Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Trung Quốc Đại Lục

[MINH HUỆ 06-01-2021] Phó Chính Hoa là một thủ phạm chính đã giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân trong cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ngoài vai trò cựu Giám đốc Phòng 610 Trung ương và Phó trưởng Ban Lãnh đạo 610, Phó còn là một quan chức cấp cao của Cục Công an Thành phố Bắc Kinh, Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) của Bắc Kinh và Trung ương, Bộ Công an, và Bộ Tư pháp.

Vì Phó đã tuân theo chặt chẽ chính sách bức hại trong nhiều năm, nên gần đây y đã bị các học viên Pháp Luân Công báo cáo lên chính phủ ở 29 quốc gia, trong đó có thông tin cá nhân và về sự tham gia của y trong cuộc bức hại. Các học viên đề nghị các biện pháp trừng phạt đối với Phó và gia đình, trong đó có hạn chế thị thực và đóng băng tài sản.

Kinh nghiệm công tác

Phó Chính Hoa (傅 政 华), nam, dân tộc Hán, sinh tại huyện Loan, tỉnh Hà Bắc vào tháng 3 năm 1955. Dưới đây là danh sách các chức vụ mà y từng đảm nhiệm:

  • Tháng 1 năm 2010 – tháng 2 năm 2010: Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng, và Cục trưởng Cục Công an Thành phố Bắc Kinh.
  • Tháng 2 năm 2010 – tháng 7 năm 2013: Phó Bí thư Đảng ủy PLAC Bắc Kinh, Cục trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Cục Công an thành phố Bắc Kinh.
  • Tháng 8 năm 2013 – tháng 12 năm 2014: Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Bí thư Đảng ủy PLAC Bắc Kinh, Cục trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Cục Công an Thành phố Bắc Kinh.
  • Tháng 1 năm 2015 – tháng 2 năm 2015: Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên PLAC Trung ương, Phó Bí thư Đảng ủy PLAC Bắc Kinh, Cục trưởng và Bí thư Đảng ủy Cục Công an Thành phố Bắc Kinh.
  • Tháng 3 năm 2015 – tháng 8 năm 2015: Phó Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
  • Tháng 9 năm 2015 – tháng 4 năm 2016: Phó Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Lãnh đạo Phòng 610 Trung ương, Giám đốc Phòng 610 Trung ương, Ủy viên PLAC Trung ương.
  • Tháng 5 năm 2016 – tháng 7 năm 2016: Phó Bí thư Đảng ủy và Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban lãnh đạo Phòng 610 Trung ương, Giám đốc Phòng 610 Trung ương, Ủy viên PLAC Trung ương.
  • Tháng 8 năm 2016 – tháng 2 năm 2018: Phó Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Phòng 610 Trung ương Văn phòng.
  • Tháng 3 năm 2018 – tháng 4 năm 2020: Phó Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Sau khi Giang và ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, Phó đã tích cực thực thi chính sách này ở cả Bắc Kinh và trên toàn quốc. Sau đây là danh sách các báo cáo về những việc mà y phải chịu trách nhiệm.

Nhiệm kỳ quan chức thành phố Bắc Kinh (tháng 1 năm 2010 – tháng 2 năm 2015)

Theo thông tin Minh Huệ nhận được, từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 31 tháng 12 năm 2012, 343 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt tại Bắc Kinh. Trong đó, 65 người bị đưa vào trại lao động và 9 người bị kết án tù. Do sự kiểm duyệt và phong tỏa thông tin, con số thực có thể cao hơn nhiều.

Từ ngày 1 tháng 1 năm 2013 đến ngày 19 tháng 1 năm 2014, đã có 192 vụ bắt giữ các học viên Pháp Luân Công. Ngoài ra, còn có 6 người bị đưa vào trại lao động, 17 người bị xét xử hoặc kết án, và 9 người đã mất mạng trong đợt bức hại này. Ít nhất 24 học viên đã bị đưa đến các trung tâm tẩy não để tra tấn. Con số này không bao gồm những người bị chuyển từ Trại Lao động Tân An và Trại Lao động Nữ Thiên Đường Hà đến các trung tâm tẩy não khi hai trại lao động này đóng cửa từ tháng 6 đến tháng 8 năm đó.

Hơn nữa, vào năm 2014, ở Bắc Kinh, ít nhất 259 học viên đã bị bắt, 24 người đã bị kết án hoặc bị xét xử, 6 người mất tích, 4 người bị buộc phải xa nhà, và 26 người bị sách nhiễu. Ngày 18 tháng 8 năm 2014, khi ông Vương Trì Văn, từng là một liên lạc viên tình nguyện của Hội Nghiên cứu Pháp Luân Đại Pháp, được thả sau 15 năm tù, ông liền bị đưa đến một trung tâm tẩy não để tiếp tục tra tấn.

Thông tin do Minh Huệ nhận được cũng chỉ ra trong 609 vụ bắt giữ liên quan đến Pháp Luân Công trong năm 2015. Ngoài ra còn có 127 học viên đã bị quấy nhiễu, với 39 người bị kết án tù, 55 người bị xét xử, và 28 người bị giam giữ hình sự.

Trong thời gian Phó làm Cục phó và Cục trưởng Cục Công an Bắc Kinh, ít nhất 18 học viên Pháp Luân Công đã chết do bị bức hại, bao gồm Đỗ Quyên (杜娟), Huỳnh Kim Nga (耿金娥), Lý Tân Bằng (李津鹏) , Triệu Thục Huệ (赵淑惠), Lý Dược Tiến (李 跃进), Lưu Xuân (刘春), Trương Hữu Duy (张友维), Dương Minh Hoa (杨明华) Trương Tú Hà (张秀霞), Thôi Bội Anh (崔佩英), Cát Bồi Quân (葛培君), Lý Hải Lâm (李海林), Diêm Ngọc Hoa (闫 玉华), Trần Cảnh Sinh (陈景生), Lý Phó Quân (李 付 军), Thôi Phụng Nga (崔凤娥), Tỏa Ngọc Chi (鎖 玉芝) và Cao Đức Trung (高 德忠).

Nhiệm kỳ tại Bộ Công an, PLAC và Phòng 610 Trung ương (tháng 3 năm 2015 – tháng 2 năm 2018)

Như đã liệt kê bên trên, Phó từng có bốn năm là quan chức cấp cao trong Bộ Công an. Trong khoảng ba năm, y là thành viên của PLAC Trung ương và Giám đốc Phòng 610 Trung ương. Trong thời gian đó, Phòng 610 Trung ương đã phát động nhiều chiến dịch bức hại Pháp Luân Công, tất cả đều do các cơ quan công an hậu thuẫn.

Một chiến dịch phát động vào năm 2015 mang tên “Công tác đặc biệt nhằm ngăn chặn và dập tắt cáo buộc sai trái và lạm dụng hành động của Pháp Luân Công”, nhắm trực tiếp vào các vụ kiện Giang Trạch Dân. Vào ngày 1 tháng 5 năm 2015, Tòa án Tối cao Trung Quốc tuyên bố “tiếp nhận tất cả đơn kiện và xử lý tất cả các vụ kiện.” Trên cơ sở đó, các học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc đã nộp nhiều đơn kiện hình sự đối với Giang lên Viện Kiểm sát Tối cao Trung Quốc và Tòa án Tối cao Trung Quốc vì tội bức hại hàng loạt. Tuy nhiên, Phòng 610 Trung ương lại coi đó là “những cáo buộc sai trái và lạm dụng hành động” và đã ra lệnh bắt, giam giữ và kết án bất kỳ học viên nào liên quan. Các mệnh lệnh này sau đó đã được lực lượng cảnh sát thi hành.

Vào tháng 2 năm 2017, Phòng 610 Trung ương bắt đầu chiến dịch “Gõ cửa” nhằm bức hại Pháp Luân Công trên quy mô toàn quốc. Dưới sự chỉ đạo của Phòng 610 Trung ương, Bộ Công an phối hợp triển khai chiến dịch thông qua các đồn cảnh sát địa phương, cộng đồng, ủy ban dân cư và ủy ban phường, xã. Dựa trên danh sách thu thập được, các nhân viên địa phương đã đến nhà từng học viên Pháp Luân Công. Mặc dù mang danh nghĩa “chăm sóc”, việc này nhằm mục đích thu thập thêm thông tin từ các học viên hoặc buộc họ ký cam kết từ bỏ tu luyện. Khi các học viên không đồng ý, họ đã bắt và kết án tù nhiều học viên, lục soát nhà, và quấy nhiễu người nhà. Chiến dịch này cũng đã lấy mất mạng sống của một số học viên.

Khi Phó phụ trách Phòng 610, cơ quan này đã ban hành các chính sách tăng cường tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công, yêu cầu các cơ quan khác “bình thường hóa” và “thể chế hóa” những chính sách này thành hoạt động thông thường.

Ngoài ra, Phòng 610 Trung ương cũng như ở tất cả các cấp thường xuyên tổ chức họp và ban hành văn bản điều chỉnh chính sách bức hại, nhằm mục đích “tích cực ngăn chặn” và “đánh trúng” Pháp Luân Công.

Ngày 24 tháng 1 năm 2016, Phòng 610 Trung ương đã tổ chức một hội nghị tại Bắc Kinh cho các trưởng Phòng 610 trên toàn quốc. Phó đã tham dự hội nghị với tư cách Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Lãnh đạo Phòng 610 Trung ương và Giám đốc Phòng 610 Trung ương. Y cũng đã có một bài phát biểu công khai và chuyển xuống tất cả các cấp của PLAC và Phòng 610 dưới dạng tài liệu mật. Ngoài việc tổng kết lại công việc đã thực hiện trong năm 2015, Phó đã thảo luận về kế hoạch cho năm 2016. Y đặc biệt nhấn mạnh đến ba “trận chiến cam go” với Pháp Luân Công, gọi là “cuộc chiến ở nước ngoài, cuộc chiến trên mạng, cũng như ngăn chặn và giải quyết các tà giáo khác”.

Đến tháng 4 năm 2014, Phòng 610 Trung ương ban hành một văn bản có tiêu đề “Ý kiến về việc phân loại có trọng điểm mục tiêu phòng ngừa và kiểm soát, và tăng cường công tác kiểm soát Pháp Luân Công”, trong đó yêu cầu Phòng 610 các cấp tăng cường giám sát, kiểm soát và ngăn chặn các học viên Pháp Luân Công “chủ chốt”.

Ngày 11 tháng 4 năm 2017, Phòng 610 Trung ương đã tổ chức một hội nghị toàn quốc tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, để chia sẻ kinh nghiệm cho các cơ quan cấp dưới chống Pháp Luân Công thông qua tuyên truyền, giáo dục và các biện pháp khác. Hội nghị có tên gọi là “4.11” tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chiến đấu chống Pháp Luân Công, đồng thời phổ biến đủ loại kinh nghiệm và chiến thuật chống Pháp Luân Công. Dưới danh nghĩa “chống tà giáo”, hội nghị này tập trung vào việc tuyên truyền chống Pháp Luân Công theo định hướng của chính sách bức hại của ĐCSTQ.

Ngày 22 tháng 9 năm 2017, Mạng lưới Chống tà giáo Trung Quốc (Chinafxj.cn) dưới sự chủ quản của Phòng Ngăn chặn và Xử lý tà giáo của Quốc vụ viện (Phòng 610 Trung ương) đã được ra mắt công khai. Đây là trang web đầu tiên được triển khai dưới danh nghĩa Phòng 610 Trung ương, với nội dung chủ yếu tập trung vào tuyên truyền chống Pháp Luân Công.

Theo chỉ thị của Phó và các quan chức khác, các cơ quan cảnh sát ở 23 tỉnh đã tiến hành bắt giữ, triệu tập, thẩm vấn và giam giữ hình sự các luật sư nhân quyền biện hộ cho các học viên Pháp Luân Công. Chiến dịch mang tên “Cuộc trấn áp 709” nhắm đến gần 300 luật sư, trong đó có Lý Hòa Bình, Vương Toàn Chương và Vương Vũ.

Trong quá trình này, cảnh sát và Bộ Tư pháp đã áp dụng các phương pháp tra tấn các học viên Pháp Luân Công cho các luật sư biện hộ cho họ, bao gồm ngồi trên ghế đẩu nhỏ trong thời gian dài, còng tay, đánh đập, cấm ngủ, gây ngạt bằng khói, sốc điện, cưỡng chế tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc, cho tù nhân theo dõi và giám sát 24/7, biệt giam, và các biện pháp khác đẩy họ đến giới hạn sức chịu đựng của con người. Ít nhất 7 luật sư bị kết án tù với thời hạn lên đến 8 năm.

Nhiệm kỳ tại Bộ Tư pháp (tháng 3 năm 2018 – tháng 4 năm 2020)

Từ tháng 3 năm 2018 đến tháng 4 năm 2020, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó liên tục lãnh đạo và mở rộng cuộc bức hại Pháp Luân Công sang hệ thống tư pháp.

Một lượng lớn các học viên bị giam giữ đã phải thụ án dài hạn trong các nhà tù, chịu tra tấn về thể chất và tinh thần. Các nhà tù và các cơ quan giám sát cùng cục quản lý nhà tù đều hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Tư pháp. Các quan chức không chỉ làm ngơ trước việc ngược đãi các học viên, mà còn xúi giục các tù nhân ngược đãi thêm, khiến nhiều học viên trong tù bị tử vong, bị thương và tàn tật.

Thông tin mà Minh Huệ nhận được cho thấy, chỉ tính riêng từ ngày 20 tháng 1 đến ngày 8 tháng 3, đã có ít nhất bốn học viên Pháp Luân Công bị chết trong Nhà tù Liêu Ninh, bao gồm:

  • Bà Lý Quế Vinh, 78 tuổi, ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, chết trong Nhà tù Nữ Liêu Ninh.
  • Ông Hồ Lâm, 48 tuổi, chết trong Nhà tù Khang Gia Sơn, tỉnh Liêu Ninh.
  • Ông Trâu Lập Minh, 66 tuổi, cư dân thành phố Bàn Cẩm, tỉnh Liêu Ninh, đã chết trong Nhà tù Đại Liên.

Mặc dù thông tin bị kiểm duyệt và phong tỏa, Minh Huệ đã phát hiện ít nhất 19 học viên đã chết trong thời gian bị giam giữ vào năm 2019, trong đó có 11 người bị chết trong tù.

Năm 2018, ít nhất 36 học viên đã chết trong các nhà tù. Tất cả đều bị tra tấn dã man trong tù. Là bộ trưởng tư pháp giám sát tất cả các nhà tù, Phó phải chịu trách nhiệm về những tội ác này.

Tóm lại, trong suốt 11 năm qua, ở các vị trí chủ chốt của Sở Công an Bắc Kinh, Bộ Công an, Phòng 610 Trung ương và Bộ Tư pháp, Phó không chỉ là một thành viên quan trọng của hệ thống bức hại Pháp Luân Công, mà còn là một kẻ chủ mưu, lên chiến lược và chỉ huy cuộc bức hại. Y phải chịu trách nhiệm về tội ác trong suốt những năm qua của mình.

Bài viết liên quan:

Liêu Ninh: Tám học viên Pháp Luân Công qua đời vì bị bức hại từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2020


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/6/418183.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/7/189804.html

Đăng ngày 16-01-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share