Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-02-2021] Một người đàn ông góa vợ ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã không trụ được trước cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công kéo dài suốt 2 thập kỷ qua và đã qua đời ở tuổi 56 vào ngày 20 tháng 1 năm 2021. Trước khi chết, ông Dương Truyền Quân đã bị bắt giữ nhiều lần và bị kết án tù 2 lần, tổng cộng 9 năm. Vợ ông, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã mất đi sinh mạng 16 năm trước sau khi phải chịu những đòn tra tấn tàn bạo của cảnh sát nhà tù.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân bị chính quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp từ ngày 20 tháng 7 năm 1999.

Những lần bị bắt giữ đầu tiên

Ông Dương, một trong những tình nguyện viên điều phối điểm tập Pháp Luân Công ở Đại Liên, bị đưa vào danh sách theo dõi đặc biệt khi cuộc đàn áp bắt đầu. Vào lúc 4h15 sáng ngày 20 tháng 7 năm 1999, một nhóm cảnh sát đã đột nhập vào nhà ông và bắt ông đi.

Không rõ điều gì đã xảy ra với ông Dương sau lần đầu tiên ông bị bắt. Lần bắt giữ thứ hai là khi ông bị giam ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia vào năm 2000, ông đã bị bất tỉnh trong 10 tiếng đồng hồ do mệt mỏi vì bị ép lao động khổ sai.

Án tù đầu tiên

Ông Dương lại bị bắt vào ngày 24 tháng 4 năm 2002, và bị giam ở Trại tạm giam Diêu Gia trong vài tháng. Cảnh sát đã cố đưa ông đến Trại lao động Mã Tam Gia một lần nữa, nhưng trại lao động đã từ chối nhận ông. Mặc dù cảnh sát đã phóng thích ông sau đó, họ vẫn quản thúc ông tại gia và không cho ông đi làm.

Để bỏ tù ông Dương, cảnh sát đã ngụy tạo bằng chứng chống lại ông và cáo buộc ông tổ chức một hội nghị quốc tế của các học viên Pháp Luân Công tại Đại Liên.

Ông Dương lại sớm bị bắt trở lại. Ông bị đưa ra xét xử tại Tòa án quận Cam Tỉnh Tử vào ngày 21 tháng 1 năm 2003. Ông tuyên bố rằng tu luyện Pháp Luân Công không có gì sai và cho biết cảnh sát đã đánh đập ông và sốc điện ông bằng dùi cui điện trong 3 ngày để bắt ông thú tội. Thẩm phán đã bí mật kết án ông 4 năm tù ở Trại tù thành phố Đại Liên.

Vì ông Dương tuyệt thực để phản đối cuộc đàn áp, các lính canh đã giam ông trong một xà-lim nhỏ, bức thực ông và nhét sâu ống bức thực vào trong dạ dày ông để khiến ông đau đớn.

Án tù lần 2

Ông Dương lại bị bắt lần nữa vào ngày 19 tháng 6 năm 2007. Ông thường xuyên bị tra tấn đến mức ngất đi và nôn ra máu. Khi ông được đưa đến Bệnh viện Trung tâm Đại Liên, huyết áp của ông rất cao.

Tòa án quận Tây Cương đã có 2 phiên xét xử trường hợp của ông (phiên đầu tiên vào ngày 14 tháng 9 năm 2007), nhưng công tố viên đã không thể đưa ra bất cứ bằng chứng nào. Tại phiên xử thứ 3, công tố viên thậm chí còn không tham dự, thẩm phán đã trực tiếp kết án ông Dương 5 năm tù ở Trại tù Đông Lăng ở Thẩm Dương. Ông đã phản đối bản án tại tòa nhưng thẩm phán đã nhanh chóng rời đi mà không nói một lời nào.

Cái chết bi kịch của vợ ông

Vợ ông Dương, bà Đái Chí Quyên, là một bác sĩ lâu năm tại Bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em Thành phố Đại Liên.

Bà Đái đã bị bắt khi đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào tháng 4 năm 2000 và bị giam tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia. Ở đó, bà đã bị đánh đập, không cho ngủ, phải lao động cưỡng bức, bị cô lập và giám sát, bị tiêm các loại thuốc không rõ tên, v.v… Bà đã bị tra tấn đến mức không thể tự chăm sóc bản thân mình và được phóng thích vì lý do y tế.

Bà Đái lại bị bắt cùng với ông Dương vào ngày 24 tháng 4 năm 2002. Bà đã bị kết án lần thứ 2 tại Trại lao động Mã Tam Gia trong 3 năm. Việc tra tấn đã khiến bà tàn tạ cả về thể chất lẫn tinh thần. Bà không thể ăn uống được gì và lại được phóng thích vì lý do y tế.

Tám cảnh sát đã cố gắng bắt bà Đái và mẹ của bà vào ngày 1 tháng 9 năm 2004, nhưng không thành. Sau đó, 4 cảnh sát mặc thường phục đã ở lại lối vào của tòa nhà chung cư của bà để theo dõi bà. Bà Đái buộc phải sống xa nhà để tránh bị bức hại. Bà đã qua đời ngày 21 tháng 12 năm 2005.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/2/9/420086.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/2/10/190444.html

Đăng ngày 06-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share