Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Bắc Kinh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-05-2021] Trước khi bà Tiếu Phượng Văn ở Bắc Kinh bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996, bà đã phải chịu đựng nhiều chứng bệnh, bao gồm chứng cứng cổ và vai, xương phát triển bất thường. Sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, tất cả tình trạng này đều biến mất.

Ba năm sau vào năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công. Kể từ đó, bà Tiếu đã bị bắt 10 lần, bị tạm giam ít nhất 10 tháng và bị giam tổng cộng sáu năm sáu tháng trong trại lao động cưỡng bức (trong đó bà thụ án năm năm sáu tháng).

Khi ở trong trại lao động, bà đã bị đánh đập, bức thực và bị sốc điện. Trong khi bị giam giữ, bà đã không thể tham dự đám tang của mẹ và chị gái cũng như đám cưới của con trai mình.

Vụ bắt giữ gần đây nhất của bà Tiếu diễn ra vào ngày 2 tháng 7 năm 2019, khi bà ra ngoài dán các tờ rơi để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại.

Sau đây là tường thuật về những ngược đãi mà bà Tiếu phải chịu đựng trong cuộc bức hại.

Bị bắt và giam giữ vì lên tiếng cho Pháp Luân Công

Bà Tiếu và các học viên khác đã đến Văn phòng Kháng nghị Quốc gia vào sáng ngày 20 tháng 7 năm 1999. Cảnh sát đã bắt họ và thả họ vào đêm cùng ngày.

Bà đã đến Văn phòng Kháng nghị cùng với các học viên khác hai lần nữa, một lần vào tháng 11 năm 1999 và một lần nữa vào tháng 1 năm 2000. Cả hai lần, các sĩ quan từ Đồn Công an Thiên An Môn đã bắt họ trước khi họ đến văn phòng, và giam giữ họ tại Trại tạm giam Triều Dương trong vòng một tháng mỗi lần.

Bà Tiếu đã bị bắt nhiều lần nữa vào năm 2001. Một lần, bà bị giam giữ trong tám ngày vì phát tờ rơi Pháp Luân Công. Một lần khác, cảnh sát bắt bà tại nhà và đưa bà vào trại tạm giam Triều Dương, nơi bà bị trói và bức thực 5 lần khi tuyệt thực để phản đối việc bắt giữ tùy tiện. Răng của bà đã bị lung lay do lính canh dùng kìm để cạy mở miệng bà. Bà đã được thả 17 ngày sau đó.

Một buổi tối năm 2001, khi bà đang luyện Pháp Luân Công ngoài trời thì cảnh sát đến bắt và giam giữ bà trong vòng một tháng.

Bị tra tấn trong hai trại tạm giam

Để tránh sự sách nhiễu liên tục của chính quyền, bà Tiếu đã phải rời khỏi nơi ở của mình. Một ngày nọ, một người đã trình báo bà với cảnh sát khi bà đang nói với những người khác về Pháp Luân Công, điều này đã dẫn đến việc bà bị giam giữ. Trong tháng bà ở trại tạm giam Triều Dương, lính canh đã đánh đập và bức thực bà. Bà bị còng tay và cùm chân trong tư thế vô cùng khó chịu, bà không thể đứng, ngồi và đi lại bình thường. Một lính canh sau đó đã lôi bà vào văn phòng và dẫm vào mặt để làm nhục bà.

2011-7-25-kuxingbaoliao--ss.jpg

Minh họa tra tấn: Còng tay và cùm chân gây khó chịu cực độ

Vào mùa đông, các lính canh khuyến khích những người bị giam giữ khác dội nước lạnh lên người bà và để nước từ từ tự khô lại. Để bức thực bà, những người lính canh đã trói bà vào cánh cửa với cánh tay và chân của bà ở tư thế đại bàng sải cánh. Họ gọi đó là “thập tự giá”.

2004-12-25-weifang1--ss.jpg

Tái hiện tra tấn: Trói chặt nạn nhân trong tư thế hình chữ thập

Sau khi bà Tiếu được thả khỏi trại tạm giam vào tháng 2 năm 2001, cảnh sát trực tiếp chuyển bà đến một cơ sở tạm giam khác và giam bà ở đó thêm 13 ngày.

Không lâu sau khi bà trở về nhà, bà lại bị bắt vào tháng 3 sau khi bị một số sinh viên tố cáo vì đã nói chuyện với họ về Pháp Luân Công. Bà bị giam giữ tại trại tạm giam Tuyên Vũ trong ba tháng. Sau khi bà tuyệt thực để phản đối, lính canh đã nhét một ống dẫn vào mũi và dạ dày để bức thực bà. Để tăng thêm sự đau đớn, các lính canh đã cố tình kéo chiếc ống qua lại, đến mức chiếc ống dính đầy máu của bà.

2004-6-6-force_feeding--ss.jpg

Minh họa tra tấn: Bức thực

Khi bà Tiếu từ chối khai báo tên tuổi của mình, một lính canh đã đe dọa bà: “Tôi sẽ ném bà vào nhà tù nam và để họ hãm hiếp bà.”

Sốc điện bằng gậy điện và không thể tham dự đám tang chị gái

Bà Tiếu đã bị kết án một năm sáu tháng trong trại lao động cưỡng bức vì phân phát tờ rơi Pháp Luân Công vào ngày 2 tháng 9 năm 2001. Trong khi bà bị giam tại trung tâm điều động của trại lao động vì từ chối ngồi xổm với các tù nhân khác, sáu lính canh đã lao đến và dùng gậy điện sốc điện vào thái dương và lòng bàn chân bà.

Bà cũng bị buộc phải làm những công việc nặng nhọc mà không được trả công, bao gồm cả việc đóng gói đũa dùng một lần. Bà bị nhốt trong một căn phòng nhỏ với hàng tá người khác. Một số ngủ trên mặt đất và những người khác ngủ dưới gầm giường. Với một nhà vệ sinh trong phòng nhưng không có nước, nơi đây bốc mùi rất kinh khủng.

Bà Tiếu sau đó bị chuyển đến Trại lao động cưỡng bức nữ Bắc Kinh, nơi bà từ chối việc tẩy não và từ bỏ việc tu luyện. Bà bị mất ngủ triền miên và dần dần bị bệnh mất ngủ.

Bà về nhà vào ngày 1 tháng 3 năm 2003 và biết rằng người chị ruột của bà vừa qua đời ba tuần trước đó. Chị gái bà phải chăm sóc mẹ già 81 tuổi một mình khi bà đi vắng. Vì quá căng thẳng về thể chất và tinh thần, chị gái bà đã bị xuất huyết não dẫn đến việc qua đời sớm.

Bị bắt 4 ngày trước đám cưới của con trai mình

Ba cảnh sát đã đột nhập vào nhà của Tiếu vào ngày 23 tháng 5 năm 2007, trong khi bà đang chuẩn bị cho đám cưới của con trai mình đã được lên kế hoạch vào bốn ngày sau đó. Họ bắt giữ và lục soát nơi ở của bà và tịch thu hàng trăm cuốn sách Pháp Luân Công và hàng nghìn nhân dân tệ tiền mặt.

Cảnh sát đã tự ý kết án bà hai năm sáu tháng trong trại lao động cưỡng bức vì tội tàng trữ các sách Pháp Luân Công.

Tại trung tâm điều động của trại lao động, bà phải ngồi yên trên một chiếc ghế đẩu nhỏ cả ngày với một tù nhân theo dõi sát sao và bà sẽ bị trừng phạt nếu bà nhúc nhích. Các lính canh sau đó đã bức thực khi bà không chịu ăn. Khi bà hô lên “Pháp Luân Đại Pháp hảo” để phản đối việc tra tấn, họ nhét vào miệng bà một miếng giẻ dùng để lau sàn nhà.

Sau khi bà bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức nữ Bắc Kinh, 17 lính canh đã theo dõi bà suốt ngày đêm. Bà buộc phải ngồi yên trên một chiếc ghế đẩu nhỏ và bị cấm ngủ. Bà từ chối hợp tác với nhà chức trách và bị gửi đến một đội đặc biệt, nơi bà bị tra tấn dữ dội.

Vào tháng 7 năm 2008, bà Tiếu bị chuyển đến Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia ở tỉnh Liêu Ninh, nơi bà bị đánh đập, cấm ngủ và liên tục phải lao động cưỡng bức. Bà phải học thuộc nội quy nhà tù; nếu không, các lính canh sẽ đánh đập hoặc sốc điện bà.

Bà được trả tự do vào ngày 31 tháng 10 năm 2009. Thời hạn ở trại lao động khiến bà mất hàng chục nghìn nhân dân tệ và là nguồn cơn tạo nên sự thống khổ to lớn về mặt tinh thần đối với các thành viên trong gia đình bà.

Cấm sử dụng nhà vệ sinh trong hai tuần và bị ép lấy mẫu máu

Bà Tiếu đã đến Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 3 tháng 1 năm 2012, để phát tờ rơi Pháp Luân Công và bị bắt. Cơ quan cảnh sát khám xét bà và tịch thu vài trăm nhân dân tệ tiền mặt trong túi của bà. Bà đã bị giam hai năm sáu tháng trong Trại Lao động Cưỡng bức nữ Bắc Kinh. Khi bà bị giam giữ tại trại tạm giam Đông Thành, lính canh đã cùm chân và xịt nước ớt cay vào bà.

Bà Tiếu sau đó bị đưa đến Đội số 4 của Trại lao động cưỡng bức nữ Bắc Kinh. Bà bị đưa vào một phòng với hai tù nhân khác, những người theo dõi bà suốt ngày đêm. Bà bị cấm ngủ, tắm rửa hoặc sử dụng nhà vệ sinh. Có lần, bà không được đi đại tiện trong 15 ngày. Sau đó, bà bị chuyển đến Đội số 2, nơi ba tù nhân kiểm tra sức khỏe và cưỡng bức lấy mẫu máu của bà. Họ thậm chí còn gọi cảnh sát có vũ trang để buộc bà phải tuân thủ.

Bà Tiếu bị chuyển đến Trung tâm tẩy não Vương Tứ Doanh ở quận Triều Dương vào ngày 8 tháng 7 năm 2013. Từ Dũng thuộc Đội An ninh Nội địa, Mã, Bạch, Lý Thục Mẫn và Đường Tuệ Minh thuộc Phòng 610, cũng như Lâm Kinh trưởng ủy ban khu dân cư, đã thay phiên nhau tẩy não bà. Bà đã tuyệt thực và được thả ba ngày sau đó.

Bức hại gần nhất

13 người, bao gồm Từ Dũng của Đội An ninh Nội địa, Mã, Lưu Thiết Lực, Ngô Tiểu Long, và Chu của Phòng 610, Lâm Kinh của ủy ban khu dân cư, cùng với bốn cảnh sát và ba nhân viên an ninh, đã bắt bà Tiếu tại nhà của bà vào ngày 22 tháng 5 năm 2014. Họ lục soát nhà và tịch thu các sách Pháp Luân Công của bà. Bà bị giam tại Trung tâm tẩy não Vương Tứ Doanh trong một tháng.

Khi bà đi mua sắm cho Tết Nguyên đán vào ngày 29 tháng 1 năm 2015, ba sĩ quan cùng với Dương Cần của ủy ban khu dân cư và Ngô Tiểu Long của Phòng 610, đã bắt bà phải trở về nhà. Họ lục soát nơi ở của bà và tịch thu một số sách Pháp Luân Công, hàng trăm tập sách nhỏ, một máy vi tính mới, hai máy nghe nhạc, năm thẻ nhớ máy tính và hàng chục túi nhựa mà bà dùng để phát tài liệu Đại Pháp.

Lúc đầu bà bị đưa đến Đồn Công an Hoa Gia Địa và sau đó là trại tạm giam Triều Dương vào buổi tối. Bà đã từ chối mặc đồng phục của người bị giam giữ và tuyệt thực.

Ba ngày sau, lính canh đưa bà đến Trung tâm Cấp cứu 999 Bắc Kinh, nơi các nhân viên lấy máu bà ba lần và làm điện tâm đồ hai lần mà không được sự đồng ý của bà. Sau khi bị giam giữ ở đó bốn tuần, bà Tiếu bị đưa trở lại trại tạm giam trước khi nhanh chóng được chuyển đến Trung tâm tẩy não Vương Tứ Doanh vào ngày 6 tháng 3 bởi cảnh sát và các nhân viên Phòng 610.

Sau khi bà được thả, vào mỗi ngày lễ và kỷ niệm liên quan đến Pháp Luân Công hoặc các sự kiện chính trị lớn, cảnh sát và các quan chức địa phương sẽ sách nhiễu bà và gia đình. Có thời điểm, hai nhân viên bảo vệ thường trực ở bên ngoài nhà bà và theo dõi bà suốt ngày đêm.

Cảnh sát đã đến gõ cửa nhà bà ba lần vào ngày 1, 2 và 5 tháng 2 năm 2017 tuy nhiên bà đều từ chối mở cửa.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/27/426281.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/16/193713.html

Đăng ngày 30-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share