Bài viết của học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

[MINH HUỆ 29-04-2021] Ngày 25 tháng 4 năm 2021, theo báo cáo của truyền thông Trung Quốc, Đỗ Vinh Lương, Phó thị trưởng kiêm Cảnh sát trưởng thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, gần đây đã bị điều tra vì vi phạm pháp luật và vi phạm một số chính sách. Trong hai thập kỷ qua, Đỗ đã tham gia rất nhiều vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Nhiều người coi sự sụp đổ của ông này là hậu quả của việc ông lạm dụng quyền lực để bức hại các học viên Pháp Luân Công vô tội.

Đỗ sinh tháng 11 năm 1964 tại thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Tháng 12 năm 2002, ông ta trở thành Phó giám đốc Sở Cảnh sát Vô Tích. Tháng 1 năm 2006, ông ta được bổ nhiệm làm giám đốc Phòng 610 Vô Tích. Tháng 2 năm 2011, Đỗ trở thành Phó Bí thư Thành ủy Vô Tích. Vào tháng 9 năm 2015, Đỗ chuyển đến thành phố Thái Châu cùng tỉnh để làm Bí thư thành ủy và Giám đốc Sở cảnh sát Thái Châu. Tháng 12 năm 2019, Đỗ được bổ nhiệm vào ba chức vụ tại thành phố Thường Châu: Phó thị trưởng, Bí thư Thành ủy và Giám đốc Sở Công an thành phố.

Từ tháng 1 năm 2006 đến tháng 2 năm 2011, dựa trên lý lịch của mình, Đỗ đảm nhận chức giám đốc Phòng 610 Vô Tích. Năm 1999, kể từ khi cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, Phòng 610, một cơ quan ngoài pháp luật, đã thực hiện chính sách đàn áp thông qua các chi nhánh của mình ở các cấp chính quyền trên khắp Trung Quốc.

Trong nhiệm kỳ của Đỗ ở các thành phố Vô Tích, Thái Châu và Thường Châu, nhiều học viên Pháp Luân Công ở những thành phố đó đã bị bức hại vì đức tin của họ và một số thậm chí đã mất mạng. Dưới đây là một số ví dụ.

“Giáo viên ưu tú của năm” bị bức hại đến mức rối loạn tâm thần và tử vong

Ngày 30 tháng 9 năm 2009, cô Chu Chí Anh, người từng đoạt giải “giáo viên ưu tú của năm” ở thành phố Vô Tích, bị bắt bởi các đặc vụ từ Phòng 610 thành phố Giang Âm và đưa đến một trung tâm tẩy não. Giang Âm nằm dưới sự quản lý của Vô Tích. Ngày 1 tháng 2 năm 2010, vào thời điểm được thả, cô đã hoàn toàn rối loạn tâm thần. Cô ấy có những vết bầm tím và lỗ kim trên khắp cơ thể.

Vì cô Chu rất sáng suốt và tỉnh táo trước khi bị bắt và giam giữ, nên gia đình cô cho rằng tình trạng rối loạn tâm thần là do Phòng 610 Giang Âm gây ra nên vài ngày sau đó đã đưa cô trở lại nơi này. Do đó, cơ quan này đã tống cô Chu vào Bệnh viện Tâm thần Thanh Sơn ở Giang Âm, nơi cô liên tục bị bức hại cho đến khi qua đời. Thi thể của cô được hỏa táng vào ngày 29 tháng 3 năm 2010.

Mất khả năng lao động ở tuổi 40; Qua đời ở tuổi 48

Bà Đái Lệ Quyên sinh năm 1963 và là nhân viên của cửa hàng bách hóa số 1 Vô Tích. Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 10 năm 1999, tất cả các bệnh của bà đều biến mất trong ba tháng. Sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, vào tháng 11 năm 2000 bà Đái đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Do đó, bà bị giam giữ tại Bệnh viện Tâm thần Qianqiao ở Vô Tích trong bốn tháng, trong thời gian đó bà đã bị tiêm nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc.

d6796c275cca134e15f502e4d66c18cd.jpg

Cưỡng bức tiêm thuốc không rõ nguồn gốc

Tháng 3 năm 2002, bà Đái một lần nữa bị đưa đến Trung tâm tẩy não Kim Thành Loan vì đức tin của mình. Vì không từ bỏ Pháp Luân Công, bà bị chuyển đến Bệnh viện Tâm thần Vô Tích và bị giam giữ ở đó trong năm tháng. Tháng 3 năm 2003, bà lại bị bắt tại nơi làm việc và bị đưa đến Trung tâm tẩy não Kim Thành Loan, trước khi bị chuyển đến Trung tâm tẩy não Từ Châu, nơi bà bị giam thêm hai tháng, trong thời gian đó bà bị đánh đập dữ dội và rơi vào tình trạng nguy kịch. Nhờ tập Pháp Luân Công mà bà ấy đã lấy lại được sức khỏe của mình.

Ngày 20 tháng 6 năm 2003, khi nói với những người khác về Pháp Luân Công và cuộc đàn áp, bà Đái đã bị cảnh sát khu Bắc Đường ở Vô Tích bắt giữ. Sĩ quan cảnh sát Ngô Kiện và nhiều cảnh sát khác đã đánh đập dã man đến nỗi bà bất tỉnh hai lần và được đưa đến bệnh viện cấp cứu hai lần trong một đêm. Sự tàn bạo kéo dài ba ngày làm tình trạng của bà cận kề tử vong.

Do bị cưỡng ép tiêm thuốc và tiếp tục bị đánh đập, bà Đái bị liệt hoàn toàn, không thể tự chủ được và teo hết các cơ. Bà liên tục nôn mửa, không thể xòe các ngón tay và không thể tự chăm sóc bản thân. Sau 8 năm đau khổ, bà Đái qua đời ở tuổi 48 vào ngày 28/3/2011.

Trong tám năm cuối đời của bà Đái, mẹ của bà là bà Cát Tú Anh, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã chăm sóc bà suốt thời gian đó. Nhìn thấy hoàn cảnh của cô con gái từng khỏe mạnh và hạnh phúc, bà Cát đau đớn và buồn bã không thể nói thành lời.

Nhiều học viên bị cầm tù

Bà Tôn Dũng, trên 60 tuổi, đến từ tỉnh Hồ Bắc, là nhân viên đã nghỉ hưu từ Công ty Cơ khí và Điện tử Cát Châu Bá. Tháng 4 năm 2009, bà về thăm quê ở thành phố Nghi Xương (một thành phố bên trong Vô Tích) và đến tháng 5 năm 2009 thì trở về Hồ Bắc. Tháng 6 năm 2009, do nghi ngờ bà đã phân phát tài liệu Pháp Luân Công ở Nghi Xương, cảnh sát tỉnh Giang Tô đã bắt và lục soát nhà của bà. Đến giữa tháng 12 năm 2009, bà Tôn bị kết án bốn năm tù.

Anh Vương Vĩ Năng, người huyện Du, tỉnh Hồ Nam, làm việc tại bệnh viện Giang Hải, Vô Tích. Ngày 9 tháng 2 năm 2010, các cảnh sát từ Sở cảnh sát Mã Đôn đã bắt anh và đồng nghiệp của anh là Vương Duyên. Đến ngày 29 tháng 10 năm 2010, tòa án khu Sùng An đã kết án anh Vương hai năm tù.

Cô Dụ Đức Lan, 40 tuổi, là một học viên đến từ quận Vĩnh Xuyên, thành phố Trùng Khánh. Do bị tàn tật do bệnh bại liệt từ nhỏ nên cô có tính cách khá nóng nảy. Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, cô Dụ đã lấy lại sức khỏe và tính khí của cô được cải thiện đáng kể. Ngày 10 tháng 9 năm 2009, cô bị bắt tại thành phố Nghi Hưng, và bị giam tại trại giam Nghi Hưng. Đến ngày 29 tháng 1 năm 2010, cô bị đưa đến Nhà tù nữ Nam Thông với thời hạn không xác định.

Bị kết án 5 năm tù chỉ vì sở hữu vài đĩa DVD

Cuối năm 2011, anh Thi Bỉnh Quân bị Phòng 610 Vô Tích bắt và sau đó bị kết án hai năm tại Trại lao động Phương Cường. Đến tháng 6 năm 2013, anh Thi phản đối bức hại nên được thả ra khỏi trại lao động.

Bốn tháng sau, khi anh Thi đi qua thành phố Đông Cảng trên một chiếc xe đạp, cảnh sát giao thông tuần tra đã chặn lại và phát hiện anh đang mang theo một số đĩa DVD có thông tin liên quan đến Pháp Luân Công. Các nhân viên Phòng 610 Vô Tích đã bắt và giam giữ anh ấy tại Trại giam số 1 Vô Tích. Cảnh sát đã lục soát nhà của anh hai lần, tịch thu một máy tính và một máy in, cùng với những đồ đạc cá nhân khác.

Viện Kiểm sát quận Tân Hồ đã đệ trình trường hợp của anh Thi lên Tòa án Tân Hồ nhiều lần nhưng lần nào cũng bị từ chối. Nhưng Viện kiểm sát vẫn tiếp tục truy tố anh và gửi lại hồ sơ. Cuối cùng, anh Thi phải ra hầu tòa vào ngày 8 tháng 5 năm 2015 và bị kết án 5 năm tù giam.

Bị bức hại vì nộp đơn khiếu nại hình sự

Ngày 22 tháng 11 năm 2010, cô Tạ Tố Quyên là cư dân thôn Vượng An bị cảnh sát từ sở cảnh sát Hoa Trang bắt. Sau khi bị giam hàng chục ngày, cô bị đưa đến Trại lao động Câu Đông.

Hạn tù của cô được ấn định là hết hạn vào ngày 22 tháng 11 năm 2012, nhưng khi gia đình cô ấy đến đón cô vào ngày hôm đó, họ biết rằng các nhân viên từ Sở cảnh sát Hoa Trang đã đưa cô Tạ đến một trung tâm tẩy não khác.

Ngày 28 tháng 8 năm 2015, các nhân viên Phòng 610 Tân Hồ và Sở cảnh sát Hoa Trang đã bắt cô Tạ tại nhà. Họ nói rằng đó là vì cô đã gửi đơn kiện cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, kẻ đã bức hại Pháp Luân Công. Đơn khiếu nại đã được gửi đến Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Dựa trên thông tin từ Minh Huệ, chỉ từ năm 2010 đến 2014, Đỗ phải chịu trách nhiệm về việc bắt và giam giữ nhiều học viên Pháp Luân Công bao gồm ông Thi Bỉnh Quân, cô Tạ Tố Quyên, bà Ngô Văn Anh, bà Lương Ái Anh, bà Trương Á Liên, bà Trần Mai Phân, bà Phan Kỳ Trân, ông Tề Sĩ Tu, và ông Tiền Gia Vinh.

Chúng tôi chân thành hy vọng những quan chức như Đỗ sẽ ngừng gây tội ác với các học viên Pháp Luân Công để họ và gia đình họ có thể tránh được hậu quả của việc mù quáng đi theo ĐCSTQ và bức hại những người vô tội.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/29/423966.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/1/192123.html

Đăng ngày 13-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share