Bài viết của Tích Duyên

[MINH HUỆ 10-02-2021] Phần 1 của loạt bài viết này giải thích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nô lệ hóa người Trung Quốc và đánh cắp của cải mà họ tạo ra như thế nào. Mặc dù Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng các quan chức ĐCSTQ mới là những người được thụ hưởng lợi ích từ sự phát triển đó.

Không chỉ bóc lột người Trung Quốc, ĐCSTQ còn thúc đẩy hệ tư tưởng cộng sản ra toàn thế giới, phá hoại đạo đức và các giá trị phổ quát.

Chiến tranh không giới hạn

Khái niệm “chiến tranh không giới hạn” đầu tiên do Quân đội ĐCSTQ đưa ra vào năm 1999 trong chiến lược lâu dài nhằm chống lại Hoa Kỳ và rộng hơn là phương Tây.

Khác với chiến tranh truyền thống chủ yếu tập trung vào các hành động quân sự và giảm thiểu thương vong cho dân thường, khái niệm chiến tranh không giới hạn là chiến tranh trên mọi phương tiện có thể, gồm cả chiến tranh truyền thống, chiến tranh thương mại, tấn công khủng bố, phá hoại sinh thái, can thiệp mạng internet, khai thác cạn kiệt tài nguyên, xâm nhập truyền thông, thao túng tài chính, và thâm nhập văn hóa.

Nói cách khác, ĐCSTQ coi mọi lĩnh vực trong xã hội đều là vùng chiến sự.

ĐCSTQ lợi dụng các công ty phương Tây để thu lợi cho bản thân như thế nào

Đầu tiên, ĐCSTQ lôi kéo các công ty phương Tây bằng cách khiến họ ảo tưởng rằng kiếm tiền ở Trung Quốc dễ dàng hơn ở đất nước của họ với cơ chế tách biệt giữa chính phủ với khu vực tư nhân và cạnh tranh giữ vai trò chủ đạo. Các chính phủ phương Tây điều tiết các ngành công nghiệp nhưng không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân. Ngoài ra, còn có các hãng truyền thông độc lập giúp giám sát các hành vi không đúng.

Tuy nhiên, ở Trung Quốc, ĐCSTQ vừa là cầu thủ, vừa là trọng tài – chính phủ vừa sở hữu, vừa kiểm soát nhiều doanh nghiệp cấu thành nên đại bộ phận nền kinh tế Trung Quốc. Doanh nghiệp tư nhân chỉ được phép hoạt động trong các lĩnh vực phi trọng yếu của nền kinh tế. Hơn nữa, toàn bộ các hãng truyền thông đều thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của ĐCSTQ, và chỉ đăng những gì mà ĐCSTQ muốn người ta nghe.

Các công ty nước ngoài cũng buộc phải phá vỡ các nguyên tắc của mình. Họ hối lộ các quan chức ĐCSTQ dưới danh nghĩa “nhập gia tùy tục”, làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ, và hưởng lợi từ việc ĐCSTQ nô dịch người Trung Quốc, trong khi hủy hoại môi trường của nước này. Đôi khi, họ còn phải lên tiếng thay cho ĐCSTQ ở chính nước mình.

Nhiều công ty nước ngoài trong đó nhận ra tuần trăng mật của họ với ĐCSTQ thật ngắn ngủi. ĐCSTQ không muốn cho họ tiền mãi mãi; mục đích thực sự của nó là làm giàu cho bản thân và thống trị thế giới, mà thông qua các công ty Trung Quốc thì thuận lợi hơn bởi Đảng có toàn quyền kiểm soát các công ty này.

Một cách mà ĐCSTQ mang lại cho các công ty Trung Quốc lợi thế trong cạnh tranh toàn cầu là tạo điều kiện cho hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ. ĐCSTQ giúp các công ty phương Tây tạo ra lợi nhuận, nhưng đổi lại, nó buộc các công ty phương Tây phải chuyển giao tài sản trí tuệ, quy trình sản xuất và các kiến ​​thức độc quyền khác cho các đối tác Trung Quốc của họ. Sau đó, các công ty Trung Quốc này sẽ sản xuất sản phẩm nhái với chi phí thấp hơn và chiếm lĩnh thị trường mà chỉ phải bỏ ra đầu tư nghiên cứu và phát triển ở mức tối thiểu.

Cách đây 30 năm, ĐCSTQ đã sử dụng thủ đoạn này để đưa các nhà sản xuất máy giặt, máy sấy và tivi của Nhật Bản và Hàn Quốc vào Trung Quốc. Sau khi học được công nghệ của họ, các hãng mang thương hiệu Trung Quốc đã đuổi họ ra khỏi Trung Quốc và bắt đầu cạnh tranh với họ trên thị trường toàn cầu.

Chuyển gánh nặng tài chính lên vai nhân dân Trung Quốc

Để giúp các công ty trong nước chiến thắng trên thị trường quốc tế, ĐCSTQ đã đẩy chi phí sang cho người dân Trung Quốc.

Ví dụ như Huawei đã hạ giá bán các trạm gốc mạng và thiết bị mạng 5G thấp hơn đến 40% so với giá của các công ty phương Tây. Khi Huawei ký hợp đồng với một khách hàng quốc tế, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước lại ưu đãi cho người mua một khoản vay và chuyển tiền ngay cho Huawei. Nếu khách hàng không thể trả được khoản vay thì Huawei cũng không bị thiệt hại gì, sau đó, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc sẽ báo cáo hoạt động lỗ, rồi chính người dân Trung Quốc sẽ phải gánh chịu khoản lỗ đó.

Năm 2016, Huawei ghi nhận lợi nhuận ròng 47,5 tỷ nhân dân tệ (7,2 tỷ USD), nhưng Ngân hàng Phát triển Trung Quốc lại lỗ 82,8 tỷ nhân dân tệ (12,6 tỷ USD). Từ năm 2013 đến năm 2017, ngân hàng này đã lỗ 257,3 tỷ nhân dân tệ (39,2 tỷ USD) trong khi lợi nhuận của Huawei liên tục tăng. Kiểu hậu thuẫn của ngân hàng quốc doanh như thế này là một lợi thế mà các công ty phương Tây không bao giờ có được.

ĐCSTQ đưa Huawei ra thị trường quốc tế vì họ cần công ty này làm do thám về viễn thông trong chiến tranh không giới hạn trong lĩnh vực mạng và chiến tranh thông tin với thế giới. Huawei giúp ĐCSTQ giám sát và đánh cắp thông tin của mọi người ở cả Trung Quốc và trên toàn thế giới.

Đồng minh của ĐCSTQ

Để giành chiến thắng trong cuộc chiến không giới hạn, ĐCSTQ tuyển mộ giới tinh hoa toàn cầu; đây là một chiến thuật trong chiến lược mặt trận thống nhất của nó. ĐCSTQ dụ dỗ các nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, và truyền thông bằng tiền, cổ phiếu và tình dục, mà sau đó sẽ được dùng làm bằng chứng để uy hiếp, ép họ làm theo yêu cầu của nó.

Đổi lại, một số nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp sẽ tán dương ĐCSTQ và vận động chính phủ của họ hợp tác với chính quyền Trung cộng dưới danh nghĩa toàn cầu hóa. Họ cũng nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ, việc ĐCSTQ đe dọa các công ty phương Tây, xâm nhập vào các nước phương Tây, đàn áp các tôn giáo và dân tộc thiểu số, kể cả tội ác chống lại nhân loại tàn bạo nhất là thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm còn sống, chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công, còn có cả người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác.

Cuộc chiến chống ĐCSTQ của cựu Tổng thống Trump

Mãi đến khi Donald Trump trở thành tổng thống vào năm 2016, Hoa Kỳ mới bắt đầu thức tỉnh.

Cũng như các tổng thống Mỹ khác, cựu Tổng thống Trump ban đầu cũng hy vọng ĐCSTQ sẽ tôn trọng những gì mà nó đã cam kết với thế giới, chẳng hạn như mở cửa thị trường Trung Quốc như đã hứa khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2000. Ông Trump đã hy vọng có thể thông qua đàm phán để thay đổi hành vi của ĐCSTQ và xúc tiến cải tổ về cơ cấu ở Trung Quốc, để Trung Quốc tuân theo các quy tắc của thị trường tư bản và trở thành một người chơi công bằng. Điều đó sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người dân Trung Quốc cũng như thế giới.

Nhưng sự cải tổ về cơ cấu như thế đòi hỏi ĐCSTQ phải từ bỏ những đặc quyền đặc lợi của nó, hạn chế khả năng nô dịch người Trung Quốc, và quan trọng hơn là có thể mất đi quyền lực.

Vậy nên, cho dù ĐCSTQ có hứa hẹn với thế giới bao nhiêu đi nữa thì nó vẫn sẽ không giữ lời. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, ĐCSTQ đã giở nhiều mánh khóe. Ban đầu, nó đồng ý với các điều khoản thương mại, nhưng sau đó lại phủi sạch trơn. Cuối cùng, ngày 15 tháng 1 năm 2020, cựu Tổng thống Trump đã buộc ĐCSTQ phải ký hiệp định thương mại.

Tuy nhiên, khi hai nước ký thỏa thuận, ông Trump không biết ĐCSTQ đã che đậy sự bùng phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Sau đó, đại dịch đã lây lan và kéo nền kinh tế và thương mại của thế giới đi xuống, do đó, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung không thể thực hiện được.

Chính quyền Trump bắt đầu nhận ra bản chất thật của ĐCSTQ và mối đe dọa của nó đối với thế giới. Đến lúc đó, ông mới có lập trường cứng rắn hơn hẳn đối với ĐCSTQ. Cuộc chiến của ông Trump đã tác động tiêu cực đến các đồng minh của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ, vốn đang kiếm được bộn tiền từ Trung Quốc. Bởi vậy, các đồng minh này đã ủng hộ một ứng cử viên “ôn hòa” cho chức tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2020.

Thế giới làm thế nào mới có thể chiến thắng ĐCSTQ

Giới tinh hoa Mỹ ủng hộ ĐCSTQ cần phải nhận ra rằng ĐCSTQ không có ý định làm bạn với họ mãi mãi, như lịch sử đã cho thấy.

Trong cuộc nội chiến của Trung Quốc từ năm 1946 đến năm 1949, ĐCSTQ đã thành lập một mặt trận thống nhất với giới tư sản, giới trí thức, và các đảng phái chính trị khác. Thế nhưng, sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, nó liền trở mặt với các nhóm này: tiêu diệt giai cấp tư sản (kể cả sát hại họ), bóp nghẹt giới trí thức và các đảng phái chính trị, và đưa nhiều trí thức vào các trại lao động.

Các doanh nhân hàng đầu ở Trung Quốc thường không tồn tại được lâu. Cứ vài năm, chính phủ lại hạ bệ một loạt với tội danh tham nhũng, rồi tịch thu tài sản của họ.

ĐCSTQ chưa bao giờ tôn trọng nhân quyền. Mục tiêu của nó là bá chủ thế giới và tiêu diệt toàn bộ loài người thông qua chiến tranh không giới hạn, bao gồm cả cuộc chiến hủy hoại đạo đức của chúng ta.

Ngược lại, các nước phương Tây tôn trọng nhân quyền và quyền tư hữu mà Hiến pháp Hoa Kỳ định nghĩa là “quyền bất khả xâm phạm”. Phá vỡ nguyên tắc của chúng ta để trở giúp ĐCSTQ cũng là phá hủy các giá trị phổ quát của chúng ta và khiến tất cả mọi người, trong đó có cả chúng ta, đứng trước nguy cơ bị ĐCSTQ bức hại. Tất cả mọi người bên ngoài Trung Quốc, dù là hữu khuynh hay tả khuynh, đều cần phải nhận ra sự nguy hiểm của ĐCSTQ và mối nguy hiểm khi giao thương với thủ phạm lớn nhất của tội ác chống lại nhân loại này.

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Karl Marx gọi chủ nghĩa cộng sản là một bóng ma ám ảnh châu Âu. Giờ đây, khi bóng ma cộng sản này đã truyền bá hệ tư tưởng và sự kiểm soát của nó ra khắp thế giới, mỗi người đều phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa: Làm sao có thể phân biệt được đâu là chính nghĩa, đâu là tà ác? Làm sao để có thể bảo vệ chính nghĩa và chống lại cái ác?

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/2/10/419405.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/12/191846.html

Đăng ngày 15-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share