Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
[MINH HUỆ 02-05-2021] 15 người dân thành phố Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên vẫn đang bị giam giữ vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công. Hai người trong số họ đã bị kết án và 12 người đang chờ phán quyết sau phiên tòa của họ. Tình huống của một học viên hiện không rõ.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Dưới đây là chi tiết về các trường hợp của họ.
Hai người bị kết án
Vào ngày 30 tháng 4 năm 2020, ông Uông Hiển Thụ và bà Dịch Quần Nhân bị bắt sau khi tham dự một cuộc gặp gỡ các học viên địa phương. Họ đã bị Tòa án huyện Lô xét xử vào ngày 1 tháng 9 năm 2020.
Luật sư do tòa án chỉ định cho bà Dịch đã không thông báo cho gia đình bà về phiên tòa. Luật sư do tòa án chỉ định cho ông Uông đã yêu cầu con gái ông trả cho ông 300 nhân dân tệ để trang trải chi phí đi lại và phí sao chép hồ sơ vụ án của cha cô, mặc dù tất cả các luật sư do tòa chỉ định theo nguyên tắc đều phải làm việc miễn phí cho khách hàng của họ.
Cả luật sư do tòa án chỉ định cho bà Dịch và ông Uông đều nhận tội thay cho họ theo chỉ thị của thẩm phán.
Thẩm phán đã kết án cả bà Dịch và ông Uông 4 năm tù với số tiền phạt 10.000 nhân dân tệ vào ngày 11 tháng 12 năm 2020. Vào ngày 28 tháng 12 năm 2020 họ đã nộp đơn kháng cáo và vẫn đang chờ phán quyết của Tòa án trung cấp thành phố Lô Châu, nơi đã thông báo cho luật sư của họ rằng họ sẽ không tổ chức một phiên xét xử về các vụ việc của các học viên.
Vào tháng 2 năm 2021 khi luật sư riêng của ông Uông đến thăm ông tại Trại tạm giam huyện Lô, ông nói với luật sư rằng ông đang phải vật lộn với một số vấn đề sức khỏe, đặc biệt là nhịp tim nhanh, cũng như huyết khối ở chân trái và chứng giãn tĩnh mạch ở chân bên phải. Bàn chân của ông bị sưng tấy nghiêm trọng và ông bị đau dữ dội khi đi bộ. Các lính canh của trại tạm giam từ chối cung cấp bất kỳ biện pháp điều trị y tế nào cho ông, cũng như không cho phép ông tự mình đi khám bệnh.
Mười hai bản án đang chờ phán quyết
Bà Lý Thế Phương, bà Đại Quần Anh, bà Giản Hồng Mai và ông Lưu Khải Thắng
Bà Lý Thế Phương, bà Đại Quần Anh, ông Lưu Khải Thắng, và bà Giản Hồng Mai, bị bắt tại một chợ nông sản vào ngày 16 tháng 8 năm 2020. Đầu tiên họ bị giam giữ tại trại tạm giam huyện Hợp Giang và sau đó bị chuyển đến trại tạm giam quận Nạp Khê. Cảnh sát lục soát nhà của họ trong khi họ vẫn đang bị giam giữ. Sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, máy tính, điện thoại di động và một số thẻ nhớ máy tính của họ đã bị tịch thu. Cảnh sát đã ngụy tạo số đồ bị tịch thu trong các bằng chứng truy tố để chống lại họ.
Bốn học viên đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án huyện Hợp Giang vào ngày 2 tháng 4 năm 2021. Bà Đại và các luật sư của bà Lý đã biện hộ vô tội cho họ. Bà Giản đã bãi nhiệm luật sư do tòa chỉ định cho mình, trong khi ông Lưu vẫn giữ nguyên quyền luật sư của mình. Tất cả bốn học viên cũng đã tự làm chứng để bào chữa cho chính họ và không nhận tội.
Bà Cẩu Chánh Quỳnh, bà Đặng Vạn Anh, bà Lôi Hoán Anh và bà La Thái Hội
Bà Cẩu Chánh Quỳnh bị bắt vào ngày 2 tháng 8 năm 2019. Ba học viên khác, gồm bà Đặng Vạn Anh, bà Lôi Hoán Anh và bà La Thái Hội bị bắt vào ngày 21 tháng 8 năm 2019. Tất cả đều bị giam tại trại tạm giam Nạp Khê trong năm vừa qua.
Bốn học viên đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án huyện Lô ba lần, lần lượt vào ngày 13 tháng 7, ngày 15 tháng 9 năm 2020 và ngày 2 tháng 2 năm 2021.
Trong phiên xử bốn người lần đầu tại Toà án Huyện Lô vào ngày 13 tháng 7 năm 2020, thẩm phán không cho phép gia đình học viên tham dự hoặc xem trực tuyến phiên toà ở sảnh của toà án. Một người thân của học viên được bảo rằng đây là phiên toà bí mật và không được thông tin ra công chúng.
Các luật sư cũng chỉ ra nhiều vi phạm của cảnh sát trong khi xử lý vụ án, gồm có lục soát nhà của học viên mà không mặc đồng phục cảnh sát, không có ít nhất hai viên chức tham gia vào quá trình lục soát như yêu cầu của pháp luật cũng nhưng họ không trình thẻ cảnh sát và lệnh lục soát và không cung cấp danh sách các đồ vật bị tịch thu sau đó.
Trong số 40 nhân chứng do cảnh sát liệt kê, không ai trong số họ xuất hiện tại toà để đối chứng, họ cũng không nói rõ trong lời khai những việc cụ thể mà các học viên làm. Các tấm ảnh và video dùng làm bằng chứng truy tố cũng không thể hiện được những gì học viên làm mà bị cáo buộc là “hành vi phạm tội”.
Toà án Huyện Lô đã tổ chức phiên xử thứ hai vào ngày 15 tháng 9 năm 2020. Công tố viên đã cập nhật bản cáo trạng và thêm một vài tài liệu bị cáo buộc là do các học viên phân phát. Anh ta cũng mở một đoạn video mới ghi hình các học viên thông qua camera giám sát. Nhưng các luật sư vẫn cho rằng video này không chứng minh được việc thân chủ họ làm là phi pháp.
Các luật sư lập lại lời biện hộ rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công là không có cơ sở pháp lý và không có bằng chứng nào tại toà có thể chứng minh được rằng thân chủ của họ đã phạm tội gì hay họ đã làm hại đến người khác hoặc xã hội thế nào.
Trong phiên xét xử thứ ba, lần đầu tiên tòa án cho phép người nhà của các học viên tham dự. Nhưng chồng và con trai của bà La, người đã bị cảnh sát lừa để trả lời một số câu hỏi về các học viên khác, đã bị liệt vào danh sách nhân chứng truy tố và bị cấm tham dự phiên tòa. Thẩm phán và công tố viên lặp lại quy trình của hai phiên xét xử trước đó và không đưa ra bất kỳ “bằng chứng” mới nào. Thẩm phán vẫn không công bố các phán quyết vào cuối phiên xét xử.
Bà Ngao Khải Trân, bà Đường Tổ Quần, bà Bành Chiêu Quân và bà Chương Hưng Liên
Bốn học viên đó là bà Ngao Khải Trân, bà Đường Tổ Quần, bà Bành Chiêu Quân, bà Chương Hưng Liên tất cả đều ở độ tuổi 50, đã bị bắt tại nhà riêng của họ vào ngày 10 tháng 9 năm 2019. Có thông tin cho rằng cảnh sát đã nhắm vào họ sau khi nhìn thấy họ treo các biểu ngữ Pháp Luân Công trên các đoạn video được camera giám sát ghi lại.
Bốn học viên đã ra hầu tòa tại Tòa án quận Giang Dương vào ngày 24 tháng 11 năm 2020. Luật sư của bà Đường và bà Chương đã nhận tội thay cho họ và yêu cầu một mức án tù nhẹ hơn. Bà Bành được đại diện bởi một luật sư do tòa án chỉ định, người cũng đứng ra nhận tội thay cho bà.
Trong khi gia đình bà Ngao thuê một luật sư từ Bắc Kinh để biện hộ vô tội cho bà, tòa án đã chỉ định một luật sư khác cho bà và tuyên bố rằng luật sư từ Bắc Kinh không được phép đến Lô Châu trong thời gian xảy ra đại dịch. Trong phiên xét xử vào ngày 24 tháng 11, luật sư riêng của bà Ngao vẫn tham dự và biện hộ vô tội cho bà, trong khi luật sư do tòa chỉ định đã nhận tôi thay cho bà, giống như đồng nghiệp của ông ta làm đại diện cho bà Bành.
Bây giờ bốn học viên đang chờ phán quyết bản án tại trại tạm giam Nạp Khê, nơi họ đã bị giam giữ kể từ khi bị bắt.
Một trường hợp bị giam giữ
Ông La Khánh Sinh, ngoài 70 tuổi, bị bắt cóc tại nhà vào cuối tháng 10 năm 2020. Hiện ông bị giam tại trại tạm giam huyện Cổ Lận và không được phép gặp mặt gia đình.
Vào ngày 25 tháng 8 năm 2020, hai tháng trước khi bị bắt, hai sĩ quan đã đột nhập vào nhà và tịch thu tài liệu Pháp Luân Công của ông và đưa ông đến Viện Kiểm sát huyện Cổ Lận. Một công tố viên hỏi ông đã lấy tài liệu ở đâu và phân phát tài liệu cho ai.
Ông La từ chối trả lời các câu hỏi nhưng đã giảng chân tướng về Pháp Luân Công. Ông cũng từ chối ký vào biên bản thẩm vấn dài hai trang do cảnh sát lập.
Một sĩ quan đã gọi cho người cấp trên của anh ta và nói: “Chúng tôi đã bắt một học viên Pháp Luân Công và đó là một vụ lớn. Chúng tôi nên làm gì? Chúng tôi sợ rằng chúng tôi không thể chịu trách nhiệm nếu chúng tôi đưa ra quyết định [về vụ việc].“ Mặc dù không rõ cấp trên của sĩ quan đã chỉ thị anh ta như thế nào, nhưng ông La sau đó đã được thả. Cảnh sát đã không trả lại các tài liệu bị tịch thu từ ông. Cũng không rõ liệu vụ bắt giữ hồi tháng 8 có dẫn đến vụ ông bị bắt và giam giữ gần đây nhất hay không.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/2/424076.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/2/193480.html
Đăng ngày 13-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.