Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Bắc Kinh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 25-05-2021] Cả cha và mẹ của bà Mạnh Khánh Hà đều là nghệ sỹ thành đạt ở Bắc Kinh. Vốn có năng khiếu về hội họa, bà Mạnh lớn lên với niềm yêu thích hội họa mạnh mẽ. Bà đã theo học tại Học viện Thiết kế và Mỹ thuật Trung ương nổi tiếng và trở thành một giáo viên mỹ thuật sau khi tốt nghiệp.
Từng có cuộc sống an nhàn sung túc, bà Mạnh đã gặp nhiều thách thức với gia đình chồng sau khi kết hôn. Bà cũng gặp mâu thuẫn trong công việc, khiến bà trở nên trầm cảm.
Bà Mạnh rất xúc động khi biết đến Pháp Luân Công vào năm 1999, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa rất phổ biến ở Bắc Kinh vào những năm 1990. Các bài giảng của Pháp Luân Công đã giúp bà có thể mở rộng tấm lòng, buông bỏ tự ngã của bản thân và suy xét vấn đề trên cơ điểm của người khác. Khuôn mặt bà đã rạng rỡ trở lại, bà trở nên yêu đời và tốt bụng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi bà tu luyện Pháp Luân Công, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã phát động cuộc bức hại trên phạm vi toàn quốc và thề sẽ tiêu diệt Pháp Luân Công trong ba tháng. Chỉ sau một đêm, cuộc sống của bà Mạnh đã bị đảo lộn. 20 năm kế tiếp, bà phải chịu đựng sự sách nhiễu không ngừng và bị cầm tù nhiều năm. Bà còn bị sa thải và chồng bà cũng ly hôn với bà.
Không lâu sau khi bị bắt giữ vào ngày 30 tháng 12 năm 2004, bà Mạnh đã bị Tòa án Quận Xương Bình kết án năm năm tù giam. Khi đó, con trai bà mới bắt đầu học tiểu học và người mẹ chồng ốm yếu đang cần sự chăm sóc của bà.
Tuy nhiên, khi bà kết thúc thời gian thụ án vào năm 2009 và chuẩn bị về nhà để đoàn tụ với gia đình, thì cảnh sát lại chuyển thẳng bà từ Nhà tù Nữ Bắc Kinh tới Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Bắc Kinh và bà bị giam giữ ở đó thêm ba năm.
Cuối năm 2012, khi trở về nhà, thì chồng bà đã ly hôn bà và ông ấy cũng từ bỏ quyền nuôi con trai. Không có nhà để về, bà Mạnh phải thuê một căn hộ và kiếm sống bằng việc bán tranh vẽ của mình.
Bà Mạnh đã tuân theo những giá trị truyền thống và đặt tâm huyết vào tác phẩm nghệ thuật của mình. Do đó, tranh vẽ của bà ngày càng phổ biến hơn và đôi khi mọi người còn gõ cửa nhà để yêu cầu bà vẽ tranh cho họ.
Cuộc sống yên bình kéo dài chưa được ba năm, thì bà Mạnh lại bị bắt giữ lần nữa vào ngày 20 tháng 7 năm 2015. Ban đầu, cảnh sát giam giữ bà tại Trại tạm giam Quận Xương Bình một tháng, sau đó họ chuyển bà tới một trung tâm tẩy não vào ngày 20 tháng 8. Trong thời gian đó, con trai vị thành niên của bà bị bỏ lại ở nhà một mình và phải tự chăm sóc cho bản thân.
Cảnh sát sách nhiễu bà Mạnh thêm hai lần nữa vào ngày 28 tháng 11 năm 2015 và ngày 19 tháng 11 năm 2017. Trong vụ sách nhiễu năm 2017, họ đã chụp hình tất cả những bức tranh vẽ của bà.
Khi đại dịch corona virus bùng phát vào đầu năm 2020, bà Mạnh cùng 10 học viên Pháp Luân Công khác đã tới Bắc Kinh để chụp hình những con đường vắng bóng người trong thành phố và đăng những bức ảnh lên mạng. Ngày 19 tháng 7 năm 2020, sau khi cảnh sát phát hiện ra điều đó, họ đã bắt giữ 11 học viên và trình hồ sơ vụ án của họ tới Viện Kiểm sát Quận Đông Thành.
Sau gần một năm bị giam giữ tại trại tạm giam Quận Đông Thành, bà Mạnh, hiện 49 tuổi, đang đối mặt với việc bị Tòa án Quận Đông Thành đưa ra xét xử.
10 học viên khác cũng đang đối mặt với xét xử gồm bà Hứa Na, ông Lý Tông Trạch, ông Lý Lập Tân, bà Tiêu Mộng Kiều, ông Lưu Cường, bà Trịnh Diễm Mỹ, bà Đặng Tĩnh, bà Trịnh Ngọc Khiết, ông Trương Nhậm Phi và bà Lý Giai Hiên.
Sự thay đổi của con trai
Năm 2012, khi bà Mạnh được trả tự do khỏi trại lao đông, con trai bà đã rất nổi loạn và luôn luôn gây gổ đánh nhau với người khác sau khi gia đình tan vỡ và thiếu vắng tình yêu của mẹ 10 năm.
Bà Mạnh rất đau lòng khi thấy tác động tiêu cực của cuộc bức hại tới con trai của bà và bà đã khóc ba ngày liên tiếp. Sau đó, bà quyết định dù con trai có gây rắc rối như thế nào đi nữa, bà sẽ đối xử với con trai bằng tấm lòng từ bi và kiên nhẫn hết mực để hướng cậu trở lại con đường ngay chính. Bà rất kinh ngạc khi sự chân thành của mình đã làm con trai cảm động và cháu thay đổi rất nhanh chóng. Cháu học tập chăm chỉ tại trường và tham gia vào những tổ chức sinh viên.
Bà Mạnh từng nói với con trai: “Mẹ rất xin lỗi vì mẹ không thể kiếm được nhiều tiền để cho con có được cuộc sống thoải mái.” Con trai bà trả lời: “Mẹ à, con còn cám ơn mẹ chưa hết. Chính mẹ đã kéo con ra khỏi việc mắc nhiều sai lầm hơn nữa. Con sẽ làm việc chăm chỉ trong tương lai và kiếm nhiều tiền để trả ơn mẹ.” Sau đó, con trai bà đã được nhận vào một trường đại học và đạt được thành tích xuất sắc trong học tập.
Bài liên quan:
Nghễ sĩ bị cầm tù: Tôi không thể giữ im nặng để bảo vệ lợi ích cá nhân của mình
Hồ sơ vụ việc của 11 cư dân Bắc Kinh bị trả lại cho cảnh sát vì không đủ bằng chứng
12 cư dân Bắc Kinh bị bắt giữ xung quanh ngày đánh dấu 21 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công
Một người dân thành phố Bắc Kinh vẫn bị giam giữ bảy tuần sau khi bị bắt vì đức tin của mình
Họa sĩ góa chồng ở Bắc Kinh bị bắt giữ một lần nữa vì kiên định đức tin
Sau 5 năm bị cầm tù, một họa sỹ Bắc Kinh lại bị bắt vì kiên định đức tin
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/25/426153.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/2/193491.html
Đăng ngày 12-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.