Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 19-05-2021] Vào ngày 12 tháng 5 năm 2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với Dư Huy, một quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì sự tham gia của ông ta vào cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công.
Antony J. Blinken, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã thông báo quyết định trên trong một buổi họp báo ngắn về việc công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2020. Ông nói rằng dựa trên mục 7031 © của Bộ Ngoại giao, Hành động ở nước ngoài, và Luật Chiếm đoạt Liên quan năm 2021, chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định công bố các biện pháp trừng phạt đối với Dư Huy, cựu tổ trưởng của Tổ lãnh đạo Trung ương về Ngăn chặn và Giải quyết các vấn đề về Tà giáo ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.
Blinken nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt đối với Dư Huy xuất phát từ việc ông ta đã “vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền, cụ thể là đã giam giữ tùy tiện các học viên Pháp Luân Công chỉ vì đức tin của họ”. Cả Dư Huy và gia đình ông ta bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Blinken tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cân nhắc sử dụng các công cụ thích hợp để thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những người vi phạm nhân quyền và ngược đãi ở Trung Quốc và những nơi khác.”
Tổ lãnh đạo Trung ương về Ngăn chặn và Giải quyết các vấn đề về Tà giáo, còn được biết đến dưới cái tên Phòng 610, một cơ quan vượt trên pháp luật được thành lập vào ngày 10 tháng 6 năm 1999 có nhiệm vụ tiêu diệt Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện tinh thần và thiền định cổ xưa.
Trước khi nhận nhiệm vụ ở Phòng 610, Dư Huy đã được bổ nhiệm là Phó Bí thư Đảng ủy Quận Ôn Giang ở Thành Đô vào tháng 5 năm 2013. Sau khi lãnh đạo Phòng 610 trong gần một năm từ tháng 8 năm 2016 đến tháng 7 năm 2017, ông ta trở thành Phó Bí thư Đảng ủy Quận Cao Tân.
Trong nhiệm kỳ là giám đốc Phòng 610 của Dư Huy, 479 học viên Pháp Luân Công đã bị sách nhiễu hay bị lục soát nhà cửa, 117 người bị bắt giữ, 42 người đã bị phê chuẩn bắt giữ và phải đối mặt với việc bị truy tố, 27 học viên đã bị kết án và 3 người đã bị bức hại đến chết.
Đầu năm 2021, các học viên ở 38 quốc gia đã đệ trình lên chính phủ của họ một danh sách liệt kê tên của khoảng 9.300 đặc vụ của Phòng 610 ở tất cả các cấp bậc ở Trung Quốc. Các học viên cũng thúc giục chính phủ của họ ra lệnh cấm những thủ phạm và gia đình họ được nhập cảnh và phong tỏa tài sản của họ. Dư Huy cũng là thủ phạm nằm trong danh sách mà các học viên đã đệ trình lên chính phủ Hoa Kỳ
Dưới đây là một phần danh sách liệt kê các học viên đã bị bức hại trong nhiệm kỳ của Dư Huy.
Bị tra tấn đến chết
Ông Trần Quang Trung bị bức hại đến chết, vợ và em vợ bị kết án 7 năm tù
Ông Trần Quang Trung, vợ là bà Ngụy Tái Tuệ và em gái là Ngụy Tái Tú đã bị cảnh sát bắt giữ tại nhà vào ngày 27 tháng 5 năm 2015. Mặc dù ông Trần đã được bảo lãnh tại ngoại vì tình trạng sức khỏe nhưng đã bị bắt lại vào ngày 9 tháng 2 năm 2017 và bị đưa ra xét xử cùng với vợ và em gái vợ, những người đã bị giam giữ phi pháp hơn 20 tháng.
Chị em bà Ngụy còn một người em khác là bà Ngụy Tái Quần hiện đang sống ở Đan Mạch. Bà Ngụy Tái Quần đã thúc giục chính phủ Đan Mạch giúp đỡ giải cứu người thân của bà ở Trung Quốc. Chính phủ Đan Mach đã đệ trình trường hợp người thân của bà Ngụy lên Ủy ban Châu Âu khi ủy ban này tổ chức buổi đối thoại nhân quyền với Trung Quốc. Bất chấp sự chú ý của cộng đồng quốc tế, bà Ngụy Tái Tuệ và bà Ngụy Tái Tú vẫn bị kết án mỗi người 7 năm tù và bị giam giữ ở Nhà tù Nữ Thành Đô và ông Trần bị kết án 3 năm tù và bị giam giữ ở Nhà tù Gia Châu.
Khi ông Trần bị cầm tù, gia đình ông hiếm khi nghe được thông tin về ông. Vào tháng 7 năm 2017, đột nhiên gia đình ông nhận được thông báo từ nhà tù rằng ông Trần đang trong tình trạng nguy kịch và đồng tử của ông đang bị giãn ra. Anh trai và những người hàng xóm của ông đã vội vã chạy vào bệnh viện. Họ không được phép chụp ảnh hay mang bất cứ đồ vật gì vào bên trong bệnh viện, thậm chí chỉ là một mẩu giấy.
Anh trai ông Trần nhìn thấy ông Trần nằm bất tỉnh trên giường. Nhìn ông trông xanh xao và đầu thì bị cạo trọc. Ông nằm trần truồng và người chỉ được phủ một mảnh vải.
Anh trai ông đã gọi tên ông nhưng ông không có phản ứng. Sau đó anh trai ông nói với lính canh: “Các anh đã làm gì mà khiến em tôi từ một người khỏe mạnh trở nên nông nỗi như thế này? Tại sao em tôi lại bị cạo trọc đầu?.” Lính canh nói rằng ông Trần đã bị xuất huyết não nhưng đã quá muộn để phẫu thuật.
Vài ngày sau, ông Trần đã qua đời vào ngày 28 tháng 7 năm 2017, sau chưa đầy sáu tháng bị giam giữ.
Kết án
Bà Ngô Xuân Lan bị kết án tám năm tù, chồng đã qua đời
Vào ngày 9 tháng 9 năm 2016, khi bà Ngô Xuân Lan đang ở nhà thì có hơn 20 cảnh sát đã phá cửa đột nhập vào nhà bà với đầy đủ súng ống trong tay. Bà Ngô đã bị bắt và bị giam giữ tại Trại tạm giam huyện Bì trong hơn một tháng trước khi bị chuyển qua trại tạm giam Kim Đường.
Trong khi bị giam giữ, bà đã bị thẩm vấn 21 lần và bị đưa tới bệnh viện vào ngày 21 tháng 12 để hồi sức. Bà đã được bảo lãnh tại ngoại vào ngày 2 tháng Giêng năm 2017. Vào thời điểm được thả, bà đã mất cảm giác ở một bên cơ thể.
Chồng bà cũng phải nhập viện vào thời điểm bà bị bắt và không có khả năng chi trả các chi phí y tế. Không lâu sau khi ông bị buộc phải rời khỏi bệnh viện, ông đã qua đời vào ngày 16 tháng 12 năm 2016. Con trai bà Ngô đã đến trại tạm giam để yêu cầu trại tạm giam cho bà về nhìn mặt chồng lần cuối nhưng đã bị cảnh sát từ chối.
Vào ngày 26 tháng 7 năm 2018, bà Ngô cùng với ba học viên khác là các bà Quách Thanh Thành, Tưởng Nghi Lâm, Đường Hiểu Yến đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án Huyện Kim Đường. Bà Ngô bị kết án 8 năm tù và bị phạt 10.000 tệ, bà Quách, bà Tưởng, bà Đường mỗi người bị kết án 7 năm tù và bị phạt 7.000 tệ.
Sáu học viên bị kết án vì cùng nhau đọc sách Pháp Luân Công
Vào ngày 23 tháng 7 năm 2016, bà Lý cùng với 9 học viên khác đã bị cảnh sát bắt giữ vì cùng nhau đọc các sách của Pháp Luân Công.
Bốn học viên sau đó đã được bảo lãnh tại ngoại, các học viên còn lại gồm bà Lý, ông Tư Vịnh, bà Chu Tự Ngọc, bà Trương Minh Hồng, Lưu Thục Linh, Lữ Hữu Quỳnh đã bị giam giữ tại trại tạm giam Huyện Bì.
Vào ngày 24 tháng 5 năm 2018, sáu học viên đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quận Vũ Hầu. Mặc dù chỉ có vài người nhà học viên được phép tham dự phiên tòa, họ nói rằng chủ tọa phiên tòa không cho phép các học viên bào chữa cho mình.
Cả sáu học viên đã bị kết án vào cuối phiên tòa.
Bà Trương bị kết án 7 năm tù, bị phạt 10.000 tệ.
Bà Lý, ông Tư và bà Lưu mỗi người bị kết án ba năm rưỡi tù giam và bị phạt 5.000 tệ.
Bà Chu, ông Lữ mỗi người bị kết án ba năm tù và bị phạt 5.000 tệ.
Ba học viên bị bắt giữ và bị kết án
Vào sáng ngày 26 tháng 10 năm 2016, bà Thang Vân Hà, Chung Phương Quỳnh, Hùng Tố Anh đã bị cảnh sát bắt giữ tại nhà bà Thang. Nhiều đồ vật cá nhân trị giá hàng nghìn tệ của bà Thang đã bị cảnh sát tịch thu. Sau đó cả ba người đã bị đưa tới trại tạm giam Huyện Bì.
Các học viên đã bị đưa ra truy tố vào ngày 26 tháng 11 năm 2016. Cảnh sát đã đối xử với bà Chung như một tù nhân chính trị và dọa sẽ kết án bà tám năm tù giam. Cảnh sát cũng nói dối với bà Thang rằng họ sẽ thả các học viên khác nếu như bà nhận hết tội.
Vào ngày 6 tháng 6 năm 2016, ba học viên đã bị Tòa án Thành Hoa kết án. Bà Thang bị kết án 5 năm tù, bà Chung bị kết án 4 năm tù, và bà Hùng bị kết án 4 năm tù và mỗi người phải nộp 5.000 tệ tiền phạt.
Ông Bạch Quý Ngân bị kết án 3,5 năm tù
Vào ngày 4 tháng Giêng năm 2014, ông Bạch Quý Ngân đã bị cảnh sát bắt và bị giam giữ tại trại tạm giam Bành Châu. Ngày 10 tháng 11 năm 2016, ông bị đưa ra xét xử và bị kết án 3,5 năm tù.
Vào ngày diễn ra phiên xét xử, nhiều cảnh sát mặc đồng phục và thường phục đã đi tuần tra khu vực diễn ra phiên xét xử và tiến hành kiểm tra tất cả những người đi ngang qua khu vực đó.
Gia đình ông Bạch đã thuê luật sư để bào chữa vô tội cho ông. Ông Bạch cũng tự bào chữa cho mình và nói rằng ông không phạm tội và nên được trắng án.
Một giảng viên đại học bị kết án 3 năm tù vì nói chuyện với sinh viên về Pháp Luân Công
Bà Tưởng Lợi, một giảng viên Khoa Ngoại ngữ của Đại học Thành Đô đã bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 11 tháng 11 năm 2016 vì nói chuyện với sinh viên về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lục soát nhà bà. Vào ngày 26 tháng 11, bà Tưởng bị quản thúc hình sự và bị giam giữ tại trại tạm giam Thành Đô. Việc bắt giữ bà đã được chấp thuận vào ngày 9 tháng 12.
Sau khi giam giữ bà Tưởng hơn một năm, Phòng 610 đã từ chối thả bà bất chấp việc viện kiểm sát đã vài lần trả lại hồ sơ của bà. Ngày 29 tháng 6 năm 2018, bà Tưởng đã phải ra tòa và bị kết án ba năm tù. Sau đó, bà bị đưa vào Nhà tù Nữ Thành Đô.
Người phụ nữ bị rối loạn tâm thần vì bị bức hại
Vào ngày 21 tháng 12 năm 2015, bà Đinh Huệ khoảng 50 tuổi và ông Trịnh Bân đã bị cảnh sát bắt giữ tại nhà của bà Đinh. Cả hai người đã bị cảnh sát đánh đập và bị đưa vào trại tạm giam Huyện Tân Đô. Cảnh sát tiếp tục đánh đập bà Đinh trong trại tạm giam và thậm chí còn xúi giục những tù nhân khác đánh đập bà. Bà Đinh bị còng tay vào “giường chết” và bị tiêm thuốc không rõ nguồn gốc khiến bà ngủ liền trong ba ngày.
Vào tháng 10 năm 2016, bà Đinh bị rối loạn tâm thần và không thể tự chăm sóc được bản thân. Các tù nhân thường la mắng bà và ra lệnh cho bà phải nằm xuống sàn nhà vệ sinh.
Một lần, một học viên hỏi một tù nhân rằng tại sao bà Đinh lại trở nên như vậy. Tù nhân này đã trả lời rằng: “Việc sử dụng thuốc thì quá dễ! Hãy nhìn bà già này (người không phải là học viên) đã đi kiện chính quyền thì rõ. Những lính canh ở đây khăng khăng cho rằng bà ta bị trầm cảm và bắt bà ấy hàng ngày phải uống thuốc. Chỉ trong vòng vài tuần, bà ta đã trở nên chậm chạp và đờ đẫn mặc dù trước đây, bà ta là một người hoàn toàn khỏe mạnh và minh mẫn mặc dù đã gần 60 tuổi.”
Bất chấp tình trạng sức khỏe của bà Đinh, bà vẫn phải ra tòa vào ngày 24 tháng 11 năm 2016 và bị kết án ba năm tù.
Sau khi bị chuyển đến Nhà tù Nữ Thành Đô, bà Đinh không thể tự đi lại một cách bình thường được nữa. Bà thường bị các lính canh và tù nhân đánh đập, chửi bới và trêu chọc. Các lính canh tiếp tục ép bà phải uống thuốc tâm thần và đổ lỗi rằng Pháp Luân Công đã khiến bà Đinh bị suy sụp tinh thần.
Lục soát
Một học viên lớn tuổi bị sách nhiễu, đe dọa và bị đánh đập
Vào ngày 2 tháng 5 năm 2017, bà Trương Tú Cầm ở thị trấn Đường Nguyên, khu Bì Đô đã bị các nhân viên Phòng 610 theo dõi và đánh đập tàn bạo vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công. Họ đã đánh đập bà trong phòng làm việc của họ trước khi đưa bà đến Đồn cảnh sát Thị trấn Đường Nguyên. Cảnh sát đã dùng một cái ống nhựa và đánh bà cho tới khi bà ngất xỉu. Khi tỉnh lại, họ đe dọa và cảnh báo bà không đươc báo cáo việc đánh đập này lên trang web Minh Huệ. Người bà đầy những vết bầm tím khi bà được cho về nhà.
Ngày 17 tháng 4 năm 2017, bà Trương Ngọc Chi, 76 tuổi đã bị bốn cảnh sát và Ủy ban Dân cư thuộc quận Thanh Bạch sách nhiễu. Những người này đã lấy đi tấm hình của Nhà sáng lập Pháp Luân Công và đẩy bà Trương ngã xuống sàn khi bà cố bảo vệ tấm hình. Bà Trương đã bị ngất đi và phải lâu sau mới tỉnh lại được.
Ngày 24 tháng 5 năm 2017, các cảnh sát ở khu Trung Hà Xã đã đột nhập vào nhà bà Lý Trung Tú lục soát và lấy đi các sách Pháp Luân Công của bà.
Ngày hôm sau, các nhân viên ở ủy ban khu phố và cảnh sát đã đột nhập vào nhà bà Viên Tú Hoa lục soát và tịch thu các sách Pháp Luân Công của bà khiến cho bà cụ ngất xỉu vì sợ.
Vu khống và tẩy não ở thành phố Thành Đô
Vào ngày 17 tháng 2 năm 2017, bí thư đảng Trương Lăng và những người ở ủy ban dân cư khu Hoa Xã, thành phố Thành Đô đã đặt nhiều tấm biển có nội dung vu khống Pháp Luân Công ở sân bóng rổ.
Ngày 11 tháng 4 năm 2017, Phòng 610 trung ương ở thành phố Thành Đô đã tổ chức một hội nghị với tất cả các cấp trực thuộc để chia sẻ kinh nghiệm và các phương pháp được sử dụng để chống lại Pháp Luân Công.
Từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2017, cảnh sát và các nhân viên của các ủy ban khu dân cư đã liên tục sách nhiễu các học viên. Tháng 5, cảnh sát đã đưa ra danh sách tên của hơn 20 học viên và hỏi họ có còn tu luyện Pháp Luân Công không.
Ngày 13 tháng 6 năm 2017, các cán bộ thôn đã dẫn đường cho cảnh sát và đột nhập vào nhà bà Vương Quỳnh Ngọc. Họ đã trói tay bà ra sau lưng và ấn đầu bà xuống trước khi đẩy bà vào xe cảnh sát. Khi chồng bà Vương muốn kéo bà ra khỏi xe cảnh sát, các cảnh sát đã đẩy ông ngã xuống đất.
Sau khi chứng kiến sự bạo lực của cảnh sát đối với hai vợ chồng, những người hàng xóm của bà Vương đã lên tiếng và lên án cảnh sát đã bức hại một người tàn tật như bà Vương. Mặc dù cuối cùng cảnh sát đã phải thả bà Vương, nhưng họ đã lục soát nhà và lấy đi tất cả các sách Pháp Luân Công của bà.
Các bài viết liên quan:
Hoa Kỳ trừng phạt cựu giám đốc Phòng 610 Thành Đô vì bức hại Pháp Luân Công
Thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên: 6 công dân bị kết án vì cùng nhau đọc sách
Chính phủ Đan Mạch chú ý tới cuộc đàn áp ở Trung Quốc
Công dân Đan Mạch tìm kiếm công lý cho anh rể, đã bị tra tấn đến chết ở Trung Quốc vì đức tin
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/19/425897.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/1/193466.html
Đăng ngày 26-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.