Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở New York
[MINH HUỆ 21-05-2021] Con xin kính chào Sư phụ! Chào các bạn đồng tu!
Chớp mắt 25 năm đã trôi qua kể từ khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Nhận thức của tôi đã nâng lên từ cảm tính sang lý tính, và cuối cùng tôi đã đồng hóa với các Pháp lý. Tôi muốn chia sẻ một vài câu chuyện về hành trình tu luyện của mình.
Chính niệm càng mạnh, Pháp triển hiện càng mạnh mẽ
Pháp Luân Đại Pháp là một môn tu luyện thân tâm. Các bài giảng đã ăn sâu vào tâm trí tôi kể từ khi tôi đọc cuốn sách Pháp Luân Công và bắt đầu tu luyện. Tôi không mong đợi thân thể được trẻ hóa, vì vậy tôi rất ngạc nhiên khi quá trình lão hóa của mình chậm lại.
Tôi đã rất hạnh phúc sau khi bắt đầu tu luyện. Khi các đồng nghiệp hỏi tôi tại sao tôi luôn lạc quan như vậy, tôi đã nói với họ về Pháp Luân Đại Pháp và khuyên họ đọc sách Chuyển Pháp Luân. Tôi đã bật video các bài giảng của Sư phụ trong giờ nghỉ trưa. Một đồng nghiệp nói: “Những gì Sư phụ giảng thật tuyệt vời, nhưng tu luyện quá khó đối với tôi.” Tín tâm của tôi đối với Đại Pháp không bao giờ bị lung lay kể cả sau khi cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu vào năm 1999.
Nền kinh tế của Trung Quốc đã thay đổi, và hơn 20 đồng nghiệp đã gia nhập các công ty tư nhân khác. Những nhân viên mới lấp đầy các vị trí của họ. Một số nhân viên mới được tuyển dụng cho biết: “Chị trông trẻ hơn những người khác trong văn phòng. Chúng em rất ngạc nhiên khi biết chị nhiều tuổi hơn họ.” Tôi nói với họ rằng tôi nhiều hơn một số đồng nghiệp 4-8 tuổi và tôi giữ được sự trẻ trung như vậy là vì được thụ ích từ một môn tu luyện. Một đồng nghiệp khác nói với tôi nhiều lần rằng sau bảy, tám năm làm việc cùng nhau, tôi trông vẫn trẻ trung như lần đầu anh ấy gặp tôi.
Tôi và tổng giám đốc có cuộc họp với một vị giám đốc đang thực hiện một trong các dự án của chúng tôi. Sau đó, vị giám đốc nói: “Nếu cô theo sát sếp của mình, cô sẽ đảm nhận vị trí của ông ấy sau khi ông ấy nghỉ hưu.” Tôi nói với anh ấy rằng tôi chỉ kém tổng giám đốc của chúng tôi ba tuổi, và tôi sẽ nghỉ hưu ngay sau khi ông ấy nghỉ. Anh ấy rất ngạc nhiên khi biết tuổi thật của tôi.
Bây giờ tôi đã hơn 50 tuổi, nhưng nhiều người vẫn nghĩ tôi đang ở độ tuổi 30.
Lấy khổ làm vui
Tôi là nhân viên văn phòng ở Trung Quốc và hầu như không lao động chân tay. Sau khi đến Mỹ, mọi thứ đã thay đổi, bao gồm cả công việc và môi trường tu luyện của tôi. Tôi tình nguyện tham gia một hạng mục toàn thời gian, sáu ngày một tuần. Nó liên quan đến lao động chân tay, và sau ngày đầu tiên tôi bị đau ở bàn tay và cánh tay, cũng như đau lưng. Sáng hôm sau, mỗi khớp trên tay tôi đều sưng tấy và đau nhức. Mặc dù thân thể không thoải mái, nhưng tôi vẫn cảm thấy vui vẻ và hài lòng.
Một số công việc có tính chất nguy hiểm. Do thân thể mệt mỏi, tốc độ phản ứng của tôi bị chậm lại. Tôi thường bị đứt tay, đụng chân, đập ngón chân hoặc đụng đầu. Một ngày nọ, một đồng tu hỏi đùa: “Hôm nay chị bị bao nhiêu vết thương?” Tôi cười và cho anh ấy xem những vết cắt và vết bầm tím trên đầu, cánh tay và chân của tôi.
Thân thể kiệt quệ thì dễ chịu đựng, nhưng thật khó khi phải chịu đựng áp lực về cả thể chất lẫn tinh thần khi tôi bắt đầu hoài nghi. Một số việc được thực hiện không chính xác, phải bỏ đi và làm lại. Các đầu công việc khác bị lặp lại và chúng tôi thường xuyên phải thay đổi công việc. Khi cơ thể tôi cảm thấy như đã đạt đến giới hạn chịu đựng của mình, tôi bắt đầu tự hỏi liệu công việc của mình có ý nghĩa hay không: “Đây có phải là chứng thực Pháp không? Có phải là cứu độ chúng sinh không? Điều này có làm lãng phí thời gian của các học viên không? Chúng tôi có thể tình nguyện tham gia hạng mục khác. Không phải hạng mục này đang lãng phí các tài nguyên quý giá sao?”
Khi tôi hoài nghi, đau đớn về thể xác càng tăng lên gấp bội. Tôi đã nghĩ đến việc nghỉ việc và tham gia một hạng mục khác. Tôi cũng tìm kiếm sự khích lệ bằng cách chia sẻ hoài nghi của mình với các đồng tu. Một số học viên nói: “Tất cả các hạng mục đều giống nhau. Họ đều gặp khó khăn khi bắt đầu.” Những người khác khuyến khích tôi học hỏi Phật Milarepa, người mà Sư phụ của ông đã nhiều lần bảo ông xây nhà, phá bỏ, rồi xây lại.
Nhưng lý giải của các học viên cũng không khiến tôi nghĩ thông. Nó giống như viện cớ cho việc làm không tốt công việc. Tôi cảm thấy nếu các hạng mục khác mắc sai lầm, chúng ta không nên lặp lại những sai lầm tương tự.
Đức Phật Milarepa đã theo một phương pháp tu luyện để đề cao qua những khó khăn. Pháp Luân Đại Pháp tập trung vào việc tu luyện thông qua nâng cao tâm tính của một người. Tôi cảm thấy những khó khăn mà chúng tôi gặp phải trong hạng mục là do lập kế hoạch kém hoặc không có kế hoạch gì cả. Tôi cảm thấy một số người điều phối hạng mục cứng đầu, có cái tôi lớn hoặc không chịu lắng nghe các đề xuất.
Tôi không thể chấp nhận điều đó và phàn nàn. Vì tâm thái của tôi không tốt nên phản hồi tôi nhận được không mấy thiện cảm. Một người nói: “Không ai bắt chị phải ở đây.” Một người khác thì nói: “Những gì chị đã chịu đựng không là gì so với những người tới trước.”
Sư phụ giảng về người tu luyện cần:
“Nhọc cái gân cốt, khổ cái tâm chí.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)
Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài bình tâm lại và hướng nội. Tôi nghĩ: “Người tu luyện không nên hướng nội sao? Sao mình có thể tăng công một cách thoải mái đây? Không qua thử thách, mình có thể đề cao tâm tính được sao? Tất cả những gì mình làm là cho chính mình, không phải cho người khác, người phụ trách, hay Sư phụ.” Vậy sao tôi lại cảm thấy hoàn cảnh của mình thật bất công? Một khi hiểu ra, tâm tôi dần bình tĩnh lại, và tôi đã vượt qua khảo nghiệm.
Buông bỏ tự ngã
Tôi cảm thấy thần thánh và tự hào khi lần đầu tiên tham gia hạng mục. Sau khi tôi trở nên quen thuộc hơn, tôi thấy những thách thức liên quan. Hạng mục đã đánh mất ánh hào quang mà nó có đối với tôi khi tôi nghe nói về nó ở Trung Quốc. Các đồng tu thường nhắc nhở tôi: “Bạn không nên nhìn lại bản thân khi gặp vấn đề sao?” Đúng vậy, chúng ta phải hướng nội khi mọi thứ trở nên khó khăn. Nhưng tôi nghĩ rằng sẽ là không có trách nhiệm với hạng mục nếu những người tham gia nhìn thấy vấn đề có thể tránh được qua giao tiếp đơn giản hoặc một thay đổi nhỏ, nhưng lại giữ im lặng và để vấn đề đó cản trở tiến độ của hạng mục.
Sư phụ giảng:
“Kỳ thực chư vị vẫn chưa biết, cái “tư” ấy quán xuyến [đến] tầng thứ rất cao. Người tu luyện trong quá khứ nói: “mình đang làm gì”, “mình phải làm gì”, “mình muốn đắc được gì”, “mình đang tu luyện”, “mình muốn thành Phật”, “mình muốn đạt được gì”, kỳ thực đều là không rời khỏi cái “tư” ấy. Mà tôi muốn chư vị có thể làm được là thật sự thuần chính, vô tư, thật sự viên mãn [của] chính giác chính Pháp, mới có thể đạt được vĩnh viễn bất diệt.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Thụy Sỹ [1998])
Nhận thức của tôi là một học viên không nên giới hạn bản thân trong tu luyện cá nhân khi gặp vấn đề. Nếu vậy, nó vẫn là biểu hiện của sự vị tư của vũ trụ cũ.
Để đạt đến cảnh giới vô tư vô ngã thực sự cần có cơ sở tu luyện vững chắc. Trên cuộc hành trình, những chấp trước khác nhau được phơi bày. Đôi khi tôi nghĩ: “Mình chưa đạt đến vô tư và mình không có đủ từ bi. Tốt hơn mình nên giữ ý kiến của mình cho riêng mình.” Một lần khác tôi nghĩ: “Vì mình đã thấy vấn đề, có phải Sư phụ muốn mình lên tiếng không? Đó không phải là chứng thực bản thân – đó là trách nhiệm đối với hạng mục. Ngay cả khi mình không có đủ từ bi, nó cũng sẽ có tác dụng tương tự vì tâm của mình là chính.”
Có những bước lùi, nhiều suy ngẫm, và hướng nội trong quá trình tu luyện, và cuối cùng tôi hiểu rằng đó là an bài có trật tự của Sư phụ.
Các học viên ở các độ tuổi, hoàn cảnh, có cách suy nghĩ và tính cách khác nhau đến với nhau. Chấp trước của mọi người đều lộ ra trong khi làm việc cùng nhau. Nếu mỗi người chúng ta có thể tận dụng cơ hội này để tu luyện tốt thì không chỉ mọi người có thể đạt viên mãn mà hạng mục cũng sẽ được hoàn thành tốt. Trong quá trình này, chúng ta sẽ đạt tiêu chuẩn danh hiệu đệ tử Đại Pháp thần thánh. Mỗi đệ tử Đại Pháp đều đại diện cho thế giới của mình, và có lẽ tính cách của mỗi đệ tử chính là đặc điểm của thế giới đó. Mọi người đều giống nhau là không thể.
Những mâu thuẫn và thiếu sót bộc lộ trong quá trình này giúp mọi người có thể tu bản thân. Chúng ta nên bao dung lẫn nhau.
Sau khi tôi thoát khỏi những ràng buộc của vị tư, từ bi và nhận thức của tôi lập tức được mở ra. Nó giống như xem một buổi biểu diễn, trong đó mọi thứ được sắp xếp và có trật tự. Chúng ta không nên bám chấp vào những nhận thức của riêng mình hoặc hy vọng vào kết quả cụ thể. Chúng ta nên bình hòa và làm những gì chúng ta nên làm mà không truy cầu. Trạng thái vô chấp [trước] này rất đẹp. Tôi phải tinh tấn hơn trên con đường tu luyện và cố gắng duy trì trạng thái này mọi lúc.
Đây là những nhận thức của cá nhân tôi. Các đồng tu, xin hãy chỉ ra bất kỳ điều gì không phù hợp.
(Bài chia sẻ tại Pháp hội giao lưu tâm đắc thể hội quận Cam, New York)
[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org]
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/21/425908.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/25/193328.html
Đăng ngày 19-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.