Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-07-2021] Vào ngày 12 tháng 11 năm 2020, bà Chu Diễm Ba 58 tuổi, một người dân ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã bị bắt tại một nhà hàng vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã bị giam giữ tại Trại tạm giam Đại Liên và hiện đang phải đối mặt với phiên tòa xét xử tại Tòa án Phổ Lan Điếm.

2021-7-18-zhou-yanbo_01.jpg

Bà Chu Diễm Ba

Kể từ khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm vào tháng 7 năm 1999, bà Chu đã bị bắt bảy lần và bị tra tấn dã man tại nhiều cơ sở giam giữ khác nhau, bao gồm cả Trung tâm cai nghiện ma túy Đại Liên, trại tạm giam Đại Liên, trại tạm giam quận Kim Châu, trại tạm giam thành phố Thiết Lĩnh, Trại lao động Mã Tam Gia ở Thẩm Dương, Trại lao động Trương Sĩ, Trại lao động Thẩm Tân và Nhà tù Đại Bắc. Chồng bà đã ly dị bà do cuộc bức hại và mẹ bà cũng qua đời sớm vì sợ hãi bởi những áp lực liên tục.

Trở thành một người tốt hơn sau khi tu luyện Pháp Luân Công

Bà Chu tốt nghiệp Trường Y tế Trực thuộc Đại học Y Đại Liên vào tháng 7 năm 1986. Bà được bổ nhiệm làm y tá phòng khám tại Bệnh viện Khu Phát triển Đại Liên. Vì bị suy dinh dưỡng từ nhỏ, bà đã phải vật lộn với tình trạng sức khỏe yếu kém khi trưởng thành. Việc chăm sóc con trai nhỏ và khối lượng công việc nặng nề càng khiến sức khỏe của bà bị ảnh hưởng.

Khi tình trạng sức khỏe của bà trở nên tồi tệ nhất, bà đã được giới thiệu Pháp Luân Công. Bà đã luyện tập 5 bài công pháp và bắt đầu sống chiểu theo các nguyên lý Chân, Thiện, Nhẫn.

Bà Chu từng bị viêm dạ dày ruột, viêm túi mật, viêm tụy, u nang buồng trứng, thiếu máu, thấp khớp và suy nhược thần kinh. Hai tháng sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, những căn bệnh đã đeo bám bà trong nhiều năm đã hoàn toàn biến mất. Bà tăng cân và tràn đầy năng lượng dù lịch trình làm việc dày đặc. Bà đột nhiên trải nghiệm cảm giác không còn bệnh tật và đã vứt bỏ tất cả các loại thuốc của mình.

Chồng bà rất vui khi thấy bà hồi phục sức khỏe một cách đáng kinh ngạc và ủng hộ việc tu luyện của bà. Ông ấy nói với mọi người lợi ích của việc tu luyện Pháp Luân Công. Để đảm bảo bà có thể kịp giờ luyện công, ông luôn chuẩn bị sẵn bữa tối khi bà đi làm về. Bà nói bà là người hạnh phúc nhất trên thế giới này.

Tại nơi làm việc, bà Chu tự nguyện làm việc ngoài giờ, đặc biệt là trong thời gian thiếu nhân viên điều dưỡng do bệnh viện của bà mở rộng quy mô. Làm việc trong phòng khám hơn mười năm, bà đã tích lũy các kỹ năng tuyệt vời và không bao giờ mắc phải bất kỳ sai sót y khoa nào. Bà có đức tính cao quý mà một nhân viên y tế cần phải có để cứu người và được vinh danh là một giáo viên xuất sắc và một y tá từng đoạt nhiều giải thưởng.

Tóm tắt ngắn gọn về vụ bắt giữ

Vào ngày 21 tháng 7 năm 1999, một ngày sau khi cuộc bức hại bắt đầu, bà Chu đã khiếu nại lên chính quyền thành phố Đại Liên và bị bắt. Ban đầu bà và các học viên khác bị đưa đến Trường ô tô Tam Lý và bị giam ở đó qua đêm. Các nhân viên của Đồn Công an Hữu Nghị đã thẩm vấn bà vào ngày hôm sau và sau đó thả bà.

Bà Chu đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công vào ngày 15 tháng 10 năm 2000. Bà bị bắt ba ngày sau đó và bị giam một năm mười tháng tại một trại lao động.

Vào ngày 31 tháng 10 năm 2001, bà lại bị bắt sau khi bị tố cáo vì đã phân phát tài liệu Pháp Luân Công và bị giam 11 ngày.

Bà Chu bị cảnh sát truy quét và bị bắt tại nhà của một học viên vào ngày 8 tháng 10 năm 2002. Bà được thả sau hai tháng bị giam giữ vì các vấn đề về tim mạch và thận. Gia đình buộc phải trả 4.000 nhân dân tệ để đổi lấy việc bà được trả tự do.

Một tháng sau, bà Chu lại bị bắt tại nhà một người bạn vào ngày 11 tháng 1 năm 2003. Bà bị giam trong tầng hầm của Đồn Công an Trung Sơn trong hai ngày trước khi bị đưa đến trại tạm giam Đại Liên trong 20 ngày. Vì bị bỏ đói, nhãn cầu của bà bị lõm vào trong và bà khó có thể cử động mắt. Lưỡi bà bị cứng lại và cơ thể bà rất lạnh.

Mặc dù bà đã cố gắng trốn tránh cảnh sát trong một thập kỷ tiếp theo, nhưng cuối cùng bà vẫn bị bắt vào ngày 18 tháng 9 năm 2019. Bà bị tra tấn tại trại tạm giam thành phố Đại Liên. Bà mắc nhiều chứng bệnh bao gồm suy tim, suy thận, tăng huyết áp, tiểu đường, tổn thương gan và sỏi túi mật. Bà được thả vào ngày 12 tháng 10 năm đó.

Vào ngày 3 và 7 tháng 4 năm 2020, bà Chu được triệu tập đến Tòa án quận Kim Châu và yêu cầu nhận bản cáo trạng của mình. Khi bà Chu từ chối tuân thủ, cảnh sát đã yêu cầu bà phải trình báo với đồn công an địa phương. Để trốn cảnh sát, bà quyết định sống xa nhà và đã bị bắt một năm rưỡi sau đó.

Dưới đây là chi tiết về sự tra tấn mà bà phải chịu đựng mỗi lần bị giam giữ.

Trung tâm cai nghiện ma túy Đại Liên và trại tạm giam thành phố Đại Liên

Vào ngày 15 tháng 10 năm 2000, bà Chu bị bắt vì đã lên tiếng ủng hộ Pháp Luân Công ở Bắc Kinh. Vào ngày 20 tháng 10, bà bị đưa đến Trung tâm cai nghiện ma túy Đại Liên. Các lính canh đã buộc bà phải từ bỏ đức tin của mình bằng cách đánh đập, chửi bới và dùng gậy điện sốc điện bà, bà cũng bị bắt đứng và ngồi xổm trong nhiều giờ.

Một tuần sau, bà Chu bị chuyển đến Công an Hình sự Khu Phát triển. Cảnh sát đã thẩm vấn bà trong 5 ngày liền. Họ đã cố gắng lừa dối, đe dọa và chửi bới để buộc bà từ bỏ đức tin của mình, nhưng đều không thành công. Họ đưa bà Chu trở lại trại tạm giam thành phố Đại Liên vào ngày 11 tháng 11.

Bà Chu bị nhốt trong một phòng giam nhỏ với khoảng mười bảy tù nhân. Họ buộc phải phân loại các bao đậu mỗi ngày. Mỗi túi nặng khoảng 90 kg và cần phải có hai người bê ra bê vào. Bà Chu đã sụt giảm hơn 9 kg trong 51 ngày bị giam giữ ở đó.

Trại lao động Mã Tam Gia

Vào ngày 21 tháng 12 năm 2000, bà Chu bị đưa đến Trại lao động Mã Tam Gia mà không có bất kỳ thủ tục pháp lý nào. Trại lao động này nay đã không còn tồn tại nổi tiếng là nơi bức hại Pháp Luân Công, nơi đây giam giữ hơn 1.000 tù nhân. Bà Chu ở chung một căn phòng rộng 300m2 với 30 người và chung một giường đơn với một tù nhân khác.

Thức ăn bà được cung cấp thường chứa cát và côn trùng. Trong một lần, lính canh bảo các tù nhân làm bánh bao cho bữa tối. Sau đó, họ đã quay video cảnh này. Cuối cùng, không có bánh bao nào được cung cấp cho bữa tối. Nhưng một chương trình tin tức truyền hình ngày hôm sau đã đưa tin rằng các tù nhân đã được phát bánh bao.

So với sự đau khổ về thể xác, sự dày vò về mặt tinh thần có sức tàn phá khủng khiếp hơn.

Ngay sau khi bà Chu đến, các tù nhân đã nói chuyện với bà trong hai ngày liên tiếp và không cho bà ngủ. Khi bà Chu ở trong trạng thái mê sảng vì mệt mỏi, họ đã yêu cầu bà ký vào bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Bà Chu từ chối tuân thủ và lập luận rằng bà không thể “chuyển hóa” khi đang là một người tốt. Kết quả là bà bị đánh, đá và buộc phải ngồi xổm trong nhiều giờ thường xuyên vào ban đêm, trong khi những người khác đã đi ngủ.

Bà Chu bị bắt đứng yên trong hai ngày và sau đó ngồi xổm vào ngày thứ ba, sau đó bà đã không thể đi lại được. Bà bị 4 lính canh đánh khi phản đối việc tra tấn dã man. Họ nói: “Bà là một tù nhân và bà nên biết ở đây không có luật nào cả.”

Vào ngày 17 tháng 1 năm 2001 trong một hội nghị toàn trại lao động với gần 1.000 người, bao gồm cả Bí thư tỉnh Liêu Ninh Văn Thế Chấn và một số hãng truyền thông đã tham dự. Sau khi Văn ca ngợi Mã Tam Gia về kết quả xuất sắc trong việc buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ, một tù nhân họ Vương, người đã từ bỏ tu luyện, đã có một bài phát biểu. Vương nói: “Không có cuộc bức hại nào diễn ra trong trại lao động. Mã Tam Gia giống như cơn mưa mùa xuân khiến cây cỏ xanh tươi và những người lính canh giống như những người mẹ chăm sóc chu đáo cho các tù nhân”.

Khi bà ta đang nói, một học viên Pháp Luân Công là bà Trâu Quế Vinh đã đứng lên và phản đối bà ta: “Bà là một kẻ nói dối!” bà Trâu đã bị đè xuống đất và bị các lính canh đánh đập. Sau đó họ túm tóc và kéo bà đi. Cuộc họp nhanh chóng kết thúc.

Các học viên nữ bị đưa đến Khu nam

Cùng với chín học viên nữ khác và hai học viên nam, bà Chu bị chuyển đến Trại lao động cưỡng bức Trương Sĩ một cơ sở dành cho nam vào ngày 19 tháng 4 năm 2001. Hai trong số các học viên nữ, bao gồm bà Trâu Quế Vinh và bà Tô Cúc Trân, sau đó đã bị tra tấn đến chết.

Chờ đợi các học viên nữ là một dãy nam tù nhân ở độ tuổi 30 hoặc 40. Sau khi điểm danh, một lính canh khỏe mạnh đọc nội quy trại lao động, nói rằng bất kỳ học viên nào từ chối “chuyển hóa” sẽ bị coi là tự sát nếu bị bức hại đến chết. Sau đó, họ nhốt các học viên vào “Khu nhà nhỏ màu trắng” khét tiếng trong trại lao động.

Mỗi học viên được chỉ định một phòng và họ không được phép gặp hay nói chuyện với nhau. Một trong những học viên là bà Khúc đã mất tích vào ngày hôm sau.

Khi bà Chu bước vào phòng của mình, hai người đàn ông và một phụ nữ đã ở bên trong. Công việc của họ là chuyển hóa bà. Họ bắt bà ngồi trên sàn nhà và không để bà được ngủ thậm chí là không chợp mắt trong sáu ngày liên tiếp. Họ đã phỉ báng Pháp Luân Công và Nhà sáng lập pháp môn tu luyện.

Bà Chu vẫn kiên định với đức tin của mình. Tâm trí của bà không bị dao động bởi những lời lăng mạ của họ và bà từ chối phỉ báng Pháp Luân Công trái với ý muốn của mình. Đức tin chính đáng của bà đã kiềm chế các thủ phạm và họ không tra tấn bà nữa. Nhưng bà có thể liên tục nghe thấy tiếng la hét của các học viên khác trong các phòng gần đó.

Cuối cùng khi bà Chu được phép ngủ vào ngày thứ bảy, hai người đàn ông vẫn ở trong phòng và giám sát bà. Khi bà yêu cầu họ rời đi, họ hả hê và nói rằng họ chỉ đang làm công việc của mình. Mặc dù hai người đàn ông không làm gì bà, nhưng một học viên khác, bà Doãn Lệ Bình đã bị các tù nhân hãm hiếp tập thể. Bà Chu cũng được biết rằng trước khi họ bị đưa đến đó, trại lao động đã cưỡng chế thành công hơn 200 học viên từ bỏ đức tin của họ.

(Còn tiếp)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/19/428359.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/25/195905.html

Đăng ngày 19-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share