Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-03-2021] Các học viên thông thạo công nghệ thường rất bận rộn. Có vẻ như là thường xuyên có nhiều thiết bị văn phòng họ phải sửa chữa trong quá trình các học viên làm tài liệu giảng chân tướng. Một số học viên có thiết bị bị hỏng rất thường xuyên, vì thế họ liên tục liên lạc với các “học viên kỹ thuật”. Tuy nhiên, cùng thiết bị đó lại hoạt động suôn sẻ trong tay các học viên khác, và hiếm khi cần phải sửa chữa. Tất cả các thiết bị này đều đang làm công việc trợ giúp Sư phụ Lý (nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) để chứng thực Pháp, nhưng tại sao một số thiết bị khi vận hành lại có sự khác biệt lớn như vậy?

Cách đây không lâu tôi đã thiết lập một điểm làm tài liệu nhỏ. Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của tôi về việc sử dụng các thiết bị, cũng như những gì mà tôi đã quan sát được khi các học viên khác tham gia vào việc làm tài liệu Đại Pháp.

Hướng nội khi gặp phải các vấn đề với thiết bị

Lúc đầu, vì tôi đã không sử dụng máy in đúng cách, tôi thường gặp phải các vấn đề và phải đề nghị các học viên giỏi kỹ thuật giúp đỡ. Nó làm mất nhiều thời gian quý báu của họ và cũng làm việc phân phát tài liệu bị đình trệ. Rồi tôi có một giấc mơ mà trong đó tôi đã nhận ra rằng điểm sản xuất tài liệu bé tí này đã phơi bày các chấp trước của tôi vào việc muốn đạt được kết quả nhanh chóng, nóng vội, và tư lợi.

Ví dụ, họ đã đề xuất rằng tôi phải cho máy in nghỉ ngơi định kỳ. Tuy nhiên, tôi vẫn cứ in liên miên. Hậu quả là, tôi bắt đầu có vấn đề với đầu máy in và có những khoảng trống màu trắng trên các bản in. Tôi tiếc là đã không lắng nghe các kiến nghị của họ. Tôi đã phải tạm dừng và đợi cho đến khi máy in ổn định lại và kết quả là đã tốn nhiều thời gian. Nếu tôi cứ thế mãi, tôi có thể đi đến kết cục là làm hỏng hẳn đầu máy in.

Sau khi điều này xảy ra mấy lần, tôi nhận ra rằng mình phải hướng nội. Các học viên khác đã sử dụng cùng loại máy in này hàng năm mà chẳng có vấn đề nào, nên rắc rối này nhất định là do các vấn đề tâm tính của tôi.

Sư phụ đã giảng:

“Hễ trong khi luyện công mà xuất hiện can nhiễu này, can nhiễu kia, [thì] chư vị phải tìm xem nguyên nhân [ở] bản thân mình, chư vị còn điều gì chưa vứt bỏ được không.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân )

Đây là cơ hội để chúng ta hướng nội mỗi khi các vấn đề tâm tính của chúng ta được phơi bày, và đó cũng là sự từ bi của Sư phụ dành cho chúng ta để đề cao tâm tính của mình. Nhưng vấn đề là ở đâu? Tôi tự hỏi: “Tại sao mình để máy in làm việc liên tục thay vì làm theo hướng dẫn? Đó có phải là vì mình đã không in xong được số lượng các bản in mà mình cần?” Không phải, đó chỉ là một ngụy biện. Tôi hướng nội thêm nữa. Đó là vì tôi đã không muốn dành toàn bộ thời gian của mình vào việc làm tài liệu. Tôi đã cho rằng nếu dừng in định kỳ sẽ tốn thêm thời gian. Tôi đã muốn hoàn thành nhanh nhanh chóng chóng để tôi có thể có thời gian mà làm các việc khác.

Tôi phát hiện ra rằng tôi luôn chú trọng vào điều mình muốn, nên tôi đã không đếm xỉa đến tải trọng mà một cái máy có thể xử lý. Do đó tôi đã rất nóng vội và dàn xếp mọi việc chỉ theo nhu cầu của bản thân.

Là con người, tất cả chúng ta đều cần ăn, ngủ và nghỉ ngơi. Vì tất cả các máy móc văn phòng cũng là các sinh mệnh, nên chúng cũng cần chúng ta tôn trọng các hình thái cơ bản trong sinh mệnh của chúng. Nhưng, tôi đã ích kỷ mà chỉ chú trọng đến các mục tiêu của bản thân mình. Tôi đã không hướng nội; thay vào đó tôi lại mang thiết bị đi sửa mỗi khi có vấn đề. Chẳng phải đó là hướng ngoại sao?

Những chấp trước này không chỉ được phản ánh khi tôi dùng máy in, mà còn trong nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống thường nhật của tôi. Chỉ là tôi chưa bao giờ nhận ra chúng hay là đã không nghĩ rằng chúng là một vấn đề lớn.

Các vấn đề tại điểm sản xuất tài liệu

Để tiết kiệm thời gian, một số học viên thường bỏ ngập giấy vào máy in, bấm “Go” để bắt đầu in trong thời gian dài, rồi rời đi. Liệu có bất kỳ vấn đề nào trong lúc đang in dở chừng không? Họ không thể biết, và mọi việc ổn chỉ là hy vọng của họ mà thôi. Một số học viên thường xuyên làm như vậy, bởi vì họ có tâm sợ hãi. Họ muốn làm xong việc một cách nhanh nhất có thể để có thể chuyển các tài liệu đi, thay vì để ở nhà. [Ghi chú của biên tập viên: nỗi sợ này liên quan đến cuộc bức hại đối với Pháp Luân Công tại Trung Quốc, nơi mà nhà cầm quyền có thể lục lọi nhà của các học viên để tìm các điểm làm tài liệu.]

Tuy nhiên, vận hành kiểu này buộc máy in phải xử lý một khối lượng công việc lớn chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Máy in có thể hoạt động ổn trong một thời gian ngắn, nhưng, dần dần việc này sẽ làm giảm đáng kể tuổi thọ của đầu in, và rồi là chính bản thân máy in.

Một số học viên sau đó mang máy in đi sửa, nhưng ngay khi nhận lại máy in, họ vẫn sử dụng máy in như vậy. Vấn đề như vậy lại phát sinh, và rồi họ lại mang máy in đi sửa. Vì thế, một số máy in cứ được sửa liên tục.

Sau vài lần sửa máy in, một số học viên mất kiên nhẫn, bối rối và phàn nàn rằng cái vị học viên giỏi kỹ thuật kia đã không xử lý vấn đề một cách triệt để. Rồi họ bỏ cái máy in đó đi và mua cái mới. Nhưng, những cái máy in mới cũng phát sinh cùng các vấn đề như vậy. Hỡi các học viên, các bạn đã hướng nội chưa, và có thấy rằng nguyên nhân là do chính các bạn không? Hay là các bạn chỉ hướng ngoại và cố tìm “bác sỹ” để điều trị “bệnh” của máy in thôi?

Một số học viên đã chia sẻ việc giao tiếp với máy in. Chúng ta đã thấy các bài chia sẻ trải nghiệm về sự triển hiện của những phép màu, trong đó các máy in bắt đầu hoạt động một cách đúng đắn. Tuy nhiên, nếu chúng ta không đề cao tâm tính, thì cách thức chúng ta vận hành máy in vẫn như thế. Tại sao chúng ta muốn thay đổi thiết bị thay vì thay đổi chính chúng ta? Phải chăng đầu tiên chúng ta cần hướng nội trước khi giao tiếp với máy in?

Một số học viên cho rằng việc ngồi đợi bên máy in trong lúc máy đang in là lãng phí quá nhiều thời gian. Lúc đầu, tôi cũng nghĩ rằng làm theo các kiến nghị của các học viên kỹ thuật sẽ mất rất nhiều thời gian. Nhưng, khi tôi vứt bỏ quan niệm định kiến này và thay đổi thái độ của mình, tôi phát hiện ra rằng mọi việc trở nên thực sự dễ dàng và có trật tự, và tôi cũng không bị lãng phí thời gian. Bây giờ, tôi chia khối lượng công việc ra thành vài lượt, và để máy in có thời gian nghỉ giữa các lượt. Trong thời gian máy in làm việc, tôi học Pháp hoặc làm việc nhà. Nó thực sự đã tiết kiệm cho tôi rất nhiều thời gian, vì tôi không còn phải mang máy đi sửa và chờ đợi khi máy được cài lại.

Khi mọi việc bắt đầu vận hành ngày một suôn sẻ hơn, tôi nhận ra rằng đó là vì tôi đã có thể tu bỏ các chấp trước tôi từng có, và chính lại tư duy của mình. Các chấp trước và thói quen xấu đó bao gồm sự thiếu kiên nhẫn và muốn đạt được mục đích mà bỏ qua quá trình; thực hiện công việc một cách khinh suất trong khi không đếm xỉa đến hoàn cảnh; tự đặt mình làm trung tâm, không nghĩ cho người khác-đó là, các học viên có kỹ thuật; chỉ muốn thay đổi người khác thay vì thay đổi chính mình, và v.v… Khi tôi đã có thể chính lại bản thân, tâm trí tôi trở nên hòa hợp hơn với đặc tính của vũ trụ, và mọi thứ trở nên suôn sẻ.

Ngoài vấn đề tâm tính của chúng ta và vấn đề không tuân theo các chỉ dẫn vận hành tối ưu, một thực tế là khối lượng công việc lớn tại mỗi điểm sản xuất tài liệu cũng là một yếu tố chính khiến các thiết bị văn phòng cần được sửa chữa thường xuyên. Nếu chúng ta có thể có nhiều hơn, các điểm làm tài liệu nhỏ hơn, thì chúng ta có thể giúp giảm nhẹ vấn đề này và giải quyết được rắc rối này.

Giao lưu và phối hợp giữa các học viên

Thể ngộ của tôi là để sử dụng thiết bị một cách tốt nhất thì cần nhảy ra khỏi quan niệm của chúng ta và học hỏi nghiên cứu nhiều hơn, đặt nhiều câu hỏi hơn, và giao lưu nhiều hơn. Đặc biệt khi mới bắt đầu, chúng ta phải tuân theo các hướng dẫn và không được quá tự tin với các ý tưởng của riêng mình.

Vì lý do an toàn, hầu hết các học viên chỉ giao lưu với một học viên khác. Do đó, họ phụ thuộc vào các điều phối viên để truyền tin nhắn của họ đến các học viên có kỹ thuật về các vấn đề mà họ gặp phải. Các học viên có kỹ thuật cũng phụ thuộc vào người điều phối để truyền đạt các khuyến nghị và những cảnh báo sử dụng đến các học viên sử dụng thiết bị.

Trong chuỗi này có nhiều điểm có thể phản ánh các vấn đề tu luyện và tâm tính của chúng ta. Có các vấn đề về tu khẩu, sự tin cậy, và thậm chí là các điều được che đậy nhằm bảo vệ cảm xúc của cá nhân. Nhiều vấn đề đã đi đến cái kết là tạo nên gián cách giữa các học viên, khiến các học viên không phối hợp được tốt. Ví dụ, để không làm tổn thương cảm xúc của các học viên sử dụng thiết bị, người điều phối đôi khi không nói cho các học viên sử dụng thiết bị mọi điều mà học viên có kỹ thuật muốn họ truyền đạt.

Việc này có thể dẫn đến các thiết bị phải sửa đi sửa lại, vì các học viên sử dụng chúng không biết cách thức đúng đắn để vận hành chúng. Môt số học viên chủ tâm không làm theo các kiến nghị của học viên có kỹ thuật, và khi được chất vấn sau khi thiết bị phát sinh vấn đề, họ lại sợ nói ra sự thật.

Là học viên Đại Pháp, chúng ta phải ghi nhớ rằng chúng ta không thể chỉ là làm công việc. Chúng ta cũng cần tu luyện tâm tính của mình. Sẽ là vấn đề lớn về tâm tính nếu chúng ta không thể đối diện và chia sẻ với nhau một cách chân thành và trung thực.

Quá phụ thuộc vào các học viên kỹ thuật

Khi chúng ta cứ lặp đi lặp lại việc gửi các thiết bị của mình đến các học viên kỹ thuật để sửa chữa, hay khi chúng ta thường xuyên vứt bỏ thiết bị rồi mua máy mới, nó khiến chúng ta quá phụ thuộc vào các học viên kỹ thuật. Vấn đề này có một vài khía cạnh.

Khía cạnh đầu tiên là khi thiết bị ngừng hoạt động, thay vì hướng nội, chúng ta chỉ đem nó đến các học viên kỹ thuật. Vì chúng ta chỉ toàn hướng ngoại và mang thiết bị đi sửa, các vấn đề tâm tính không được giải quyết, còn thiết bị thì mãi có các vấn đề.

Khía cạnh thứ hai là sự lãng phí không cần thiết các nguồn lực Đại Pháp. Một số học viên dùng tiền riêng của họ để mua thiết bị cho các điểm làm tài liệu. Bởi vì tự họ không mua các thiết bị, một số học viên mà sử dụng các thiết bị này đôi khi không quý trọng chúng một cách thích đáng, và có thể mạnh tay khi sử dụng chúng. Thế là thiết bị thường xuyên được đem đến các học viên kỹ thuật để sửa. Các học viên ở điểm làm tài liệu sau đó bỏ các thiết bị đó đi, và kiếm máy mới. Tất cả đều phản ánh các tâm chấp trước và quan niệm người thường khác nhau.

Một khía cạnh khác là nó tạo ra quá khối lượng công việc không cần thiết và áp lực lên với các học viên kỹ thuật. Nhiều vấn đề do sử dụng không đúng cách và do lỗi của con người là có thể tránh được. Nếu các học viên tại các điểm làm tài liệu làm theo kiến nghị của học viên kỹ thuật, thì thiết bị đã không mãi gặp các vấn đề như vậy, và đã tiết kiệm được nhiều thời gian quý báu cho các học viên kỹ thuật.

Nhiều khu vực cũng dựa quá nhiều vào các học viên kỹ thuật khi mua thiết bị mới, và sử dụng quá nhiều thiết bị.

Lý tưởng là chúng ta nên có nhiều điểm làm tài liệu, như thế tổng thể sẽ an toàn hơn. Ngoài ra, mỗi học viên có thể đi thành con đường tu luyện của riêng mình để chứng thực Pháp. Do đó, sẽ tốt hơn nếu chúng ta không thường xuyên dựa dẫm vào các học viên kỹ thuật để mua tất cả các thiết bị.

Khi không tiếp tục sử dụng một bộ phận thiết bị nào đó, nhiều học viên chỉ là đem nó đến nhà của học viên kỹ thuật. Họ có thể nói kiểu như “có thể ai đó có thể dùng nó,” nhưng thực ra là họ đang che giấu tâm sợ hãi, bởi họ nghĩ rằng nếu để ở nhà mình thì không an toàn. Khi các học viên kỹ thuật sẵn lòng nhận tất cả các thiết bị, thì tâm thái phụ thuộc vào các học viên kỹ thuật dần dần bị khuếch đại. Các học viên mang các thiết bị mà bị thải loại, vỡ nát, cũ, hay chạy chậm, đến nhà của các học viên kỹ thuật. Ở một mức độ nào đó điều này thể hiện sự thiếu trách nhiệm và không nghĩ cho người khác.

Những tình trạng nêu trên rất phổ biến. Tôi đề xuất rằng đối với các học viên có khả năng, họ nên nhận một số trách nhiệm nào đó để cho một hay vài học viên có kỹ thuật không phải gánh vác mọi việc.

Phối hợp giữa các các học viên

Một số học viên cảm thấy áy náy khi cứ thường xuyên làm phiền các học viên kỹ thuật, nên họ mua gì đó cho học viên có kỹ thuật hoặc mời những người ấy đi ăn. Việc này đối với học viên kỹ thuật là thế nào? Các học viên làm vậy cảm thấy thoải mái hơn, nhưng có thể không tốt cho những người khác. Đây chính là không nghĩ cho nhu cầu của người khác trước tiên và là một hình thức của sự ích kỷ. Một số học viên biết rằng đưa tặng các lợi ích vật chất cho học viên kỹ thuật là không tốt, nên họ bù đắp cho những học viên kia, thậm chí khi họ thấy các học viên kỹ thuật có các vấn đề tu luyện, thì họ ngại không chỉ ra cho các học viên đó. Trên bề mặt thì duy trì được môi trường an hòa, nhưng ít nhiều đó là tâm thái ích kỷ chỉ cốt đạt được mục đích của mình bằng thói đạo đức giả.

Các học viên, chúng ta phải đo lường tất cả theo Pháp. Chúng ta không thể mang các lợi ích vật chất và cái tình của người thường đến miền tịnh thổ của tu luyện được.

Có một số học viên chỗ chúng tôi về phương diện này làm được thực sự tốt. Có một học viên nọ đã lặng lẽ bắt đầu một điểm làm tài liệu. Khi máy in của cô ấy cần được sửa cô ấy đã đem nó đến nhà một học viên có kỹ thuật. Khi vào trong nhà cô ấy đã thấy rằng người học viên có kỹ thuật kia quả là rất bận. Thế là cô ấy đã lẳng lặng rời đi và đem máy đến một tiệm sửa chữa thông thường. Cô ấy đã kể lại việc đó cho tôi chỉ trong mấy câu, nhưng tôi đã rất cảm động, bởi vì trong trí nhớ của tôi, vị học viên này rất rụt rè và cẩn trọng. Sau đó tôi nhận ra rằng những ấn tượng này bắt nguồn từ quan niệm của mình và cần phải được loại bỏ.

Có một học viên lớn tuổi khác thường hay mua thiết bị và nguyên liệu từ các cửa hàng thông thường, và ông ấy không có bất kỳ sự sợ hãi hay lo lắng nào. Ông ấy nói: “Chúng ta đã tu luyện thời gian lâu rồi, nên chúng ta phải nghĩ cho người khác trước. Chúng ta không thể dồn toàn bộ gánh nặng lên một cá nhân.”

Các học viên nên hợp tác với nhau như thế nào? Trong hiểu biết có hạn của tôi nó gồm có ba phần.

Một là chúng ta đang giúp các đồng tu khác khi chúng ta tu tốt chính bản thân mình. Khi chúng ta học Pháp được tốt, luôn luôn dùng Pháp để quy chính lời nói và hành động của mình, và hướng nội khi gặp phải các vấn đề, thì chúng ta sẽ mắc ít lỗi hơn và giảm số lần mà chúng ta có khúc mắc với các đồng tu khác.

Thứ hai, khi nhìn thấy khiếm khuyết của các đồng tu khác, chúng ta nên từ bi chỉ rõ cho họ và như thế chúng ta có thể cùng nhau đề cao.

Thứ ba, chúng ta phải dùng Pháp để đo lường vấn đề khi các đồng tu đề nghị chúng ta giúp đỡ. Nó có phù hợp với Pháp hay không? Nếu có, thì chúng ta phải giúp nếu chúng ta có thể. Khi mà chúng ta trung thực và chân thành, cho dù chúng ta không thể giúp được, thì các đồng tu đó sẽ cảm nhận được và thấu hiểu.

Tự nhìn bản thân mình, có nhiều khía cạnh mà tôi làm chưa tốt. Khi tôi thấy các đồng tu có vấn đề nào đó, tôi rất lo lắng và không thể giữ được tâm trí tĩnh lặng. Tôi biết đó đều liên quan đến các quan niệm người thường mà tôi cần phải loại bỏ. Hy vọng là tất cả chúng ta có thể cùng nhau đề cao. Mục tiêu của tôi là chúng ta có thể phối hợp với nhau tốt hơn, và đạt được một môi trường chỉnh thể tốt hơn.

[Ghi chú của người biên tập: Bài viết này chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả và tác giả phải chịu trách nhiệm cá nhân về tính đúng sai. Mong độc giả tự mình cân nhắc.]

[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org]


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/11/-421219.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/11/191829.html

Đăng ngày 08-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share