Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-11-2020] Một người dân thành phố Bình Độ, tỉnh Sơn Đông bị bắt vào năm ngoái vì đức tin vào Pháp Luân Công và đã bị kết án bốn năm tù và gần đây đã bị bác đơn kháng cáo. Một số thành viên trong gia đình của bà Triển Trung Hương đã trở thành mục tiêu bị bức hại vì tìm kiếm công lý cho bà: chị dâu của bà bị kết án một năm hai tháng, con trai bà phải đối mặt với án tù sau hai phiên tòa, cháu trai và em gái của bà đã bị bắt sau đó vào tháng 10 năm 2020.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

2019-10-5-mh-zhanzhongxiang.jpg

Bà Triển Trung Hương

Bà Triển bị bắt vào ngày 24 tháng 9 năm 2019, tại một chợ nông sản. Hai học viên Pháp Luân Công khác, bà Chu Quân và dì bà là Chu Ngọc Hương cũng bị bắt cùng với bà Triển, lần lượt bị kết án một năm và bốn năm vào ngày 30 tháng 7 năm 2020.

Trường hợp của bà Triển mất nhiều thời gian hơn để giải quyết. Trong phiên xét xử trực tuyến tại trại tạm giam Phổ Đông của Tòa án quận Hoàng Đảo vào ngày 12 tháng 8 năm 2020, luật sư của bà đã biện hộ vô tội cho bà.

Bà Triển cũng đã tự làm chứng để bào chữa cho mình. Bà hỏi công tố viên: “Tôi đã làm gì sai khi đi đến chợ nông sản?” Bà cũng hỏi công tố viên tại sao cảnh sát lại lục soát nhà bà mà không có mặt bà hoặc các thành viên trong gia đình.

Không thể trả lời câu hỏi của bà, công tố viên buộc tội bà lưu trữ tài liệu Pháp Luân Công ở nhà để phân phát. Ông ta cũng viện dẫn một vài nhân chứng đã báo cáo rằng bà Triển đã phân phát tài liệu.

Luật sư bác bỏ cáo buộc và nói rằng theo lời khai của nhân chứng Hàn Hiểu Đông, không có bằng chứng nào cho thấy những tài liệu mà ông nhận được là do bà Triển phân phát.

Sau đó, công tố viên lên án bà Triển vì đã nói về Pháp Luân Công trong đám cưới của con trai bà. Luật sư của bà Triển trả lời: “Mọi công dân đều có quyền nói về đức tin của họ, kể cả các học viên Pháp Luân Công. Điều này là rất bình thường. Đó là tự do tín ngưỡng của mọi người. “

Trước khi kết thúc phiên xét xử, thẩm phán Âu Tiểu Bân hỏi bà Triển: “Bà có nhận tội không?”

Bà Triển nói: “Tôi không có tội. Các học viên Pháp Luân Công chúng tôi là những người tốt. Chúng tôi không đáng bị xét xử vì đức tin của mình.”

Vào ngày 26 tháng 8, thẩm phán đã kết án bà Triển 4 năm tù. Bà Triển đã hỏi thẩm phán: “Khi ông kết án một người tốt như tôi vào tù, điều đó có khiến lương tâm của ông cảm thấy nặng nề hay không?”

Ban đầu thẩm phán khá sửng sốt trước câu hỏi của bà, nhưng sau đó đã trả lời: “Miễn là tôi tuân theo luật pháp.”

“Ông đã không tuân theo luật nào cả. Tôi không vi phạm bất kỳ luật nào khi tập Pháp Luân Công,” bà Triển trả lời.

Thẩm phán đã cúi đầu và im lặng.

Luật sư của bà Triển đã đến thăm bà tại trại tạm giam vào ngày 1 tháng 9 và nộp đơn kháng cáo cho bà. Gia đình bà gần đây được biết rằng Tòa án Trung cấp Thanh Đảo đã giữ nguyên bản án ban đầu.

Các thành viên gia đình bị bắt giữ và xét xử

Con trai của bà Triển, anh Thiệu Triển Bằng, cháu trai và chị dâu của bà đã đến đồn cảnh sát để hỏi về trường hợp của bà một ngày sau khi bà bị bắt vào ngày 24 tháng 9 năm 2019. Con trai bà đã bị cảnh sát đánh đập và bị thương ở mắt phải và xương sườn. Anh cũng bị bầm tím khắp người.

Ngày 22 tháng 10 năm 2019, cảnh sát đã gọi cho con trai, chị dâu và cháu trai của bà Triển, yêu cầu họ đến báo cáo với Đồn cảnh sát Thông Hà. Chị dâu của bà đã đến đó nhưng lại bị bắt tại đồn cảnh sát và sau đó bị đưa đến trại tạm giam Phổ Đông với tội danh “cản trở việc thực thi pháp luật”. Sau đó bà bị kết án phi pháp một năm hai tháng về tội cướp tài sản được bịa đặt ra.

Con trai và cháu trai của bà Triển đã trốn thoát khỏi việc bị bắt giữ bằng cách không đến đồn cảnh sát, nhưng họ nhận được nhiều cuộc gọi đe dọa sẽ bị bắt giữ nếu họ tiếp tục tìm kiếm công lý cho bà Triển.

Cổ Thư Hào, Phó giám đốc Sở cảnh sát Nhân Triệu, đã đổ tội cho gia đình bà Triển đã gửi thông tin cho trang Minh Huệ về vụ đánh đập con trai của bà Triển tại đồn cảnh sát.

Vào ngày 29 tháng 7 năm 2020, hai tuần trước phiên xét xử của bà Triển, con trai bà đã bị bắt tại một nhà ga xe lửa, vài ngày sau khi anh gửi yêu cầu được đại diện bào chữa cho mẹ của mình trước tòa. Anh Thiệu bị thẩm vấn và tạm giữ hình sự với tội danh “gây rối trật tự xã hội”.

Anh Thiệu bị đưa đến trại tạm giam Thành Dương vào ngày 14 tháng 8. Cảnh sát đã nộp hồ sơ của anh lên Viện kiểm sát thành phố Bình Độ vào ngày 27 tháng 8, với tội danh bổ sung là “trộm cướp tài sản”. Công tố viên đã truy tố anh và chuyển hồ sơ của anh sang Tòa án thành phố Bình Độ vào ngày 31 tháng 8.

Các luật sư của anh Thiệu đã đến tòa án vào ngày 1 tháng 9 để xem xét các thủ tục giấy tờ cần thiết. Các nhân viên tòa án cho biết họ chưa nhận được tài liệu vụ việc của anh ấy, vì vậy các luật sư chưa thể xem xét nó.

Vào buổi chiều, các luật sư đã đến thăm anh Thiệu tại trại tạm giam. Anh yêu cầu các luật sư chuyển thông điệp đến gia đình anh rằng anh rất nhớ vợ và con gái 10 tháng tuổi, cũng như người ông ở tuổi ngoài 80 của mình. Anh nói rằng anh rất tiếc vì anh không thể giúp chăm sóc cho ông, người đang phải vật lộn vì sức khỏe yếu.

Vào ngày 14 tháng 9, anh Thiệu bị chuyển tới trại tạm giam thành phố Bình Độ và bị giam ở đấy kể từ đó.

Anh Thiệu đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án thành phố Bình Độ vào ngày 10 tháng 10. Các luật sư của anh cho biết rằng vì anh đệ đơn khiếu nại cảnh sát vì đã đánh đập anh trong khi tìm kiếm công lý cho mẹ mình, nên có thể cảnh sát đã bắt giữ anh để trả đũa. Các luật sư cũng nói rằng anh Thiệu vô tội với bất kỳ cáo buộc về trộm cướp tài sản nào.

Khi thẩm phán Đậu Tại Cường tiết lộ rằng ông dự định kết án anh Thiệu 3,5 hoặc 4 năm tù, các luật sư đã đặt câu hỏi về lý do cho một bản án nặng như vậy. Thẩm phán trả lời rằng đó là vì “thái độ của anh Thiệu không tốt” và anh từ chối nhận tội.

Tòa án đã tổ chức phiên xét xử thứ hai vào ngày 6 tháng 11. Các luật sư của anh Thiệu một lần nữa biện hộ vô tội cho anh. Họ nói rằng việc anh Thiệu đi tìm công lý cho mẹ mình là điều bình thường và anh không làm điều gì có hại cho xã hội. Ngược lại, chính anh là người bị cảnh sát đánh đập.

Công tố viên đã cố bôi nhọ Pháp Luân Công và đổ lỗi cho anh Thiệu vì đã vạch trần hành vi bạo lực của cảnh sát trên trang Minh Huệ, nhưng đã bị thẩm phán ngăn lại, người này nhắc nhở ông rằng ông không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào cho các tuyên bố của mình. Khi công tố viên liệt kê việc anh Thiệu hỏi cảnh sát về trường hợp của mẹ anh là “bằng chứng truy tố” để buộc anh tội “trộm cướp”, ngay cả thẩm phán cũng không thể nhịn được cười.

Thẩm phán sau đó nói riêng với các luật sư của anh Thiệu rằng ông ta cũng nghĩ rằng không có đủ bằng chứng buộc tội và ông không muốn tiếp nhận vụ kiện, nhưng ông đã bị cấp trên của ông và Viện kiểm sát gây áp lực phải làm như vậy.

Vào ngày 26 tháng 10, cảnh sát đã bắt giữ anh họ của anh Thiệu (con trai của chị bà Triệu), với lý do anh đã hét vào mặt cảnh sát “Tại sao anh lại đánh em họ của tôi?” vào ngày 25 tháng 9 năm 2019, khi cảnh sát đánh anh Thiệu trong lúc họ đến đồn cảnh sát để đòi trả tự do cho bà Triển.

Ngày hôm sau, Đồn cảnh sát Nhân Triệu gọi chị gái của bà Triển đến ký các tài liệu về trường hợp của con trai bà. Khi bà đến đó, cảnh sát hỏi liệu bà có đến đồn cảnh sát vào ngày 25 tháng 9 năm 2019 để tìm kiếm công lý cho bà Triển hay không. Họ đã bắt giữ bà sau khi bà trả lời là có.

Bài viết liên quan:

Một phụ nữ và cháu gái của bà bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Một phụ nữ bị cầm tù vì đức tin của mình – con trai bị đánh đập, chị dâu bị giam giữ vì tìm cách giải cứu

Năm cư dân Sơn Đông bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công

Một phụ nữ tỉnh Sơn Đông bị bắt giữ, con trai bị đánh đập khi yêu cầu thả mẹ


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/11/19/415288.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/23/188390.html

Đăng ngày 02-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share