[MINH HUỆ 22-07-2021] Xử phạt những kẻ vi phạm nhân quyền đã trở thành một trọng tâm ở các quốc gia dân chủ như một cách để chống lại những hành vi vi phạm nhân quyền tàn bạo trên toàn cầu. Sau khi Hoa Kỳ thông qua Luật Magnitsky vào năm 2016, Canada, Anh và 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu đã ban hành luật tương tự. Úc và Nhật Bản cũng đang làm giống vậy.

Theo luật này, vốn để áp dụng trừng phạt với những kẻ vi phạm nhân quyền đã biết, các học viên Pháp Luân Công đã lập ra các danh sách của những thủ phạm tham gia bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Hàng năm, họ nộp nhiều danh sách lên các quốc gia dân chủ, hối thúc họ trừng phạt những thủ phạm bị nêu tên.

Bắt đầu từ ngày 14 tháng 7 năm 2021, các học viên Pháp Luân Công ở hơn 30 quốc gia đã nộp danh sách gần đây nhất của những thủ phạm tham gia bức hại Pháp Luân Công cho chính phủ của họ. Các học viên đang kêu gọi trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền này, gồm việc từ chối không cho họ được nhập cảnh và đóng băng tài sản ở nước ngoài của họ.

Một cái tên trong danh sách năm nay là Liễu Ngọc Tường.

I. Thông tin thủ phạm

c8a0f3da71ca910546086899ae4229ee.jpg

Liễu Ngọc Tường

Tên đầy đủ của thủ phạm: Liễu (họ) Ngọc Tường (tên) (Tên Trung Quốc: 杜航伟)
Giới tính: Nam
Quốc gia: Trung Quốc
Ngày sinh: Tháng 12 năm 1961
Nơi sinh: Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô

Chức vụ:

Tháng 12 năm 1999: Phó Cục Chính trị của Sở Công an tỉnh Giang Tô.

Tháng 1 năm 1999: Phó Cục Chính trị và Cục Nhân sự của Sở Công an tỉnh Giang Tô.

Tháng 6 năm 2003: Phó cục kiêm Uỷ viên Đảng uỷ Sở Công an tỉnh Giang Tô.

Tháng 12 năm 2008: Phó ban kiêm phó bí thư Đảng uỷ của Sở Công an tỉnh Giang Tô và là trưởng Phòng 610 của Đảng uỷ tỉnh Giang Tô.

Tháng 9 năm 2012: Phó Sở Công an tỉnh Giang Tô, phó bí thư đảng uỷ; trưởng Phòng 610 của Đảng uỷ tỉnh Giang Tô; trưởng Văn phòng Nhóm Lãnh đạo Duy trì Trật tự Đảng.

Tháng 3 năm 2013 đến nay: Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Giang Tô, bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Thứ nhất của Cục Quản lý Nhà tù; Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 13 của tỉnh Giang Tô, Đại biểu Đại hội Toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ.

Liễu Ngọc Tường trở thành Phó Sở Công an tỉnh Giang Tô vào tháng 6 năm 2003 và dùng vị trí này để tích cực thi hành chính sách đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Ông ta đã chỉ huy và kiểm soát cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công trên toàn tỉnh. Những nỗ lực bức hại các học viên của Liễu leo thang trong thời gian làm trưởng Phòng 610 tỉnh Giang Tô từ tháng 12 năm 2008 đến tháng 3 năm 2013. Các phương thức bức hại phi pháp và hèn hạ đã được sử dụng, bao gồm bắt giữ các học viên, lục soát nhà, giam cầm không lý do, kết án “tái giáo dục” thông qua lao động, kết án vào các lớp tẩy não (bức hại các học viên Pháp Luân Công nhằm ép họ từ bỏ đức tin), phạt tiền, sai thải công việc, mọi hình thức nhằm ép các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin.

Là trưởng Phòng 610 tỉnh Giang Tô, Liễu Ngọc Tường phải chịu trách nhiệm cho sự bức hại, tra tấn, chết chóc và tàn sát các học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Giang Tô trong nhiệm kỳ của ông ta. Sau đây là tập hợp những trường hợp bức hại tàn bạo trong thời gian đó.

II. Những tội ác chính trong nhiệm kỳ làm trưởng Phòng 610 tỉnh Giang Tô:

Theo thông tin có sẵn, vào năm 2009, 185 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Giang Tô đã bị bức hại, 168 người bị bắt và nhà bị lục soát. Trong số họ, 28 người bị kết án tù phi pháp, 33 người bị đưa đến các trại giáo dục lại thông qua lao động, 27 người bị đưa đến các trung tâm tẩy não để bức hại, và ít nhất ba người là Hứa Kiến Bình, Cố Toả Tường và Tô Chí Phượng đã bị bức hại đến chết.

Ông Cố Toả Tường là tình nguyện viên liên lạc của Pháp Luân Công. Ông liên tục bị bắt và phải chịu nhiều hình thức tra tấn trong trại tạm giam và trung tâm tẩy não để lấy lời thú tội và thông tin.

Ngày 28 tháng 11 năm 2007, ông Cố vô cớ bị bắt tại nơi làm việc và bị đưa đến một trung tâm tẩy não. Ông bị còng tay và bị treo bằng còng tay trong 19 ngày. Ông không được ngủ và một tù nhân được chỉ đạo đánh đập ông, nắm tóc ông lôi đi xung quanh, còng tay ông vào một cái cột và sốc điện ông bằng một dùi cui điện. Ông không được ăn hay sử dụng phòng tắm trong một thời gian dài. Cảnh sát tra tấn ông bằng cách giẫm lên bụng ông, gây nên nhiều thương tích nghiêm trọng ở gan, ruột và các cơ quan nội tạng khác. Tra tấn khiến các nội tạng của ông mất chức năng. Sau khi trở về nhà, bác sỹ nói ông chỉ sống nhiều nhất là hai tháng. Ngày 2 tháng 8 năm 2008, ông lại bị bắt và tiếp tục bị bức hại. Sau khi về nhà, do nội thương nghiêm trọng, ông đã qua đời vào ngày 22 tháng 3 năm 2009 ở tuổi 48.

Anh Trần Cương, 36 tuổi, bị bắt trong khi đang đi làm vào ngày 17 tháng 1 năm 2008. Anh bị giam giữ phi pháp 1,5 năm trong một trại tạm giam. Vào trưa ngày 10 tháng 7 năm 2009, theo lệnh của Phòng 610, toà án đã kết án anh Trần 3,5 năm tù. Anh bị tra tấn trong tù đến mức bị đột quỵ, mất trí nhớ và liệt nửa người. Cơ thể anh rất yếu và anh đang bên bờ cái chết, không thể tự chăm sóc mình. Dù với tình trạng như vậy, Phòng 610 vẫn không cho anh được bảo lãnh chữa trị và đưa anh đến Nhà tù Tô Châu để bức hại.

Có 169 học viên Pháp Luân Công bị bức hại ở tỉnh Giang Tô vào năm 2010. Trong đó có 150 người bị bắt và nhà bị lục soát, 27 người bị kết án, 18 người bị đưa đến các trại tái giáo dục thông qua lao động, 43 người bị đưa đến các trung tâm tẩy não để bức hại. Ít nhất ba người là Chu Chí Anh, Thường Quế Phượng và Trương Khánh Hoa đã qua đời sau khi bị tra tấn tàn bạo.

Bà Chu Chí Anh, một giáo viên xuất sắc, đã liên tục bị bắt, kết án bốn năm tù và bị tra tấn. Ngày 30 tháng 9 năm 2009, bà bị bắt và bị đưa đến một trung tâm tẩy não để bức hại. Bốn tháng sau, khi trở về nhà, bà đã bị suy sụp tinh thần hoàn toàn và có những vết bầm tím và vết kim đâm trên khắp cơ thể. Sau đó Phòng 610 đã đưa bà vào một bệnh viện tâm thần để tiếp tục bức hại bà. Bà đã qua đời vào ngày 29 tháng 3 năm 2010 ở tuổi 50 do bị tra tấn về thể chất và tâm lý.

Bà Trương Khánh Hoa, một bác sỹ, đã bị bắt khi đang nói chuyện với mọi người sự thật về Pháp Luân Công ở một khu chợ nông sản vào ngày 18 tháng 6 năm 2008. Bà bị kết án tù và bị đưa đến Nhà tù nữ Nam Kinh vì không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Tại Nhà tù nữ Nam Kinh, bà đã bị bức hại đến gần chết. Để trốn tránh trách nhiệm, nhà tù đã yêu cầu gia đình đưa bà về vào tháng 8 năm 2010. Ngày 23 tháng 11 năm 2010, bà đã qua đời trong bệnh viện. Khi đó bà 61 tuổi.

Bà Thường Quế Phượng ở Tô Châu. Vào ngày 24 tháng 1 năm 2010, bà bị bắt khi đang phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công và nhà bị lục soát. Cùng thời điểm đó, con gái bà là Thường Tranh cũng bị bắt. Cảnh sát đã hăm doạ, lừa dối và thẩm vấn bà phi pháp trong ba ngày liên tiếp. Kết quả là tinh thần và thể chất của bà suy sụp mau chóng. Bà được thả trong thời gian chờ xét xử. Do liên tục bị sách nhiễu và hăm doạ từ Phòng 610 và cảnh sát, bà phải chịu áp lực tinh thần nặng nề. Bà ngất đi và qua đời vào ngày 19 tháng 6 năm 2010 ở tuổi 59.

Năm 2011 có 241 trường hợp học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Giang Tô bị bức hại, bao gồm bắt giữ và giam cầm tuỳ tiện. Trong số họ, Đái Lễ Quyên và Trương Thục Phương đã bị tra tấn đến chết.

Ông Tiền Phượng Thành, 73 tuổi, đã liên tục bị bắt. Ngày 21 tháng 4 năm 2010, ông bị đưa đến trung tâm huấn luyện cảnh sát để bức hại. Ông bị còng tay vào băng ghế xét xử hình sự trong chín ngày đêm, không được ngủ hay ăn. Ông bị đánh đập và tra tấn. Sau đó ông bị bức hại trong trại tạm giam. Khi hấp hối ông được đưa đến một bệnh viện. Ngày 10 tháng 7 năm 2011, ông bị bắt tại nhà và lại bị đưa đến Nhà tù Hồng Trạch Hồ. Nhà tù không nhận ông nhưng Phòng 610 vẫn không thả ông. Phòng 610 tỉnh Giang Tô đã ban hành lệnh rằng miễn là ông còn thở thì không được thả. Sau đó ông lại bị bắt và bị bức hại trong trung tâm tẩy não.

Năm 2012, ít nhất 294 học viên ở Giang Tô bị bắt, trong đó 17 người bị bắt giữ, xét xử và kết án, 74 người bị bức hại trong các trung tâm tẩy não và 24 người bị bức hại trong các trại lao động phi pháp. Ông Tạ Sỹ Lương, một bác sỹ lớn tuổi ở thành phố Vũ Tiến, Thường Châu, đã phải chịu chín năm tù và bị bức hại vì kiên định vào đức tin. Ông phải chịu sự tra tấn lâu dài và ngược đãi vô nhân đạo khiến tinh thần và thể chất bị tàn phá. Ông qua đời vào ngày 23 tháng 6 năm 2012 do bị tra tấn. Khi đó ông 68 tuổi.

III. Bức hại trong thời gian nhận chức giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Giang Tô và là Chính uỷ Thứ nhất của Cục Quản lý Nhà tù

Từ khi Liễu Ngọc Tường được chỉ định làm giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Giang Tô kiêm Chính uỷ Thứ nhất của Cục Quản lý Nhà tù vào tháng 3 năm 2013, ông ta tiếp tục thi hành chính sách đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ, sử dụng các kỹ thuật tra tấn dã man và bạo lực để huỷ hoại các học viên Pháp Luân Công trong hệ thống nhà tù Giang Tô. Theo dữ liệu sẵn có, ít nhất bốn người, gồm Chu Tinh Hà, Trọng Sùng Bân, Ngô Tranh Tranh và Đường Tịnh Mai đã bị tra tấn đến chết. Nhiều học viên Pháp Luân Công bị tra tấn đến mức tàn tật, bị tổn thương tinh thần và thể chất. Là giám đốc Sở Tư pháp kiêm bí thư Quản lý Nhà tù, Liễu Ngọc Tường phải chịu trách nhiệm không thể chối cãi cho việc tra tấn và những cái chết của các học viên Pháp Luân Công này.

Những trường hợp bị bức hại đến chết điển hình

Trường hợp 1: Ông Chu Tinh Hà bị tra tấn đến chết trong Nhà tù Tô Châu

Ông Chu Tinh Hà, sinh năm 1965, đã bị bắt, giam giữ phi pháp và bức hại nhiều lần. Tháng 5 năm 2015, ông bị kết án ba năm sáu tháng tù và bị đưa đến Nhà tù Tô Châu để bức hại. Khi ở trong Nhà tù Tô Châu, ông phải chịu nhiều hình phạt vô nhân đạo, gồm có ép ngồi trên một ghế đẩu nhỏ trong thời gian lâu, chạy hàng chục vòng cho đến khi gục xuống, bị ép chọc thủng tuỷ xương, bị tiêm và phải dùng thuốc không rõ nguồn gốc. Sau một tháng bị bức hại, bụng ông bị sưng lên và phát triển thành xơ gan, cổ trướng gan và liệt nửa người. Ngày 22 tháng 6 năm 2018, ông được thả sau khi mãn hạn tù. Ngày hôm sau, ngày 23 tháng 6, ông qua đời sau khi bị nôn ra máu từ sáng đến chiều.

Trường hợp 2: Bà Ngô Tranh Tranh qua đời sau khi bị liệt vì tra tấn

Bà Ngô Tranh Tranh đã bị bức hại liên tục. Bà bị kết án ba năm sáu tháng tù vào ngày 28 tháng 10 năm 2005 và lại bị bắt và bị đưa đến một trại tạm giam vào ngày 5 tháng 12 năm 2013. Không thông báo cho gia đình bà và không có luật sư biện hộ, bà đã bị xét xử bí mật trong trại tạm giam và không người tham gia nào xác định danh tính của họ. Ngày 21 tháng 1 năm 2014, bà lại bị kết án ba năm sáu tháng tù. Ngày 5 tháng 3 năm 2014, bà bị bắt và bị đưa đến Nhà tù Nam Thông để bức hại. Việc bức hại đã gây ra những thương tích mãi mãi và khiến bà bị liệt. Bà trở về nhà vào tháng 1 năm 2017. Ngày 7 tháng 3 năm 2017, bà qua đời do sự tra tấn đã phải chịu đựng.

Trường hợp 3: Ông Trọng Sùng Bân bị đầu độc đến chết trong Nhà tù Hồng Trạch Hồ

Ông Trọng Sùng Bân, một quân nhân hưu trí, sinh năm 1961. Ông đã bị giam hai năm và bị kết án hai lần tổng cộng bảy năm tù. Ông bị đưa đến các phiên tẩy não nhiều lần, bị giam ba lần và nhà bị lục soát năm lần. Sáng ngày 12 tháng 6 năm 2015, ông bị kết án phi pháp ba năm tù. Ông bị nhiễm bệnh lao trong Nhà tù Hồng Trạch Hồ và rơi vào tình trạng nguy hiểm. Gia đình ông yêu cầu bảo lãnh ông để chữa trị nhưng bị từ chối. Ông trở về nhà vào tháng 6 năm 2018, rất yếu và cân nặng chưa đến 35kg. Ông đã qua đời hai tháng sau đó, vào ngày 14 tháng 8. Sau khi thi thể bị hoả táng, phân nửa tro của ông biến thành màu đen. Gia đình nghi ngờ ông đã bị đầu độc trong tù dẫn đến bị chết.

Một số ví dụ về tra tấn và bức hại

Trường hợp 1: Ông Vương Sương Mục bị tra tấn một tháng bằng hình thức “áo cưỡng chế”

Ông Vương Sương Mục bị cảnh sát bắt ngày 3 tháng 10 năm 2017 và nhà bị lục soát phi pháp. Sau đó ông bị kết án 1,5 năm tù và bị đưa đến Nhà tù Hồng Trạch Hồ ở tỉnh Giang Tô để bức hại. Trong tù, phó Ban Chuyển hoá Giáo dục, các lính canh tù và những người khác thay phiên nhau ép ông Vương từ bỏ Pháp Luân Công và viết một cam kết từ bỏ. Vì từ chối “chuyển hoá”, ông bị xịt hơi cay nhiều lần và bị tra tấn bởi hình thức “áo cưỡng chế” (xem minh hoạ bên dưới) hai lần tổng cộng một tháng. Hai nhóm tội phạm dùng đinh và bút bi đâm vào đùi ông. Ông bị ép ngồi trên một ghế đẩu nhỏ (một phương thức tra tấn) mỗi ngày. Chỉ có xương cụt của ông là chạm vào ghế trong hình thức tra tấn dã man này.

414fa80e96cac5cc8c2288666688d7bb.jpg

Minh hoạ tra tấn: “Áo cưỡng chế”

Trường hợp 2: Đường Học Dũng bị tra tấn và bức hại trong Nhà tù Hồng Trạch Hồ

Ông Đường Học Dũng bị bắt vào năm 2014 và bị giam trước khi bị kết án tám năm mười tháng tù vào năm 2016. Ông đã bị bức hại tàn bạo ở Nhà tù Hồng Trạch Hồ, Giang Tô. Để ép ông từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, lính canh tù đã chỉ đạo một tội phạm tra tấn ông vào ngày 19 tháng 4 năm 2018. Anh ta chọc vào mắt ông Đường đến khi hai mắt ông bị trợn lên. Sau đó, ông Đường không thể nói chuyện hay nuốt trong một thời gian dài.

Vì ông vẫn không từ bỏ đức tin, cảnh sát đã chỉ đạo hai nhóm tội phạm thực hiện tra tấn “móc mắt” ông. Ngày 31 tháng 5 năm 2018, võng mạc mắt phải của ông bị bong ra và hai mắt ông bắt đầu chảy máu. Vì cảnh sát vẫn chưa đạt được mục đích nên họ chỉ đạo hai nhóm tội phạm đấm liên tục vào đầu ông. Ông Đường đã hấp hối trước khi được đưa đến bệnh viện nhà tù.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/22/428467.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/22/194742.html

Đăng ngày 08-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share