Bài viết của Lý Chính Khoan

[MINH HUỆ 10-02-2021] “Vào khoảng 7 giờ tối ngày 13 tháng 3 năm 2002, khi đi qua tầng hai để lên văn phòng của tôi ở trên tầng sáu, tôi nghe thấy tiếng kêu la và âm thanh của ai đó đang bị đánh đập từ một trong mấy phòng ở tầng này. Tôi mở cửa thì thấy mấy cảnh sát đang tra tấn ông Lưu Hải Ba. Ông ấy đang trong tình trạng bị lột sạch quần áo và bị cùm trong tư thế quỳ vào chiếc ghế dài. Đầu của ông cũng bị ghì chặt xuống. Hai cảnh sát vừa sốc điện ông ấy, vừa thọc dùi cui điện vào hậu môn của ông. Bên cạnh có mấy thanh gỗ gãy. Một phần rộng trên thân thể ông Lưu đã sưng u lên và thâm tím.”

Đây không phải là kể lại bộ phim hay cuốn truyện nào cả, mà là lời chứng của Hoắc Giới Phu, người mà tại thời điểm đó (năm 2002) là một giám sát viên của Văn phòng Bảo vệ Nội bộ thuộc Sở Cảnh sát Khoan Thành của thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Hoắc sinh năm 1970 và tốt nghiệp Trường Cảnh sát Cát Lâm vào năm 1993. Ông từng là Đồn trưởng Đồn Cảnh sát Nam Quảng Trường trước khi công tác ở Sở Cảnh sát Khoan Thành.

Một tuần trước khi tra tấn ông Lưu, các học viên Pháp Luân Công tại Trường Xuân đã chèn tín hiệu truyền hình vào ngày 5 tháng 3 để phát sóng thông tin về Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.

Thông tin phát đi trên sóng truyền hình cáp là thông tin về Pháp Luân Công và cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Cụ thể, các chương trình chiếu trên truyền hình tiết lộ rằng màn tự thiêu diễn ra vào hôm Giao thừa, tức ngày 23 tháng 1 năm 2001, là do ĐCSTQ dàn dựng để vu cho Pháp Luân Công và các học viên của pháp môn này là tà.

Ông Hoắc nhớ lại: “Giang Trạch Dân [lãnh đạo của ĐCSTQ bấy giờ là người đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999] rất tức giận và ông ta nạt nộ Bí thư tỉnh Cát Lâm Vương Vân Khôn, và lệnh cho ông ta đàn áp vụ này càng sớm càng tốt. Bởi vậy, vụ việc này đã trực tiếp thuộc sự kiểm soát của Bộ Công an”.

“Giết không bỏ sót”

Vào 7 giờ tối ngày 6 tháng 3 năm 2002, Cảnh sát trưởng Chu Xuân Minh của Sở Cảnh sát Khoan Thành đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt để phổ biến lệnh của sở cảnh sát thành phố, trong đó có lệnh “giết không bỏ sót” của Giang Trạch Dân. Cụ thể, Chu nói: “Phải huy động toàn bộ nhân sự để ‘đảm bảo trung thành với Giang và ĐCSTQ’ và để hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn này với ‘tinh thần trách nhiệm chính trị cao’”. Sở cảnh sát thành phố còn thề sẽ trừng phạt tàn khốc và tiêu diệt Pháp Luân Công mà không cần phải theo bất kỳ thủ tục pháp lý nào. Hơn 6.000 cảnh sát đã được triển khai để điều tra vụ việc này và để ngăn chặn việc chèn sóng truyền hình tương tự xảy ra lần nữa.”

Chính điều này đã khiến hơn 5.000 học viên ở thành phố Trường Xuân bị bắt giữ. Ngày 12 tháng 3, đặc vụ của Lữ đoàn Điều tra Tội phạm Số 2 thuộc Sở Cảnh sát Khoan Thành đã bắt giữ ông Lưu Hải Ba, một bác sỹ cùng vợ ông là bà Hầu Diễm Kiệt vì đã cung cấp chỗ ẩn náu cho những học viên tham gia vào chèn sóng truyền hình. Mấy đặc vụ của Lữ đoàn Điều tra Tội phạm này đã đánh đập ông Lưu và bà Hầu hồi lâu, đến tận ngày hôm sau (ngày 13 tháng 3).

Ông Hoắc đã chứng kiến cảnh ông Lưu bị tra tấn như đã mô tả ở đầu bài viết này. “Ngụy Quốc Trữ của Phòng Điều tra Kinh tế cũng có mặt trong phòng. Ông Ngụy và tôi hỏi đội trưởng Ngải Lực Dân tại sao ông ta cùng người của ông ta lại tra tấn ông Lưu tàn nhẫn đến như vậy. Ngải nói, họ phải ép ông Lưu khai ra các học viên khác bởi đây là lệnh của cấp trên. Ông ta nói mọi việc sẽ ổn và yêu cầu chúng tôi rời đi”, ông Hoắc cho biết thêm.

Ông Hoắc đang nghĩ đến việc tìm Tôn Lập Đông, một đội trưởng khác, để dừng việc này lại thì ông Ngụy nói đó không phải là việc của họ. Sau khi không tìm được Tôn, ông Hầu quay trở lại văn phòng của mình, nhưng 10 phút sau, ông lại ra ngoài. Ông Hoắc nói: “Tôi lên tầng ba để tìm Tôn một lần nữa. Ở cầu thang, tôi nghe tiếng hét của Tôn ở tầng dưới, ‘Đừng đánh đập!” Một người khác bước ra hỏi có chuyện gì, Tôn nói: “Một người đã chết ở đây rồi!”

“Lúc vào trong phòng, tôi thấy ông Lưu đã được cởi trói khỏi băng ghế, nằm dưới sàn nhà, và đã chết. Một số cảnh sát vội mặc lại quần áo cho ông nhưng không dễ. Ông Ngụy cũng bước vào và trông thấy việc này. Tôn yêu cầu Ngải giữ im lặng về việc này và bảo chúng tôi rời đi, và đi báo cáo sự việc với Cảnh sát trưởng Chu”, ông Hoắc nhớ lại.

Tuyên truyền kích động thù hận

Vậy tại sao Giang và các quan chức ĐCSTQ của ông ta lại sợ hãi đến thế khi sự thật được phát trên truyền hình cho dân chúng xem? Đó là bởi vì những chương trình này phơi bày những dối trá mà bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ biên tạo để vu khống và phỉ báng Pháp Luân Công.

Sau khi Đại sư Lý Hồng Chí truyền xuất Pháp Luân Công ra công chúng ở Trường Xuân vào năm 1992, môn tu luyện này đã nhanh chóng thu hút nhiều người học bằng nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn uyên thâm cùng năm bài công pháp nhẹ nhàng. Tới năm 1999, đã có khoảng 100 triệu học viên theo học pháp môn này. Những lợi ích to lớn về sức khỏe và đạo đực thăng hoa là chủ đề phổ biến trong nhiều gia đình, cộng đồng và mọi giai tầng xã hội. Bản tin tối Dương Thành và một số kênh thông tấn khác cũng đưa tin về việc môn tu luyện này đã cải biến cuộc sống của người dân tốt như thế nào.

Ở Trung Quốc, giới chính trị, giới giáo dục dồn dập quan tâm đến Pháp Luân Công, nhiều người trong thượng tầng xã hội còn bước vào tu luyện. Kiều Thạch, nguyên chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, đã lãnh đạo một nhóm quan chức tiến hành một cuộc khảo sát chuyên sâu vào năm 1998. Ông đã rút ra một kết luận: “Pháp Luân Công mang tới trăm điều lợi cho xã hội mà không có lấy một điều hại”. Sau khi báo cáo này được trình lên Bộ Chính trị vào cuối năm 1998, Giang trở nên lo sợ về sự phổ biến của Pháp Luân Công và kiên quyết đàn áp môn tu luyện này để củng cố sự thống trị của ông ta cũng như hệ tư tưởng cộng sản.

Ngay từ đầu năm 1996, Giang đã phái đi nhiều đặc vụ bí mật điều tra về Pháp Luân Công, hòng tìm ra sơ hở để đàn áp môn tu luyện này. Nhưng điều tra mấy năm không những không tìm ra được bất kỳ bằng chứng nào chống lại Pháp Luân Công mà còn khiến nhiều cảnh sát mật vụ biết đến Pháp Luân Công và trở thành người tu luyện.

Mặc dù đa số ủy viên Bộ Chính trị không ủng hộ đàn áp nhưng Giang vẫn cưỡng chế và công khai phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999. Tuy nhiên, mấy tháng sau, nhiều quan chức – cả các ủy viên Bộ Chính trị và các quan chức địa phương – đều không muốn hại những học viên vô tội, vì thế, các chính sách bức hại khó mà duy trì được.

Trước tình thế đó, Giang cùng đồng bọn đã dàn dựng màn tự thiêu đúng vào hôm Giao thừa, tức ngày 23 tháng 1 năm 2001. Tối đó, khi hầu hết các gia đình Trung Quốc đang quây quần trước màn hình ti vi để xem chương trình gala chào năm mới thì những cảnh đáng sợ của năm người đang bốc cháy trên Quảng trường Thiên An Môn đột nhiên xuất hiện trên màn hình ti vi. Những người tự thiêu được tuyên bố là học viên Pháp Luân Công tự thiêu theo lời giảng của môn tu luyện này để được viên mãn. Những hình ảnh đám cháy, cảnh sát cầm bình chữa cháy, và một bé gái bị bỏng tới mức biến dạng đã dấy lên sự thù ghét và nỗi sợ Pháp Luân Công trong dư luận.

Các kênh thông tấn cũng đưa tin ngay sau đó. Trong vòng bốn ngày kể từ ngày 31 tháng 1 năm 2001, Tân Hoa Xã và Thông tấn Xã Trung Quốc lần lượt đăng 107 và 64 bản tin phê phán và vu cho Pháp Luân Công là tà trong khi “quần chúng các giới” ở 14 tỉnh cũng “tình nguyện” dồn dập khiển trách môn tu luyện này. Chỉ trong vòng một tháng, hơn 2.000 tờ báo, trên 1.000 tạp chí, và hàng trăm đài phát thanh, truyền hình đã nhất loạt rầm rộ phỉ báng Pháp Luân Công. Điều này đã khiến toàn bộ xã hội quay lưng lại với Pháp Luân Công và nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Nhiều người đã hoàn toàn quên mất những câu chuyện trước đây về uy lực chữa bệnh kỳ diệu của Pháp Luân Công và những việc làm tốt của các học viên sau khi tu luyện.

Những người tiên phong vượt qua sự phong tỏa thông tin

Để giúp công chúng nhìn thấu chân tướng màn tự thiêu giả, một số học viên Pháp Luân Công ở Trường Xuân đã chèn tín hiệu truyền hình và phát video vạch trần trò lừa bịp này qua tám kênh truyền hình cáp.

Chương trình bắt đầu phát sóng vào lúc 7 giờ 19 phút tối ngày 5 tháng 3 năm 2002. Toàn thành phố Trường Xuân đã sốc khi xem video dài 50 phút cho thấy màn tự thiêu này là do ĐCSTQ dàn dựng.

Mọi người nhận ra vụ tự thiêu này có quá nhiều sơ hở. Vương Tiến Đông, một trong những người tự thiêu, toàn thân bị cháy mà tóc và chai nhựa Sprite chứa đầy xăng kẹp giữa hai chân vẫn nguyên vẹn. Lưu Xuân Linh, một người được cho là tự thiêu khác, thực tế đã bị một người mặc áo choàng cảnh sát quăng một vật nặng vào đầu, còn con gái bị bỏng nặng của cô ta lại hát được trong một cuộc phỏng vấn chỉ vài ngày sau khi được phẫu thuật mở khí quản.

Ngày 6 tháng 12 năm 2010, tờ The Weekly Standard đã đăng một bài viết về sự việc này với tựa đề: “Chèn sóng ngắn: Một nhóm hiệp sỹ vô danh Trung Quốc đã bồi đắp công cuộc vì tự do trên thế giới như thế nào” (Into Thin Airwaves: How a Handful of Unknown Chinese Martyrs Aided the Cause of Freedom Around the World). “Buổi phát sóng của Pháp Luân Công đã phát trên tám kênh trong vòng 50 phút, thu hút hơn một triệu người xem, hiệu ứng lan truyền, người ta gọi điện cho nhau, bảo bật tivi lên ngay mà xem. Ở một số khu vực lân cận, các quan chức đảng không còn cách nào, phải ra lệnh cắt điện, khiến nhiều khu phố chìm trong bóng tối”, bài báo có viết. Bài báo này cũng nhắc tới những học viên đã chèn sóng truyền hình gồm có: Lương Chấn Hưng, Lưu Thành Quân, Lưu Hải Ba, Chu Nhuận Quân, Hầu Minh Khải và Lôi Minh.

Tác động của vụ chèn sóng truyền hình này đã khiến Giang bị chọc tức và ra lệnh “giết không bỏ sót”. Hàng nghìn học viên đã bị bắt trong mấy ngày, trong đó một số đã bị tra tấn đến chết.

Một lần nữa, ĐCSTQ lại che giấu sự tàn bạo của nó. Ngày 16 tháng 3 năm 2002, ba ngày sau khi ông Lưu bị đánh tới chết, Chu Xuân Minh, cảnh sát trưởng của Khoan Thành, đã tuyên bố trong một cuộc họp rằng ông Lưu qua đời vì đau tim và mỗi phòng phải cử người tới canh nhà xác để ngăn không cho gia đình và bạn bè của ông Lưu tìm thấy thi thể ông. Nhiều nữ cảnh sát cũng được bố trí canh bà Hầu, vợ ông Lưu, đang phải nằm viện tại thời điểm đó.

Ông Hoắc đã từ chối hợp tác từ khi chứng kiến ông Lưu bị tra tấn như thế nào. Vì điều này và vì những nhận định của ông về tính phi pháp của cuộc bức hại này mà ông bị đuổi khỏi cuộc họp. Sau đó, ông đã trốn khỏi Trung Quốc vào tháng 6 năm 2002. Ngày 7 tháng 1 năm 2004, ông đã cung cấp lời chứng như trên cho Minh Huệ Net.

Bị kết án dài hạn vì hành động quả cảm

Vụ việc chèn sóng truyền hình xảy ra vào năm 2002, khoảng một năm sau khi vụ dàn dựng tự thiêu diễn ra, và đến nay đã 19 năm trôi qua.

Nhiều học viên đã phải chịu đựng thống khổ lớn vì chiến công quả cảm khi phơi bày những dối trá của ĐCSTQ về Pháp Luân Công. Tòa Trung cấp Trường Xuân đã kết án tù 15 học viên vào ngày 18 tháng 9 năm 2002: Bà Chu Nhuận Quân (20 năm), ông Lưu Vỹ Minh (20 năm), ông Lưu Thành Quân (19 năm), ông Lương Chấn Hưng (19 năm), ông Trương Văn (18 năm), ông Lôi Minh (17 năm), ông Tôn Trường Quân (17 năm), ông Lý Đức Hải (17 năm), bà Triệu Kiện (15 năm), ông Vân Khánh Bân (14 năm), ông Lưu Đông (14 năm), ông Ngụy Tu Sơn (12 năm), ông Trang Hiển Khôn (11 năm), bà Trần Diễm Mai (11 năm) và bà Lý Hiểu Kiệt (4 năm).

Hơn nữa, một số học viên như ông Lưu Thành Quân, ông Lôi Minh, ông Lương Chấn Hưng và ông Hầu Minh Khải đã bị bức hại tới chết.

Thủ phạm gặp quả báo

Vì những hành động thái quá và tàn ác đối với các học viên Pháp Luân Công, trong những năm qua, một số cảnh sát ở Trường Xuân đã gặp quả báo. Dưới đây là một vài ví dụ.

Tôn Lập Đông, sinh tháng 11 năm 1952, là một đội trưởng ở Sở Cảnh sát Khoan Thành khi sự việc chèn sóng truyền hình xảy ra. Ông ta là một trong những thủ phạm chính gây ra cái chết của ông Lưu, còn cầm đầu những cảnh sát khác bắt giữ tổng cộng 100 học viên. Ông ta bị đột tử tại văn phòng của mình vào đầu năm 2004, và cấp dưới của ông ta nói rằng đó là do quả báo vì bức hại Pháp Luân Công. Vì thế, một số cảnh sát không dám ngược đãi các học viên nữa, cho dù chính quyền đã trao bằng khen cho Tôn là “Top 10 người đáng tin cậy nhất” sau khi ông ta qua đời.

Lưu Nguyên Tuấn, 54 tuổi, là Bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) Trường Xuân. Ông ta phụ trách việc bức hại ở Trường Xuân sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999. Ông ta cũng chỉ huy việc bắt giữ khoảng 5.000 học viên sau vụ chèn sóng truyền hình. Ông ta đổ bệnh vào giữa tháng 4 năm 2006 và chết vì ung thư gan vào ngày 4 tháng 5 năm 2006.

Trương Huy, 46 tuổi, một thẩm phán của Tòa Trung cấp Trường Xuân, đã chủ trì các phiên tòa xét xử các học viên bị bắt giữ vì tham gia chèn sóng truyền hình. Ông ta chết vì xuất huyết não đột ngột vào ngày 2 tháng 3 năm 2006.

Tôn Vạn Thắng, nguyên chủ tọa của Tòa Trung cấp Trường Xuân, là một thủ phạm chính phụ trách các phiên tòa xét xử các học viên bị bắt giữ vì chèn sóng truyền hình. Ông ta đã phê duyệt tất cả các bản án đối với các học viên ở Trường Xuân. Ông ta sau đó đã bị điều tra về tội hối lộ.

Điền Trung Lâm, 66 tuổi, nguyên phó Thị trưởng kiêm Cảnh sát trưởng Trường Xuân. Ông ta đã trực tiếp ra lệnh tra tấn các học viên bị bắt vì chèn sóng truyền hình. Sau khi bị bắt vào năm 2011, ông ta bị kết án 11 năm tù giam.

Tống Lợi Phi, là phó Bí thư của Tòa Trung cấp Trường Xuân, người đã kết án những học viên thực hiện chặn tín hiệu truyền hình. Ông ta bị điều tra vào tháng 6 năm 2018 vì những hoạt động phi pháp.

Lưu Bồi Trụ, Phó Sở Cảnh sát Trường Xuân tại thời điểm đó, đã chủ động thực thi mệnh lệnh “giết không bỏ sót” của Giang đối với các học viên. Ông ta bị hạ bệ vào tháng 1 năm 2020 và bị mất chức.

Những người làm việc trong các hãng thông tấn cũng chịu chung số phận vì những việc làm xấu của họ. Trần Manh, phó giám đốc của Phòng duyệt tin của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), được chẩn đoán ung thư dạ dày và ung thư gan vào năm 2008. Ông ta chết ở tuổi 47 khoảng 9 tháng sau đó. La Kinh, người dẫn chương trình tin tức của CCTV, người phát sóng những bản tin giả về vụ Thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, sau đó là vụ tự thiêu dàn dựng năm 2001, bị chẩn đoán bị ung thư hạch vào năm 2009. Trước khi chết ở tuổi 48, miệng và lưỡi của ông ta bị lở loét, khiến ông ta không nói được. Phương Tĩnh, một nữ dẫn chương trình tại thời điểm đó, đã chết ở tuổi 44 vào năm 2015.

Từ xưa đến nay, luôn có một niềm tin rằng “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Khi một người lựa chọn đi theo ĐCSTQ để làm việc xấu và hãm hại những người vô tội vì đức tin của họ thì hậu quả có thể rất nghiêm trọng.

Kết luận

Ngày 23 tháng 1 năm 2020, 19 năm sau khi diễn ra màn tự thiêu giả, Vũ Hán đã bị phong tỏa để hạn chế sự phát tán của virus corona. Phải chăng là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi lệnh phong tỏa và màn tự thiêu diễn ra cùng một ngày? Các học viên Pháp Luân Công tin rằng, trong công tác xử lý virus, ĐCSTQ đã và đang dùng những thủ đoạn lừa đảo tương tự như trong cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Một số những người tiên phong, những người đã chèn sóng truyền hình để phơi bày trò lừa bịp tự thiêu của ĐCSTQ, đã qua đời, nhưng rất nhiều học viên khác đang nỗ lực không biết mệt mỏi để phổ biến thông tin cho công chúng về sự lừa dối và bạo lực của ĐCSTQ, gồm cả việc che đậy virus corona. Họ khuyên mọi người cắt đứt quan hệ với ĐCSTQ để tránh bị truy cứu trách nhiệm khi ĐCSTQ bị đưa ra công lý. Họ cũng chia sẻ những câu chuyện đã khỏi bệnh sau khi nhiễm virus bằng cách niệm: “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”. Nhiều người nghe theo lời khuyên của họ cũng đã trải nghiệm sự bình phục thần kỳ.

Mấy thập kỷ qua, ĐCSTQ còn thúc đẩy sự tàn bạo và dối trá của nó ra toàn cầu, khiến xã hội phương Tây gần như mất đi sự tự do và toàn vẹn. Bài trừ ĐCSTQ sẽ giúp chúng ta đi đúng hướng và mang lại cho chúng ta phúc báo.

Bài viết liên quan:

Lời chứng của nhân chứng trực tiếp từng là cảnh sát: Hai ngày cuối của ông Lưu Hải Ba


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/2/7/419617.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/2/10/190343.html

Đăng ngày 25-02-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share