phồng rộp, sau đó vỡ ra và mưng mủ dẫn đến tăng huyết áp, phù nề ở chân và bàn chân, đôi khi còn bị thương tật vĩnh viễn. Người bình thường sẽ không thể ngồi yên trên ghế sofa trong 16 tiếng mỗi ngày và điều này đặc biệt khó đối với những học viên lớn tuổi.

b0084dcb35fe70a8e24b61e8cd47075e.jpg

Hình ảnh minh họa phương thức tra tấn: Ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ

Tù nhân bị cai ngục xúi giục sẽ hành hung hoặc đánh đập các học viên nếu họ đan ngón tay, duỗi tay chân, cử động thân, nhắm mắt hoặc ngáp trong lúc ngồi trên ghế nhỏ.

2. Tù nhân theo dõi và sách nhiễu học viên

Cai ngục bố trí hai hoặc nhiều tù nhân thay phiên nhau theo dõi, quấy rối và đánh đập các học viên suốt ngày đêm. Điều này nhằm đảm bảo các học viên không nói chuyện với nhau hoặc luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công. Những tù nhân này được giảm án nếu họ tuân theo lệnh của lính canh.

3. Các quyền cơ bản bị từ chối

Dưới việc giám sát nghiêm ngặt, các học viên không được nói chuyện với bất kỳ ai, xem ti vi, viết thư gửi về nhà hoặc gia đình đến thăm. Họ chỉ có thể đi vệ sinh ba lần và uống một chai nước mỗi ngày.

Nhà tù thành lập khu quản lý nghiêm ngặt vào tháng 7 năm 2019 chuyên dành để giám sát nghiêm ngặt các học viên. Một khi học viên bước vào phòng này, cô ấy sẽ bị giam trong phòng giam với một tấm chiếu mỏng và ga trải giường trên sàn, một chiếc ghế đẩu nhỏ và một cốc uống nước. Người học viên phải ngồi trong xà lim và bị tẩy não cả ngày ngoại trừ việc đi vệ sinh. Khi cô ngủ trên sàn vào ban đêm, các tù nhân khác có thể vào bất cứ lúc nào để đánh thức cô. Vào mùa đông, cô không được đóng cửa sổ hoặc yêu cầu ga trải giường ấm hơn. Họ từ chối cung cấp băng vệ sinh khi cô cần.

Tẩy não

Những cách thức tẩy não được sử dụng trong nhà tù bao gồm:

1. Tiêm hoặc cho học viên ăn các loại thuốc gây hại cho thần kinh
2. Buộc các học viên nghe âm thanh cường độ mạnh và đọc tài liệu phỉ báng Pháp Luân Công
3. Buộc các học viên viết và ký cam kết từ bỏ đức tin của họ
4. Tổ chức các buổi phê đấu để hạ nhục và chỉ trích các học viên
5. Sử dụng nhiều loại tra tấn khác nhau, biệt giam và giám sát nghiêm ngặt để loại bỏ ý chí của các học viên

Các hình thức tra tấn

Các hình thức tra tấn được sử dụng trong nhà tù để bức hại các học viên bao gồm:

1. Ngồi yên trên ghế đẩu nhỏ, đứng hoặc ngồi xổm trong thời gian dài, tập thể dục dưới ánh nắng mặt trời và lột quần áo vào mùa đông.

2. Lính canh hoặc đánh các học viên hoặc xúi giục các tù nhân khác làm. Họ véo các học viên, bóp nghẹt, xô đẩy, kéo tóc, bịt miệng học viên bằng giẻ lau, dùng tay hoặc giày tát họ, và dùng vật sắc nhọn đâm vào tay và chân của học viên.

3. Các lính canh hoặc các tù nhân khác ghì học viên xuống và bức thực họ bằng thuốc hoặc đồ ăn. Đôi khi họ thậm chí còn nhét ống vào dạ dày của học viên và để nó như vậy, gây nguy hiểm đến tính mạng của học viên.

4. Còng tay hoặc cùm chân suốt ngày. Đôi khi các học viên bị còng tay sau lưng hoặc xuống sàn, khung giường hoặc khung cửa sổ.

5. Sốc điện bằng dùi cui.

6. Thuốc gây hại cho hệ thần kinh trung ương được trộn vào thức ăn của học viên. Đôi khi bác sỹ nhà tù còn tiêm thuốc cho các học viên.

7. Lao động nặng nhọc trong nhiều giờ.

Cái chết của mười học viên

Các học viên qua đời đều từng trải qua biệt giam và quản lý nghiêm ngặt và bị tra tấn bằng các hình thức như ngồi ghế đẩu nhỏ, tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc, và tẩy não liên tục. Bà Sử Hỷ Chi và bà Dương Thuý Phân qua đời khi họ vẫn đang ở trong tù; số còn lại qua đời sau khi được trả tự do.

Sau khi bị tra tấn không ngừng, trong số họ nhiều người đã xuất hiện các vấn đề về tim mạch như tăng huyết áp và bị sang chấn tâm lý. Các triệu chứng của họ nghiêm trọng đến mức chức trách nhà tù đã thả họ theo diện bảo lãnh y tế để họ không chết ở trong tù. Tuy nhiên, sự bức hại không dừng lại ở đó.

Viên chức Phòng 610, cảnh sát địa phương, công tố viên, và các quan chức liên tục sách nhiễu học viên và gia đình. Nhiều người trong đó bị mất việc làm, mất lương hưu, hoặc không đủ điều kiện để có trợ cấp thu nhập thấp, tất cả đều dẫn đến khó khăn về tài chính. Gia đình học viên không thể hiểu được đức tin của học viên và đổ lỗi cho họ về những gì đã xảy ra. Thêm vào những tổn thương về thể xác và tinh thần, khiến sức khỏe của các học viên ngày càng giảm sút cho đến khi qua đời.

1. Bà Sử Hỷ Chi ở thành phố Côn Minh bị sốc điện bằng dùi cui

61c09953927f07dffb46a11a37f099f7.jpg

Bà Sử Hỷ Chi

Bà Sử Hỷ Chi sống ở số 402 Tòa 2 khu phố Yinfu, thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Vì quyết tâm tu luyện Pháp Luân Công, bà bị bắt ngay tại nhà từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2002. Họ bí mật đưa bà ra xét xử kết án bốn năm tù ở Nhà tù Số 2 Tỉnh Vân Nam.

Họ giam bà Sử trong phòng biệt giam và quản lý nghiêm ngặt. Lính canh bắt bà ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ cả ngày và tiêm cho bà những loại thuốc hủy hoại thần kinh.

Vào đêm muộn ngày 8 tháng 3 năm 2005, trại giam gọi điện cho con gái bà, nói rằng mẹ bà đang ốm nặng. Bà Sử qua đời do bị dùng thuốc quá liều. Bà bị huyết áp cao, vì vậy lính canh đã cố tình cho bà uống thuốc gây hại cho huyết áp, dẫn đến cái chết của bà. Theo lời kể của một tù nhân, một lính canh đã chích điện bà Sử bằng dùi cui điện khiến bà tử vong. Bà Sử, ngoài 60 tuổi, qua đời vào sáng sớm ngày 17 tháng 3 năm 2005.

2. Bà Vương Liên Chi ở thành phố Côn Minh đã chết sau khi bị bức thực bằng những loại thuốc không rõ nguồn gốc

7ce878ec5f97435160010371beb14e47.jpg

Bà Vương Liên Chi

Bà Vương Liên Chi là một công nhân nghỉ hưu sống ở thành phố Côn Minh. Bà bị đưa vào Nhà tù Nữ Số 2 vào ngày 7 tháng 8 năm 2008. Bà phải ngồi trên giường hoặc một chiếc ghế đẩu nhỏ từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối hằng ngày. Nếu bà cử động hoặc nhắm mắt, tù nhân sẽ xúc phạm hoặc đánh đập bà. Ngoài ra, bà không được phép rửa tay, đánh răng, tắm hoặc thay quần áo.

Ba tháng sau vào ngày 10 tháng 11, con trai bà cuối cùng cũng được gặp bà trong tù. Nhìn bà gầy yếu và có vẻ mệt mỏi nhưng tinh thần vẫn tốt.

Vào ngày 27 tháng 11 năm 2008, quản giáo gọi con trai bà Vương và bảo anh đến nhà tù. Trưởng lính canh tù chính nói với anh rằng mẹ anh được chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt, một chứng bệnh tâm thần. Con trai của bà đã rất sốc vì 17 ngày trước đó tinh thần mẹ anh vẫn ổn. Anh hỏi ai đã đưa ra chẩn đoán, và họ nói với anh ta đó là bệnh viện tâm thần thành phố. Người này cũng nói rằng bà Vương từ chối dùng thuốc điều trị tăng huyết áp, do đó họ đã cho thuốc vào thức ăn của bà. Khi con trai bà hỏi họ cho những thuốc gì vào thức ăn của mẹ anh thì họ không nói gì.

Bà Vương được tạm tha y tế vào ngày 7 tháng 1 năm 2009, khi bà gần như rơi vào tình trạng thực vật. Tất cả răng của bà đều bị lung lay hoặc rụng, bà bị đau đầu dữ dội đến mức không thể ngủ được. Họ chuyển bà đến Bệnh viện Nhân dân Số 1 Thành phố Côn Minh vào ngày 16 tháng 11 năm 2009, nhưng bà vẫn bị hôn mê sâu. Gia đình đưa bà về nhà vào ngày 25 tháng 11 năm 2009, bởi không còn hy vọng hồi phục, bà qua đời vào ngày 27 tháng 11 năm 2009, ở tuổi 73.

3. Bác sỹ Thẩm Dược Bình ở thành phố Ngọc Khê qua đời sau ba năm biệt giam và bức thực bằng thuốc lạ

d2ace7b82620e4b22ab18fa3c14adc88.jpg

Bác sỹ Thẩm Dược Bình

Bác sỹ Thẩm Dược Bình từng là điều dưỡng tại Trung tâm Chăm sóc Sức khoẻ Bà mẹ và Trẻ em thành phố Ngọc Khê. Ngày 28 tháng 12 năm 2004, cảnh sát của Công an Hồng Tháp đã bắt giữ bà và chồng bà là Phổ Chí Minh. Tòa án Quận Hồng Tháp đã kết án bác sỹ Thẩm bốn năm tù, sau đó thời hạn này được cố ý kéo dài thêm một năm. Chồng bà cũng bị kết án bốn năm.

Bác sỹ Thẩm bị chuyển tới Nhà tù Nữ Số 2, ở đây lính canh thay phiên nhau cố gắng tẩy não bà. Họ lăng mạ và vặn loa càng to càng tốt để phát những âm thanh phỉ báng Pháp Luân Công. Bà phải ngồi trên giường 16 tiếng một ngày mà không được đứng lên hoặc đi lại. Ngoài ra, họ cũng không cho bà tắm giặt quần áo, không phát băng vệ sinh cho bà trong kỳ kinh nguyệt. Lính canh còn xúi giục tù nhân đánh đập hoặc dùng kim để đâm bà Thẩm. Họ còn cho các loại thuốc lạ vào trong thức ăn hàng ngày của bà và ép bà phải ăn chúng.

Sau tám tháng, phổi của bà Thẩm xuất hiện nhiều lỗ, khiến bà bị ho liên tục. Lính canh mỗi ngày chỉ cho bà một bát mì hoặc một bát cháo. Bà bị bỏ đói cho đến ngày hôm sau. Gia đình bà đã mang thức ăn bổ dưỡng và trái cây đến nhà tù cho bà, nhưng chúng không đến tay bà.

Vào ngày 11 tháng 5 năm 2009, chồng bà nhận được điện thoại từ nhà tù thông báo bệnh viện đã đưa ra “thông báo tình trạng nguy kịch” của bà. Ông đã vội vã đến Bệnh viện Số 2 của Trường Cao đẳng Y Côn Minh. Lúc đó nhìn bà Thẩm rất tiều tụy. Bà thở nặng nhọc và không thể mở mắt, cũng như k thể nói chuyện.

Để tránh việc trả viện phí đắt đỏ, nhà tù đã chuyển bà Thẩm đến Bệnh viện Trung tâm thuộc Cục cải tạo lao động, một bệnh viện có cơ sở y tế nghèo nàn và điều kiện xuống cấp. Vào ngày 15 tháng 5, họ đã sắp xếp để bệnh viện cho bà Thẩm được tại ngoại để chữa bệnh. Chồng bà đã đưa bà tới Bệnh viện Nhân dân Số 3 ở thành phố Côn Minh vào lúc 10 giờ sáng ngày hôm đó, bà đã nằm ở bệnh viện này đến khi qua đời lúc 11 giờ 30 tối ngày 15 tháng 7, ở tuổi 49.

4. Bà Dương Thuý Phân đột ngột qua đời vì bạo bệnh

Bà Dương Thuý Phân sinh năm 1949. Bà đã nghỉ hưu tại Cục Lâm nghiệp Huyện Khâu Bắc, Văn Sơn, tỉnh Vân Nam. Bà bị chứng lupus từ khi còn nhỏ và bị rụng hết tóc. Mọi người thường tránh xa bà vì vẻ bề ngoài của bà. Sau khi trở thành một học viên Pháp Luân Công, căn bệnh nan y của bà cũng biến mất. Gia đình bà đã chứng kiến ​​phép màu của Pháp Luân Công nên tin rằng môn tu luyện này đã cứu mạng bà.

Sau khi cuộc đàn áp xảy ra, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã hai lần kết án tù bà Dương tổng cộng chín năm tù chỉ bởi bà không từ bỏ đức tin của mình. Ở Nhà tù Nữ Số 2 Vân Nam, bà phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ 16 tiếng mỗi ngày. Nhà tù cũng cưỡng chế bà lao động khổ sai. Bà Dương bị bỏ tù lần thứ hai trong năm năm. Không lâu trước ngày dự kiến được trả tự do, gia đình bà nhận được điện thoại từ chính quyền nhà tù vào ngày 2 tháng 10 năm 2013, thông báo rằng bà Dương đang trong tình trạng nguy kịch. Khi họ đến bệnh viện, bà đã qua đời, ở tuổi 64.

Hai ngày trước khi cái chết của bà, vào ngày 30 tháng 9, bà đã gọi điện cho chồng để nói chuyện. Người nhà đến thăm bà trong bốn năm qua và không nhận thấy sức khoẻ của bà có vấn đề gì. Tuy nhiên, đáp lại lời chất vấn gia đình, các viên chức ở trại giam vẫn cho rằng bà bị tăng huyết áp từ trước và nó thường dẫn đến cái chết đột ngột.

5. Bà Lý Kiện Anh ở thành phố Côn Minh qua đời ba năm sau khi được tự do

a679d15ca0d5904b2b6d6e45c294d0e5.jpg

Bà Lý Kiện Anh

Bà Lý Kiện Anh từng làm việc tại Công ty Gang thép Thành phố Côn Minh. Chính quyền đã bắt bà vào ngày 4 tháng 4 năm 2000, khi bà nói chuyện với các ủy viên tỉnh Vân Nam rằng cuộc bức hại là sai trái. Bà đã bị tạm giam 15 ngày.

Cảnh sát đã bắt bà vào tháng 5 năm 2002 vì bà treo một biểu ngữ có nội dung “Pháp Luân Đại Pháp hảo” trước một ngôi chùa ở huyện Tấn Ninh. Họ giam bà trong ba năm và bà được thả vào năm 2005. Tuy nhiên, bà vẫn bị bệnh và không thể hồi phục sau những chấn thương ở trong tù. Bà mất ba năm sau đó, vào năm 2008, ở tuổi 60.

6. Tinh thần bác sỹ Vương Lam ở Côn Minh không còn mạch lạc sau khi bị bức thực bằng thuốc không rõ nguồn gốc

5c86146ef7c1470ba788e08bf5cd42e9.jpg

Bà Vương Lam

Bà Vương Lam là một bác sỹ ở thành phố Côn Minh và là nhân viên hưu trí của Liên đoàn Lao động Thành phố Côn Minh. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, người của Đội An ninh Nội địa Quận Tây Sơn thường sách nhiễu, theo dõi và nghe lén điện thoại của bà. Ngoài ra, bà còn bị bắt giam nhiều lần.

Bác sỹ Vương đến Tây Tạng cùng một người bạn vào ngày 2 tháng 7 năm 2005. Cảnh sát ở huyện Ba Mật, Tây Tạng, đã bắt bà và giam bà trong Nhà tù Nữ Số 2 Vân Nam bốn năm. Trong thời gian đó bà bị biệt giam ba lần và buộc phải ngồi 16 tiếng mỗi ngày trên một chiếc ghế đẩu nhỏ. Nhân viên nhà tù nhiều lần bỏ thuốc gây hại thần kinh vào thức ăn của bà, gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của bà. Kết quả là phản ứng của bà trở nên chậm lại.

Sau khi được tự do, viên chức Phòng 610, cảnh sát, quan chức địa phương và người giám sát tại chỗ làm việc tiếp tục quấy rối bà. Khiến bà bị mất toàn bộ tiền lương hưu và trợ cấp. Tổn thương về thể chất và căng thẳng về tinh thần đã dẫn đến cái chết của bà vào ngày 1 tháng 1 năm 2012, ở tuổi 56.

7. Bà Hoàng Thao ở thành phố Ngọc Khê qua đời sau khi được tại ngoại chữa trị y tế

Bà Hoàng Thao bị người ở Đội An ninh Nội địa Ngọc Khê bắt cóc vào ngày 9 tháng 1 năm 2005, bỏ lại người mẹ 96 tuổi của bà một mình. Bà bị kết án bốn năm tù ở Nhà tù Nữ Số 2, sau khi họ mở một phiên xử hình thức. Bà mắc bệnh tiểu đường nặng và sụt cân đáng kể. Bà được tại ngoại vào tháng 12 năm 2006.

Các nhà chức trách tiếp tục sách nhiễu bà Hoàng sau khi bà được thả và giữ lại tiền lương hưu của bà từ tháng 1 năm 2005 đến tháng 1 năm 2009. Sức khoẻ của bà ngày càng yếu và bà đã qua đời vào ngày 28 tháng 7 năm 2011.

8. Bà Tôn Hoài Phượng ở huyện Đại Diêu qua đời một năm sau khi được tại ngoại

Bà Tôn Hoài Phượng là giáo viên nghỉ hưu của một trường học ở thị trấn Kim Bích, huyện Đại Diêu. Vì không đảm bảo sức khỏe để công tác, bà buộc phải nghỉ việc. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, sức khoẻ của bà đã hồi phục.

Vào tháng 9 năm 2004 họ đưa bà Tôn đến Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Vân Nam bởi bà không bỏ đức tin của mình. Hai năm sau, vào ngày 9 tháng 2 năm 2006, lãnh đạo trại lao động yêu cầu gia đình đưa bà về nhà vì bà đang nguy kịch.

Sách nhiễu từ chính quyền đã gây áp lực rất lớn lên chồng bà. Ông đã ly hôn vì không hiểu lý do tại sao bà không từ bỏ tu luyện.

Cảnh sát địa phương đã bắt bà khi bà nói với người dân về cuộc bức hại. Bà bị kết án bốn năm tù và trải qua tra tấn tàn bạo ở Nhà tù Nữ Số 2. Vì sức khỏe quá yếu, bà đã được tại ngoại điều trị y tế vào năm 2007. Công ty cũ cũng từ chối chi trả tiền lương hưu của bà. Đơn xin trợ cấp thu nhập thấp của bà cũng bị từ chối. Vì bà không thể tự chăm sóc bản thân và gặp khó khăn về tài chính nên bà qua đời vào tháng 2 năm 2008, ở tuổi 56.

9. Bà Dương Minh Thanh mắc các bệnh về tuần hoàn khi ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ

a1f72c7e0d3c706ef967d1748d3ced56.jpg

Bà Dương Minh Thanh

Bà Dương Minh Thanh từng là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Lâm nghiệp và rất được kính trọng. Bởi cuộc bức hại, bà Dương bị giam tổng cộng chín năm hai tháng tù chỉ bởi bà không từ bỏ tín ngưỡng của mình. Tại Hội chợ Triển lãm Thế giới ở Côn Minh năm 1999, cảnh sát đã quản thúc hai vợ chồng bà tại nhà trong 45 ngày. Sau đó, bà bị giam hai lần, vào trại lao động một lần, và bị cầm tù hai lần.

Trong thời gian ở trong khu số 9 Nhà tù Nữ Số 2, bà bị biệt giam trong bốn tháng và buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ mỗi ngày. Kết quả là bà bị tăng huyết áp, sưng chân, mưng mủ ở vùng đáy chậu và mất thính giác. Những chấn thương về thể chất vẫn tồn tại ngay cả khi bà được thả. Bà qua đời vào ngày 8 tháng 3 năm 2019, ở tuổi 67.

10. Cô Âu Tuyết Quân ở thành phố Đại Lý bị bệnh nặng và qua đời ở tuổi 37

1027a5a64b852b44cbb6c18e24ddc8f1.jpg

Cô Âu Tuyết Quân

Cô Âu Tuyết Quân từng là chuyên viên kế toán tài chính tại một công ty hậu cần hàng không. Cảnh sát thành phố Đại Lý đã bắt cô vào ngày 13 tháng 3 năm 2009, vì ai đó đã báo cô đang phát tài liệu về Pháp Luân Công. Tại Trại tạm giam Thành phố Đại Lý, lính canh bắt cô tắm rửa hàng ngày chỉ với một xô nước nhỏ, còn họ đứng ở bên nhìn trông chừng cô.

Cô bị kết án ba năm tù ở Nhà tù Nữ Số 2. Trong thời gian giam giữ, họ bắt cô ngồi trên ghế đẩu nhỏ 16 tiếng mỗi ngày trong khi bị tẩy não. Cô phải làm nhiều việc nặng nhọc. Khi gia đình đến thăm, người cô trông xanh xao và tiều tụy.

Sau khi được tự do, chính quyền tiếp tục sách nhiễu và bắt giữ cô. Do chịu áp lực rất lớn từ gia đình và sức khỏe ngày càng giảm sút. Cô qua đời ở tuổi 37 vào tháng 3 năm 2016.

Bài liên quan:

“Kỷ luật nghiêm khắc” đối với các học viên Pháp Luân Công trong Nhà tù Nữ Số 2 Vân Nam


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/8/417986.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/30/190160.html

Đăng ngày 14-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share