Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Philadelphia, Pennsylvania, Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 21-04-2021] Ngày 17 tháng 4 năm 2021, các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tiểu bang Philadelphia đã tổ chức các hoạt động tại Trung tâm Chuông Tự do (Liberty Bell) ở Công viên Lịch sử Quốc gia Độc lập để kỷ niệm cuộc kháng nghị ôn hòa lịch sử. 22 năm trước, vào ngày 25 tháng 4 năm 1999, hơn 10.000 học viên Pháp Luân Đại Pháp từ khắp Trung Quốc đã tập trung ở gần khu phức hợp chính quyền trung ương ở Bắc Kinh, với mục đích yêu cầu chính quyền chấp thuận cho họ một môi trường hợp pháp, phi chính trị để tập luyện, đồng thời ngừng quấy nhiễu các học viên Đại Pháp. Mặc dù các học viên đến rất đông, nhưng cuộc thỉnh nguyện diễn ra hết sức ôn hòa và trật tự. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại tuyên bố họ gây bạo loạn với chính quyền trung ương, rồi lợi dụng cuộc tụ họp ôn hòa này làm cái cớ để phát động cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp, mà đến nay vẫn tiếp diễn.

47b1d8e00fa4045a2864bdd1bae71d26.jpg

Các học viên ở tiểu bang Philadelphia tập trung tại Trung tâm Chuông Tự do thuộc Công viên Lịch sử Quốc gia Độc lập để kỷ niệm cuộc kháng nghị ôn hòa tại Bắc Kinh 22 năm trước vào ngày 25 tháng 4 năm 1999.

6a9eb52b620899acc2005829070a15d6.jpg

Một người qua đường (phía trước bên phải, áo xanh) học các bài công pháp.

b201596c6406b8ac89c0cb675858bc50.jpg

7f9e519e67b176a6b63e7e72e955eccf.jpg

Các học viên giải thích tại sao chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại Pháp Luân Đại Pháp.

Các học viên đã biểu diễn các bài công pháp, tổ chức một cuộc mít-tinh, trưng bày các bảng thông tin về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại, và phát tờ rơi cho du khách trong công viên. Các học viên đã thông báo cho công chúng về cuộc bức hại đang diễn ra ở Trung Quốc và đề nghị mọi người ký vào bản kiến nghị kêu gọi chấm dứt nó.

Một số học viên tham gia sự kiện ngày 25 tháng 4 ở Bắc Kinh 22 năm trước đã chia sẻ trải nghiệm của họ.

Tinh thần cao quý và lòng dũng cảm của các học viên Pháp Luân Công

Khi diễn ra cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4, anh Hoàng Khuê còn là sinh viên của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh. Vào tối hôm trước, anh đã gặp một người bạn cùng lớp và hay tin cảnh sát ở Thiên Tân đã đánh đập và bắt giữ các học viên địa phương. “Tôi sửng sốt và quyết định đến Cơ quan Quản lý Khiếu nại và Kiến nghị Công cộng Quốc gia vào ngày hôm sau, bởi vì Thiên Tân là một đô thị trực thuộc chính quyền trung ương.

Anh Hoàng chia sẻ, “Tôi đã rất lo lắng trước khi đi, khi biết bản chất bạo ngược của chính quyền này và sự kinh hoàng của vụ thảm sát ngày 4 tháng 6. Tôi không chắc nhà cầm quyền có trấn áp hay bắn chúng tôi hay không. Nhưng vì trách nhiệm, tôi biết tôi cần phải đứng lên, lên tiếng cho Pháp Luân Đại Pháp và các đồng tu.”

Anh Hoàng có những ký ức sống động về ngày hôm đó. “Sáng ngày 25 tháng 4, xe buýt của chúng tôi đến Trung Nam Hải [khu phức hợp của chính quyền trung ương, gần Văn phòng Quản lý Khiếu nại và Kiến nghị Công cộng Quốc gia] và nhiều học viên đã lặng lẽ đứng dọc các con phố. Khung cảnh rất ôn hòa, cả ngày trôi qua trong yên bình, không có bạo lực, không tiếng la ó. Khoảng 9 giờ tối, chúng tôi nghe nói các học viên ở Thiên Tân đã được thả, vì vậy chúng tôi rời đi sau khi dọn sạch rác trên mặt đường.

Anh Hoàng cho biết, “Cuộc kháng nghị ôn hòa vào ngày 25 tháng 4 đã đưa Pháp Luân Công lên vũ đài quốc tế. Đây là cuộc kháng nghị ôn hòa lớn nhất kể từ khi chính quyền này lên nắm quyền. Nó thể hiện tinh thần cao quý và lòng dũng cảm của các học viên, và đặt ra một tấm gương về cách ứng xử hòa bình với chính quyền độc tài.”

Chứng thực với thế giới rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt

Cô Vương Lan Lan bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 3 năm 1998, khi còn học tại Đại học Thanh Hoa. Cô chia sẻ, “Quãng thời gian ấy thật tuyệt vời. Chúng tôi đọc các bài giảng và luyện công cùng nhau trong khuôn viên trường.“ Ngày 24 tháng 4, cô nghe các đồng tu nói họ dự định đến Cơ quan Quản lý Khiếu nại Quốc gia vào ngày hôm sau và cô đã quyết định đi cùng họ.

“Ngày hôm sau, tôi đi cùng một người bạn cùng lớp bằng xe buýt đến Cơ quan Quản lý Khiếu nại vào khoảng 9 giờ sáng. Lúc ấy, đã có rất nhiều học viên ở đó. Cảnh tượng thật thú vị và đó là lần đầu tiên tôi thấy nhiều học viên đến thế. Mọi người lặng lẽ đứng đó, chờ quyết định của chính quyền.”

Hơn 10.000 người đã kháng nghị hết sức ôn hòa từ đầu đến cuối. Cô cho biết, “Dưới sự cai trị của chính quyền Trung Cộng, đó là điều kỳ diệu khó tin ở Trung Quốc! Nó đã cho Trung Quốc và thế giới thấy Pháp Luân Đại Pháp tuyệt vời như thế nào và để lại ấn tượng sâu sắc với thế giới.”

Nơi hội tụ của công lý, sự thiện lương, đức tin và lòng dũng cảm

Ông Cung Thấm Hoa là một bác sỹ Trung y sống ở Bắc Kinh. Cả gia đình ông đã tham gia cuộc kháng nghị ngày hôm đó. Ông nhớ lại, “Đó là một ngày như bao ngày khác — hết sức bình thường. Tôi không nghĩ ngày hôm đó lại có ý nghĩa lịch sử quan trọng đến vậy.”

“Hơn 10.000 học viên đã tập trung để lên tiếng vì Đại Pháp. Kỳ thực, chính là họ đang nói cho thế giới biết Pháp Luân Công là gì. Họ không kháng nghị vì lợi ích cá nhân. Người tu luyện Đại Pháp chẳng màng dù có bị phỉ báng, bởi vì dù sao nó cũng không thể tác động đến việc tu luyện của họ. Nhiều học viên như thế đã nói với thế giới rằng Chân-Thiện-Nhẫn là tốt và không nên bị bức hại hay cấm đoán. Cuộc kháng nghị này là một hình thức các học viên bảo vệ môn tu luyện của họ, là nơi hội tụ của công lý, sự thiện lương, đức tin và lòng dũng cảm.”

Các học viên không làm gì sai

Khi đến Bắc Kinh vào tháng 4 năm 1999, anh Kha Y chỉ mới 9 tuổi. Anh chia sẻ, “Đó là một ngày đặc biệt đối với tôi. Gia đình tôi sống ở khá xa nên đến ngày 26 tháng 4 mới tới Bắc Kinh. Cảnh sát dẫn chúng tôi vào một con hẻm nhỏ. Tôi sợ hãi, liền bật khóc. Khoảnh khắc mà tôi luôn nhớ là khi một học viên nắm tay tôi và nói, ‘Chúng ta không làm gì sai cả. Đừng khóc, con trai!” Giờ tôi đã trưởng thành. Sau 22 năm diễn ra cuộc bức hại, tôi vẫn nhớ câu nói này. Tôi chẳng làm gì sai cả. Cả đời tôi tuân theo các nguyên lý của Pháp Luân Đại Pháp và chỉ muốn nói với mọi người rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt.”

Các học viên bên ngoài Trung Quốc lên án cuộc bức hại

d2d901bee0260a19c5ce706a1200f7fa.jpg

Cô Terri Morse tập các bài công pháp

Cô Terri Morse là một huấn luyện viên bay. Khi cuộc thỉnh nguyện diễn ra, cô mới tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được 3 tháng. “Hơn 10.000 học viên đến kháng nghị vào tháng 4 năm 1999. 22 năm sau ngày hôm ấy, các học viên vẫn đang kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại. Nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn mà họ tuân theo sẽ không bao giờ bị tước đoạt được. Tôi hy vọng mọi người có thể cố gắng hiểu được đức tin của chúng tôi. Khi mọi người hiểu được cuộc bức hại, họ sẽ hiểu đâu là công lý. Tôi tin rằng cuộc bức hại sẽ sớm kết thúc vì thiện lương sẽ chiến thắng.”

9acf31cf0eef94320df216e672e25824.jpg

Ông Santosh Krishnamurthy cho rằng cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 thể hiện lòng dũng cảm và không sợ hãi của các học viên.

Ông Santosh Krishnamurthy là một kỹ sư máy tính cao cấp đến từ Ấn Độ. “Cuộc thỉnh nguyện cho thấy lòng can đảm của các học viên khi quyền tự do tín ngưỡng của họ bị tước đoạt. Khi chính quyền Trung Quốc cấm họ tu luyện, các học viên tiếp tục kháng nghị ôn hòa và trao đổi với chính phủ. Điều này thể hiện sự can đảm, không sợ hãi của họ để bảo vệ chân lý và đức tin.“

Kỹ sư máy tính Alex Luchansky phát biểu tại cuộc mít-tinh: “Chúng ta đứng ở đây, trước Chuông Tự do, nơi quê hương của tự do, nơi quan trọng nhất nước Mỹ. Tượng đài bên cạnh tôi có khắc Tu chính án thứ nhất, trong đó bảo đảm con người có quyền tự do tín ngưỡng, ngôn luận và báo chí. Không một chính phủ hay tổ chức nào được cấm hoặc tước đoạt những quyền này.”

“Nó là biểu tượng. Chúng tôi được tận hưởng tự do ở Hoa Kỳ và lên tiếng đòi tự do ở đây, nhưng ở Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công bị cấm tu luyện. Tôi muốn nói rằng tất cả mọi người trên thế giới đều nên có quyền tự do này, không chỉ ở Mỹ mà cả ở Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc cần phải tôn trọng tín ngưỡng và giá trị mà Thần truyền cho.

“Chúng tôi hy vọng thông điệp mà chúng tôi truyền tải ở đây ngày hôm nay sẽ lan tỏa từ Chuông Tự do sang đến Trung Quốc.”

Công chúng ủng hộ Pháp Luân Đại Pháp

Hoạt động của các học viên đã thu hút sự chú ý của nhiều du khách. Một số người đã ký vào bản kiến nghị ủng hộ Pháp Luân Đại Pháp và yêu cầu chấm dứt cuộc bức hại.

Anh Dustin Sellers, kỹ sư phần mềm đến từ Ohio, cho biết đây là lần đầu tiên anh nghe nói về Pháp Luân Đại Pháp. Anh tập Yoga và rất thích bầu không khí yên bình mà anh cảm nhận được khi các học viên luyện công. “Bất kỳ cuộc bức hại nào đều là sai trái. Thật đáng hổ thẹn khi nó vẫn tồn tại. Tệ hơn là, chính quyền Trung Quốc lại bưng bít để thông tin không bị lộ ra ngoài. Mọi người nên được tự do tu luyện và có quyền tự do tín ngưỡng.”

Anh Jonathan, một giáo viên ở New York, nói rằng anh biết chính quyền Trung Quốc đã đàn áp nhiều dân tộc thiểu số. “Thật buồn khi biết Pháp Luân Đại Pháp bị bức hại. Việc phơi bày cuộc bức hại là điều quan trọng để có thể chấm dứt nó. Cộng đồng quốc tế cần phải điều tra và chấm dứt cuộc bức hại này, đặc biệt là nạn thu hoạch nội tạng tàn bạo từ các học viên còn sống bị giam giữ vì không từ bỏ tu luyện.”

Bà Jamie Yates, một nhân viên bưu điện từ Virginia, cho biết, “Những người ở Trung Quốc bị bắt cóc và lấy cắp nội tạng để bán cho những người có tiền quả là điều đáng sợ, vì khi nó có thể xảy ra ở đó, thì cũng có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu.”

Darcy Yates, con gái 16 tuổi của bà Jamie nói rằng cuộc bức hại thật kinh khủng. “Tôi không cho rằng chính quyền Trung Quốc được phép bức hại người dân vì những điều họ tin tưởng. Người dân bị giết chỉ vì ngồi thiền – thật là điên rồ và không thể tin được.”

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/21/423633.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/23/191989.html

Đăng ngày 25-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share