[MINH HUỆ 04-04-2021] Cả chồng tôi và tôi mỗi người đều có một câu chuyện về 10 nghìn Nhân dân tệ (khoảng 1.523 đô la). Câu chuyện của tôi bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999.

Các học viên đồng cam cộng khổ

Sáng ngày 20 tháng 7 năm 1999, chúng tôi đến công viên để luyện các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp như thường lệ. Các học viên đến trước nói với chúng tôi rằng nhiều phụ đạo viên đã bị bắt. Chúng tôi quyết định đến gặp chính quyền thành phố để hỏi xem chuyện gì đã xảy ra.

Bầu trời hôm đó rất nhiều mây. Chúng tôi về nhà, lấy áo mưa rồi đi thẳng đến chính quyền thành phố. Khi chúng tôi đến, đã có nhiều người đứng thành hàng dài ở hai bên lối vào. Một lát sau, cơn giông ập đến. Chúng tôi đứng dưới mưa chờ tin.

Hai tiếng trôi qua. Tôi nghe nói rằng các phụ đạo viên viên trên toàn quốc đều đã bị bắt, và chính quyền thành phố không có ý kiến gì về vấn đề này. Bởi vậy các học viên lặng lẽ giải tán. Một số đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện.

Tôi cũng muốn đến Bắc Kinh để tìm kiếm công lý cho Đại Pháp. Tôi liền về nhà, đón con nhỏ, đến ngân hàng rút 10.000 Nhân dân tệ, và rồi đi đến Bắc Kinh. Tại sao tôi lại rút nhiều tiền như vậy? Bởi vì tôi nhớ đến cuộc biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 với nhiều sinh viên tập trung trên quảng trường để phản đối. Tôi nghĩ có thể có nhiều học viên đi thỉnh nguyện và ở lại trong vài ngày. Nếu một số học viên hết tiền, tôi có thể giúp họ.

Khi đến Bắc Kinh, chúng tôi đã tìm thấy Văn phòng Kháng cáo. Nhiều người đã tập trung ở đó. Họ đứng xếp hàng trên vỉa hè, tạo thành một dòng người rất dài. Trong khi chờ đợi, chúng tôi đọc “Luận ngữ” và các bài thơ trong Hồng Ngâm. Cảnh tượng đó vô cùng ấn tượng.

Vào buổi chiều, các xe quân sự chở lính vũ trang đến bao vây chúng tôi. Nhiều xe hơi cỡ lớn cũng đến. Quân lính đã cố gắng đẩy các học viên lên xe, nhưng họ không hợp tác. Họ đã quàng tay lại với nhau.

Tôi mang theo quần áo, tiền bạc và thức ăn trong túi. Chúng trở thành gánh nặng trên vai và cản trở tôi trong khi tôi phản kháng lại những người lính đang cố kéo tôi đi. Đồng thời, tôi còn phải bảo vệ con mình nên quyết định bỏ túi đi. Tôi bèn ném nó vào giỏ xe đạp của một học viên ở bên đường. Sau đó, chúng tôi bị đưa đến Sân vận động Phong Đài.

Vài tháng sau, một đồng nghiệp của tôi đến gặp tôi và hỏi: “Chị có bị mất tiền không? Một người nhặt được tiền ở Bắc Kinh đã gọi đến công ty chúng ta và để lại số điện thoại cho chị.“ Tôi nghĩ người đó phải là một học viên, vì chỉ có các học viên mới trả lại số tiền mà họ đã tìm thấy. Tôi lập tức gọi ngay cho số điện thoại đó, và đó là một học viên ở huyện Thông Châu, Bắc Kinh. Chúng tôi hẹn ngày gặp để tôi có thể đến đó lấy tiền.

Khi chúng tôi gặp nhau, tôi được biết hầu hết các học viên đều đã bị bắt vào ô tô. Các học viên khác nhìn thấy nhiều túi xách bị bỏ lại trên xe đạp. Họ cầm lấy hết, lên xe và mang đến Sân Vận động Phong Đài. Họ gom các túi lại với nhau. Một số túi đã được chủ nhận lại. Các học viên đã mang những chiếc túi vô chủ về nhà của họ.

Người học viên này đã thấy rất nhiều tiền trong túi của tôi. Anh do dự khi cầm nó – nhưng cuối cùng cũng mang nó về nhà. Vì không thể tìm ra chủ nhân của chiếc túi, anh cảm thấy tiến thoái lưỡng nan. Một hôm, anh tìm thấy phiếu trả lương của tôi bên trong túi, trên đó có ghi tên và nơi làm việc của tôi. Vì vậy, anh gọi đến công ty tôi và hỏi có người như thế làm việc ở đó không. Người nhân viên nói có, nhờ vậy túi của tôi đã được trả lại cho tôi.

Vì điều này mà chồng tôi biết rằng tôi đã mất 10.000 Nhân dân tệ. Mặc dù tôi đã thuật lại tình hình lúc đó và xin lỗi anh, nhưng anh vẫn không hài lòng về điều này trong một thời gian dài. Tôi thừa nhận rằng tôi đã không quản lý tiền tốt và lẽ ra tôi không nên vứt túi xách của mình, nhưng tình hình lúc đó rất đáng sợ và tôi thực sự không biết điều gì có thể xảy ra tiếp theo.

Bạn nhậu của chồng tôi

Sau sự cố này khoảng mười năm, một người bạn của chồng tôi muốn vay anh một khoản tiền. Anh ấy nói công ty anh ấy đang gặp khó khăn nên muốn vay 10.000 Nhân dân tệ. Chồng tôi không muốn cho anh ấy vay tiền. Anh ấy nhiều lần gặng hỏi chồng tôi và hứa sẽ sớm trả lại. Vì vậy, chồng tôi miễn cưỡng cho anh ấy vay tiền. Nhưng anh ấy không bao giờ trả lại 10.000 Nhân dân tệ. Chồng tôi gọi điện nhiều lần nhưng không tìm được anh ấy.

Người đàn ông này là chủ của một công ty. Công ty anh ấy bán hàng cho công ty chồng tôi. Họ thường nhậu nhẹt cùng nhau. Tôi hỏi chồng tôi: “Anh đã nhận hoa hồng từ anh ấy chưa? Nếu không, tại sao lại có người vay tiền mà không trả?” Chồng tôi không nói gì.

Lời kết

Từ hai sự việc này có thể thấy, một học viên Pháp Luân Đại Pháp chưa từng gặp tôi đã nhặt được 10.000 Nhân dân tệ và tìm mọi cách tìm tôi để trả lại tiền – nhưng người bạn dường như thân thiết của chồng tôi, người thường xuyên nhậu nhẹt với anh lại không trả.

Sư phụ đã cảnh báo chúng ta:

“‘bất thất bất đắc’” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

“cái gì của chư vị thì sẽ không mất, cái gì không của chư vị thì chư vị [dù có] tranh [giành] cũng không được” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Từ hai sự việc này, tôi thấy rằng không phải ai cũng đáng tin, ngoại trừ những người tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/4/422044.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/11/191831.html

Đăng ngày 13-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share