Bài viết của Diệc Nhiên

[MINH HUỆ 02-05-2021] Lịch sử là những sự việc đã qua, là điều mà chúng ta chỉ có thể lấy làm bài học, chứ không thể sửa đổi. Tuy nhiên, kể từ khi nắm quyền vào năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã liên tục sửa đổi lịch sử theo hướng có lợi cho nó. Nền văn minh Trung Hoa có bề dày lịch sử ít nhất 5.000 năm, vì vậy lịch sử của Trung Quốc không giống với lịch sử ngắn ngủi của ĐCSTQ, đó là sự thật mà ĐCSTQ không thể thay đổi.

Mặc dù vậy, ĐCSTQ đã không ngừng tìm cách sửa lại lịch sử để tẩy não người dân Trung Quốc, đặc biệt là các thế hệ trẻ, bằng hệ tư tưởng chủ nghĩa cộng sản, gieo rắc nỗi sợ vào tâm trí, và củng cố sự cai trị độc tài của nó. Chẳng hạn, trong lần sửa đổi gần đây nhất về lịch sử của ĐCSTQ, nó đã lược bỏ những bi kịch trong các phong trào chính trị và xóa sạch cuộc Cách mạng Văn hóa khỏi các sách lịch sử.

Theo Tinh Đảo Nhật báo và các hãng thông tấn khác, phiên bản gần đây nhất về Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc được công bố vào tháng 2 năm nay đã lược bỏ những nội dung như cuộc vận động Chỉnh phong (nhắm vào những người bất đồng chính kiến với ĐCSTQ), Phản hữu (Chống Cánh hữu), Đại Nhảy vọt, và Công xã Nhân dân. Những tổn thất của Cách mạng Văn hóa cũng được xóa bỏ, mà hệ quả của sự phá hoại này lại được tuyên bố thành sáng kiến chống tham nhũng và các nhóm tinh hoa.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về chủ đề này và lý giải vì sao những sửa đổi đó có thể đánh lạc hướng. Trên thực tế, Cách mạng Văn hóa là một thảm họa, cả về mặt văn hóa lẫn chính trị. Nó đã thúc đẩy tầng lớp tinh hoa của ĐCSTQ tham nhũng và tiếp tục bóc lột người dân Trung Quốc cho đến ngày nay.

Thảm họa văn hóa chưa từng có

Trung Quốc có lịch sử lâu đời với bề dày khoảng 5.000 năm, và Bắc Kinh từng là kinh đô của mấy triều đại. Nhưng một phong trào gọi là “Phá tứ cựu” (phá bỏ các tư tưởng cũ, văn hóa cũ, tập quán cũ và phong tục cũ) đã được phát động ở Bắc Kinh vào đầu cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1966. Phong trào này do những học sinh, sinh viên quá khích, gọi là Hồng vệ binh, phát động; nó căn bản là một mớ hỗn độn, từ hủy hoại các di sản, vật thể, đánh đập người dân, đến lục soát nhà cửa. Nó nhanh chóng lan rộng ra toàn Trung Quốc và gây ra những tổn thất khôn lường.

Vào thời điểm đó, hơn 114.000 hộ gia đình ở Bắc Kinh đã bị lục soát, riêng khu dân cư Phúc Tuy Cảnh đã có 1.061 hộ gia đình. Sách báo, tác phẩm nghệ thuật và đồ khảo cổ cướp được đều bị thiêu rụi trong tám ngày. Chỉ riêng ở Bắc Kinh, hơn 2,35 triệu sách cổ và gần 4 triệu tác phẩm thư pháp và nghệ thuật, cùng đồ nội thất cổ đã bị tịch thu. Nhiều tác phẩm nghệ thuật trong Di Hòa Viên, một khu vườn thượng uyển vô giá của triều đại nhà Thanh, cũng bị phá hủy.

Những điều tương tự đã xảy ra ở Thượng Hải và các thành phố khác. Một bức tượng Phật cao 7 thước (~23 mét) và khoảng 1.000 bức tượng nhỏ trong chùa Long Hoa nổi tiếng đã bị đập vỡ nát. Thậm chí một bức tượng còn bị chặt đầu. Nhưng các quan chức ĐCSTQ cũng cứ nhắm mắt làm ngơ. Thủ tướng lúc đó là Chu Ân Lai đã nhận định: “100.000 nhà tư bản đã bị lục soát nhà [ở Thượng Hải]“, ngụ ý rằng kẻ thù của nhà nước đáng bị đối xử như vậy.

Trên khắp Trung Quốc, khoảng chục triệu hộ gia đình tư sản đã bị lục soát. Vô số thảm kịch đã xảy ra với các di tích lịch sử trên khắp Trung Quốc, và nhiều học giả, người nổi tiếng và những thường dân đã bị nhắm mục tiêu, thậm chí một số người còn bị giết.

Một nhà văn nổi tiếng tên là Tần Mục đã từng nói, “Đây là một thảm họa chưa từng có. Hàng triệu người bị nhắm mục tiêu và đã chết, nhiều gia đình tan vỡ với những thanh niên trở thành côn đồ, vô số sách bị đốt cháy, và các di tích lịch sử bị hủy hoại. Ngay cả mồ mả của tổ tiên cũng bị đào lên và rất nhiều tội ác đã được thực hiện dưới danh nghĩa cách mạng”.

Nhưng những vụ giết chóc, đốt phá, cướp bóc, trộm cướp, gây thiệt hại cho lịch sử và văn hóa như vậy hiện được ĐCSTQ dán nhãn là một chiến dịch chống tham nhũng.

Các quan chức biển thủ di vật văn hóa

Như thường lệ, lấy danh nghĩa “Phá tứ cựu”, Cách mạng Văn hóa đã trở thành nơi để các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ tích lũy tài sản cho bản thân. Đó là Trần Bá Đạt, Giang Thanh, Khang Sanh, và những người khác. Đây không phải là bí mật giữa các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, nhưng rất ít thường dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, biết điều này.

Năm 1970, Giang Thanh, người vợ cuối cùng của Mao Trạch Đông, cùng Khang Sanh, lúc đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, đi “mua đồ” ở Văn phòng Quản lý Di vật Văn hóa Bắc Kinh. Giang Thanh chọn một chiếc đồng hồ bỏ túi 18K của Pháp có gắn gần 100 viên ngọc trai và đá quý, cùng với bốn dây chuyền vàng, mà chỉ trả 7 nhân dân tệ cho chiếc đồng hồ.

Sau khi Khang Sanh qua đời vào năm 1975 và Cách mạng Văn hóa kết thúc vào năm 1976, một “cuộc triển lãm” nội bộ đã được tổ chức tại Di Hòa Viên vào những năm 1990 để trưng bày khoảng 1.000 di vật do Khang lấy, trong đó có những món đồ bằng đồng 3.000 năm tuổi, một con dấu 2.000 năm tuổi của tướng quân triều đại nhà Hán là Hàn Tín, bản viết tay sớm nhất của cuốn tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng, và con dấu cổ đại Trịnh Bản Kiều. Khang cũng đóng con dấu của riêng mình trên một số di tích từ thời nhà Đường để thể hiện “quyền sở hữu” chúng.

Sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, Bộ Văn hóa đã quyết định trả lại một số đồ vật tịch thu từ họa sỹ Hiệp Thiển Dữ. Nhưng một số đã “không thể lấy lại được” vì chúng đã bị các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ lấy đi. Bộ chỉ cung cấp danh sách sau cho họa sỹ Hiệp: Trần Bá Đạt (9 thứ), Lâm Bưu (11 thứ), vợ chồng Khang Sanh (8 thứ), Giang Thanh (3 thứ), và những người khác.

Các Hồng vệ binh cũng cóp nhặt đồ trong Cách mạng Văn hóa. Nhà văn Phùng Ký Tài đã phỏng vấn một Hồng vệ binh từng tiếp kiến Mao Trạch Đông trên Quảng trường Thiên An Môn vào mùa thu năm 1966. Sau sự kiện này, có rất nhiều miếng vàng rải rác trên mặt đất. Theo Hồng vệ binh này, anh ta và những người khác thường lấy những vật có giá trị như vàng thỏi hoặc vàng miếng khi lục soát các nhà giàu. Khi đám người cuồng nhiệt nhảy lên như điên dại trước sự hiện diện của Mao, một số “chiến lợi phẩm” mà họ thu gom được đã rơi ra khỏi túi …

Mao: Nguồn gốc của sự tham nhũng

Ngày xưa ở Trung Quốc, hầu hết ai cũng có một cuốn sách của Mao và mấy cuốn Sách Đỏ Nhỏ. Ít ai biết rằng Mao đã được trả tiền hoa hồng cho cuốn sách của ông ta. Một bài báo cho biết Mao được trả khoảng 5,7 triệu nhân dân tệ tiền hoa hồng vào năm 1967, đủ để khiến ông ta trở thành người giàu nhất Trung Quốc vào thời điểm đó.

Năm 2011, khi nhà kinh tế Hoa kiều Mao Vu Thức viết bài để lên án sự độc tài và cuộc đời tham nhũng của Mao Trạch Đông, một số người cho rằng không có tham nhũng trong thời đại của Mao. Nhưng đối với những người am hiểu lịch sử thì không phải vậy.

Nhà báo Vương Thực Vị, khi còn ở Diên An (một thành phố cấp tỉnh ở vùng Sơn Bắc thuộc tỉnh Thiểm Tây, nơi ĐCSTQ đặt trụ sở trước khi nắm quyền vào năm 1949), đã nhận thấy Mao thích phụ nữ đẹp và chú trọng đến đặc quyền đặc lợi của các quan chức ĐCSTQ. Ông viết trong “Hoa Huệ hoang dã” vào năm 1942: “Quần áo được chia thành ba màu, thực phẩm được chia thành năm hạng”. Trong bài báo, ông cũng viết các quan chức ĐCSTQ đắm chìm trong đàn hát, khiêu vũ và phụ nữ như thế nào. Trong vòng vài tháng, ông đã bị phê phán, sau đó bị xử tử.

Trương Nhung, một nhà văn người Anh gốc Hoa, cũng đã ghi lại điều này trong ”Mao: Câu chuyện chưa được biết“ (Mao: The Unknown Story.) Từ hồi còn ở Diên An, Mao đã yêu cầu bà Đinh Linh, một nữ văn sỹ của hoàng gia, lập một danh sách các phụ nữ trẻ đẹp trong vùng để ông ta phong cho họ làm phi tần. Ngay cả trong nạn đói lớn ở Trung Quốc từ năm 1959 đến năm 1961, Mao vẫn cho xây dựng nhiều dinh thự sang trọng ở khắp Trung Quốc. Bành Đức Hoài, một trong những tướng lĩnh xuất sắc nhất và là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của ĐCSTQ, đã bị hạ bệ vì chỉ trích lối sống sa đọa của Mao, sau đó đã chết trong tù.

Trương Diệu Từ, một sỹ quan phụ trách đội cận vệ của Mao, cũng kể về cuộc đời xa hoa của Mao. Ngay cả khi khâu lại một chiếc cúc áo sơ mi, ông ta cũng yêu cầu phải do khách sạn Cẩm Giang ở Thượng Hải làm. Như thế có nghĩa là sẽ có một người được chỉ định vận chuyển nó bằng máy bay đặc biệt, rồi lại nhận về bằng chiếc máy bay đặc biệt… Mao còn thích ăn cá từ Vũ Xương ở tỉnh Hồ Bắc, Tiền Đường và Thái Hồ ở tỉnh Chiết Giang. Những thứ này được vận chuyển cho ông ta bằng máy bay đặc biệt.

Tham nhũng bắt đầu từ cấp tối cao, trung tâm nhất, và ngày càng tràn lan. Tương tự, các quan chức khác cũng được hưởng một cuộc sống xa xỉ bằng tiền công quỹ.

Một số hãng truyền thông ở Hồng Kông đã đưa tin về dinh thự thuộc sở hữu của Khang Sanh và vợ Tào Dật Âu, với cấu trúc tinh tế và có tổng cộng 39 phòng. Các quan chức cấp cao khác của ĐCSTQ cũng có các đặc quyền như dịch vụ bí mật, căn hộ văn phòng, thiết bị, đồ nội thất, ô tô, rượu và thuốc lá nhãn hiệu đặc biệt, báo hàng ngày và giáo dục trẻ em. Tất cả đều là những dịch vụ đặc biệt được cung cấp miễn phí kể từ năm 1950 cho các quan chức trung ương ĐCSTQ và gia đình họ. Trường Bát Nhất, Trường Quốc Khánh, Trường Cảnh San, Trường trung học 101, và một số trường học khác đều thuộc loại này với đội ngũ nhân viên đặc biệt cùng các nhân lực thuộc hàng ưu tú. Tất cả đều được quy định bằng chính sách của ĐCSTQ. Đó chính là tham nhũng giữa thanh thiên bạch nhật.

Trong những ngày đó, dân thường phải học tập các bài viết của Mao và coi chúng như thánh thư; nếu không, họ sẽ bị xem là đối tượng chống ĐCSTQ. Trong khi đó, các quan chức trung ương ĐCSTQ tận hưởng lối sống tham nhũng mà họ đã thề sẽ “tiêu diệt”. Chẳng hạn, Mao đã giới thiệu Kim Bình Mai, một cuốn sách khiêu dâm hàng đầu trong lịch sử Trung Quốc, cho tất cả các quan chức cấp tỉnh với danh nghĩa “tìm hiểu xem” phụ nữ trong quá khứ đã bị “ngược đãi” như thế nào.

Tham nhũng tràn lan trong cuộc cách mạng văn hóa

Học giả nổi tiếng Dịch Trung Thiên cho biết tham nhũng tràn lan bắt đầu từ thời Cách mạng Văn hóa. Ông viết, “Vào thời điểm đó, người dân thành phố phải biếu thuốc lá mới mua được sườn (là thứ hàng bị kiểm soát) về nấu ăn, và nông dân phải biếu trứng mới được vào thành phố. Thanh niên bị điều đến vùng sâu vùng xa còn tệ hơn – đàn ông phải hối lộ, còn phụ nữ phải bán thân.”

Lưu Tân Nhạn, tác giả và nhà báo, đã vạch trần hành vi hối lộ nghiêm trọng trong một bài báo của ông năm 1978 có tiêu đề “Người hay quái vật”. Ông đưa ra một ví dụ về Vương Thủ Tín, giám đốc kiêm bí thư chi bộ Đảng của một công ty dịch vụ công ích quận ở tỉnh Hắc Long Giang đã biển thủ hơn 500.000 nhân dân tệ từ tháng 11 năm 1971 đến tháng 6 năm 1978. Số tiền đó vào thời điểm đó có sức mua tương đương với hơn 10 triệu nhân dân tệ (1,5 triệu USD) ngày hôm nay.

Sau Cách mạng Văn hóa, ĐCSTQ đã tiến hành nền kinh tế kế hoạch cho đến đầu những năm 1990. Trong thời gian đó, các nguồn tài nguyên đều bị quản lý tập trung, còn dân thường muốn làm gì cũng phải hối lộ. Chẳng hạn, vì hầu như không có bác sỹ có chứng chỉ nên người dân phải tìm dịch vụ y tế của các bác sỹ chân đất không chính thức. Mặc dù bề ngoài là miễn phí, nhưng người ta phải mang theo thực phẩm ngon làm quà biếu để được khám chữa bệnh. Thanh niên bị điều xuống vùng nông thôn phải đút lót cho bí thư chi bộ thôn để được phân công việc dạy học thời vụ, hoặc đút lót nhiều hơn để về thành phố.

Đi cửa sau đã là một cái lệ kể từ thời Cách mạng Văn hóa. Từ khi các quan chức ĐCSTQ nắm quyền, dân thường phải hối lộ để nhập ngũ, vào đại học, tìm việc làm, nghỉ hưu sớm do sức khỏe kém, hoặc về thành phố. Ngay cả khi xem phim, mua xe đạp, hay mua hàng hóa khan hiếm cũng phải đi cửa sau. Các quan chức và gia đình họ có đủ loại đặc quyền, còn dân thường không có gì cả.

Như thường lệ, tình trạng này cũng bị ĐCSTQ phớt lờ. Để bật đèn xanh cho tình trạng này, Mao viết trong chỉ thị, “Có những người tốt đi bằng cửa sau, và có những kẻ xấu bằng cửa trước.”

Một thời kỳ hỗn loạn như vậy đã tạo ra đủ loại người và tình huống kỳ quái. Năm 1972, Lý Khánh Lâm, một giáo viên ở tỉnh Phúc Kiến, đã viết thư cho Mao than phiền rằng một số thanh niên cần giải quyết mọi việc bằng cửa sau. Rồi thế nào đó mà Mao đã trả lời và gửi cho anh ta 300 nhân dân tệ.

Được tâng bốc bằng vinh dự “long trọng” như vậy, Lý Khánh Lâm đã trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm, đến cả các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ cũng bắt đầu làm vui lòng anh ta vì mối quan hệ của anh ta với Mao. Nhưng đến năm 1977, anh ta đã bị bỏ tù do cuộc đấu đá nội bộ trong ĐCSTQ, khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền.

Con tàu đang đắm

Bào Đồng, thư ký của cựu thủ tướng Triệu Tử Dương, từng nói ĐCSTQ là giai cấp đặc quyền tuyệt đối.

Điều này thật trớ trêu vì từ Karl Marx đến ĐCSTQ, những người cộng sản này luôn chủ trương đấu tranh giai cấp để giải phóng người nghèo bằng cách tiêu diệt giai cấp thượng lưu. Nhưng một khi lên nắm quyền, nó liền nắm chặt quyền lực và không cho tồn tại tiếng nói bất đồng.

Sau vụ Thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, Trần Vân, quan chức ĐCSTQ có quyền lực thứ hai trong những năm 1980 và 1990, chỉ sau Đặng Tiểu Bình, đã đề xuất mỗi gia đình đỏ sẽ có ít nhất hai con, một người tham gia chính trị (để kiểm soát quyền lực) và một người khác làm kinh doanh (để tích lũy tài sản). Đề xuất này đã được Đặng tán thành và trở thành chính sách kể từ đó.

Theo tin tức của Forbes vào tháng 4 năm 2021, Bắc Kinh đã trở thành thành phố hàng đầu có số tỷ phú cao nhất, tổng cộng là 100 người. Còn có rất nhiều người thuộc tầng lớp tinh hoa đã tích lũy được tài sản kếch xù, vậy mà họ vẫn không được lọt vào danh sách này.

Có những khi một số thông tin bị rò rỉ từ các vụ bê bối. Lại Tiểu Dân, bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng quản trị của Công ty Quản lý Tài sản Hoa Dung bị phát hiện cất giữ tại nhà 270 triệu nhân dân tệ (tương đương 42 triệu USD) tiền mặt có được từ hối lộ tại nhà. Nhậm Thạch Phượng, quan chức làng ở Bắc Kinh sở hữu 31 kg vàng miếng. Từ Trường Nguyên, bí thư quận thuộc thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, có 2.714 căn hộ do ông ta đứng tên.

Theo báo cáo về tài sản của Hồ Nhuận, trong số các đại biểu Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), 83 người giàu nhất có giá trị tài sản trung bình là 335 triệu USD. Ngược lại, Trung tâm Chính trị Phản ứng cho thấy những nghị sỹ Quốc hội Hoa Kỳ giàu có nhất cũng chỉ có giá trị tài sản trung bình là 5,64 triệu USD. Trong khi 600 triệu công dân Trung Quốc có thu nhập hàng tháng dưới 1.000 nhân dân tệ (khoảng 154 USD), các nhà lập pháp giàu có nhất Trung Quốc có khối tài sản gấp 60 lần so với những người đồng cấp ở Mỹ.

Một tình huống thú vị khác là các quan chức ĐCSTQ biết rằng việc duy trì tầng lớp đặc quyền của họ ở Trung Quốc – bằng sự đàn áp khắc nghiệt, khai thác cạn kiệt tài nguyên, và suy thoái đạo đức – là không bền vững. Đó là lý do tại sao nhiều quan chức và gia đình của họ đã di cư ra nước ngoài, đang lên kế hoạch nhảy ra khỏi “con tàu đang đắm” vào bất cứ lúc nào.

Học thuyết cốt lõi của ĐCSTQ: Từ bạo lực trước khi nắm quyền đến bi kịch Cách mạng Văn hóa

Về bản chất của Cách mạng Văn hóa, ông Dương Tiểu Khải, nhà kinh tế người Úc gốc Hoa cho biết nó khớp với lịch sử tàn bạo của ĐCSTQ. Ông viết, “Những thảm kịch trong Cách mạng Văn hóa – như các vụ bạo loạn của Hồng vệ binh, Thảm sát Quận Đạo và Thảm sát Quảng Tây – về cơ bản cũng giống như những hành động tàn bạo trong cuộc cải cách ruộng đất vào đầu những năm 1950.“

Ông tiếp tục, “Lịch sử ĐCSTQ luôn là thật giả lẫn lộn, mà chủ yếu là giả dối. Nếu các vị muốn biết lịch sử thực sự, quý vị phải bắt đầu bằng những cuốn sách bị ĐCSTQ cấm hoặc vượt tường lửa để tìm đọc thông tin ở nước ngoài.”

Đây là một góc của bức tranh lớn về hệ tư tưởng cốt lõi của ĐCSTQ về đấu tranh giai cấp, hận thù và hủy hoại các giá trị truyền thống. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục, về cơ bản nó sẽ hủy hoại người dân Trung Quốc và tương lai của họ.

ĐCSTQ hiện đang ra sức che đậy lịch sử đẫm máu của nó để siết chặt sự kiểm soát và lừa mị dân chúng. Kể từ đầu năm 2019, ĐCSTQ cũng đã yêu cầu các quan chức ĐCSTQ cài đặt ứng dụng Cường quốc Học tập (Xuexi Qiangguo), một ứng dụng theo dõi việc học tập của các quan chức ĐCSTQ về các bài diễn thuyết hiện nay của Đảng.

Cho dù cố thúc đẩy tất cả những nỗ lực này, sự sụp đổ của ĐCSTQ chỉ là vấn đề thời gian. Như Karl Marx đã viết trong Tuyên ngôn của Chủ nghĩa Cộng sản, “Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu — bóng ma của chủ nghĩa cộng sản.” Giờ đây bóng ma này đã làm hại Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu, gây thiệt hại cho Trung Quốc, và đe dọa thế giới.

ĐCSTQ không phải là Trung Quốc. Nếu thực sự yêu Trung Quốc, chúng ta phải vứt bỏ lời thề trung thành với ĐCSTQ. Khi ngày càng có nhiều người nhận ra bản chất của ĐCSTQ, họ sẽ bác bỏ chế độ này, khi đó sự tàn bạo của ĐCSTQ sẽ đi tới hồi kết.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/2/424037.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/4/192177.html

Đăng ngày 17-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share