Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 11-12-2020] Khi cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ông ta đã ra lệnh: “Bôi nhọ thanh danh, hủy hoại thân thể và vắt kiệt tài chính của các học viên Pháp Luân Công”.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn, được ông Lý Hồng Chí truyền ra công chúng vào năm 1992. Lo sợ môn tu luyện ngày càng phổ biến, Giang Trạch Dân đã bắt đầu cuộc bức hại vào năm 1999.

Trong hơn 20 năm qua, các học viên Pháp Luân Công, đều bị bức hại vì đức tin của họ bất kể tuổi tác. Trong đó các học viên cao tuổi là các đối tượng bị bức hại không nhỏ. Đã có nhiều báo cáo về việc các học viên cao tuổi bị cảnh sát bắt giữ, kết án, đánh đập, thậm chí tra tấn chỉ vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Một số học viên cao tuổi đã bị đình chỉ lương hưu vì từ chối từ bỏ đức tin.

Trong một số trường hợp, các học viên Pháp Luân Công bị buộc phải trả lại tiền lương hưu mà họ đã nhận trong thời gian bị giam giữ vì kiên định đức tin, mặc dù cả Luật Lao động hoặc Luật Bảo hiểm xã hội của Trung Quốc đều không quy định rằng lương hưu sẽ bị đình chỉ trong khi chấp hành án.

Cụ bà 82 tuổi qua đời vài giờ sau khi bị bắt

Bà Quách Chấn Hương ở thành phố Chiêu Viễn, tỉnh Sơn Đông, bị bắt tại một bến xe buýt vào sáng sớm ngày 11 tháng 1 năm 2019. Vài giờ sau, vào lúc 10 giờ sáng, gia đình bà được thông báo rằng bà đã qua đời.

Cảnh sát cho rằng bà Quách đã đổ bệnh sau khi được đưa đến đồn công an và qua đời tại bệnh viện địa phương bất chấp những nỗ lực hồi sức cấp cứu. Thi thể của bà sau đó được đưa đến Nhà Tang lễ Thành phố Chiêu Viễn mà không được sự đồng ý của gia đình.

Bà Quách đã rất khỏe mạnh trong vài năm qua và bà không có bất kỳ triệu chứng bệnh nào khi rời nhà vào buổi sáng định mệnh đó. Gia đình bà nghi ngờ rằng cái chết của bà có liên quan đến việc ngược đãi trong trại giam của cảnh sát, vì các học viên Pháp Luân Công thường xuyên bị tra tấn trong trại giam.

Cụ ông 83 tuổi thụ án bảy năm vì kiên định đức tin đang trong tình trạng nguy kịch

Ông Hoàng Khánh Đăng ở thành phố Nhạc Thanh, tỉnh Chiết Giang, bị bắt tại nhà riêng vào ngày 17 tháng 4 năm 2019 cùng với vợ. Ông đã bị giam giữ trong Trại tạm giam Thành phố Nhạc Thanh gần một năm trước khi bị kết án bảy năm tù vào ngày 12 tháng 3 năm 2020.

Vào giữa tháng 11 năm 2020, gia đình ông nhận được cuộc điện thoại gọi đến từ Nhà tù số 2 Hàng Châu và được thông báo rằng ông đã được đưa đến bệnh viện để hồi sức cấp cứu. Các nhân viên nhà tù cho biết ông Hoàng bị phát hiện mắc sáu căn bệnh và ông có thể qua đời bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, họ từ chối để ông được tại ngoại điều trị y tế.

Cụ bà 85 tuổi đối mặt với việc truy tố vì đức tin của mình

Vào ngày 20 tháng 2 năm 2020, bà Trần Lan Chi ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, đã bị bắt sau khi bà đưa cho một thanh niên tập sách nhỏ có thông tin về việc ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công và việc chính quyền cộng sản đã che đậy sự bùng phát dịch virus corona. Cảnh sát đã lục soát nhà của bà và tịch thu sách và các tài sản cá nhân khác.

Mặc dù bà Trần được trả tự do trong ngày, nhưng chồng bà Trần đã vô cùng hoảng sợ trước cuộc đổ bộ của cảnh sát, ông đã nhanh chóng ngã bệnh và nằm liệt giường vài tháng. Ông đã qua đời vào tháng 9 năm 2020.

Hai nhân viên của Viện Kiểm sát Trương Khiêu đã tìm bà Trần và yêu cầu bà đến viện kiểm sát để ký một văn bản. Khi bà từ chối tuân thủ, những người đó đã gọi cho con gái bà, tuy nhiên cô cũng đã từ chối tham gia bức hại mẹ mình.

Lương hưu của giáo sư đại học đã nghỉ hưu bị đình chỉ trong mười năm

Bà Đường Húc Trân nguyên là Phó Giáo sư Giải phẫu bệnh tại Đại học Y Tây Nam ở thành phố Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996 và tin rằng việc tu luyện đã giúp bà khỏi bệnh ung thư vòm họng và nhiều căn bệnh mãn tính khác.

Trường Đại học Y khoa Tây Nam đã đình chỉ lương hưu của bà Đường sau khi bà bị kết án 3,5 năm tù vào cuối năm 2009 vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Lãnh đạo nhà trường cho biết họ sẽ hoàn trả lương hưu của bà nếu bà chịu viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà Đường cũng đã đến văn phòng khiếu nại địa phương để tìm kiếm công lý nhưng đều vô ích.

Người phụ nữ buộc phải trả lại tiền lương hưu đã nhận trong thời gian bị giam giữ vì kiên định đức tin

Khi bà Đường Thiên Mẫn trở về nhà vào ngày 3 tháng 10 năm 2019, sau khi thụ án hai năm rưỡi vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, bà nhận thấy lương hưu hàng tháng của bà vẫn chưa được chuyển vào tài khoản.

Khi bà thắc mắc về điều này tại Cục An sinh Xã hội Nạp Khê, bà được cho biết rằng bà đang nợ hơn 60.000 Nhân dân tệ – khoản tiền lương lẽ ra bà đã không được nhận lương hưu trong khi bị giam giữ. Bà Đường bị kết án oan sai vào năm 2012 và một lần nữa vào năm 2017 tổng cộng năm năm rưỡi.

Mặc dù cả Luật Lao động và Luật Bảo hiểm Xã hội đều không quy định việc đình chỉ lương hưu khi đang thi hành án nhưng chính quyền địa phương vẫn yêu cầu bà phải trả lại tiền lương hưu đã nhận. Bí thư của Cục An sinh Xã hội nói với bà Đường: “Nếu bà không trả lại số tiền đó bà sẽ bị kiện. Chúng tôi có thể bán căn hộ của bà hoặc tống bà vào tù.“

Không muốn mẹ mình phải ngồi tù một lần nữa, con gái của bà Đường đã phải vay 21.000 Nhân dân tệ để trả lại cục an sinh xã hội và đồng ý khấu trừ phần còn lại vào lương hưu hàng tháng của bà Đường cho đến khi trả hết số tiền, và như vậy bà Đường chỉ còn lại 500 Nhân dân tệ mỗi tháng để trang trải cuộc sống.

Các học viên cao tuổi bị bắt khi cùng nhau đọc sách Pháp Luân Công

Vào ngày 10 tháng 7 năm 2019, tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Thiểm Tây, khi bà Vương Thụy Cầm, bà Vương Á Lan, bà Từ Minh Hiệp, bà Tiêu Bỉnh Lan, bà Tào Lục Hiệp, bà Vương Hội Hội, ông Trương Đa Tài và ông Thiệu Khải Hổ đang đọc sách Pháp Luân Công tại nhà của bà Lý Hội Cầm, thì hơn 30 cảnh sát bất ngờ xông vào và bắt giữ chín học viên này.

Một học viên khác là bà Tống Hồng Kỳ đã ghé qua nhà bà Lý trước đó để mua một số trái cây tự trồng nhưng không ở lại để đọc sách. Bà rời đi trước khi cảnh sát đến nhưng vẫn bị bắt giữ ở trên đường về nhà.

Hầu hết các học viên đều khoảng 70 tuổi. Mặc dù tuổi đã cao, cảnh sát đã đưa họ đến một khách sạn được thuê chuyên dùng để bức hại các học viên Pháp Luân Công và thẩm vấn họ ở đó trong hơn mười ngày.

Sau cuộc thẩm vấn, bà Lý, bà Vương Thụy Cầm, ông Thiệu và ông Trương đã được tại ngoại. Ông Trương sau đó đã được xóa bỏ mọi liên quan đến vụ việc. Bà Vương Á Lan và bà Vương Hội Hội bị đưa đến trại tạm giam Bảo Kê. Cả hai sau đó đều được tại ngoại. Bà Tào và bà Tống bị đưa đến trại tạm giam Huyện Phù Phong. Bà Tào đã sớm được trả do tình trạng sức khỏe yếu và bà Tống được trả tự do một tháng sau đó. Bà Tiêu và ông Thẩm vẫn bị giam giữ.

Ông Thẩm, bà Từ, bà Tiêu, bà Vương Á Lan, bà Vương Hội Hội, bà Vương Thụy Cầm, bà Lý, ông Thiệu và bà Tào đã bị Tòa án Quận Kỳ Sơn đưa ra xét xử vào ngày 18 tháng 8 năm 2020 .

Vào tháng 11, tòa án tuyên phạt bà Lý 5.000 Nhân dân tệ; Bà Vương Thụy Cầm, bà Tào và ông Thiệu, mỗi người bị phạt 4.000 Nhân dân tệ; và bà Vương Hội Hội bị phạt 2.000 Nhân dân tệ. Tòa án cho biết bản án sẽ sớm được chuyển đến các học viên.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/11/12/414994.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/31/189299.html

Đăng ngày 12-01-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share