Bài của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 29-05-2021] Mấy hôm trước, khi đọc câu chuyện về một học viên bị bức hại đến chết, tôi nghĩ cảnh sát tà ác không đáng tồn tại trên đời này, tại sao Sư phụ không trừng phạt loại người này? Niệm này vừa xuất hiện, tôi tập tức thanh trừ nó: ý niệm thù hận này không phải của mình – tâm hoài nghi Sư phụ không phải xuất phát từ chân ngã của mình.

Trừ bỏ quan nim người thường

Cách đây 10 năm, tôi cũng đã có niệm như thế. Khi đó, bố tôi bị tra tấn trong trại lao động cưỡng bức. Sau đó, ông được cho trả về nhà vì ốm yếu quá. Nhìn bố đau đớn lúc qua đời, tôi đã có một niệm — tại sao Sư phụ không cứu bố tôi? Ông ấy cũng là đệ tử của Sư phụ mà. Tôi biết niệm này là sai. Nhưng lúc đó do chưa hiểu Pháp sâu nên không nhận ra ý niệm này che dấu tâm phàn nàn đối với Sư phụ và không cố gắng tìm ra gốc rễ của ý niệm này.

Bây giờ, tôi mới truy tìm gốc rễ của nó. Quan niệm người thường nào đã khiến tôi có ý niệm này? Tôi từng nói với mẹ tôi rằng: “Chúng ta hãy tu luyện tinh tấn. Không có gì mà chúng ta không thể buông bỏ. Không có gì trên thế giới này công bằng hơn Pháp mà Sư phụ dạy cho chúng ta. Người ta có thể giở chiêu trò, nhưng với Đại Pháp thì không thể. Chúng ta phải tu tâm vững chắc để đạt được đề cao.”

Nhớ lại điều này, tôi chợt nhận ra mình đã mang quan niệm người thường để đánh giá về công bằng. Thay vì dùng Pháp để đối chiếu, tôi lại đánh giá mọi thứ dựa trên quan niệm này. Từ khi còn nhỏ, tôi đã ghét những điều xấu. Có thể kiếp trước tôi là vị tướng chăng? Tôi thấy mình ôm giữ tâm thù hận và không thể chịu đựng được sự bất công. Đây cũng là một quan niệm người thường.

Sư phụ giảng cho chúng ta:

“Tội là ở con người thế gian. Phật không hề giáng tội xuống con người bởi vì con người đều nằm trong hiểu biết ngu dốt, đã đang tự hại chính họ rồi, ngoài ra còn tạo rất nhiều nghiệp cho chính mình, và không lâu nữa đại kiếp sẽ đợi họ, nào cần trừng trị gì nữa? Trên thực tế con người làm điều xấu thì về sau vào một lúc nào đó sẽ gặp phải báo ứng, chỉ là con người không ngộ ra, không tin, khi xảy ra chuyện thì lại cho đó là ngẫu nhiên” (“Tu vì ai”, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tôi tự hỏi mình tu luyện cho ai. Phải chăng là để loại bỏ các quan niệm người thường? Không, tôi tu luyện cho chân ngã của mình. Tôi tồn tại để làm gì? Tôi ở đây là để chứng thực Đại Pháp, trợ Sư chính Pháp và cứu độ chúng sinh. Khi nghĩ về những điều này, tôi cảm thấy mọi thứ nơi thế tục đều trở nên xa vời. Ngoại trừ ba việc và trợ Sư chính Pháp thì không còn gì quan trọng hơn với tôi.

Sư phụ nói:

“Có người có làm thế nào mà giảng họ cũng không tin, vẫn [chỉ tin vào] những lợi ích thiết thực nơi người thường. Họ vẫn ôm giữ những quan niệm cố hữu mà không bỏ, làm cho [họ] không thể tin [vào Pháp]“ (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Chính quan niệm người thường về việc theo đuổi sự công bằng đã khiến tôi không thể tin vào Sư phụ và đồng hóa với Pháp.

Trên thực tế, Sư phụ đã điểm hóa cho tôi qua lời một đồng tu vào mùa hè năm ngoái. Tôi có một người chị dâu cũng là học viên, nhưng tôi luôn coi thường chị ấy. Tôi biết điều đó là sai, và cố gắng chính lại bản thân. Nhưng vì quan niệm mạnh mẽ, tôi đã không vượt qua được. Tôi hầu như không giao tiếp với chị và cố gắng né tránh những đồng tu thường đi cùng chị. Vì tôi sợ sẽ làm tổn thương chị nên cố gắng tránh nói chuyện với chị. Từ sâu thẳm trong tim, tôi không có lòng trắc ẩn đối với chị.

Chị dâu và tôi lớn lên trong hai môi trường rất khác nhau. Tôi vốn được giáo dục theo các giá trị truyền thống, ông tôi rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ chúng tôi. Từ đó đã hình thành trong tôi những quan niệm mạnh mẽ, và tôi dùng nó để đo lường mọi thứ xung quanh. Nhưng chị dâu không có những quan niệm truyền thống đó nên chúng tôi cơ bản là không hợp nhau. Tôi thường cho rằng cách làm mọi việc của chị là sai và tự hỏi tại sao chị không nhận ra. Tôi đối xử với chị theo quan niệm của mình và hay phàn nàn về chị. Tôi tò mò không biết các đồng tu thân thiết với chị có giống chị hay không.

Mùa hè năm ngoái, tôi đã có cơ hội chia sẻ thắc mắc này với một đồng tu. Đồng tu này nói rằng hoàn cảnh thời thơ ấu đã hình thành nên tính cách của chị dâu như vậy. “Sở dĩ tôi có thể phối hợp với cô ấy không phải vì tôi thấy cô ấy đúng, mà vì cô ấy có thể chỉ ra những vấn đề của tôi. Tôi thực tu, nên tôi có thể bao dung những thiếu sót của cô ấy. Tại sao bạn không tu bản thân? Đối với bạn một cộng một là bằng hai, nhưng đối với cô ấy có thể không là như vậy.” Lời nói của học viên này đã thức tỉnh tôi.

Tôi nhớ Sư phụ giảng:

“Có học viên hỏi tôi: ‘“1 cộng 1 bằng 2” có là chân lý ở thiên thượng nữa không’. Trên thiên thượng không có lôgíc tư duy của con người. Cho đến tối hậu thì hàm nghĩa của nó đã biến [đổi], không còn là như thế nữa.” (“Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị New York [2003]”, Giảng Pháp tại các nơi III)

Bao nhiêu năm nay, tôi đã dùng quan niệm người thường để đánh giá mọi thứ, còn bản thân không bao giờ quy chính theo Pháp. Tôi phải tu luyện như thế nào đây? Quan niệm người thường chỉ phù hợp với người thường. Là đệ tử Đại Pháp, tôi phải chiểu theo nguyên lý Chân–Thiện–Nhẫn để chỉ đạo mọi lời nói, hành vi và suy nghĩ của mình, thay vì chiểu theo quan niệm người thường. Đây là chìa khóa mở ra cho tôi một bước đột phá lớn.

Khi nhận ra điều này, tôi cảm thấy tâm mình đã rộng. Lời của những người khác không thể động đến tôi. Tôi cảm thấy gánh nặng đã cản trở việc tu luyện của tôi suốt thời gian qua đã biến mất. Tôi cũng thay đổi thái độ với chị dâu.

Sư phụ nói:

“Chư vị không muốn cải biến trạng thái của con người, từ lý tính mà thăng hoa nhận thức chân chính về Đại Pháp, thì chư vị sẽ mất cơ hội. Chư vị không cải biến cái Lý của con người vốn được hình thành vào tận xương cốt cả trăm nghìn năm ở người thường ấy, thì chư vị vẫn không bỏ đi được cái tầng xác bề mặt của con người, nên không cách nào viên mãn. Không thể là tôi cứ mãi tiêu nghiệp cho chư vị, còn chư vị không đề cao một cách chân chính trong Pháp, nhảy thoát khỏi nhận thức của con người và quan niệm của con người. Phương thức suy xét, nhận thức, cảm kích của chư vị về tôi và Đại Pháp đều là biểu hiện tư duy người thường. Nhưng điều tôi dạy chư vị chính là vượt thoát khỏi người thường cơ mà! Hãy từ lý tính mà nhận thức Đại Pháp một cách chân chính.” (“Lời cảnh tỉnh”, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Buông bỏ tình

Tôi có cái tình mạnh mẽ đối với mẹ tôi, cũng là một học viên. Thời gian trước, khi mẹ tôi trải qua nghiệp bệnh, tôi đã giúp mẹ phát chính niệm nhưng tôi bị động tâm trước tình trạng của mẹ. Khi bình tĩnh hướng nội, tôi nhận ra cái tình mạnh mẽ. Tôi sợ mẹ tôi có thiếu sót trong tu luyện, và sợ mẹ có thể mất đi sinh mệnh. Tôi sợ việc bị cô đơn trên thế gian này (bố tôi đã qua đời vì bị bức hại 10 năm trước). Tôi biết nỗi sợ hãi đó xuất phát từ tình và tự hỏi bản thân làm thế nào để thoát khỏi nó.

Nhớ lại hành trình tu luyện, mỗi bước đi mà tôi đạt được đều có sự trợ giúp và dẫn dắt của Sư phụ. Nếu không có Sư phụ bảo hộ, tôi sẽ không thể đạt được bất kỳ tiến bộ nào. Mẹ tôi cũng như vậy, cũng là một đệ tử Đại Pháp, mẹ cũng đang được Sư phụ bảo hộ. Nỗi sợ hãi và lo lắng này của tôi chính là suy nghĩ của người thường. Tôi có thực sự tin Sư phụ không? Tư tưởng người thường của tôi thật quá chật hẹp.

Sau khi thoát khỏi quan niệm này, tôi nhận ra Sư phụ đã an bài mọi thứ cho chúng ta, và an bài của Ngài luôn là tốt nhất. Tôi chỉ cần tin tưởng vào Sư phụ và Đại Pháp. Khi nghĩ vậy, trái tim tôi như được giải phóng khỏi cái tình kia. Tôi ngộ ra rằng chúng ta chỉ có thể thoát khỏi thế giới trần tục này khi cải biến đươc quan niệm người thường và thoát khỏi giả ngã đã hình thành từ những quan niệm người thường kia.

Tu luyện như thuở ban đầu

Mấy năm trước, tôi có một giấc mơ. Trong mơ, tôi đang leo lên một cái thang dẫn lên trời, nhưng không có lan can. Tôi cảm thấy kiệt sức và muốn nghỉ ngơi. Tôi tự hỏi đâu mới là điểm kết thúc. Khi nhìn xuống tôi bị sốc khi thấy con đường phía sau đã khuất trong mây, không thể nhìn thấy gì ngoài đoạn thang ngắn mà tôi vừa leo lên. Nó giống như điều Sư phụ giảng trong bài thơ này:

“Thiên thương thương
Địa mang mang … ”

Tạm dịch:

“Trời xanh xanh
Đất mênh mang …”

(“Hồi Thiên”, Hồng Ngâm V)

Tôi nhận ra rằng trong tu luyện không có đường quay lại. Tôi nhìn lên, và thấy một học viên khác cũng đang leo lên nhanh chóng. Cậu ấy trông trẻ hơn tôi. Tôi thấy có động lực và tiếp tục leo. Ý niệm này như tiếp thêm năng lượng cho tôi. Nỗi sợ hãi cũng biến mất. Tôi leo nhanh và đến đỉnh nhanh chóng. Ngay lúc đó, tôi mới nhận ra rằng tôi kiệt sức và sợ hãi bởi tôi không nhìn thấy điểm kết thúc, dù đã đi đến gần cuối hành trình.

Hai năm trước, trạng thái tu luyện của tôi không tốt. Tôi cảm thấy khó chịu, không thể đạt được bất kỳ tiến bộ nào. Mặc dù vẫn làm ba việc, nhưng tôi đã không thể đạt đến trạng thái tu luyện như trước đây. Đôi khi tôi thấy nhàm chán với cuộc sống hàng ngày, nhưng không thể đạt được trạng thái giải thoát. Đôi khi tôi cảm thấy cô đơn, nhưng không biết làm thế nào để đột phá được nó.

Có lần, tôi đọc đến đoạn Pháp này:

“Tôi có một lần lấy tư tưởng của mình liên [kết] với bốn, năm Đại Giác Giả và Đại Đạo ở tầng cực cao. Nói cao [đến đâu], từ người thường mà xét thì quả thật là cao [đến mức] người ta có nghe cũng sửng sốt [khó tin].” (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)

Đoạn Pháp này khiến tôi liên tưởng đến nguyên lý mà Sư phụ giảng:

“Phật gia giảng ‘không’, Đạo gia giảng ‘vô’.” (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra Sư phụ đã dạy chúng ta rằng khi tu luyện đến cao tầng, người tu luyện sẽ đạt đến trạng thái ‘không’. Không còn tình hay quan niệm người thường nữa, sẽ không theo đuổi bất cứ niềm vui nào nơi thế gian này nữa. Chỉ có người thường mới sợ cô đơn, vì họ có tình.

Sư phụ giảng:

“Chư vị biết chăng? Chỉ đơn giản là về một vấn đề tu luyện; tại tầng thấp của vũ trụ là rất phức tạp, [nhưng] lên đến tầng trên thì đơn giản; không có khái niệm ‘tu luyện’, chỉ có khái niệm ‘tiêu bỏ nghiệp lực’; lên đến tầng cao hơn mà giảng [thì] hết thảy khó nạn ấy chỉ là để trải con đường lên trên thiên thượng mà thôi; còn lên tầng cao hơn nữa thì hỏi tiêu nghiệp là gì, chịu khổ là gì, tu luyện là gì; đều không có những khái niệm ấy; chỉ là ‘tuyển trạch’! Trên tầng cao của vũ trụ chính là một [Pháp] lý ấy; xét xem ai [thích hợp] thì chọn lấy [vị ấy]; đó là [Pháp] lý” (Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu 2003)

Là một đệ tử Đại Pháp, tôi đã được Sư phụ lựa chọn. Sư phụ đã chọn tôi, nên tôi phải có khả năng đạt đến viên mãn. Tôi đến thế giới này để trợ giúp Sư phụ cứu người, đó là mục tiêu duy nhất của cuộc đời tôi. Đó là lý do để tôi phát chính niệm và luyện công. Sư phụ giảng rằng các sinh mệnh trong vũ trụ cũ là vị tư, nhưng chúng ta cần phải đồng hóa với Pháp và bước vào vũ trụ mới. Nếu tôi đạt đến trạng thái vị tha chân chính và luôn nghĩ cho người khác trước, thì tôi sẽ tiến nhập được vào vũ trụ mới, và các nguyên lý vũ trụ cũ sẽ không còn tác động đến tôi được nữa. Tôi phải trừ bỏ những quan niệm người thường do giả ngã tạo ra, và để chân ngã tôi làm chủ.

Sau khi thay đổi những ý niệm này, tôi đã đạt đến một trạng thái, tâm tôi đã thành không, không còn bất kỳ ý niệm nào nữa. Tôi có thể dễ dàng tĩnh tâm, học Pháp. Một lần nữa, tôi có thể trở lại trạng tu luyện như thuở đầu. Tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc trong tu luyện, và không còn cảm giác cô đơn. Tôi không còn theo đuổi những niềm vui đời thường.

Khi hướng nội, tự hỏi tại sao mình lại có giai đoạn bị trầm cảm. Tôi đã loại bỏ được rất nhiều chấp trước trong quá trình tu luyện. Bởi vì không trừ bỏ quan niệm người thường, tôi đã không thực sự cảm nhận được vẻ đẹp của một người tu luyện. Đó là lý do tôi bị mắc kẹt trong tu luyện và cảm thấy đau khổ.

Giờ đây, tôi nhận ra rằng là một đệ tử Đại Pháp, nếu chúng ta muốn nhảy ra khỏi tầng người thường, chúng ta phải loại bỏ quan niệm của con người, và tu luyện Phật tính. Chúng ta phải để chân ngã mình làm chủ. Chỉ khi đó, chúng ta mới có được niềm tin vững chắc vào Sư phụ và Đại Pháp, và đồng hóa với Pháp.

Trên đây là những thể ngộ tại tầng thứ sở tại của tôi. Xin vui lòng chỉ ra nếu bất cứ điều gì không phù hợp với Pháp.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/29/修出对师父对大法金刚不动的正信-423885.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/29/193403.html

Đăng ngày 09-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share