Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-04-2021] Khi chúng ta tu luyện, tâm tính và nhận thức của chúng ta về Pháp sẽ được cải thiện. Cảm giác thăng hoa trong tu luyện thực sự tuyệt vời và nó chỉ có thể có được khi chúng ta tu luyện vững chắc. Ngôn ngữ con người chỉ có thể mô tả được một phần nhỏ bé của nó. Ở đây tôi muốn chia sẻ một số thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện.

1. Sự khác biệt giữa một người tu luyện và một người thường

Một người tu luyện sẽ được Sư phụ quản

Một đồng tu kể với tôi rằng con trai của anh ấy, là một tiểu đệ tử, có lần được ai đó hỏi rằng một người thường thì như thế nào và điều gì khiến một người thường trở thành một người tu luyện. Con của anh ấy nói: “Thần không để mắt đến một người thường, nhưng một người tu luyện thì được họ chăm sóc”.

Có lẽ cậu bé đấy đã thực sự nhìn thấy điều đó. Mỗi người tu luyện đều có Pháp thân của Sư phụ quản. Sư phụ cũng đã nói với với chúng ta về điều này:

“… đằng sau thân mỗi học viên đều có Pháp thân của tôi, mà không chỉ có một [Pháp thân]”. (Bài giảng thứ Ba, Chuyển Pháp Luân)

Một người tu luyện sẽ hướng nội khi gặp xung đột

Sư phụ đã giảng:

“Là người tu luyện, ‘hướng nội’ là một Pháp bảo”. (Giảng Pháp tại Pháp hội Quốc tế Washington DC 2009, Giảng Pháp các nơi X)

Một người thường luôn đổ lỗi cho người khác khi gặp mâu thuẫn. Tất nhiên, một số người trong số họ có thể cân nhắc và tha thứ cho người khác, nhưng họ làm vậy vì họ không muốn hạ thấp bản thân trước người khác.

Khi một người tu luyện gặp xung đột hoặc bị người khác cư xử bất công, họ sẽ hướng nội, ngay cả nếu đó là lỗi của người khác. Điều này là do Pháp yêu cầu. Cuộc sống của một người tu luyện là được Sư phụ an bài lại. Vì vậy, khi xung đột phát sinh là do bạn có những chấp trước nhất định. Đó là một cơ hội để đề cao bản thân. Tuy nhiên, liệu bạn hướng nội chỉ để chứng tỏ bạn là một người tu luyện hay không. Đó là lý do tại sao các đồng tu nói rằng: “Bạn hành xử không giống một người tu luyện,” khi bạn tức giận hoặc cãi vã trong các cuộc xung đột.

Một người tu luyện sẽ coi nhẹ danh vọng, tiền tài và tình cảm

Danh vọng, tiền bạc và tình cảm là những mục tiêu của con người trong cuộc sống đời thường. Sau khi học Pháp, một người tu luyện hiểu rằng những gì chúng ta có trong cuộc đời mình là do nghiệp đức mà thành, và danh lợi tình chỉ là ảo tưởng. Nhưng, vì chúng ta đang tu trong mê, trong chính thùng thuốc nhuộm xã hội người thường này, mà chúng ta thường có chấp trước vào những thứ đó. Thông qua tu luyện, chúng ta dần dần loại bỏ những thứ này.

Cuộc sống của một người tu luyện đã được Sư phụ thay đổi từ căn bản

Pháp Luân Đại Pháp tu cả thân lẫn tâm. Sư phụ giảng:

“[Còn với] công pháp tính mệnh song tu, thì năng lượng của nó được tồn trữ trong tất cả các tế bào của thân thể”. (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

“Khi chư vị tu đến mức này, tất cả tế bào của thân thể chư vị đều được vật chất cao năng lượng này thay thế; chư vị thử nghĩ xem, thân thể chư vị có còn cấu thành từ ngũ hành không? Có còn là vật chất của không gian này của chúng ta không? Nó đã cấu thành từ vật chất cao năng lượng gom chọn từ các không gian khác”. (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

“Người thường từ bề mặt mà nhìn thì không thể thấy được sự biến đổi của chư vị; tế bào [làm bằng] phân tử của nó vẫn duy trì kết cấu và trình tự bài trí như dạng ban đầu; kết cấu của nó vẫn không phát sinh biến đổi; nhưng năng lượng bên trong nó đã thay đổi rồi; do đó cá nhân này từ nay trở đi không già cỗi đi một cách tự nhiên, những tế bào của người ấy [cũng] không tiêu vong; vậy người này trẻ trung thanh xuân mãi”. (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

Nhiều người trong chúng ta đã chứng kiến những thay đổi của cơ thể mình. Bởi vì các tế bào của chúng ta được lấp đầy bởi vật chất cao năng lượng từ các không gian khác, nhiều người trong chúng ta trông rất trẻ so với tuổi thật và khác với người thường.

Người tu luyện và người thường có sự khác biệt về số phận

Con người thường tranh tranh đấu đấu để mưu sinh và tạo ra rất nhiều nghiệp lực. Vì vậy, họ sẽ tái sinh đầu thai trong một thân xác mới, và sau đó trả nợ nghiệp của họ.

Một người tu luyện đi trên con đường do Sư phụ an bài. Người đó tiêu trừ nghiệp bằng cách trải qua gian khổ và tích lũy đức để tăng công. Một người tu luyện sẽ thoát khỏi vòng luân hồi và đạt đến viên mãn ở các tầng thứ khác nhau.

2. Phân biệt chân ngã và giả ngã

Chúng ta thường nghĩ rằng lời nói và hành vi của chúng ta, hoặc của các đồng tu, và của mọi người thường ngày đều xuất ra từ con người thật của bản thân mình như thể chúng phản ánh ra tính cách thật sự của chúng ta. Nhưng chân ngã của chúng ta là đồng hóa với Chân-Thiện-Nhẫn. Con người thật sự của chúng ta là nhân từ và vị tha.

Sư phụ giảng:

“Sinh mệnh tối nguyên sơ của con người đến từ vũ trụ. Bản lai của không gian vũ trụ là lương thiện, là mang đầy đủ chủng đặc tính Chân Thiện Nhẫn; con người sinh ra cùng với vũ trụ là đồng tính. Nhưng sản sinh ra nhiều thể sinh mệnh rồi; thì cũng phát sinh quan hệ xã hội [trong] quần thể. Trong đó có một số người có thể tăng thêm tư tâm; tầng của họ dần dần rất chậm hạ thấp xuống; [khi] không thể ở tại tầng ấy nữa, thì họ phải rớt xuống dưới. Tuy nhiên tại tầng kia [họ] lại biến đổi không còn tốt nữa, họ không thể ở lại, và tiếp tục rớt xuống dưới; cuối cùng rớt xuống đến tầng của nhân loại.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Chúng ta rớt xuống tới tầng nhân loại này vì sự ích kỷ. Trong suốt quá trình này, con người chân chính thật sự của chúng ta đã bị ô nhiễm bởi những quan niệm lệch lạc, xa rời với Pháp lý của vũ trụ Chân-Thiện-Nhẫn.

Sư phụ giảng:

“Như thế thân thể người cấp thấp đến thế, không có năng lực gì cả, cảnh giới tư tưởng của chư vị phù hợp điều gì, thì điều ấy chi phối chư vị. Nói cách khác, khi sinh mệnh các tầng thứ khác nhau phát hiện chư vị muốn gì, chấp trước điều chi, quả nhiên phù hợp với chúng, thì chúng khởi tác dụng, thậm chí chủ đạo chư vị. Khi con người không lý trí, phát tiết bực bội, thì nhân tố phụ diện sẽ khởi tác dụng. Cái gì cũng là sinh mệnh, chúng là ác, chúng là dục vọng, chúng là hận, chúng chính là những thứ khác nhau, chúng sẽ tự nhiên khởi tác dụng”. (Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp, Giảng Pháp tại Pháp hội vùng Metro Area ở Washington DC 2011, Giảng Pháp các nơi XI )

Hiểu được lời dạy này, chúng ta sẽ có thể biết liệu hành vi và lời nói của chúng ta có xuất phát từ chân ngã của chúng ta hay không – điều đó phụ thuộc vào việc hành vi và lời nói có phù hợp với tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn hay không. Nếu chúng không phù hợp, chúng ta biết rằng người này bị điều khiển bởi ý niệm và các sinh mệnh khác. Nếu chúng ta có loại hành vi và lời nói này, thì chúng ta nên chính lại bản thân mình trong Pháp và loại bỏ bất kỳ ý niệm bất chính nào.

Nếu nhìn thấy các đồng tu có những kiểu hành vi và lời nói này, thì trước tiên chúng ta nên hướng nội. Mọi thứ của một người tu luyện đều do Sư phụ an bài. Lý do mà chúng ta nhìn thấy sự bất chính của các đồng tu là chúng ta có chấp trước đó, và Sư phụ đã sử dụng các đồng tu để cho chúng ta thấy và có cơ hội đề cao bản thân. Chúng ta cũng nên chỉ ra những điều này cho các đồng tu bằng lòng từ bi, và gợi họ nhớ về các bài giảng Pháp. Chúng ta không nên đổ lỗi cho họ hoặc phàn nàn về họ.

Khi người thường làm điều xấu, chúng ta sẽ cảm thông và cố gắng giúp họ phát triển những suy nghĩ đúng đắn. Chúng ta sẽ không oán hận hay tranh đấu với họ.

3. Chúng ta cần phải minh bạch “Ai an bài lại đường đời cho chúng ta

Chúng ta thường nghĩ những việc này nên làm thế này, thế này, nếu không thì việc như thế, như thế sẽ xảy ra. Chúng ta dành nhiều thời gian và trí lực để cố gắng thu xếp cuộc sống của mình. Chúng ta tin những sắp xếp của mình gần như hoàn hảo. Đôi khi, chúng ta làm mọi việc do áp lực từ gia đình hoặc bạn bè. Đôi khi, chúng ta lo lắng cho những khảo nghiệm của đồng tu và cố gắng nói cho họ biết họ cần phải làm gì hoặc làm như thế nào.

Vậy, ai an bài cho người tu luyện?

Nếu chúng ta thực sự hiểu rằng mọi thứ trong cuộc đời của một người tu luyện là do Sư phụ an bài, chúng ta sẽ không lo lắng về những khổ nạn và rắc rối của mình. Chúng ta biết rằng những điều này đều là hảo sự và được Sư phụ sử dụng để khiến chúng ta đề cao. Chúng ta nên tuân theo quy trình tự nhiên của mọi việc. Người tu luyện có tiêu chuẩn riêng của mình – đó chính là Pháp. Chúng ta hướng nội và làm mọi việc chiếu theo Pháp.

Các đồng tu của chúng ta cũng nằm trong an bài của Sư phụ. Chúng ta không phải lo lắng về họ hoặc nhiệt tình bảo họ phải làm gì. Khi chúng ta nhìn thấy những thiếu sót của đồng tu, chúng ta nên coi đó như một tấm gương phản chiếu những chấp trước của chính chúng ta. Có thể đó là điểm hóa của Sư phụ để chúng ta thấy được những thiếu sót của mình.

Điều quan trọng nhất là ngộ tính của một người tu luyện. Sư phụ đang dõi theo chúng ta. Cách tốt nhất để giúp đỡ một đồng tu đang trong khảo nghiệm là học Pháp với họ và giữ cho họ ở trong một hoàn cảnh đúng đắn. Đồng tu sẽ đạt được sự giác ngộ từ Pháp, và Sư phụ sẽ chỉ dẫn cho họ. Nếu chúng ta thấy các sinh mệnh tà ác đang can nhiễu đồng tu, khiến họ buồn ngủ khi học Pháp, chúng ta nên giúp họ loại bỏ can nhiễu đó, bởi vì chúng ta là một chỉnh thể.

4. Chúng ta nên coi mọi thứ như một cơ hội để đề cao

Cơ hội đề cao luôn hiện diện mọi lúc

Bạn có thể dậy sớm để phát chính niệm và luyện công không? Đó là cơ hội tốt để chúng ta buông bỏ chấp trước an dật. Khi ăn cơm, bạn thích món này, mà không thích món kia. Bạn có nghĩ đến việc loại bỏ chấp trước vào đồ ăn không? Khi có ai đó chửi bới hoặc làm tổn thương bạn, bạn có nhận ra đây là cơ hội giúp bạn đề cao tâm tính không? Bạn có nghĩ rằng đó là sự an bài của Sư phụ để bạn nhìn thấy những chấp trước của mình không?

Những người này có cơ duyên với bạn, vậy thì bạn nên cứu họ. Bạn có đối xử với các đồng tu cao niên như những người lớn tuổi, và nghĩ rằng họ cần bạn giúp đỡ không? Những suy nghĩ như vậy có thể mang lại cho họ rắc rối.

Ở nơi công cộng, bạn có nhớ mình là người tu luyện có sứ mệnh cứu người không? Bạn có phát chính niệm cho con người để loại bỏ tất cả sinh mệnh tà ác và các yếu tố ngăn cản họ thức tỉnh không?

Khi làm ba việc, bạn có nhớ mình là người tu luyện không? Khi học Pháp, bạn đọc lướt các từ, hay tập trung học và lĩnh ngộ được nội hàm thâm sâu của Pháp? Khi luyện công, bạn có tập trung, hay nghĩ đến những điều vô nghĩa không? Động lực cứu người của bạn là để tích đức, hay thực sự vì chúng sinh? Cơ hội để chúng ta đề cao luôn xảy ra.

Mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày đều là cơ hội để đề cao

Sư phụ giảng:

“Đã là tu luyện, trên con đường tu luyện này của chúng ta, sẽ không có sự việc ngẫu nhiên”. (Giảng Pháp tại Pháp hội New Zealand [1999])

Nếu chúng ta có chấp trước vào danh vọng hoặc vì sĩ diện, chúng ta có thể bị sỉ nhục; nếu chúng ta chấp trước vào lợi ích cá nhân, chúng ta có thể gặp phải những người xấu, họ làm cho chúng ta mất tiền. Nếu chúng ta chấp trước vào tình, những người thân yêu của chúng ta có thể gặp khổ nạn, bởi vì những sinh mệnh tà ác sẽ lợi dụng sơ hở của chúng ta. Khi chúng ta tật đố với người khác, chúng ta có thể mắc lỗi hoặc người khác có thể làm tổn thương chúng ta vì họ ghen tị với chúng ta.

Tất cả những điều này có thể xảy ra vì hai loại lý do. Nó có thể là do cựu thế lực tà ác gây ra, và nó có thể là do Sư phụ an bài để chúng ta quy chính lại bản thân và biến điều xấu thành điều tốt. Miễn là chúng ta có thể tuân theo Pháp và hướng nội, thì đó là cơ hội để đề cao, và chúng ta sẽ biến nó thành một điều tốt.

Trên đây là một số thể ngộ của tôi tại tầng thứ sở tại. Xin hãy chỉ ra nếu có bất cứ điều gì không phù hợp với Pháp.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/27/423737.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/7/192221.html

Đăng ngày 14-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share