Bài viết của Trịnh Nham

[MINH HUỆ 24-04-2021] Cách đây 22 năm, vào ngày 25 tháng 4 năm 1999, khoảng 10.000 học viên Pháp Luân Công đã tập trung tại Bắc Kinh để thỉnh nguyện ôn hòa để yêu cầu chính quyền thả mấy chục học viên bị bắt giữ phi pháp ở Thiên Tân, một thành phố kế cận Bắc Kinh hai ngày trước đó và xác nhận tu luyện Pháp Luân Công là quyền hợp pháp.

Cuộc thỉnh nguyện này mang tính tự phát với mục đích bảo vệ nền tảng đạo đức của xã hội. Khi những học viên Pháp Luân Công ở Thiên Tân bị bắt vì bảo vệ đức tin của họ, 10.000 học viên trên khắp Trung Quốc đã quyết định bước ra bày tỏ mối quan ngại của họ. Họ không biết sẽ xảy ra chuyện gì khi đi thỉnh nguyện, nhưng họ biết đó là điều đúng đắn phải làm.

Kể từ đó, nhiều người đã biết được sự bất hợp pháp của cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhưng một số người, kể cả các thế hệ lão niên đã trải qua nhiều cuộc vận động chính trị của ĐCSTQ và thế hệ sau, nhất là thế hệ thanh thiếu niên, vẫn không biết cuộc thỉnh nguyện đó có ý nghĩa gì, thậm chí còn hiểu lầm về giai đoạn lịch sử này.

Ở đây chúng tôi muốn điểm lại những gì đã xảy ra và giải thích tại sao cuộc thỉnh nguyện hòa bình này lại có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc và tương lai của nước này.

Bối cảnh sự kiện: Từ 1996 đến 1999

Từ khi lên nắm quyền vào năm 1949, cứ 10 năm, ĐCSTQ lại lấy ra một nhóm người, tuyên bố là kẻ thù, rồi phát động một cuộc vận động chính trị như “cải cách ruộng đất”, “trấn phản”, “tam phản”, “ngũ phản” để tiêu diệt vào địa chủ, thân hào ở nông thôn, tư sản ở thành thị, hay “cách mạng văn hóa” nhắm vào giới trí thức. Mấy năm sau vụ Thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, ĐCSTQ lại hướng sự chú ý sang các học viên Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn thiền định dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Pháp Luân Công bắt nguồn từ văn hóa truyền thống của Trung Quốc và khác biệt về căn bản với tư tưởng đấu tranh giai cấp, hận thù và dối trá của ĐCSTQ. Hơn nữa, sức mạnh kỳ diệu của Pháp Luân Công trong việc nâng cao sức khỏe và tâm tính cũng đã thu hút rất nhiều người đến học.

1996: Bôi nhọ bằng báo chí

Ngày 17 tháng 6 năm 1996, Quang Minh Nhật báo, một trong những tờ báo lớn ở Trung Quốc dành cho giới trí thức, đã đăng một bài xã luận công kích Pháp Luân Công. Những người am hiểu lịch sử của ĐCSTQ nghi ngại bài báo này là tín hiệu cho thấy ý đồ của ĐCSTQ nhằm hủy hoại danh dự của Pháp Luân Công.

Quả nhiên, một tháng sau, ngày 24 tháng 7 năm 1996, Tổng cục Báo chí và Xuất bản, một cơ quan trực thuộc Bộ Tuyên truyền của ĐCSTQ, đã ban hành chính sách cấm xuất bản “Chuyển Pháp Luân” và “Pháp Luân Công Trung Quốc” – hai cuốn sách có các bài giảng chính của Pháp Luân Công, đang bán chạy nhất ở Bắc Kinh bấy giờ.

1997: Các cuộc điều tra của cảnh sát không tìm thấy chứng cứ về việc làm sai trái nào

Tháng 1 và tháng 7 năm 1997, Bộ Công an Trung Quốc tiến hành hai cuộc điều tra Pháp Luân Công trên toàn quốc để tìm ra cái gọi là “hoạt động tôn giáo phi pháp”, thu thập chứng cứ phạm tội để quy kết cho Pháp Luân Công là “tà giáo”. Kết quả, sau quá trình điều tra kỹ lưỡng, các cục công an các nơi trên toàn quốc đều báo cáo phản ánh rằng “Không phát hiện có vấn đề gì.”

Thực tế là, bấy giờ ở Trung Quốc, cứ mười người lại có một người học luyện Pháp Luân Công, danh tiếng và uy đức của Pháp Luân Công ngày càng lớn mạnh trong dân chúng.

Trước tình huống này, Giang Trạch Dân, lãnh đạo ĐCSTQ khi đó, bị kích động mà coi Pháp Luân Công như cái gai trong mắt, ghen tỵ đến mất cả lý trí. Còn La Cán, một thân tín của Giang, lại muốn mượn tay Giang Trạch Dân, hãm hại Pháp Luân Công làm bàn đạp để thăng quan phát tài. Vậy bọn họ làm thế nào có thể thực hiện được ý đồ này?

1998: Gián điệp và vu khống

Tháng 3 năm 1998, sau khi La Cán trở thành Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) Trung ương, đã tích cực theo đuổi ý đồ này.

Tháng 7 năm 1998, La Cán cùng một số quan chức khác, thông qua Bộ Công an, trước tiên gán cho Pháp Luân Công là “tà giáo”, sau đó mới điều động công an trên toàn quốc thu thập chứng cứ làm căn cứ cho cáo buộc này.

Cục thứ nhất của Bộ Công an đã ban hành chính sách số 555 năm 1998 với tiêu đề “Thông tư về việc mở cuộc điều tra về Pháp Luân Công”, trong đó công khai tuyên bố Pháp Luân Công là “tà giáo”, yêu cầu cảnh sát tìm kiếm thông tin nội bộ về các hoạt động của Pháp Luân Công, cũng như thu thập bằng chứng về các hoạt động “phi pháp và tội phạm”. Chính sách này còn yêu cầu các lực lượng cảnh sát địa phương tiến hành điều tra sâu.

Một số lượng lớn cảnh sát, cảnh sát của Cục Mặt trận Thống nhất, và các cảnh sát đặc nhiệm đã được phái đến các điểm luyện công của Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc. Lấy cớ muốn học Pháp Luân Công và đọc sách Chuyển Pháp Luân, những cảnh sát này đã nằm vùng trong các học viên như những điệp viên chìm. Kỳ thực, trà trộn như vậy rất dễ, bởi tất cả các hoạt động của Pháp Luân Công đều công khai, tự do, miễn phí, không ghi danh, cũng không quản lý hội viên.

Sau quá trình tiếp xúc gần gũi với các học viên Pháp Luân Công, nhiều cảnh sát đã liễu giải được Pháp Luân Công khá thâm sâu và còn trở thành những người tu luyện kiên định. Điều đó khiến La Cán và các quan chức khác phải giật mình: khắp nơi trên cả nước, không đâu thu thập được một chứng cứ nào cho thấy Pháp Luân Công phạm pháp cả.

Tuy nhiên, hai lần điều tra như vậy vẫn tạo ra hiệu ứng gợn sóng ở những nơi vu khống Pháp Luân Công. Hễ có vu khống, các học viên liền tới giải thích để hạn chế tổn thất.

Dưới đây là một số ví dụ.

Ví dụ 1: Sở Cảnh sát Triều Dương ở tỉnh Liêu Ninh đã ban hành chính sách số 37 năm 1998 với tiêu đề “Thông báo cấm các hoạt động bất hợp pháp của Pháp Luân Công”. Một số phụ đạo viên tình nguyện (người hỗ trợ hướng dẫn học Pháp Luân Công) tại các điểm luyện công tập thể đã bị tuyên phạt với tổng số tiền hơn 4.000 nhân dân tệ, mặc dù không có biên lai nào được xuất cho số “tiền phạt” này.

Vì thế, hơn 40 học viên đã đến Bắc Kinh để khiếu nại lên Bộ Công an. Hơn 1.000 học viên đã đệ đơn khiếu nại chung đối với Sở Cảnh sát Triều Dương.

Ví dụ 2: Tháng 5 năm 1998, Tổng cục Thể thao Trung Quốc tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về Pháp Luân Công. Các học viên đã thản nhiên giải đáp các câu hỏi một cách trung thực.

Ngày 20 tháng 10 năm 1998, các trưởng nhóm các lực lượng đặc nhiệm được phái đến điều tra tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm và thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đều khẳng định chắc chắn Pháp Luân Công có hiệu quả rõ rệt về cả phương diện chữa bệnh khỏe người, xây dựng văn minh tinh thần, cũng như giữ gìn ổn định xã hội. Ngoài ra, các cuộc điều tra phi chính phủ ở Bắc Kinh, tỉnh Quảng Đông, thành phố Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh, và thành phố Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc cũng cho kết quả tích cực tương tự.

Ví dụ 3: Cuối tháng 5 năm 1998, Đài Truyền hình Bắc Kinh phát sóng những vu khống của Hà Tộ Hưu đối với Pháp Luân Công trong chương trình “Tốc hành Bắc Kinh”. Ông ta đặc biệt công kích và tuyên bố Pháp Luân Công là có hại. Trong cảnh quay các buổi luyện công tập thể của các học viên tại Công viên Ngọc Uyên Đàm, phóng viên đã gọi Pháp Luân Công là “mê tín dị đoan”.

Sau khi chương trình này được phát sóng, hàng trăm học viên Pháp Luân Công ở Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc lân cận đã viết thư hoặc đến đài truyền hình. Họ nhắc lại chính sách “Ba không” của chính phủ về khí công (không tuyên truyền, không tranh luận, không phê bình) và kể lại những lợi ích mà họ trải qua khi tu luyện Pháp Luân Công. Họ cũng chỉ ra rằng việc đài truyền hình đưa tin không chính xác như vậy sẽ gây hiểu lầm cho mọi người và dư luận trên diện rộng.

Hà Tộ Hưu và La Cán vốn là anh em đồng hao (vợ của hai ông này là chị em gái). Mặc dù không có bất kể thành tích học tập gì, nhưng Hà Tộ Hưu lại trở thành viện sỹ của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) nhờ thúc đẩy cái gọi là “đúng đắn chính trị” và tư tưởng cộng sản. Để làm hài lòng lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ là Giang Trạch Dân, ông ta đã xuất bản một bài báo, trong đó dùng “cơ học lượng tử” để chứng minh thuyết “Tam đại biểu” của Giang là đúng đắn – vì thế mà người ta gọi Hà là “kẻ lưu manh khoa học”. Khi công kích Pháp Luân Công, ông ta đưa ra những ví dụ không có gì liên quan đến Pháp Luân Công, mà chẳng qua là thủ đoạn chụp mũ thông thường của ĐCSTQ.

Sau khi các học viên Pháp Luân Công chia sẻ trải nghiệm của họ, các cán bộ của Đài Truyền hình Bắc Kinh thừa nhận rằng bản tin của họ về Pháp Luân Công là sai lầm nghiêm trọng nhất trong lịch sử của đài. Để đính chính, ngày 2 tháng 6 năm 1998, Đài Truyền hình Bắc Kinh đã phát sóng một phóng sự công chính với những bình luận tích cực và hình ảnh các học viên Pháp Luân Công thuộc mọi giai tầng xã hội đang luyện công yên bình ở một công viên.

Ví dụ 4: Ngày 21 tháng 7 năm 1998, Cục 1 của Bộ Công an đã ban hành một chính sách nữa để chỉ đạo cảnh sát tấn công Pháp Luân Công. Theo đó, cảnh sát địa phương đã cưỡng bức giải tán các học viên Pháp Luân Công tại các điểm luyện công ở các tỉnh như Tân Cương, Hắc Long Giang, Hà Bắc và Phúc Kiến. Họ khám xét nhà riêng trong khi không có lệnh và tịch thu đồ đạc cá nhân.

Theo thông tin nội bộ, La Cán đã hai lần tìm cách chụp mũ cho Pháp Luân Công là “tà giáo” để lấy cớ tiến hành bức hại, một lần vào năm 1997, một lần nữa vào năm 1998. “Không phải vì các học viên Pháp Luân Công đã làm gì sai. Mà vì ông ấy đã làm Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương, là vị trí cao nhất có thể rồi, nên để lên cao hơn thì nhất định phải làm gì đó có tác động lớn. La muốn đem nước khuấy cho đục lên, như thế vị trí của ông ta mới có thể trở thành tiêu điểm”, một bài báo của Minh Huệ năm 2009 phân tích.

Sau đó, La phát hiện ra rằng nhiều người có chức vụ trong Bộ Công an đã hiểu rõ khí công, thậm chí còn tập khí công. Vì thế, năm 1996, La cố ý cải tổ Bộ Công án, không chỉ biên chế lại mà còn loại bỏ hết những người phụ trách mảng khí công, trải đường cho bước kế tiếp là đàn áp Pháp Luân Công.

Ví dụ 5: Nửa cuối năm 1998, một số cán bộ hưu trí kỳ cựu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, đứng đầu là Kiều Thạch, căn cứ vào lượng lớn thư phản ánh của dân chúng về việc công an đối xử phi pháp với người tập Pháp Luân Công, đã tiến hành điều tra, nghiên cứu tỉ mỉ về Pháp Luân Công một thời gian và kết luận rằng “Pháp Luân Công đối với đất nước và nhân dân chỉ có trăm điều lợi, mà không có lấy một điều hại”. Đến cuối năm đó, họ đã đệ trình báo cáo lên những phát hiện của mình lên Cục Chính trị mà Giang Trạch Dân là người đứng đầu bấy giờ.

Kiều Thạch là một trong những thành viên sáng lập của ĐCSTQ. Ông sinh ra ở Thượng Hải, nguyên tên là Tưởng Chí Đồng. Trong cuộc xâm lược của Nhật Bản (1937-1945), ông đã tham gia vào các hoạt động ngầm của ĐCSTQ tại Thượng Hải. Trong cuộc Nội chiến Trung Quốc (1945-1949), ông là Bí thư chi bộ Đảng của Đại học Đồng Tế và là tổng điều phối ủy ban học thuật tại Thượng Hải. Sau quá trình công tác trong lĩnh vực kỹ thuật từ năm 1949, Kiều trở thành chính trị gia vào năm 1963. Sau 13 năm công tác tại Văn phòng Liên lạc của Chính phủ Nhân dân Trung ương, ông lên chức thứ trưởng. Năm 1983, ông đảm nhiệm chức chủ nhiệm Tổng Văn phòng Ủy ban Trung ương ĐCSTQ kiểm trưởng Ban Tổ chức ĐCSTQ, một cơ quan ngang bộ. Năm 1985, ông là Ủy viên Bộ Chính trị và được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy Quân chủng Trung ương, phụ trách về chính trị và pháp luật, an ninh, tình báo và tư pháp. Sau khi nhậm chức phó thủ tướng vào năm 1986, Kiều trở thành chủ tịch Quốc hội vào năm 1993. Vào thời điểm đó, chủ tịch Quốc hội vẫn là người phụ trách chính trị và luật pháp. Đến năm 1998, Kiều nghỉ hưu.

Như vậy, có thể thấy, Kiều đã từng đảm nhiệm hầu hết các vị trí cấp cao của ĐCSTQ, từ liên lạc đối ngoại, cơ cấu nội bộ, tổ chức, chính trị và pháp luật, hành chính cho đến lập pháp. Điều này đối với các quan chức ĐCSTQ là rất hy hữu. Trên thực tế, từ năm 1985 đến 1998, Kiều đều nắm những chức vụ cao nhất trong hệ thống chính trị và pháp luật của Trung Quốc.

Tuy nhiên, kết luận “Pháp Luân Công đối với đất nước và nhân dân chỉ có trăm điều lợi, mà không có lấy một điều hại” của Kiều và cách xử lý mang tính dân chủ của Thủ tướng Chu Dung Cơ đối với cuộc kháng nghị ôn hòa ngày 25 tháng 4 năm 1999 bấy giờ (chi tiết xem bên dưới) đã khiến Giang cực kỳ bất mãn. Hơn nữa, sức cảm hóa đạo đức to lớn của nhà sáng lập Pháp Luân Công và sự phổ biến của pháp môn này cũng làm cho Giang ghen tỵ đến phát điên.

1999: Vụ bắt giữ ở Thiên Tân

Sau sự cố của Đài Truyền hình Bắc Kinh, các hãng thông tấn ở Bắc Kinh cuối cùng đã áp dụng Chính sách “Ba không”. Trước tình hình đó, La Cán và Hà Tộ Hưu dã chuyển sự chú ý sang thành phố Thiên Tân gần đó.

Ngày 11 tháng 4 năm 1999, Hà Tộ Hưu đã xuất bản một bài báo trên Tạp chí Khoa học Thanh Thiếu niên (một tạp chí do Trường Đại học Sư phạm của Học viện Giáo dục Thiên Tân) xuất bản với tiêu đề “Tôi không tán thành thanh thiếu niên tập Pháp Luân Công”. Trong bài báo, ông ta lại đưa ra những trích dẫn không có thật, tiếp tục dùng thủ đoạn “bôi nhọ thanh danh” để vu khống Pháp Luân Công như đã làm với Đài Truyền hình Bắc Kinh năm 1998.

Sau khi bài báo này được xuất bản, một số học viên ở Thiên Tân cho rằng họ cần phải giảng chân tướng với nhà xuất bản và các cơ quan chính quyền liên quan. Do đó, từ ngày 18 đến ngày 24 tháng 4, một số học viên đã đến Học viện Giáo dục Thiên Tân và một số cơ quan hữu quan để phản ánh tình huống thực tế.

Theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công, những học viên đến Học viện Giáo dục Thiên Tân đều tự giác giữ trật tự và yên lặng. Họ không gây ồn ào, không tùy ý đi lại, và giữ cho đường thông hè thoáng để tránh tắc nghẽn giao thông. Các học viên cũng tình nguyện giúp cảnh sát điều tiết giao thông.

Hầu như cuộc vận động chính trị nào của ĐCSTQ cũng đều bắt đầu bằng vụ phỉ báng của các nhà văn chính trị trên các ấn phẩm để bôi nhọ danh dự và tạo nên bầu không khí khủng bố. Và bởi vì ĐCSTQ toàn trị kiểm soát toàn bộ các kênh truyền thông và dư luận ở Trung Quốc, nên hình thức thỉnh nguyện này là cách duy nhất để các học viên bày tỏ quan ngại của họ với các quan chức chính quyền về bài báo phỉ báng của Hà Tộ Hưu.

Điều 41 của Hiến pháp Trung Quốc có đảm bảo cho quyền tự do tín ngưỡng, quyền biểu đạt, và quyền kháng cáo:

“Công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền phê bình và kiến nghị về bất kỳ cơ quan nhà nước hay cán bộ nào nhà nước nào. Các cơ quan hữu quan phải giải quyết – một cách có trách nhiệm và bằng cách xác minh sự thật – các khiếu nại, cáo buộc hoặc tố giác của công dân về bất kỳ cơ quan nhà nước hay cán bộ nhân viên nhà nước nào có hành vi thất trách, trái pháp luật. Tuy nhiên, không được bịa đặt, bẻ cong sự thật, hay tiến hành vu cáo hãm hại.

Nhưng đáp lại cuộc thỉnh nguyện ôn hòa, La Cán, Bí thư Đảng ủy của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, đã ra lệnh cho cảnh sát Thiên Tân điều động hơn 300 cảnh sát chống bạo động từ ngày 23 đến ngày 24 tháng 4 đánh đập các học viên, khiến một số bị thương và chảy máu, và bắt giữ 45 học viên.

Khi các học viên yêu cầu thả 45 người bị bắt, chính quyền thành phố Thiên Tân bảo họ rằng có Bộ Công an Bắc Kinh can thiệp vào vụ việc này nên không thể thả những học viên bị giam giữ nếu chưa được Bộ Công an cho phép. Cảnh sát Thiên Tân trực tiếp bảo các học viên: “Các vị đi Bắc Kinh đi, đi Bắc Kinh mới có thể giải quyết vấn đề.”

Việc ĐCSTQ leo thang chụp mũ và công kích Pháp Luân Công từ năm 1996 đến 1999 đã khiến các học viên lo ngại. Họ đã hỏi dò làm thế nào để có thể chấm dứt sự vu khống này nếu đến Bắc Kinh khiếu nại. Nhiều người nghe nói kênh chính thức là Văn phòng Kháng nghị của Hội đồng Nhà nước. Vì thế, ngày 25 tháng 4 năm 1999, các học viên đã tự phát đến Bắc Kinh và tập trung bên ngoài Văn phòng Kháng nghị.

Cuộc thỉnh nguyện lịch sử

Mặc dù vụ bắt giữ ở Thiên Tân là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc thỉnh nguyện ở Bắc Kinh ngày 25 tháng 4, nhưng đó chỉ là một biểu hiện của hàng loạt vụ chụp mũ của một số quan chức hàng đầu của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công kể từ năm 1996.

Mặc dù các học viên đến từ khắp Trung Quốc và có hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều có chung một nguyện vọng. Hồi ức của họ về ngày đó cũng khá giống nhau. Dưới đây là một số lời chứng được công bố trên Minh Huệ (Minghui.org) trong 22 năm qua.

Lời chứng của ông Meng Zhaowu

Ông Meng từng học ở Liên Xô vào những năm 1950 và là một nhà khoa học có nhiều thành tựu. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 10 năm 1995, và đã tìm thấy “phần thưởng cho những cay đắng trong cuộc đời tôi”. “Tôi nghĩ người ta thật khó mà tìm thấy một cơ hội tuyệt vời như thế này” ông viết.

Ông Meng nghe nói về sự cố Thiên Tân từ một học viên khác qua một cuộc điện thoại. Cô ấy nói rằng cô ấy sẽ đến Văn phòng Kháng cáo của Hội đồng Nhà nước vào ngày hôm sau (ngày 25 tháng 4 năm 1999), và ông cũng quyết định đi.

“Sáng sớm hôm sau, tôi đạp xe đến Văn phòng Kháng cáo và đến phố Tây Tứ lúc 9 giờ sáng, thấy hai bên đường dựng rất nhiều xe đạp, và tôi cũng để xe ở đó”, ông kể lại.

“Trên đường tới chỗ Văn phòng Kháng cáo trên đường Phủ Hữu, đã có rất nhiều học viên Đại Pháp tập trung ở đó. Cảnh sát chỉ dẫn cho họ đứng ở hai bên đường Phủ Hữu. Tôi hòa vào cùng mọi người ở phía Tây của con đường, từ vị trí của tôi đến Văn phòng Kháng cáo chỉ cách có mấy chục mét. Có xe cảnh sát chạy qua lại để điều tiết giao thông. Bầu không khí có chút căng thẳng.“

“Một lát sau, theo chỉ dẫn của cảnh sát, toàn bộ các học viên đang đứng ở phía Đông của con đường, ở bên bức tường đỏ của Trung Nam Hải (khu phức hợp của chính phủ trung ương, nơi đặt trụ sở của Quốc vụ viện) đã chuyển sang phía Tây đường Phủ Hữu. Chuyển cả đám người đông như thế sang bên kia đường mà chưa tới 10 phút đã xong. Phía Tây con đường bỗng chốc đông nghịt. Mọi người xếp thành các hàng vuông góc với đường cái, mỗi hàng khoảng chục người, hết hàng này đến hàng khác, đứng san sát, nhiều vô kể. Chúng tôi gần như không có chỗ mà quay đầu”, ông Meng tiếp tục.

“Dọc theo đường Phủ Hữu, dòng học viên xếp dài hơn 1km. Chỉ riêng những người trên đường Phủ Hữu đã lên tới hơn 10.000 người. Phía Bắc có những học viên đứng trên con phố Đông sang Tây từ Tây Tứ đến Công viên Bắc Hải. Hàng người xếp dài phải đến vài dặm. Bên trái của tôi là hơn chục học viên Đại Pháp từ Thiên Tân. Bên phải tôi là mấy học viên bay đến từ Urumqi, tỉnh Tân Cương. Mọi người ai cũng hết sức tường hòa, lặng lẽ đứng đó. Rồi từng người lần lượt truyền lại cho người sau những gì đang xảy ra phía trước”, ông nói.

Lời chứng của ông Thạch, khi đó là ứng viên Tiến sỹ của Học viện Khoa học Trung Quốc

“Tối ngày 24 tháng 4, tôi đến điểm học Pháp nhóm như mọi ngày. Nhưng tôi đến hơi muộn vì hôm đó phải tăng ca hoàn thành thí nghiệm”, ông Thạch viết. Cô Lý, một phụ đạo viên tình nguyện, kể qua về tình hình ở Thiên Tân.

“Sáng hôm sau, tôi đến phố Phủ Hữu tầm 7 rưỡi, đã thấy rất nhiều học viên ở đó và các con phố phụ cận, người đứng, người ngồi. Họ không nói chuyện với người đi đường, có người đang đọc sách của Pháp Luân Công. Mặc dù có rất nhiều học viên, nhưng chúng tôi không hề gây tắc nghẽn giao thông hay tiếng ồn”, ông viết.

Trên phố Tây An Môn gần đó, ông Thạch nhìn thấy các học viên đang xếp hàng chỉnh tề chờ đến lượt vào nhà vệ sinh công cộng. Các học viên xếp hàng dài bên đường, những người ngồi thì vào sát tường ngồi, người đứng thì đứng bên vỉa hè, có người đang đọc Chuyển Pháp Luân. “Nhìn trang phục, xem ra có người từ nông thôn tới, đều lộ ra vẻ giản dị và thiện lương”, ông nói thêm. Cũng có cảnh sát mặc thường phục ở khắp nơi báo cáo tình hình qua bộ đàm.

Lời khai của một học viên Pháp Luân Công khác ở Trung Quốc

Vì cuộc bức hại ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn, để đảm bảo an toàn cho nhân chứng, chúng tôi không thể tiết lộ danh tính của học viên này.

“Luyện công xong, tôi thấy mấy nhóm đệ tử Đại Pháp Bắc Kinh và ngoại ô tứ phía đi về phía Quốc vụ viện, nên cũng theo đoàn người hướng về phía Phủ Hữu đi. Đến đầu phố đã thấy mấy cảnh sát trực sẵn ở chỗ giao lộ, ven đường. Họ không cho chúng tôi đi tiếp. Chúng tôi bèn đi đến phía Bắc của cổng Tây Trung Nam Hải qua những con hẻm nhỏ.

“Khi mặt trời ló dạng, ngày càng có nhiều học viên tới đây. Chúng tôi không quen nhau nhưng ai nấy đều hòa ái. Mọi người tự giác xếp thành ba hàng: hàng trước chủ yếu là các tiểu đệ tử; hai hàng sau mọi người ngồi, hoặc đọc sách Chuyển Pháp Luân, hoặc thiền định, còn lại để nhường lối cho người đi bộ qua lại.

“Vào giờ cao điểm buổi sáng, xe buýt và ô tô vẫn di chuyển trên phố như thường lệ. Mục đích thỉnh nguyện của chúng tôi rất rõ ràng và đơn giản: thả các học viên bị bắt ở Thiên Tân; cho học viên Pháp Luân Công môi trường cởi mở để tu luyện; và cho phép xuất bản các sách Pháp Luân Đại Pháp.”

“Sau đó, cảnh sát hạn chế không cho xe cộ và người đi bộ vào nên lượng lưu thông trên đường ít đi. Chỉ thấy rất nhiều cảnh sát tuần tra trên phố và một chiếc xe bọc thép khổng lồ chạy qua lại. Có thể thấy rõ trên xe có một camera ghi lại mọi người đi thỉnh nguyện, nhưng không ai lảng tránh, bởi chúng tôi cảm thấy mình đã làm đúng. Sau đó, chúng tôi nghe nói các đoạn video này được dùng để các đơn vị kiểm tra xem nhân viên của họ có trong đám đông hay không.”

“Các đệ tử Đại Pháp cứ ở đó cả ngày ròng, lặng lẽ chờ đợi kết quả trao đổi của các học viên đại diện với Thủ tướng Chu Dung Cơ. Trong lúc chờ, có một số cảnh tượng khiến tôi vô cùng xúc động.

“1. Tại một ngã tư của một con đường nhỏ, một người phụ nữ và đứa con nhỏ đang ngồi xổm bên lề đường. Một người đàn ông trung niên (có lẽ là cảnh sát mặc thường phục) hỏi cô ấy, “Ai bảo cô đến đây?” Cô trả lời: ‘Là trái tim tôi mách bảo.’ Nghe câu trả lời chân thành mà trí huệ của cô, tôi liền nước mắt lưng tròng.”

“2. Mặc dù có hàng chục nghìn học viên, nhưng đều kỷ luật đến kỳ lạ. Cảnh sát đi tới lui trên đường rất thoải mái, vứt đồ ăn, vỏ chai, đầu mẩu thuốc lá tùy tiện trên đường. Các học viên gần đó sẽ nhặt rác và bỏ vào thùng rác. Đường phố, vỉa hè được giữ sạch sẽ nhờ các học viên.”

“3. Đến chiều, các quan chức từ các quận xung quanh được lệnh đến hiện trường. Một người tự nhận mình là người huyện trưởng huyện Diên Khánh đã hỏi một bác nông dân. “Bà bỏ trang trại đến đây làm gì thế?” Bà trả lời, “Sau khi tôi tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã lấy lại được sức khỏe, cây trồng của tôi cũng phát triển. Tôi muốn nói điều đó với các quan chức trong chính phủ trung ương.” Bà rất mộc mạc, chân chất, và điều đó đã để lại ấn tượng trong tôi.”

“Tầm 9 giờ tối, chúng tôi nghe nói các đề xuất của chúng tôi đã được chấp thuận, mọi người liền dọn dẹp sạch sẽ rác trên đường, rồi nhanh chóng rời đi trong yên bình. Còn các học viên từ các nơi khác đến đi bằng ô tô do chính quyền địa phương của họ đưa đến. Đây là một cách lén lút để chính quyền địa phương ghi lại danh tính của các học viên tham gia vào sự kiện này. Các học viên không hề nghĩ rằng trong vòng chưa đầy ba tháng sau lại có thể nổ ra một cuộc bức hại tàn bạo mà hàng chục năm sau vẫn chưa kết thúc. Sau đó, lãnh đạo đơn vị tìm tôi nói với tôi về điều đó, và tôi được biết qua một hồ sơ mật của chính phủ, rằng số học viên đi thỉnh nguyện không chỉ là 10.000 người, mà là mấy chục nghìn người. Rốt cuộc là bao nhiêu, một ngày nào đó, toàn thiên hạ sẽ biết.”

Lời chứng của một học viên ở Trung Quốc

Đây là một trường hợp tạm thời không thể công khai danh tính để đảm bảo an toàn cho nhân chứng.

“Khoảng 8 giờ 15 sáng ngày 25 tháng 4, Thủ tướng Chu Dung Cơ dẫn đầu một nhóm người từ của chính Quốc vụ viện (cổng Tây) đi ra, qua đường cái, tới trước mặt các học viên đang thỉnh nguyện. Các học viên vang lên tiếng vỗ tay. Thủ tướng Chu hỏi, ‘Các vị đến làm gì? Ai bảo các vị đến?” Nhiều học viên đồng loạt trả lời ‘Chúng tôi đến để báo cáo tình hình về Pháp Luân Công. Không có ai tổ chức cả.’ Thủ tướng Chu hỏi lại, ‘Tại sao không viết đơn khiếu nại? Tại sao có nhiều người ở đây vậy?’”

“Nhiều học viên đã trả lời. Một người nói, ‘Đơn viết tính ra phải đầy cả bao tải mà còn không được hồi đáp.’ Thủ tướng Chu nói, “Tôi đã phúc đáp vấn đề của các vị rồi mà.’ Các học viên nói, ‘Chúng tôi không nhận được.’ Lúc ấy, mọi người mới nhận ra phúc đáp của thủ tướng cho các học viên đã bị người có ý đồ chặn lại rồi.”

“Thủ tướng bèn yêu cầu các học viên cử một số đại diện vào Quốc vụ viện để báo cáo tình hình. Đến trưa ngày 25 tháng 4 năm 1999, hai học viên Pháp Luân Công của Hội Nghiên cứu Pháp Luân Đại Pháp là Lý Xương và Vương Trị Văn, cùng ba học viên Bắc Kinh nữa đã vào Quốc vụ viện với tư cách là đại diện của Pháp Luân Công để đàm phán với các quan chức chính phủ. Họ nêu ra ba yêu cầu của các học viên Pháp Luân Công:

1) Trả tự do cho các học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ ở Thiên Tân.

2) Cung cấp một môi trường cởi mở để các học viên Pháp Luân Công có thể tập luyện công khai mà không bị chính phủ trả đũa.

3) Cho phép xuất bản sách Pháp Luân Công.

“Những quan chức chính phủ tham gia cuộc đàm phán bao gồm người phụ trách Văn phòng Kháng cáo của Quốc vụ viện, người phụ trách thành phố Bắc Kinh, và người phụ trách thành phố Thiên Tân. Vào lúc chạng vạng, thành phố Thiên Tân đã thả tất cả các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ theo chỉ thị của chính quyền trung ương. Ngay sau đó, các học viên lặng lẽ rời đi. Toàn bộ quá trình diễn ra rất yên bình và trật tự ”.

Cuộc thỉnh nguyện bị dán nhãn là “bao vây”

Các kênh truyền thông do ĐCSTQ kiểm soát sau đó đã cáo buộc rằng “Pháp Luân Công đã bao vây Trung Nam Hải”, khu phức hợp của chính quyền trung ương. Trên thực tế, lý do duy nhất mà các học viên đứng gần Trung Nam Hải là vì Văn phòng Kháng cáo của Quốc vụ viện nằm ở cổng Tây của Trung Nam Hải.

Pháp Luân Công dạy mọi người trở thành công dân tốt bằng cách tuân theo Chân-Thiện-Nhẫn và buông bỏ chấp trước, kể cả những mưu cầu chính trị. Các học viên đã tham gia cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 không hề có ý định tham dự chính trị. Mục đích đơn giản của họ là chấm dứt những tuyên truyền phỉ báng để công chúng không bị kích động thù hận.

Tác động của cuộc thỉnh nguyện

Mặc dù cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 không thể ngăn chặn âm mưu ĐCSTQ nhằm bức hại Pháp Luân Công, nhưng nó đã khiến công chúng, từ những công dân bình thường đến các quan chức, thấy được ​​bản chất ôn hòa và thiện lương của các học viên Pháp Luân Công. Khi ngày càng có nhiều người biết chân tướng, người ta đã nhận ra rằng cuộc thỉnh nguyện là một tượng đài đạo đức trong thời đại chúng ta.

Ở Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất dưới sự cai trị của chế độ độc tài nhất, thật khó có thể tưởng tượng rằng ở một xã hội đã trải qua sự suy thoái đạo đức như vậy, lại có nhiều người tự nguyện đứng ra bảo vệ Chân-Thiện-Nhẫn. Qua nhiều cuộc vận động chính trị, ĐCSTQ đã bức hại được giới địa chủ, tư sản, trí thức và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ. Đối mặt với một chế độ tàn bạo như vậy, lòng can đảm, thiện lương và kiên định mà các học viên Pháp Luân Công thể hiện ra là chưa từng có.

Sau cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4, các học viên Pháp Luân Công đã bị giám sát khắp nơi, hoặc trực tiếp bởi cảnh sát hoặc gián tiếp bởi các chủ lao động. Trên thực tế, việc sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công đã bắt đầu từ năm 1998, như đã đề cập bên trên. Nhưng đến đến tháng 7 năm 1999, khi Giang ra lệnh cho cảnh sát bức hại các học viên Pháp Luân Công trên toàn quốc thì cuộc bức hại tàn bạo mới trở nên công khai.

Đấu tranh giai cấp, tàn bạo, thù hận và dối trá là những đặc điểm căn bản của ĐCSTQ và không thể dung hòa với nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công. Đó cũng là lý do tại sao Giang ban hành chỉ thị “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể” các học viên Pháp Luân Công. ĐCSTQ đã sử dụng chính hệ tư tưởng này để đàn áp các nhóm mục tiêu khác trong các chiến dịch chính trị trước đây, nhưng đến cuộc bức hại Pháp Luân Công, ĐCSTQ mới huy động mọi thủ đoạn của nó để bức hại một nhóm người vô tội với mục đích duy nhất là trở thành công dân tốt.

Trong hàng nghìn năm lịch sử, người Trung Quốc tin vào thiện hữu thiện báo và có niềm tin sâu sắc vào Thần Phật. Mặc dù ĐCSTQ đã gần như phá hủy mọi giá trị truyền thống của Trung Quốc và giờ đây đang đe dọa thế giới, nhưng việc loại bỏ chế độ tàn nhẫn này chỉ còn là vấn đề thời gian. Hơn 370 triệu người Trung Quốc đã công khai từ bỏ tư cách thành viên hiện tại và trước đây của họ trong ĐCSTQ và các tổ chức Đoàn, Đội của nó. Nhiều chính phủ, quan chức và cá nhân trên khắp thế giới cũng chọn chống lại chế độ cộng sản này.

Cho dù các thế lực xấu có mạnh và đen tối đến đâu, cho dù có bao nhiêu quan chức đã từ bỏ các giá trị đạo đức của họ, chân lý vũ trụ sẽ không vì con người thế nào mà cải biến. Thiện ác hữu báo là Thiên lý. Một ngày nào đó, mỗi người đều phải nhận thẩm phán cuối cùng, đều phải vì những gì đã làm trong cuộc sống mà chịu trách nhiệm. Nhìn rõ chân tướng, giữ vững lương tri, lựa chọn của chúng ta sẽ quyết định tương lai của chính chúng ta vì đó là ấn chứng quyết định tương lai chúng ta sẽ đi về đâu.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/24/423733.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/25/192035.html

Đăng ngày 28-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share