[MINH HUỆ 26-03-2021] Gần đây, ở Trung Quốc đã xảy ra một số vụ giết người, tất cả thủ phạm đều dưới tuổi vị thành niên.
Lưu Mỗ Mỗ, một học sinh trung học 14 tuổi ở huyện Ba Ngạn của tỉnh Hắc Long Giang, đã sát hại mẹ ruột khi bị mẹ bảo cháu đi học. Dương, một học sinh trung học cơ sở 13 tuổi, đã sát hại Trình Trình, một bé trai 6 tuổi ở cùng khu phố. Ngô Mỗ Khang, một cậu bé 12 tuổi ở thành phố Ích Dương, tỉnh Hồ Nam đã đâm dao vào mẹ ruột tới chết. Cậu bé Thiệu Mỗ, 13 tuổi ở huyện Kiến Hồ, tỉnh Giang Tây cũng đã phạm tội giết mẹ.
Trong hơn 20 năm qua, đã có khoảng 60 trường hợp cha mẹ bị sát hại bởi chính con đẻ, những đứa trẻ ở độ tuổi 16 hoặc nhỏ hơn. Chỉ riêng trong năm 2020, đã có bốn trường hợp đưa tin mẹ bị con dưới tuổi vị thành niên sát hại.
Điều sửa đổi 11 của Bộ luật Hình sự của Trung Quốc, được thông qua vào cuối năm 2020, đã hạ thấp tuổi chịu trách nhiệm hình sự từ 14 xuống 12 tuổi, cho thấy đạo đức xã hội và tình trạng của thanh niên Trung Quốc ngày càng trượt dốc.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ phân tích những nguyên nhân của việc đạo đức xuống cấp này, cùng với một số giải pháp tiềm năng.
Đảng cộng sản bắt trẻ em chứng kiến nhiều cuộc hành quyết
Raymond J. De Jaegher, một mục sư truyền đạo Công giáo ở Trung Quốc từ năm 1931 tới năm 1945, đã mô tả những cảnh tượng rùng rợn khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ép buộc trẻ em chứng kiến cảnh hành quyết.
Cuốn sách của ông, “Kẻ thù từ bên trong: Lời kể của nhân chứng về cuộc xâm lược của chủ nghĩa cộng sản của Trung Quốc” (The Enemy Within: An Eyewitness Account of the Communist Conquest of China), từng được cựu Tổng thống Hoa Kỳ Herbert Hoover gọi là “thực tế của chủ nghĩa cộng sản vận hành trong mọi nỗi kinh hoàng trần trụi của nó. Tôi giới thiệu cuốn sách này cho những đồng bào Mỹ muốn xem và hiểu cặn kẽ thế lực ma quỷ hiện đang tan rã trong thế giới của chúng ta”.
Theo một lời kể của nhân chứng trong cuốn sách này, ĐCSTQ đã bắt toàn bộ dân làng tới một quảng trường công cộng. Trẻ em cũng được các giáo viên đưa tới đó để chứng kiến cảnh hành quyết 13 thanh niên bị đấu tố vì chống đối ĐCSTQ. Sau khi công bố một số tuyên bố vô căn cứ, các cán bộ đã ra lệnh cho các giáo viên, đã tái nhợt vì khiếp sợ, bắt nhịp cho học sinh hát các bài hát ca ngợi ĐCSTQ. Khi cô trò hát, một tên lính cộng sản mang thanh đao xuất hiện.
Tên lính này bước về phía nạn nhân đầu tiên, hai tay cầm đao và chặt đứt đầu của nạn nhân chỉ bằng một nhát chém. Đầu của nạn nhân lăn trên mặt đất, máu tươi tuôn ra như suối. Tiếng hát hoảng loạn của bọn trẻ chuyển thành tiếng hét, trong khi các giáo viên cố gắng giữ cho các em hát theo nhịp.
Tên lính cộng sản đã nâng đao 13 lần và 13 thủ cấp rơi xuống. Những tên lính khác sau đó đã xông vào, mổ phanh thi thể lấy tim của các nạn nhân để nấu ăn. Toàn bộ sự việc này diễn ra ngay trước mắt trẻ em. Các em học sinh xanh xám mặt mày vì sợ, một số em còn bắt đầu nôn mửa. Các giáo viên khiển trách những học sinh này, một mặt cho các em xếp hàng quay về trường.
Theo ông de Jaegher, các em nhỏ đã nhiều lần bị ép phải xem các cuộc hành quyết như thế. Các em đã sớm trở nên tê liệt với bạo lực và máu; một số em thậm chí còn thấy vui với “trò giải trí” này.
Cải cách ruộng đất: Con trai lôi cha như súc vật
Một năm sau khi giành được chính quyền vào năm 1949, ĐCSTQ đã phát động một cuộc vận động tàn bạo mang tên “cải cách ruộng đất”, kích động nông dân “cướp lại” đất đai của họ từ tay địa chủ. “Hộ hộ đấu tranh, thôn thôn đổ máu”, là nội dung của một khẩu hiệu vào thời điểm đó. Có ít nhất 2 triệu địa chủ đã mất mạng trong thảm kịch này.
Một bài viết trong Dangdai Zhongguo Yanjiu (Nghiên cứu về Trung Quốc đương đại) đã nhìn nhận lại thực tế trong cuộc cải cách ruộng đất ở huyện Tự Phổ, tỉnh Hồ Nam. Theo ông Quách Tĩnh Thu, từng là đội phó đội quản lý cải cách ruộng đất ở huyện Kiều Giang, hồi đó, bất kỳ quan chức nào của ĐCSTQ đều có quyền tự quyết sẽ giết ai. Quan chức nào không đạt đủ chỉ tiêu giết người đều bị dán nhãn là “phần tử cánh hữu” và chính họ sẽ trở thành mục tiêu.
Chu Xích Bình, Bí thư Huyện Tương Tây, nói các quan chức “thà giết nhầm 100, còn hơn bỏ sót một”. Khẩu hiệu này đã trở thành chủ trương để quan chức cấp dưới thực thi. Sau khi một người đàn ông tên là Trần Nhâm Linh bị giết, dân làng nhao vào mổ lấy nội tạng và thịt từ thi thể của ông để nấu ăn, một lúc sau, chỉ còn lại bộ xương.
Ngưu Hữu Lan, một phú ông ở huyện Hưng của tỉnh Sơn Tây, là người được kính trọng trong vùng. Ngoài việc hiến tặng hầu hết tài sản của mình cho ĐCSTQ, ông còn cho các con gia nhập quân đội ĐCSTQ. Nhưng trong cuộc cải cách ruộng đất năm 1947, các quan chức đã biến ông như là một mục tiêu và xâu một sợi dây kim loại qua mũi ông. Sau đó, họ ra lệnh cho con trai ông, Ngưu Ấm Quan, dắt cha mình đi diễu phố như dắt con bò vậy.
Cảnh tấn công và sỉ nhục ông Ngưu Hữu Lan
Trong màn diễu phố rùng rợn này, xương mũi của ông Ngưu Hữu Lan bị gãy và chảy máu. Sau khi về nhà, ông Ngưu Hữu Lan đã tuyệt thực và qua đời sau đó ba ngày.
Theo một ghi chép tại thời điểm đó, tính đến tháng 6 năm 1948, đã có 1.045 người bị giết ở 209 ngôi làng, trong đó có 380 địa chủ, 382 phú nông, 345 trung nông và 40 bần nông. Trung Quốc có khoảng 2.000 quận huyện, như vậy nếu mức độ phá hoại được mở rộng ra toàn quốc thì chúng ta có thể tưởng tượng sự tàn bạo tràn ngập khắp cả nước và thấm đẫm thế hệ thanh niên Trung Quốc đến mức nào.
Tục ăn thịt người trong nạn đói lớn
Nhà sử học Dư Tập Quảng một lần đã tìm thấy một bức ảnh gây sốc từ Sở Cảnh sát Lễ Lăng ở tỉnh Hồ Nam. Đó là bằng chứng về việc một người cha đã ăn thịt con mình trong thời kỳ nạn đói lớn ở Trung Quốc từ năm 1959 đến 1961. Người cha, Lưu Gia Viễn, bị còng tay trước khi bị hành hình cùng với đầu lâu và xương cốt của con trai ông ta ở bên cạnh. Còn có một nồi nấu bằng gang – Lưu đã xẻ thịt từ thi thể của người con trai đã chết và hầm với cà rốt. Bức ảnh hai cha con này đã được lưu lại làm hồ sơ.
Một bức ảnh của Nhà sử học Dư Tập Quảng
Theo cuốn Nạn đói lớn của Mao (Mao’s Great Famine) của nhà sử học, giáo sư Frank Dikötter tại Đại học Hồng Kông, có ít nhất 45 triệu người đã chết trong nạn đói này. Tứ Xuyên, một tỉnh có 70 triệu người, đã mất 10 triệu dân. Huyện Thông Vị, tỉnh Cam Túc, mất 1/3 dân số. Khi không còn thức ăn thì hiện tượng ăn thịt người chết liên tục diễn ra. Một báo cáo vào năm 1961 của Sở Cảnh sát Tỉnh An Huy cho thấy trong vùng đã xảy ra 1.289 vụ ăn thịt người kể từ năm 1959.
Một tài liệu khác của chính quyền tỉnh Cam Túc năm 1961 đã ghi nhận những vụ việc dưới đây:
“Bần nông Dương Chiêm Lâm đã đào mộ lấy thi thể và nấu lên để ăn”.
“Bần nông Tiêu Văn Trung tìm thấy một bào thai bị sẩy và nấu để ăn”.
“Bần nông Khang Tạp Mạch dùng rìu giết người, rồi nấu chín thi thể để ăn”.
[Ghi chú của ban biên tập: Theo cách nói của ĐCSTQ vào thời điểm đó, “bần nông” là giai cấp lãnh đạo và tiến bộ nhất trong xã hội. Những thành phần khác, đặc biệt là địa chủ và người giàu bị coi là “kẻ thù của xã hội”.]
Theo giáo sư Dikötter, Nạn Đói Lớn của Trung Quốc là một trong những thảm kịch tồi tệ nhất trong thế kỷ 20, cùng với trại cải tạo lao động Liên Xô và thảm kịch tàn sát người Do Thái của Đức Quốc Xã. Nhà sử học người Mỹ gốc Hoa Tống Vĩnh Nghị cũng cho rằng thảm kịch này là một trong những chương bi thương nhất trong lịch sử Trung Quốc. Hơn nữa, nạn ăn thịt người này xuất hiện ngay trong chiến dịch Đại Nhảy vọt của ĐCSTQ, là thời kỳ không có chiến tranh.
Cách mạng văn hóa: Một kỷ nguyên hỗn loạn
Tuyên truyền thù hận đã lên đến đỉnh điểm sau khi cách mạng văn hóa bắt đầu vào năm 1966. Khi bà Phương Trung Mưu chỉ trích sự ngu xuẩn của cuộc cách mạng này ở nhà, bà đã bị chồng là Trương Nguyệt Thăng và con trai 16 tuổi Trương Hồng Binh tố giác với chính quyền. Hai tháng sau, bà Phương đã bị hành quyết như một phần tử phản cách mạng. Trương Hồng Binh cũng tham dự phiên tòa nhân dân xét xử mẹ mình cùng với hàng nghìn người chứng kiến.
Trương Hồng Binh đã trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm. Giống như kiểu tuyên truyền của Liên Xô về Pavlik Morozov, người đã giao nộp cha mình, câu chuyện của Trương được trưng bày ở bảo tàng huyện làm tấm gương sáng cho hệ tư tưởng của ĐCSTQ.
Mãi cho tới năm 1979, Trương và cha anh mới biết đến nhiều vụ án oan sai trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa—bao gồm cả trường hợp của Trương Chí Tân, người phụ nữ bị hiếp dâm tập thể với vết cắt trên cổ trước khi bị hành quyết—anh mới nhận ra mình đã phạm một sai lầm khủng khiếp. Kể từ đó, anh thường mơ thấy mẹ mình và tỉnh dậy trong nước mắt. Điều đau buồn nhất là, cho dù anh hối hận như thế nào thì mẹ anh cũng không thể quay trở về nữa.
Hơn 40 năm sau, trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2013, ông Trương đã công khai nhận lỗi về cái chết của mẹ ông. Khi ấy, ông Trương đã hơn 60 tuổi và là một luật sư. Ông nói bi kịch xảy ra trong gia đình ông là phổ biến tại Trung Quốc, bởi người dân đã trở nên điên cuồng sau khi bị chính quyền không ngừng tẩy não. Kết quả là họ coi Mao còn thân thiết hơn cả cha mẹ của chính mình; bất kỳ ai phản đối hệ tư tưởng của Mao đều bị coi là kẻ thù, không cần xét hỏi.
Ông Trương đã nói với mẹ mình: “Nếu bà chống lại Mao chủ tịch kính yêu thì tôi sẽ đập nát cái đầu chó của bà.”
Những xung đột trong nội bộ những gia đình đã hủy hoại tinh hoa của văn hóa Trung Hoa và những giá trị đạo đức. Nhân tính được thay thế bằng đảng tính và hận thù giai cấp. Mãi cho tới gần đây, ông Trương mới nhận ra mọi thứ đã trở nên lố bịch như thế nào. Mọi hình thức tẩy não mà người ta phải chịu giống như thứ thuốc phiện gây ảo giác, khiến người dân hiểu lầm rằng những hành động tàn bạo của họ là để chống lại những kẻ thù giả dối.
Ông Trương sau đó tiếp tục giải thích rằng sự trân quý sinh mệnh và gia đình là những giá trị quan trọng nhất trong một xã hội. Khi tà thuyết của ĐCSTQ mê hoặc người dân thì văn hóa truyền thống Trung Hoa vốn đã duy trì đất nước này hàng nghìn năm qua đã bị mai một—và ông tin rằng điều đó sẽ gây nguy hiểm cho người dân Trung Quốc và tương lai của họ.
Sự chuyển biếncủa mộttội phạm
Một bài viết trên trang Minh Huệ kể về cuộc gặp của một luật sư với một học viên Pháp Luân Công. Vị luật sư này thường bào chữa cho các học viên. Một lần, vì lý do an toàn, ông đã mời một học viên (bí danh ‘Nathan’) tới ở nhà ông trước khi xuất hiện tại tòa. Sau khi Nathan tắm xong, vị luật sư này tình cớ thấy một vết sẹo dài từ ngực tới bụng của Nathan.
“Vì có bằng cấp về y khoa nên tôi biết không có cuộc phẫu thuật nào lại để lại một vết mổ dài như vậy”, ông nhớ lại. Bởi tò mò nên ông đã hỏi Nathan vết sẹo đó từ đâu mà có.
Hóa ra vết sẹo này là do vết thương từ một vụ ẩu đả nhiều năm trước. Thời điểm đó, Nathan là một thành viên của một băng đảng xã hội đen. Anh đã bị thương rất nặng đến nỗi ruột lòi ra ngoài và gãy bốn xương sườn.
Sự thật là, khi Nathan đang thụ án trong tù vì tội trộm cướp, hành hung và tàng chữ ma túy thì anh tình cờ gặp được Pháp Luân Công. Ở trong tù, anh thấy các học viên Pháp Luân Công bị lính gác ngược đãi, đánh đập và tra tấn để buộc họ từ bỏ đức tin.
Nathan thậm chí còn cảm thấy bức xúc trước sự tàn bạo mà các học viên đã phải chịu.
Anh nói: “Họ bị đối xử tệ hại đến mức thậm chí một tay xã hội đen như tôi còn thấy quá đáng. Vậy mà họ không nguyền rủa hay đánh trả. Và không chỉ có một, hai học viên hành xử như vậy, mà hầu như tất cả họ đều hành xử như thế. Tôi thật sự rất ấn tượng bởi dũng khí mà tôi được chứng kiến.”
Các học viên đã kể với Nathan về đức tin của mình và về cuộc bức hại. Hơn nữa, họ đã thể hiện sự tôn trọng và chăm sóc cho anh mà không có bất cứ phán xét nào về lý lịch của anh cả.
Anh nói: “Trước đó, tôi là một con người lạnh lùng và không ai thích tôi cả. Từ cách hành xử của các học viên này, tôi hiểu rằng Pháp Luân Công là gì đó phi thường, bởi vì những học viên này quá tử tế. Đó là lý do tôi muốn tu luyện Pháp Luân Công.”
Tu luyện Pháp Luân Công bị cấm trong tù và quản lý nhà tù đã dùng mọi biện pháp trong quyền hạn của họ để “chuyển hóa” các học viên. Tuy nhiên, khi Nathan nói với một lính gác nhà tù rằng anh muốn tu luyện Pháp Luân Công, và ngạc nhiên thay, người lính gác này đã không ngăn cản anh.
“Những người như anh mà muốn tu luyện Pháp Luân Công ư? Thế thì tốt cho tôi quá! Có thể anh thậm chí còn được thả ra trước hạn”, người lính gác đó trả lời.
Kể từ đó, Nathan đã thay đổi cuộc đời và trở thành một người tốt (thực tế là, anh đã được quyết định trả tự do trước thời hạn). Sau khi Nathan trở về nhà, mẹ anh rất căng thẳng và lo lắng con trai bà lại gây rắc rối cho gia đình. Không lâu sau, bà đã rất vui mừng khi thấy con trai đã thay đổi và từ bỏ những thói quen xấu. Vợ con của Nathan, những người trước kia đã bỏ anh ra đi, giờ đã quay về và cũng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công.
Sau khi trò chuyện cùng Nathan, vị luật sư này nói, đêm đó, ông không ngủ được vì tâm trí ông bị xung động.
Ông nói: “Chế độ cộng sản Trung Quốc không còn hy vọng nữa. Chỉ cần nghĩ thế này: cả cái chế độ này, không ai biết làm sao để đối phó với một phần tử xã hội đen như Nathan. Thế mà, anh ấy đã thay đổi thành một người tốt trong một thời gian ngắn nhờ Pháp Luân Công. Một phần tử xã hội đen như vậy thật sự là một vấn đề nan giải đối với xã hội và một vấn đề lớn đối với gia đình anh. Nhưng Pháp Luân Công đã thay đổi tất cả.”
Trên thế giới này, con người có quyền tự do tận hưởng cuộc sống bình thường của họ. Nhưng ở Trung Quốc, hàng chục triệu người đang bị ngược đãi vì đức tin vào Chân-Thiện-Nhẫn. Cuộc bức hại này đã kéo dài 22 năm kể từ năm 1999 và vẫn tiếp diễn đến ngày hôm nay. Nếu lùi lại một bước để suy ngẫm lại về hoàn cảnh hiện nay, nỗ lực làm theo lương tâm và trợ giúp những người chính trực, thì chúng ta có thể tìm thấy hy vọng mới cho tương lai.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/26/422449.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/16/191893.html
Đăng ngày 03-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.