Bài viết của học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 04-09-2021] Vào thời đại Phật Thích Ca Mâu Ni, từng có một người tên là Đề Bà Đạt Đa (có một số Kinh Phật gọi ông là “Điều Đạt” hoặc “Đề Bà Đạt Đâu”, “Địa Bà Đạt Đa”, “Đế Bà Đạt Đa”). Ông là anh em họ của Đức Phật, cũng mang thân phận hoàng tử, thân hình cao to, khôi ngô tuấn tú. Ông xuất gia cùng với một số người như A Nan, trở thành đệ tử của Đức Phật.

Nghe nói lúc Đề Bà Đạt Đa bái kiến Đức Phật đòi xuất gia, ông mặc quần áo mũ miện long trọng hào nhoáng, cưỡi ngựa quý khoác yên vàng, hành vi của ông dường như muốn nói cho thế nhân biết: Các người hãy xem này, một hoàng tử có tiền có thế muốn xuất gia! Từ hành động này cũng có thể nhìn ra tâm hiển thị của ông rất mạnh.

Sau khi Đề Bà Đạt Đa xuất gia, biểu hiện của ông trong 12 năm đầu rất tốt. Dựa theo ghi chép từ kinh điển Phật giáo, Đề Bà Đạt Đa là người “thông minh học rộng, tọa thiền nhập định suốt 12 năm, tâm không lay động”, “tâm thành tín thanh tịnh đối với Phật Pháp”, “xuất gia làm nhà sư, thiện tâm tu hành trong 12 năm”. Trong cuốn “Đại Đường Tây Vực Ký” của cao tăng Đại Đường Huyền Trang (tục gọi là Đường Tăng) có viết, Đề Bà Đạt Đa nhập định trong căn phòng đá lớn. Ngoài ra, trong 12 năm tu hành, Đề Bà Đạt Đa còn có công năng rất mạnh.

Đề Bà Đạt Đa có thân phận tôn quý trước khi xuất gia, là anh em họ của Đức Phật, là hoàng tử; ngoại hình không tệ; tu xuất công năng rất lớn; do vậy ông được rất nhiều cư sĩ tại gia và tăng nhân xuất gia sùng bái một cách mù quáng. Ví như, một trong những đại đệ tử của Đức Phật là Xá Lợi Phất đã đặc biệt đến thành Vương Xả khen ngợi Đề Bà Đạt Đa là “nhà sư có xuất thân danh giá, thông minh, có đại thần thông, dung mạo đoan chính”, “thần thông lớn, uy lực lớn”. Hoàng tử A Xà Thế của nước Ma Kiệt Đà rất nổi danh trong giới cư sĩ tại gia lại càng ca ngợi Đề Bà Đạt Đa, ngưỡng mộ ông đến mức cuồng nhiệt. Ông ca ngợi Đề Bà Đạt Đa thành như “đại sư to lớn như Phật, công đức thù thắng”. Hàng ngày, ông cung dưỡng 500 chõ thức ăn thượng hạng cho Đề Bà Đạt Đa và những người đi theo ông. Vào thời cổ đại, Đề Bà Đạt Đa đã được hoàng tử của một nước sùng kính như thế, nên những cư sĩ thông thường và người dân càng bị dẫn động hùa theo ca ngợi và sùng bái ông hơn nữa.

Vả lại, Đề Bà Đạt Đa vẫn chưa vứt bỏ hết chấp trước vào danh lợi thế gian, nên ông đã tự nhiên vui vẻ đón nhận toàn bộ những lời khen ngợi, sùng bái mù quáng và đồ cúng dường. Cứ như thế, chấp trước vào danh lợi thế gian của Đề Bà Đạt Đa đã gặm nhấm trái tim của ông. Ông tự đặt mình càng ngày càng cao, đến nỗi ông nói: “Quần chúng vây quanh, ta có khác gì Đức Phật đâu!” Như vậy, ông bắt đầu ghen tỵ với Đức Phật; dần dần tâm tham nổi lên, suy nghĩ điên đảo, tạo thành đủ loại trái nghịch, đến mức không thể cứu vãn được nữa.

Một hôm, Đề Bà Đạt Đa đến gặp Đức Phật, ông nói: “Đức Phật đã lớn tuổi, tăng đoàn nên giao cho tôi coi quản.” Đức Phật đã nghiêm túc từ chối ông, Ngài nói: “Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên có đại trí huệ và đại thần thông, ta còn chưa giao tăng đoàn cho họ, cớ chi ta giao cho một người ngu ngốc như ngươi?” Cùng lúc đó, Đức Phật bèn tuyên bố trước đại chúng: “Ta không thừa nhận hết thảy những gì Đề Bà Đạt Đa làm từ đây về sau dưới danh nghĩa của Phật Đà, Phật Pháp và tăng đoàn; tất cả đều do Đề Bà Đạt Đa tự gánh chịu trách nhiệm.”

Tuy vậy, sau khi Đức Phật tuyên bố trước đại chúng không thừa nhận Đề Bà Đạt Đa, nhiều đệ tử của Đức Phật do thường ngày mù quáng sùng bái, nên họ vẫn chưa có nhận thức thanh tỉnh về ông ta. Họ vẫn sùng bái ông như trước, còn có người cho rằng Đức Phật ghen tỵ với Đề Bà Đạt Đa nên mới tuyên bố như thế.

Trong Kinh Phật có một đoạn ghi chép như sau: Một hôm, Đức Phật ra ngoài khất thực hóa duyên, từ xa nhìn thấy Đề Bà Đạt Đa đi tới. Đức Phật không muốn nhìn thấy kẻ mang đại tội chấp mê, nên Ngài đã tránh mặt Đề Bà Đạt Đa. Người đệ tử hầu cạnh Đức Phật nhìn thấy Sư phụ làm vậy, bối rối hỏi Sư phụ: “Phải chăng Đề Bà Đạt Đa là hiền nhân vĩ đại, Sư tôn vì tôn kính ông ta nên mới tránh mặt, nhường đường cho ông ta?” Có thể thấy rất nhiều người khi đó vẫn còn bị mê hoặc, không tin Đức Phật, không thể nhìn rõ từng hành vi cử chỉ của Đề Bà Đạt Đa.

Cứ như vậy, Đề Bà Đạt Đa trở nên ngày càng xấu, đến nỗi ông ta dám nói: “Ta sẽ lấy mạng Đức Phật.” Nhiều lần, ông ta đã phái sát thủ đi hành thích Đức Phật; nhưng thật bất ngờ, những sát thủ này đều bị Đức Phật cảm hóa và thuyết phục. Sau đó, Đề Bà Đạt Đa đã chuốc rượu cho voi lớn uống say, đợi đến lúc Đức Phật vào thành khất thực, ông ta bèn thả voi lớn ra với mưu đồ cuồng vọng sát hại Đức Phật. Một số đệ tử đứng cạnh Đức Phật nhìn thấy con voi lao tới liền bỏ chạy, một số đệ tử xả bỏ thân mình bảo vệ Đức Phật. Bất ngờ thay, sau khi voi lớn say rượu nhìn thấy Đức Phật, nó đã quỳ sụp xuống đất, đưa vòi liếm chân Đức Phật. Đề Bà Đạt Đa vì đó đã đánh mất lòng dân, bị công chúng chỉ trích dữ dội, nhưng vẫn còn có một số người chấp mê bất ngộ chạy theo ông ta. Không lâu sau, một trong các nữ đệ tử của Đức Phật tên là Liên Hoa Sắc đã tìm Đề Bà Đạt Đa để khuyến thiện, cô bảo ông nên hối cải với Đức Phật, cải tà quy chính; nhưng thật không ngờ Liên Hoa Sắc đã bị Đề Bà Đạt Đa đánh chết.

Đề Bà Đạt Đa vì để thỏa mãn dục vọng tội ác, tự xưng mình là Đại sư, mở miệng đề xuất những thứ xem ra rất đường hoàng, tưởng đúng mà sai. Một số người mới xuất gia và tăng nhân chưa có liễu giải về Phật Pháp đã tán đồng với chủ trương của ông, từ đó đứng về phía Đề Bà Đạt Đa. Dưới sự ủng hộ rầm rộ của dòng người ô hợp, Đề Bà Đạt Đa đã đến núi Cà Da. Tuy nhiên, Đức Phật rủ lòng từ bi với những người vừa mới xuất gia, Ngài bèn phái đại đệ tử Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đuổi theo khuyến thiện họ và đã thành công giúp họ nhìn rõ Đề Bà Đạt Đa làm loạn Phật Pháp. Sau đó, những người này đã quay trở lại tu luyện Phật Pháp và hối cải trước mặt Đức Phật.

Cuối cùng, hết thảy mưu đồ tà ác của Đề Bà Đạt Đa đều bất thành, ác nghiệp đầy thân, ông ta đã chết trong thống khổ và tội ác cực đại. Sau khi Đề Bà Đạt Đa chết, Đức Phật từng nói: “Đề Bà Đạt Đa tuy ở trong Phật Pháp của ta, nhưng không thấy chút gì gọi là thiện lương. Sau khi chết, ông ta sẽ bị đọa vào địa ngục.”

Lúc này vẫn có tăng nhân chưa tin vào Pháp mà Đức Phật giảng cho lắm, họ bèn hỏi Đức Phật: “Đề Bà Đạt Đa có thần thông rất lớn, uy lực rất lớn, cớ sao Sư tôn lại nói ông ta sẽ nhận ác báo dài lâu?” Có thể thấy, đến lúc này mà vẫn có người nhận thức không rõ, vẫn chưa hoàn toàn thanh tỉnh thoát khỏi sự sùng bái mù quáng đối với Đề Bà Đạt Đa. Trên thực tế, hơn một nghìn năm sau, lúc nhà sư Pháp Hiển và Huyền Trang của Trung Quốc sang Ấn Độ lưu học, họ để lại ghi chép như sau: “Thời đó, ở Ấn Độ vẫn có những người cá biệt ngu ngốc sùng bái Đề Bà Đạt Đa như xưa, chứ không sùng bái Đức Phật.”

Đề Bà Đạt Đa nhìn bên ngoài không đến nỗi tệ, mang danh là đệ tử của Đức Phật, nhưng cuối cùng lại biến thành một kẻ đại ác, bị đọa xuống địa ngục sau khi chết, thực sự đã lưu lại hối hận và bài học giáo huấn sâu sắc cho rất nhiều người thời đó. Đức Phật từng nói: “Giả như hoàng tử A Xà Thế của nước Ma Kiệt Đà không cúng dường 500 chõ thức ăn thượng hạng cho Đề Bà Đạt Đa, thì biết đâu kẻ ngốc này cuối cùng sẽ không gây ra tội ác. Chính vì sùng bái và ca ngợi mù quáng, nên Đề Bà Đạt Đa mới hiu hiu tự đắc, cuối cùng rớt xuống địa ngục.”

Xem lại những ghi chép trong lịch sử, cá nhân tôi cho rằng: Đề Bà Đạt Đa cuối cùng gặp phải kết cục như này, trước hết là do ông ta có tâm hiển thị, tâm cầu danh lợi, tâm tật đố mạnh mẽ chưa vứt bỏ, một khi có công năng và được người khác sùng bái, ông ta dần dần không còn tôn kính Sư tôn và Phật Pháp, cuối cùng đã gây ra tội ác cực lớn. Mặt khác, làm những đệ tử khác của Đức Phật mà nói, sự sùng bái và mê tín mù quáng của họ dành cho Đề Bà Đạt Đa cũng là một trong những nguyên nhân then chốt. Nếu như họ không mù quáng khen ngợi và sùng bái Đề Bà Đạt Đa, thì biết đâu ông ta sẽ không biến thành người xấu. Chúng ta thử nghĩ một chút, sau khi Đức Phật tuyên bố trước mặt đại chúng Ngài không thừa nhận Đề Bà Đạt Đa, nếu như tất cả đệ tử đều có thể tin tưởng Sư tôn, không đi sùng bái Đề Bà Đạt Đa, và rời xa ông ta, thì biết đâu ông ta sẽ bình tĩnh lại và quay trở về chính lộ.

(Nguồn: zhengjian.org, pureinsight.org)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2021/9/4/佛家故事-提婆達多墮入地獄的教訓-430360.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/5/194938.html

Đăng ngày 20-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share