Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Trùng Khánh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 24-06-2021] Bà Bì Trung, một người dân ở thành phố Trùng Khánh đã khỏi bệnh ung thư và các bệnh tự miễn dịch sau khi bà theo học Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định dựa trên nguyên lý “Chân – Thiện – Nhẫn”. Vì từ chối từ bỏ đức tin của mình sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, bà đã bị chính quyền bắt và giam giữ nhiều lần. Bà đã phải ngồi tù năm năm ba tháng ở trong tù và trại lao động cưỡng bức.

Lo sợ bị liên lụy, chồng bà đã ly hôn với bà. Con gái của bà thì bị loại khỏi công việc công chức sau khi tốt nghiệp. Trong lúc bà Bì bị giam giữ, chính quyền từ chối cho bà tại ngoại và cha của bà bị bệnh nan y đã qua đời mà không được gặp bà lần cuối.

Món quà cứu mạng từ một người bạn

Bà Bì từng làm việc trong một nhà máy sản xuất xe nông nghiệp. Bà vốn là người nóng tính và thích gây gổ với người khác. Đồng thời, bà còn bị viêm thận, viêm khớp và sưng khớp. Các khớp ngón tay của bà bị đau khi tiếp xúc với nước lạnh. Bà hầu như không thể nằm hoặc ngồi xổm. Vấn đề sức khỏe khiến bà không tự chăm sóc bản thân và làm việc nhà. Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, sau đó bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Bà suy sụp tinh thần và sống trong đau khổ. Một người bạn của bà đã cho bà mượn một cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công vào năm 1997. Sau khi đọc sách, bà đã hiểu tại sao mình lại đến thế giới và bị nhiều bệnh tật khác nhau. Bà nhìn thấy hy vọng từ những bài giảng và cố gắng sống theo nguyên lý “Chân- Thiện – Nhẫn”.

Vài tháng sau, bệnh tật của bà đã biến mất. Bà đã có thể gánh vác mọi công việc nhà kể từ đó. Chứng kiến ​​những điều kỳ diệu, những người thân trong gia đình bà đều ủng hộ quyết định tu luyện của bà.

Bắt giữ và tẩy não chỉ bởi đi thỉnh nguyện ở Bắc Kinh

Sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, vì bà Bì không từ bỏ đức tin của mình nên chính quyền đã bắt và giam giữ bà nhiều lần. Họ đã đưa bà vào trại tẩy não một lần, và tra tấn trong nhà tù và trại lao động cưỡng bức hơn 5 năm.

Sau khi đã kháng nghị với tất cả các kênh thông tin ở địa phương, bà Bì quyết định đến Bắc Kinh để lên tiếng ủng hộ môn tu luyện vào tháng 2 năm 2000. Các con đường vào Bắc Kinh bị kiểm soát nghiêm ngặt đến nỗi bà và hai học viên khác không thể đến được Văn phòng Kháng nghị Quốc gia. Thay vào đó, họ đã đến Quảng trường Thiên An Môn để phản đối. Một chục sĩ quan đã bao vây, đánh đập và đưa họ đến Đồn Cảnh sát Thiên An Môn. Một sĩ quan cũng dùng giày da đá vào người bà Bì.

Ba cảnh sát từ Trùng Khánh đến Bắc Kinh để hộ tống các học viên bị bắt vì kháng nghị trở lại Trùng Khánh. Họ tịch thu tiền mặt của bà (hơn 1.000 nhân dân tệ) và bắt bà phải trả chi phí đi lại của họ ở Bắc Kinh, bằng cách bắt quản lý của bà khấu trừ các khoản thanh toán vào lương của bà.

Lần quay lại Trùng Khánh này kéo dài năm ngày. Cảnh sát còng tay bà vào giường tầng và cho bà ăn một bữa trong hai ngày trên tàu. Buổi tối bà đến Trùng Khánh, cảnh sát thẩm vấn bà cho đến hơn nửa đêm và nhanh chóng chuyển bà đến một trại tạm giam. Mười hai ngày sau, chính quyền đưa bà đến một trại tẩy não.

Bị cảnh sát tống tiền

Khi bà trở về nhà sau khi đi mua hàng tạp hóa vào sáng ngày 6 tháng 7 năm 2000, một cảnh sát đang đợi bà ở cổng khu chung cư tiến đến gần và nói: “Chúng tôi muốn bà đi cùng đến đồn cảnh sát để hỏi một số câu hỏi. Sẽ không mất nhiều thời gian.”

Bà Bì đã bị giam giữ ngay sau khi bà đến đồn cảnh sát, nơi hàng chục học viên khác đã bị bắt trước đó. Các học viên bị đưa đến một trại tạm giam vào tối hôm đó và không được cung cấp chút đồ ăn nào.

Cảnh sát nhanh chóng yêu cầu gia đình các học viên nộp tiền tại ngoại, lên đến 5.000 nhân dân tệ mỗi người. Nếu các gia đình không có tiền, các học viên sẽ ở trong các phòng giam tồi tàn trong những ngày hè nóng nực. Gia đình của bà Bì không đủ khả năng chi trả vì con bà đang học đại học. Một người bạn của bà đã trả được 2.000 nhân dân tệ để đổi lấy việc bà được thả vào 19 ngày sau đó.

Bị kết án ba năm rưỡi tù và tra tấn trong nhà tù nữ Trùng Khánh

Sự quấy rối vẫn tiếp tục. Cảnh sát và các quan chức địa phương đã đến nhà bà Bì vào đêm Giao thừa năm 2001 để cố gắng đưa bà đến trại tẩy não. Lúc đó bà không có nhà và họ đến nơi làm việc của chồng bà để tìm bà. Không thấy bà, cảnh sát và các quan chức đã ngồi trong nhà bà mỗi buổi tối và gọi tất cả người thân đến tìm bà.

Ngay trước Tết Nguyên đán, cảnh sát đã buộc chồng bà phải ký vào tuyên bố và hứa sẽ không để bà đến Bắc Kinh thỉnh nguyện. Để tránh bị bắt, bà Bì không thể về nhà trong kỳ nghỉ. Hàng chục cảnh sát đã ập vào nhà của cha mẹ bà Bì vào ngày 20 tháng 7 năm 2001. Họ bắt bà khi bà đang giúp cha mẹ sửa sang lại ngôi nhà. Cảnh sát đã đưa bà về nhà và lục tung nơi ở của bà. Họ tịch thu tài liệu về Pháp Luân Công của bà để làm bằng chứng truy tố bà trước tòa.

Cảnh sát đã còng tay bà vào một đường ống trong đồn cảnh sát, thẩm vấn và chuyển bà đến một trại tạm giam lúc nửa đêm. Bà chính thức bị bắt một tháng sau đó vào ngày 27 tháng 8.

Trong trại tạm giam, lãnh đạo ra lệnh còng tay bà trong 10 ngày vì bà luyện các bài công của Pháp Luân Công. Sau đó, họ buộc bà phải làm những việc nặng nhọc không được trả lương. Công việc bao gồm dán các hộp bìa, lắp ráp các hộp bảo quản thuốc và kim tiêm, và loại bỏ tạp chất từ ​​lông lợn. Mùi hôi từ lông lợn thật buồn nôn. Vết thương do ma sát bị nhiễm trùng và ngón tay bà bắt đầu sưng tấy và ngứa ngáy. Nếu không được điều trị thích hợp, các khớp ngón tay của bà bị mưng mủ và xương lộ ra ngoài.

Không thông báo cho gia đình, chính quyền đưa bà ra xét xử vào ngày 6 tháng 12 năm 2002. Sau đó họ kết án bà ba năm rưỡi tù. Sau khi bà gửi đơn kháng cáo, nhà chức trách đã nhanh chóng chuyển bà đến Nhà tù nữ Trùng Khánh vào ngày 11 tháng 12 để cản trở thủ tục pháp lý.

Trong tù, lính canh bắt bà phải xem và nghe những bài tuyên truyền chống Pháp Luân Công hàng ngày. Họ không cho phép bà ngủ và âm mưu đe dọa bà ký vào các tuyên bố từ bỏ đức tin của mình. Quản lý của bà đã dừng lương hưu và các quyền lợi khác của bà vô thời hạn kể từ khi bà bị giam cầm.

Quản lý nhà tù buộc bà phải làm những công việc đòi hỏi sức khỏe như làm dép xỏ ngón, làm thảm ngồi bằng hạt cườm, đóng gói sản phẩm, bốc xếp các sản phẩm đóng hộp nặng hơn 50kg (100 lbs). Điều này khiến bà thường xuyên ngã quỵ vì kiệt sức.

Năm 2004, họ buộc bà Bì phải khám sức khỏe và lấy máu xét nghiệm mà không rõ lý do. Nhà tù không bao giờ chia sẻ kết quả xét nghiệm máu với bà. Sau này khi biết về tội ác cưỡng bức mổ cướp nội tạng, bà nhận ra rằng mình có thể đã trở thành một trong những nạn nhân.

Thương tổn sau khi bị tra tấn trong trại lao động cưỡng bức

Bà Bì bị bắt lần thứ tư vào ngày 26 tháng 1 năm 2007. Cảnh sát thẩm vấn bà đến quá nửa đêm và đưa bà vào trại tạm giam. Một sĩ quan nói bà: “Bà là một trọng phạm. Chúng tôi phải trừng phạt nghiêm khắc và khiến bà khốn khổ lần này”. Bà đã tuyệt thực để phản đối việc bắt giữ. Sáu ngày sau, một sĩ quan nói với bà việc bà bị giam 21 tháng trong trại lao động cưỡng bức và bà quyết định kháng cáo. Ba ngày sau khi gửi đơn kháng cáo, chính quyền đã chuyển bà đến Trại lao động cưỡng bức nữ Trùng Khánh. Bà chưa bao giờ nhận được bất kỳ tài liệu chính thức nào về thời hạn ở trại lao động.

Khi đến trại lao động, một lính canh và một tù nhân đã lột trần và bắt bà phải ngồi xổm trước khi để bà mặc đồng phục tù nhân. Họ vứt bỏ quần áo ấm của bà và nắm tóc bà một cách thô bạo rồi cắt thành một mớ hỗn độn.

Ban quản lý trại buộc bà khám sức khỏe hai lần vào mùa hè năm 2007. Một bác sĩ từ Bệnh viện Quân đội 324 đã lấy hai ống máu lớn từ bà, có lẽ để chuẩn bị cho việc mổ lấy nội tạng.

Sau khi bà Bì không từ bỏ đức tin của mình, các cai ngục đã đưa bà vào phòng biệt giam, với sáu tù nhân theo dõi bà suốt ngày đêm. Các tù nhân, hầu hết là người nghiện ma túy, sẽ không để bà ngủ nếu bà không viết báo cáo về suy nghĩ của mình trong ngày hôm đó. Cuộc tra tấn bà bắt đầu lúc 5 giờ sáng và kéo dài đến 2 giờ sáng ngày hôm sau. Lính canh đã bắt bà đứng hoặc ngồi yên trên một chiếc ghế đẩu nhỏ ngắn cả ngày. Ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ gây nhiều áp lực lên phần dưới, đặc biệt là phần mông. Không lâu sau đó, phần thịt trên mông của bà bắt đầu vỡ ra và mưng mủ vì vết thương không có thời gian để chữa lành. Máu và thịt của bà dính vào quần lót và gây đau đớn tột cùng khi bà thay đồ.

Trong vòng 50 ngày bà không được cung cấp nước. Bà không được thay quần áo, đánh răng hoặc tắm rửa. Bà không có nước uống và không được dùng nhà vệ sinh trong một thời gian dài. Tình trạng mất nước gây ra chứng táo bón nghiêm trọng và khiến bà không thể tự khỏi trong nhiều tuần.

Một số lính canh chuyên tra tấn các học viên Pháp Luân Công và khiến họ từ bỏ đức tin của mình. Giám đốc trại lao động đã lệnh cho các lính canh “chuyển hóa” tất cả các học viên. Mỗi buổi tối các tù nhân có thể nghe thấy các học viên la hét trong đau đớn. Sau đó, lính canh đã bịt miệng các học viên lại.

Chính quyền trại lao động đã giam bà Bì cùng nhiều tù nhân được các cai ngục huấn luyện định kỳ về cách tra tấn các học viên để buộc họ phải phục tùng. Các tù nhân phải vượt qua một số bài kiểm tra trước khi họ đủ điều kiện để làm việc với các học viên. Các biện pháp mà họ sử dụng đối với các học viên là vô cùng tàn độc. Bà Bì đã chứng kiến ​​họ thêm những viên thuốc không rõ nguồn gốc vào nước uống và thức ăn cho các học viên kiên định.

Các lính canh đã trừng phạt bà bằng cách để bà đứng trong hành lang lộng gió hàng giờ vào những đêm đông lạnh giá. Bà đã phản đối và kết quả là bị giám sát nghiêm ngặt trong hai ngày. Trong thời gian đó, bà phải hoàn thành một lượng công việc quá sức. Nếu bà không thể hoàn thành công việc của mình, bà phải chịu hình phạt nghiêm khắc.

Bà Bì cao 1m64 (5 ft 5 in) và nặng 64kg (141 lbs) trước khi bị đưa vào trại. Khi được thả, bà chỉ nặng chưa đầy 45kg. Người bà tiều tụy và tóc bạc đi. Người thân và bạn bè của bà hầu như không thể nhận ra bà.

Chết chóc và đau khổ của những người thân trong gia đình

Trong lúc bà bị giam giữ sau khi bị bắt vào tháng 7 năm 2001, cha bà đã nhiều lần đến đồn cảnh sát và yêu cầu trưởng đồn thả bà nhưng vô ích. Cha bà là một cựu chiến binh với một chân bị què. Sự tức giận, lo lắng và buồn bã đã khiến sức khỏe của ông giảm sút, ông qua đời sau một cơn đau tim vào tháng 4 năm 2002. Người nhà của bà muốn bảo lãnh bà ra ngoài để gặp cha trước khi ông qua đời. Trưởng đồn tên Ngô Khắc Lãng (Wu KeLang) nói rằng ông ta sẽ chấp thuận nó, nếu bà không tu luyện Pháp Luân Công. Con gái của bà Bì đã mất cơ hội trở thành công chức sau khi tốt nghiệp đại học và bị trừng phạt vì đức tin của mẹ mình.

Sau nhiều lần bị bắt và giam giữ, chồng bà vì không thể chịu được áp lực và không muốn bị liên lụy trong cuộc bức hại. Ông đã ly hôn với bà vào năm 2006.

Người mẹ 80 tuổi của bà đã qua đời sau khi biết tin bà bị đưa vào trại lao động cưỡng bức vào tháng 2 năm 2007. Sau một cuộc phẫu thuật não lớn và chi phí y tế khổng lồ, bà cụ bị liệt, mất trí nhớ và khả năng ngôn ngữ. Bà qua đời vào tháng 3 năm 2013.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/24/427362.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/20/194166.html

Đăng ngày 28-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share