Bài viết của Lý Minh

[MINH HUỆ 13-03-2021] Theo một bài báo đăng trên trang web OneZero vào đầu tháng 3 năm 2021 có tiêu đề “Chương trình ‘Đôi mắt sắc bén’ (Sharp Eyes) của Trung Quốc nhằm khảo sát 100% không gian công cộng”, dự án này cho phép người dân địa phương xem video giám sát qua TV và điện thoại thông minh, và có thể nhấn nút tố giác bất cứ người nào khả nghi cho cảnh sát.

Bài báo cho biết: “Chương trình này biến hàng xóm thành đặc vụ của nhà nước thống trị bằng giám sát. Trong kế hoạch 5 năm của chính quyền Trung Cộng công bố vào năm 2015, dự án giám sát “Sharp Eye” dự kiến ​​sẽ đạt được 100% khả năng giám sát các không gian công cộng vào năm 2020.

Chính quyền Trung Quốc đã và đang dần mở rộng việc giám sát công dân, bắt đầu từ “Vạn lý Tường lửa” (Great Firewall) vào cuối những năm 90 cho đến các công nghệ nhận dạng khuôn mặt và dáng đi mới nhất. Bắc Kinh tiếp tục theo dõi, kiểm soát chặt chẽ và thu thập thông tin về người dân bằng hệ thống mà nhiều người coi là chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số.

Bài báo cho hay hoạt động giám sát hiện đại của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2003 với Dự án Lá chắn Vàng (Golden Shield) do Bộ Công an điều hành. Nó thiết lập cơ sở dữ liệu của 96% công dân Trung Quốc và thông tin về hộ khẩu, hồ sơ đi lại và tiền sử phạm tội của họ.

“Sau Lá chắn Vàng, Trung Quốc khởi động hai dự án giám sát khác tập trung vào việc lắp đặt camera. Thành phố An toàn (Safe Cities), khởi động năm 2003, tập trung vào cảnh báo thiên tai, quản lý giao thông và an ninh công cộng. SkyNet tập trung vào việc cài đặt các camera kết nối với thuật toán nhận dạng khuôn mặt”, bài báo nêu. Ước tính có khoảng 200 triệu camera giám sát được lắp đặt ở Trung Quốc tại các không gian công cộng và riêng tư.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc vấp phải những chỉ trích gay gắt của nước ngoài vì trắng trợn xâm phạm nhân quyền và quyền riêng tư, nhưng người dân Trung Quốc không có mấy lựa chọn. Hệ thống giám sát như vậy đã được triển khai ở các thành phố lớn nhỏ trên khắp cả nước. Có tin cho hay, chi phí của các hệ thống này đã chiếm một phần lớn của ngân sách nhà nước từ trung ương đến địa phương. Ví dụ, thành phố Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam, năm 2018, chi nhiều tiền cho hoạt động giám sát hơn cả giáo dục, nhiều gấp đôi các chương trình bảo vệ môi trường.

Nhu cầu về hệ thống giám sát cũng tạo ra nhiều công ty bán phần cứng camera và phần mềm quản lý video. Một số công ty Trung Quốc như Sensetime, Megvii, Hikvision và Dahua đã bị chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt vì liên quan đến cuộc đàn áp người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Tháng 12 năm 2020, Viện Lowy của Úc đã xuất bản một báo cáo có tiêu đề “Chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số, Trung Quốc và COVID” (Digital Authoritarianism, China and COVID), trong đó tiết lộ rằng đại dịch đã trở thành cái cớ để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mở rộng hơn nữa việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số dưới danh nghĩa vì an toàn và sức khỏe cộng đồng. “Khi chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số của ĐCSTQ đang phát triển mạnh mẽ tại quê hương của nó, các hệ thống theo dõi và giám sát kỹ thuật số do Trung Quốc thiết kế hiện đang được xuất khẩu trên toàn cầu theo đúng Chiến lược Siêu cường Không gian mạng của Trung Quốc”, báo cáo cho biết.

Báo cáo xác định Trung Quốc là một trong những nước chính áp dụng chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số. Báo cáo cho biết, “Chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số không chỉ là kiểm duyệt trong không gian mạng, mà còn giám sát cá nhân và đại chúng bằng camera, nhận dạng khuôn mặt, máy bay không người lái, theo dõi GPS và các công nghệ kỹ thuật số khác để hỗ trợ công tác quản trị độc tài.” Báo cáo cũng nói rằng Trung Quốc đã tăng cường cái gọi là “ngoại giao chiến binh sói” và các chiến dịch bóp méo thông tin.

ĐCSTQ đang cung cấp khoản vay và đầu tư trị giá 17 tỷ USD vào mạng viễn thông, hệ thống thanh toán di động, và các dự án như thành phố thông minh, chính phủ điện tử, giáo dục thông minh, y tế kỹ thuật số, và các sáng kiến ​​dữ liệu lớn khác ở các nước đang phát triển. “Ít nhất 80 quốc gia từ Châu Mỹ La-tinh, Châu Phi và Châu Á đã áp dụng các giải pháp Thành phố An toàn của Huawei hoặc các nền tảng công nghệ giám sát và an ninh khác của Trung Quốc”, báo cáo cho hay.

Mối đe dọa đối với thế giới

ĐCSTQ ngày càng được công nhận là một mối đe dọa đối với thế giới tự do. Freedom House đã ghi nhận trong báo cáo thường niên “Tự do internet” (Freedom on the Net) vào ngày 14 tháng 10 năm 2020, rằng “Đây là năm thứ sáu liên tiếp Trung Quốc bị phát hiện có điều kiện tồi tệ nhất về tự do trên mạng.” Báo cáo cho biết, “Khi COVID-19 bùng phát, mọi bộ phận của bộ máy kiểm soát internet của chính quyền này — bao gồm kiểm duyệt tự động, giám sát công nghệ cao, và bắt giữ quy mô lớn — đã được kích hoạt để kiềm chế sự lan rộng của virus cũng như thông tin không chính thức và những lời chỉ trích của chính phủ.”

Trong một bài phát biểu ngày 23 tháng 10 năm 2020, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mattew Pottinger nói về chính quyền cộng sản Trung Quốc như sau: “Thu thập hồ sơ luôn là một nét đặc thù của các chính quyền theo chủ nghĩa Lênin. Các tài liệu, hiện nay cũng như trước đây, được dùng để tác động và đe dọa, khen thưởng và uy hiếp, tâng bốc và hạ nhục, chia rẽ và chinh phục”, ám chỉ một cơ sở dữ liệu bị rò rỉ của Trung Quốc về ít nhất 2,4 triệu người trên khắp thế giới, bao gồm các chính trị gia, người của hoàng tộc, những người nổi tiếng và các nhân vật quân sự ở nhiều quốc gia.

Tháng 7 năm 2020, thành phố Đài Trung của Đài Loan đã thay thế camera giám sát ở các đường hầm sau khi một số công dân nhận thấy các camera này được sản xuất tại Trung Quốc. Các camera đã lắp đặt ở Đài Trung được sản xuất bởi Hikvision, một công ty nhà nước Trung Quốc chuyên cung cấp thiết bị giám sát video cho các mục đích dân sự và quân sự. Có thông tin cho rằng quân đội Hàn Quốc đã ngừng lắp đặt 215 camera an ninh do một công ty Trung Quốc sản xuất sau khi tìm thấy mã độc trong phần mềm quản lý thiết bị.

ĐCSTQ không chỉ sử dụng các phương tiện khoa học công nghệ để củng cố hệ thống độc tài và kiềm chế quyền tự do của người dân mà còn đang sử dụng trung tâm địa không gian và trung tâm nghiên cứu dữ liệu lớn của Liên Hợp Quốc (LHQ) để mở rộng việc kiểm duyệt và giám sát công chúng ở nước ngoài. Nhiều người lo sợ rằng ĐCSTQ sẽ kiểm duyệt và giám sát người dân của mọi quốc gia trên thế giới, chứ không phải chỉ có Trung Quốc.

Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal) ngày 7 tháng 10 năm 2020, có tiêu đề “Trung Quốc lợi dụng Liên Hợp Quốc để mở rộng phạm vi giám sát”, tác giả Claudia Rosett viết, “Lời hứa mở rộng không gian địa và dữ liệu lớn LHQ-Trung Quốc của ông Tập sẽ cho phép dựng lập bản đồ chi tiết về mọi thứ từ địa hình và cơ sở hạ tầng đến hành vi của con người, vào mọi thời khắc và trên toàn cầu. Trung Quốc, dưới sức ảnh hưởng của nó, đã tích lũy và có trường hợp còn đánh cắp hàng loạt thông tin trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cái mác hợp pháp của LHQ sẽ giúp Bắc Kinh dễ dàng hơn trong việc lưu ghi các luồng thông tin của các quốc gia thành viên, tác động đến các yêu cầu và quy chuẩn của LHQ trong việc phân loại, tổng hợp, và nhập thông tin vào hệ thống của LHQ — và mở ra chế độ chuyên chế kỹ trị của Trung Cộng trên toàn thế giới.”

Để chống lại tham vọng toàn cầu của Trung Quốc, chính phủ Hoa Kỳ đang dẫn đầu nỗ lực giải quyết mối đe dọa của ĐCSTQ trong không gian mạng. Ngày 10 tháng 11 năm 2020, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố gần 50 quốc gia (bao gồm 27 đồng minh NATO, đóng góp gần 2/3 GDP của thế giới) và 170 công ty viễn thông đã tham gia Mạng Sạch (Clean Network), một nhóm cam kết sử dụng chỉ các nhà cung cấp đáng tin cậy trong mạng 5G của họ.

Tháng 12 năm 2020, Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) chính thức đưa ra các thủ tục để thu hồi và chấm dứt quyền hoạt động tại Hoa Kỳ từng cấp cho Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc (Châu Mỹ). Vừa qua, FCC đã bắt đầu thực hiện các biện pháp thu hồi quyền hoạt động tại Hoa Kỳ của ba công ty viễn thông Trung Quốc, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Ông James Andrew Lewis, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Chương trình Công nghệ Chiến lược của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết Mỹ không tin tưởng Trung Quốc vì ĐCSTQ là một quốc gia giám sát tiến hành hoạt động gián điệp bằng các phương pháp công nghệ cao và không tuân thủ pháp luật.

Trong khi các chính phủ tăng cường bảo mật thông tin để ngăn chặn sự xâm nhập của ĐCSTQ, thì công chúng cũng nên tăng cường cảnh giác và ý thức về an ninh thông tin. Mọi người nên tự bảo vệ mình trước nỗ lực thu thập dữ liệu cá nhân của ĐCSTQ để tránh bị lộ diện trước những vi phạm tiềm ẩn về quyền riêng tư.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/13/422039.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/19/191948.html

Đăng ngày 21-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share