[MINH HUỆ 03-03-2021] Theo thông báo chính thức của Bệnh viện Đại học Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông ngày 26 tháng 2, Tang Vận Kim, giám đốc Trung tâm Ghép tạng của bệnh viện này, đã đột ngột qua đời vào sáng cùng ngày ở tuổi 57.
Nhiều nguồn tin cho biết ông Tang đã tự tử bằng cách nhảy khỏi một tòa nhà. Một cư dân mạng viết: “Ông ta đã nhảy từ tầng 16 của Bệnh viện Thanh Đảo. Chuyện này không phải là bí mật gì.” Một người khác nói thêm: “Có thể có một vụ bê bối bí mật đằng sau nó.”
Ông Tang không phải là chuyên gia ghép tạng đầu tiên ở Trung Quốc tự tử trong những năm gần đây.
Tháng 5 năm 2007, Lý Bảo Xuân, chuyên gia ghép tạng từ Đại học Quân y Số 2 ở Thượng Hải, đã tử vong do nhảy từ tầng 12.
Năm 2010, Lê Lỗi Thạch, người tiên phong cấy ghép thận của Bệnh viện Đa khoa Nam Kinh thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân ở tỉnh Giang Tô, đã nhảy lầu tự tử từ căn hộ của ông trên tầng 14 và qua đời ở tuổi 84.
Ngày 24 tháng 3 năm 2014, Trương Thế Lâm, phó giám đốc khoa tiết niệu của Bệnh viện Ung bướu Thượng Hải, đã nhảy từ phòng làm việc của mình trên tầng 8. Ông ta rơi trúng bình ôxy của bệnh viện và tử vong.
Kể từ khi tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng bị phanh phui vào năm 2006, một lượng lớn các bệnh viện đã bị báo cáo có liên quan đến hành vi tàn bạo này, trong đó có những nơi mà Tang từng công tác.
Được đào tạo về cấy ghép nội tạng
Tang Vận Kim sinh năm 1964 và đã công tác tại Bệnh viện Đại học Y khoa Số 1 của tỉnh Sơn Đông (còn được gọi là Bệnh viện Thiên Phật San) trong 15 năm. Tháng 2 năm 1999, ông ta đến Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh (UPMC) và học tại Viện Cấy ghép Thomas E. Starzl, ở đây, ông ta học về cấy ghép nội tạng từ John J. Fung, lúc đó là Chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép Gan Quốc tế (ILTS).
Tháng 9 năm 2001, Tang gia nhập Bộ phận Phẫu thuật Ghép tạng thuộc Bệnh viện Trung ương Số 1 Thiên Tân. Cơ sở này được thành lập vào năm 1998, đến năm 2003 thì đổi tên thành Trung tâm Cấy ghép Nội tạng Phương Đông. Dưới sự chỉ đạo của Trầm Trung Dương, người sáng lập cơ sở này, Tang đã có thể thực hiện cấy ghép gan một cách độc lập trong một thời gian ngắn. Ông ta cũng giám sát thành công hơn 100 ca ghép gan ở Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông và các tỉnh khác.
Tháng 1 năm 2005, Tang gia nhập Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát Vũ trang ở Bắc Kinh với tư cách là phó viện trưởng Viện ghép gan. Trước đó, ông ta là giám đốc bộ phận ghép gan của Bệnh viện Thiên Phật San. Ngoài ra, ông ta cũng là bác sỹ phẫu thuật chính của Khoa Cấy ghép tại Bệnh viện Trung ương Số 1 Thiên Tân, là giáo sư Đại học Y Thiên Tân, và giám đốc Trung tâm Cấy ghép gan tại Bệnh viện Hựu An ở Bắc Kinh.
Năm 2014, Tang gia nhập Bệnh viện Đại học Thanh Đảo và thành lập một trung tâm cấy ghép nội tạng. Đồng thời, ông ta cũng là giáo sư hướng dẫn tiến sỹ và là phó chủ tịch Tập đoàn Y khoa Đại học Thanh Đảo.
Bí ẩn nguồn gốc nội tạng
Tính đến năm 2015, ở Trung Quốc đã có khoảng 1,5 triệu ca ghép tạng và nguồn gốc nội tạng vẫn là một bí ẩn.
Sau khi tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng bị phanh phui vào năm 2006, nhiều cuộc điều tra độc lập đã xác nhận sự tồn tại của nó. Luật sư nhân quyền David Matas và cựu nghị sỹ Canada David Kilgour đã công bố điều tra của họ trong một cuốn sách năm 2009 có tựa đề Thu hoạch đẫm máu, đã tiết lộ đây là “hình thức tội ác mới trên hành tinh chúng ta” với nhiều bằng chứng. “Hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công đã bị bắt và bị yêu cầu từ bỏ tu luyện. Nếu không từ bỏ, họ bị tra tấn. Nếu không chịu từ bỏ tu luyện, họ sẽ biến mất”, các tác giả viết.
Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, một lượng lớn học viên đã bị bắt và bị giam giữ bất hợp pháp. Trong khi đó, số ca ghép tạng tăng mạnh và nguồn gốc nội tạng vẫn là một ẩn số. Hơn nữa, ở bất cứ bệnh viện nào mà Tang làm việc, số ca ghép gan mà bệnh viện đó thực hiện đều là cao nhất trong khu vực.
Ví dụ, từ tháng 1 năm 2004 đến tháng 8 năm 2008, Tang đã lấy khoảng 1.600 lá gan tại Bệnh viện Trung ương Số 1 Thiên Tân từ 1.591 người nam và 9 người nữ với độ tuổi trung bình là 34,5.
Mặc dù các quan chức ĐCSTQ đã bưng bít thông tin về tội ác này hết sức cẩn mật, nhưng Minh Huệ Net vẫn đăng tin về những thông tin này. Anh Hà Lập Phương, một cư dân ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, đã qua đời trong khi bị giam giữ vào ngày 2 tháng 7 năm 2019, hai tháng sau lần bị bắt cuối cùng vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.
Gia đình anh Hà nhận thấy có một vết mổ đã khâu trên ngực và một vết mổ hở ở lưng của anh. Ban đầu, cảnh sát nói các vết mổ này là do khám nghiệm tử thi, rồi lại nói chuẩn bị tiến hành giám định pháp y, nhưng không có bác sỹ pháp y nào xuất hiện.
Thân nhân của anh Hà nghi ngờ nội tạng của anh có thể đã bị thu hoạch trong khi anh vẫn còn sống hoặc ngay sau khi anh qua đời, và đó là nguyên nhân thực sự của các vết mổ. Họ cũng nghi ngờ anh đã bị tra tấn tinh thần vì anh không còn nói được và không còn phản ứng chỉ trong vòng 17 ngày bị giam giữ.
Có ước tính rằng khoảng 200 cảnh sát và hơn 20 xe cảnh sát đã được điều động trong ngày 30 tháng 6, ngày anh Hà được chuyển từ Trại tạm giam Phố Đông ở quận Tức Mặc đến Bệnh viện Số Ba Thành Dương, và ngày 3 tháng 7 năm 2019, một ngày sau khi anh qua đời. Những cảnh sát này đến từ Sở Cảnh sát Quận Tức Mặc và các đồn cảnh sát trực thuộc, mang theo còng tay và tuần tra bệnh viện cũng như vùng phụ cận. Họ sẵn sàng bắt giữ bất cứ ai đến bệnh viện để ủng hộ anh Hà. Một cảnh sát họ Diêu từ Ủy ban Khu phố Bắc An đã cảnh báo rõ rằng các học viên Pháp Luân Công nên tránh xa.
Bệnh viện Đại học Thanh Đảo là bệnh viện bậc 3 quốc gia, là cơ sở y tế hàng đầu ở Trung Quốc. Trung tâm Ghép tạng của nó có khoảng 27 giường bệnh, chủ yếu là bệnh nhân ghép gan. Hầu như tất cả các giường đều có người và hầu như ngày nào cũng có ca phẫu thuật hoặc hai ngày một lần. Thời gian chờ đợi thường là một tuần và mỗi ca phẫu thuật tốn khoảng một triệu Nhân dân tệ (tương đương 154.000 USD).
Tuyên bố chính thức của bệnh viện cho biết Tang đã tiến hành hơn 2.600 ca ghép gan. Vì liên quan đến nạn thu hoạch nội tạng, ông ta đã bị Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) theo dõi.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/3/421580.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/24/192009.html
Đăng ngày 04-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.