Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[MINH HUỆ 01-10-2020] Mười sáu cư dân của thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bị Tòa án huyện Lê Thụ xét xử vào ngày 28 tháng 9 năm 2020 vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công. Thẩm phán đã ngăn cản việc các luật sư và các thành viên gia đình bào chữa cho họ trước tòa và thường xuyên ngắt lời các học viên khi họ tự làm chứng để bào chữa cho bản thân. Hai trong số các thành viên gia đình của các học viên đã bị đưa ra khỏi phòng xử án giữa chừng trong phiên xét xử.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Bắt giữ
Mười sáu học viên đã bị hơn 100 cảnh sát bắt giữ trong một cuộc truy quét trên diện rộng của cảnh sát vào ngày 15 tháng 8 năm 2019. Mười tám học viên khác cũng bị bắt cùng ngày nhưng được thả ngay sau đó.
Trong nhóm mười sáu học viên, hai học viên là ông Lý Trường Khôn (76 tuổi) và bà Chu Lệ Bình (62 tuổi) sau đó đã được bảo lãnh tại ngoại. Mười bốn học viên khác vẫn bị giam giữ tại Trại tạm giam thành phố Tứ Bình.
14 học viên còn lại hiện vẫn đang bị giam giữ, bao gồm: Ông Hầu Hồng Khánh (49 tuổi), ông Hàn Kiến Bình (58 tuổi), ông Giang Đào (46), ông Đàm Thu Thành (44 tuổi), bà Trương Thiệu Bình (51 tuổi), bà Thôi Quế Hiền (56 tuổi), bà Lưu Đông Anh (55 tuổi) và mẹ của con rể bà Thôi; và bảy thành viên của một gia đình mở rộng, gồm anh Mạnh Tường Kỳ (37 tuổi), cha anh là ông Mạnh Phàm Quân (59 tuổi), mẹ vợ anh là bà Phó Quý Hoa (55 tuổi), chị vợ anh Mạnh là cô Vu Kiện Lỵ (30 tuổi), anh Vương Đông Cát (40 tuổi, là chồng cô Vu Kiện Lỵ), và cha mẹ anh Vương là ông Vương Khắc Dân (69 tuổi) và bà Vương Phượng Chi (69 tuổi).
Các học viên sau đó đã bị truy tố về tội “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ quy chuẩn được tòa án Trung Quốc sử dụng để định tội và bỏ tù các học viên.
Gia đình của ông Hàn Kiến Bình và luật sư của ông đã đến trại tạm giam để thăm ông vào đầu tháng 12 năm 2019, nhưng bị chặn lại bên ngoài. Nhân viên bảo vệ nói rằng Văn phòng An ninh Nội địa đã ban hành một lệnh đặc biệt yêu cầu các luật sư phải đăng ký và được chấp thuận từ các văn phòng tư pháp và đoàn luật sư địa phương và thành phố Tứ Bình (trực thuộc Trường Xuân) để có thể bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công. Các luật sư cũng cần phải được sự cho phép của Vương Minh Sơn, người đứng đầu Văn phòng An ninh Nội địa Lê Thụ, trước khi được phép đến thăm các học viên Pháp Luân Công-thân chủ của họ. Các nhân viên từ Văn phòng An ninh Nội địa cũng sẽ có mặt tại cuộc gặp gỡ giữa luật sư và thân chủ của họ.
Không thể đáp ứng tất cả các yêu cầu vào ngày hôm đó, luật sư của ông Hàn và gia đình đã phải rời đi.
Giấy ủy quyền của luật sư bị từ chối
Trong khi luật sư của ông Hàn sau đó đã đăng ký thành công và nhận được sự chấp thuận của Phòng Tư pháp và Đoàn luật sư địa phương và thành phố Tứ Bình, các luật sư của các học viên khác lại không may mắn như vậy. Phòng Tư pháp địa phương của họ đã từ chối việc phê duyệt bất hợp pháp như vậy vì không có luật nào bắt buộc họ phải phê duyệt vào việc luật sư đại diện cho thân chủ của họ.
Trong khi các luật sư nêu quan ngại với thẩm phán Thôi Nhân về những yêu cầu vô lý liên quan đến vấn đề pháp lý về việc đại diện cho thân chủ của họ, thẩm phán nói: “Chính Ủy ban Chính trị và Pháp luật [một cơ quan ngoài tư pháp có nhiệm vụ giám sát cuộc bức hại] đã đưa ra yêu cầu đó.” Ông ta cũng nói: “Nếu ông nghĩ rằng tôi đã vi phạm pháp luật, ông có thể gửi đơn khiếu nại tôi ở bất cứ nơi đâu.” Thẩm phán Thôi cũng cáo buộc một trong những luật sư đã sách nhiễu khi luật sư gọi điện cho ông ta.
Một số luật sư đã đệ đơn khiếu nại thẩm phán Thôi lên Viện kiểm sát huyện Lê Thụ, nhưng vô ích.
Khi các thành viên gia đình của các học viên cũng nộp đơn để bào chữa cho họ, thẩm phán Thôi ban đầu từ chối, nhưng sau đó yêu cầu họ phải đăng ký tại Phòng Tư pháp địa phương và được sự cho phép của Ủy ban Chính trị và Pháp luật. Nhưng khi gia đình của các học viên đến Phòng Tư pháp, họ được thông báo rằng vì họ không phải là luật sư chuyên nghiệp nên họ không cần phải nộp bất cứ thứ gì để có thể đại diện và bào chữa cho những người thân của họ trước tòa.
Mặc dù gia đình của các học viên đã chia sẻ phản hồi của Phòng Tư pháp với thẩm phán Thôi, nhưng ông ta vẫn nhất quyết yêu cầu họ phải đăng ký với Phòng Tư pháp.
Gia đình các học viên cũng đã đệ đơn khiếu nại thẩm phán Thôi lên Viện kiểm sát huyện Lê Thụ. Công tố viên Chu, người đã trả lời cuộc điện thoại, cho biết ông đã trao đổi với thẩm phán và đồng ý với thẩm phán về việc yêu cầu họ phải đăng ký tại Phòng Tư pháp. Khi gia đình của các học viên cho biết Phòng Tư pháp đã nói với họ rằng họ không cần phải làm như vậy, công tố viên Chu cúp máy và nói rằng ông ta sẽ trả lời đơn khiếu nại của họ khi họ gọi lại cho ông sau đó.
Sau đó, gia đình của các học viên đã gửi đơn khiếu nại thẩm phán lên Viện kiểm sát cấp cao hơn, tuy nhiên họ chỉ được nhận thông báo rằng họ không đủ thẩm quyền để làm như vậy. Nếu thẩm phán thực sự lơ là nhiệm vụ của mình, thì thay vào đó, người giám sát của ông ta phải báo cáo sự việc lên cấp trên.
Vào ngày 24 tháng 9, bốn ngày trước phiên xét xử của các học viên, luật sư của ông Hàn, người duy nhất đã hoàn thành tất cả các đăng ký cần thiết, nhận được cuộc gọi từ Tòa án quận Lê Thụ yêu cầu ông đến xem hồ sơ vụ án của thân chủ mình.
Vào ngày 27 tháng 9, một ngày trước phiên xét xử, luật sư của ông Hàn đã trình bày quan điểm bào chữa của ông theo yêu cầu của tòa án.
Vào ngày 28 tháng 9, ngày diễn ra phiên xét xử, luật sư của ông Hàn nhận được cuộc gọi từ tòa án, khi ông vẫn đang trên chuyến tàu đến Tứ Bình, và được biết rằng nhà chức trách đã quyết định một ngày trước đó về việc đình chỉ tư cách bào chữa của luật sư cho ông Hàn sau khi họ phát hiện luật sư đã viết “những bình luận không phù hợp [về chính quyền cộng sản Trung Quốc] vào năm 2014.”
Sau khi tàu đến Tứ Bình, bảy viên chức từ Phòng Tư pháp thành phố Tứ Bình đã giữ luật sư lại. Họ đưa cho ông xem lá thư chính thức quyết định hủy bỏ quyền bào chữa của ông, nhưng không cung cấp bản cứng hoặc cho phép ông chụp ảnh lại. Các viên chức đã mua một vé khứ hồi cho luật sư và hộ tống ông trở lại Thẩm Dương, nơi ông làm việc. Họ đảm bảo rằng ông đã xuống tàu ở Thẩm Dương, trước khi họ quay trở lại Tứ Bình.
Cũng vào ngày 28 tháng 9, luật sư của ba học viên khác, những người không hoàn thành các đăng ký cần thiết, tuy nhiên đã đến Tứ Bình vào ngày diễn ra phiên xét xử. Họ bị theo dõi và giám sát bởi các cảnh sát ở trong những chiếc xe không có biển số bên ngoài khách sạn của họ.
Trong khi đó, các luật sư này cũng nhận được cuộc gọi từ các viên chức Tứ Bình và yêu cầu họ rút quyền bào chữa. Các nhà chức trách ở Tứ Bình cũng gây áp lực buộc văn phòng tư pháp địa phương của các luật sư phải ngăn chặn và bịt miệng họ. Các luật sư đã buộc phải rút khỏi các vụ kiện trên đường đến tòa án.
Gia đình bị ngăn cản việc tham dự phiên xét xử
Xe cảnh sát đậu bên ngoài tòa án và chặn giao thông vào khoảng 8 giờ sáng ngày 28 tháng 9, và một số cảnh sát đang tuần tra quanh khu vực trên xe máy. Cảnh sát đã kiểm tra thẻ căn cước của mọi người đi qua đường. Đối với từng thành viên gia đình của các học viên, cảnh sát đưa họ đến một góc gần tòa án, chụp ảnh họ và xác nhận danh tính cũng như các mối quan hệ gia đình của họ thông qua cơ sở dữ liệu của cảnh sát.
Khi một thành viên trong gia đình chụp ảnh thông báo phiên xét xử bên ngoài tòa án, một cảnh sát đã đi tới, xóa ảnh khỏi điện thoại và xé đi thông báo.
Thẩm phán Thôi ban đầu nói rằng tối đa hai người từ gia đình của mỗi học viên có thể tham dự phiên xét xử, nhưng sau đó đã giảm chỉ cho phép một người trong mỗi gia đình tham dự. Tòa án còn chặn gia đình của một số học viên tham dự phiên xét xử với lý do họ không đăng ký trước. Nhưng các thành viên gia đình nói rằng họ đã liên hệ với tòa án trước phiên xử và được thông báo rằng họ có thể tham dự miễn là họ có giấy tờ tùy thân và tài liệu cho thấy mối quan hệ gia đình của họ với các học viên.
Những người được phép tham dự phiên xét xử đều trải qua các bước kiểm tra an ninh rất nghiêm ngặt. Một nhân viên chấp hành tòa án nói rằng các cơ quan chức năng xử lý vụ việc này rất nghiêm túc và họ không dám để xảy ra bất kỳ sai sót nào.
Khi bước vào phòng xử án, từng thành viên trong gia đình của các học viên được đưa đến chỗ ngồi đã được chỉ định trước đó, xung quanh là cảnh sát. Khi Vương Minh Sơn, người đứng đầu Văn phòng An ninh Nội địa Lê Thụ, được người nhà của một học viên nhận ra, ông ta nhanh chóng rời khỏi phòng xử án.
Việc tự bào chữa của các học viên bị gián đoạn
Trong khi thẩm phán Thôi là người xử lý các vụ việc của các học viên trước phiên xét xử, Lý Nam lại được chỉ định làm chủ tọa phiên xét xử mà các học viên, luật sư hoặc gia đình của họ không hề hay biết. Gia đình của các học viên đã liên hệ với thẩm phán Lý trước đó, nhưng bà ta khẳng định rằng bà ta không chịu trách nhiệm vụ việc này và bảo họ làm việc với thẩm phán Thôi.
Tất cả mười sáu học viên đều mặc trang phục phạm nhân và bị còng tay và cùm chân. Họ yêu cầu có luật sư riêng đại diện cho họ trước tòa và bào chữa vô tội cho họ. Thẩm phán Lý đã cho tạm dừng phiên xét xử trong mười phút và sau đó tiếp tục.
Công tố viên Vương Triết đã đọc từng bản cáo trạng của các học viên, tất cả đều giống hệt nhau, ngoại trừ số lượng bằng chứng chống lại họ, bao gồm các tài liệu Pháp Luân Công mà họ có, và các bài báo họ đã gửi lên trang web Minh Huệ về tiểu sử bị bức hại của họ. Một số học viên yêu cầu công tố viên cho xem trước tòa các video hoặc đọc các tài liệu bị tịch thu từ họ nhưng bị từ chối.
Một vài học viên cho biết họ chưa từng đăng bất kỳ bài báo nào trên trang web Minh Huệ. Công tố viên Vương nói rằng ông ta có tài liệu từ cảnh sát mạng internet ở Tứ Bình, nhưng không cho xem.
Thẩm phán Lý thường xuyên ngắt lời bào chữa của mỗi học viên. Bà ấy không cho phép các học viên tranh luận về việc thiếu cơ sở pháp lý của các cáo buộc chống lại họ hoặc hỏi bà ấy hoặc công tố viên các câu hỏi về bằng chứng hoặc cáo buộc. Bà ta đã cố gắng yêu cầu các học viên nộp nội dung bào chữa của họ, thay vì đọc chúng trước tòa.
Bà Phó Quế Hoa nói rằng nhiều bệnh tật của bà đã biến mất sau khi bà tu luyện Pháp Luân Công, và bà đã bỏ đi sự oán giận và trở nên quan tâm hơn đến người khác. Ông Hàn cho biết rằng tu luyện Pháp Luân Công đã chữa khỏi vết thương ở chân của ông. Ông Giang Đào cho biết ông đã được hưởng lợi cả về thể chất và tinh thần khi tu luyện Pháp Luân Công. Ông Hầu Hồng Khánh nói rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Và bà Trương Thiệu Bình nói rằng sự kiên trì của các học viên trong việc nâng cao nhận thức về cuộc bức hại trong suốt 21 năm qua không phải chỉ vì bản thân họ, mà là để ngăn chặn thủ phạm tiếp tục phạm tội với các học viên tuân thủ pháp luật.
Con gái của bà Thôi Quế Hiền, cô Tề Hồng Lệ, đã phản đối trước tòa và yêu cầu có luật sư của các học viên bào chữa cho họ. Con gái của ông Hàn Kiến Bình, cô Hàn Tuyết, nói rằng cảnh sát đã liệt cô vào danh sách nhân chứng chống lại cha mình, nhưng họ chưa bao giờ hỏi cô bất kỳ câu hỏi nào và các cáo buộc đều là sai sự thật. Cả hai người sau đó đều bị đưa ra khỏi phòng xử án.
Phiên xét xử kéo dài từ 9:00 sáng đến 1:00 chiều. Thẩm phán đã cho kết thúc phiên xét xử mà không đưa ra được phán quyết.
Bài viết liên quan:
Cát Lâm: 15 cư dân vẫn đang bị giam giữ mặc dù công tố viên đã trả lại hồ sơ vụ án của họ
Nhiều gia đình bị nhắm đến trong vụ bắt giữ trên diện rộng ở tỉnh Cát Lâm
Thành phố Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm: 18 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ trong một ngày
Thành phố Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm: Chín học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ trong cùng một ngày
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/1/412990.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/22/188364.html
Đăng ngày 02-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.