Bài viết của Cửu Tiêu

[MINH HUỆ 19-10-2020] 10 giờ sáng ngày 14 tháng 10 năm 2020, chi nhánh TOEFL, một bài kiểm tra bắt buộc cho người không phải là người bản ngữ muốn du học tại Hoa Kỳ, đã mở đợt đăng ký thi cho năm 2021. Chỉ trong vòng 5 phút, tất cả các đợt thi tại Bắc Kinh và Thượng Hải từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2021 đã kín chỗ.

Sở dĩ hết chỗ nhanh như vậy một phần là do sự hạn chế về địa điểm thi do đại dịch virus corona. Tuy nhiên, việc tất cả các đợt thi được đăng ký kín chỉ trong 5 phút là điều bất thường và hoàn toàn trái ngược với tuyên truyền gay gắt chống Hoa Kỳ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong vài tháng qua.

Một số cư dân mạng đã cho thấy nhiều chiến binh chống Mỹ kỳ cựu đã đưa con cái sang Mỹ định cư. Những người này bao gồm Dương Khiết Trì (Giám đốc Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương), Cảnh Sảng (Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc), Hoa Xuân Oánh (Vụ trưởng Vụ Thông tin Bộ Ngoại giao), Hồ Tích Tiến (Tổng Biên tập Thời báo Hoàn cầu), và Kim Xán Vinh (Trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc).

Để tóm tắt những điểm mâu thuẫn của các quan chức này, một bài báo đã trích dẫn một cụm từ mà Vu Lực, một học giả thân ĐCSTQ, đã dùng. Khi bị bắt gặp đang bay sang Hoa Kỳ để thăm gia đình sau khi tuyên bố Hoa Kỳ là “kẻ thù của toàn thế giới” và là “một khối u khổng lồ”, ông ta phủi đi và trả lời: “Đối đầu với Mỹ là công việc của tôi, còn thăm thân hay định cư ở Mỹ là cuộc sống của tôi.”

Một cuộc di dân bất tận

ĐCSTQ thường xuyên lồng ghép tinh thần yêu nước cực đoan vào các tuyên truyền của nó. Chẳng hạn, nó luôn tự tôn vinh bản thân trong khi lăng mạ các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Các thành viên của đội quân internet của ĐCSTQ viết trên mạng như sau: “Người Trung Quốc giờ đây rất giàu có—họ thích ăn gì thì ăn, thích vui vẻ ở đâu đều được. Tại sao có người lại đứng núi này trông núi nọ?”

Chính là vì tự do. Một cư dân mạng đã trả lời: Giống như không khí, bạn có thể không nhận ra tầm quan trọng của nó, nhưng khi ngạt thở, bạn sẽ biết nó quý giá đến thế nào.

Một cư dân mạng viết: “Khi người ta muốn thực hành đức tin của mình, khi căn hộ bị chính quyền dỡ bỏ, khi con bị tàn tật vì vắc-xin giả, khi ông chủ không trả tiền lương, khi mất tiền tiết kiệm vì gian lận tài chính, khi mất đi người thân trong đại dịch, khi lũ lụt quét sạch mọi tài sản có giá trị… khi tìm kiếm sự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân, bạn có thể nhìn thấy bộ mặt thật của ĐCSTQ. Bạn sẽ mất hết phẩm giá làm người của mình—bạn sẽ bị gặp bế tắc trong hành trình lê thê khi kháng cáo, hoặc có thể bị các quan chức chặn đứng và rốt cuộc là vào tù.”

Nền dân chủ, tự do tín ngưỡng, nhân quyền, hệ thống luật pháp, môi trường, và cảm giác an toàn ở các nước dân chủ là một số yếu tố chính thu hút người Trung Quốc. Mấy tháng qua, ĐCSTQ đã bị cô lập hơn vì tung tin sai lệch và dối trá, vì các vụ công kích các nước phương Tây. Nhưng người Trung Quốc vẫn mơ ước được nhập cư vào Hoa Kỳ. Điều đó thể hiện qua mức độ phổ biến của bài thi TOEFL.

Canada cũng thu hút khoảng 30.000 người Trung Quốc nhập cư mỗi năm. Sau khi Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Tài chính của Huawei, bị bắt giữ tại Canada vào tháng 12 năm 2018, mặc dù ĐCSTQ liên tục bôi nhọ Canada, xu hướng nhập cư từ Trung Quốc sang Canada dường như không hề có dấu hiệu chậm lại.

Theo một báo cáo năm 2018 từ Đại học Thanh Hoa nổi tiếng, chỉ 19% sinh viên tốt nghiệp trường này sang Hoa Kỳ học cao học đã trở về Trung Quốc sau khi hoàn thành chương trình học. Năm 2019, New Oriental (Tân Phương Đông), tổ chức luyện thi tiếng Anh lớn nhất Trung Quốc, đã công bố báo cáo cho biết chỉ có 28% sinh viên Trung Quốc quay trở lại Trung Quốc sau khi hoàn thành chương trình học ở nước ngoài.

Để giải thích tình hình này, một phó chủ tịch tại Đại học Thanh Hoa đã nói về sự khác biệt trong chất lượng cuộc sống giữa Trung Quốc và các nước khác. Chẳng hạn, ở Mỹ, một người dân có thể thế chấp để mua một căn nhà chỉ sau vài năm đi làm. Ở Trung Quốc, sẽ khó hơn nhiều để thế hệ trẻ có thể sở hữu nhà vì giá nhà ở trung bình đắt hơn nhiều so với mức thu nhập của họ. Hơn nữa, Hoa Kỳ cũng có giá cả tương đối ổn định hơn và chi phí sinh hoạt thấp hơn.

Ông Hứa Thần Dương, giáo sư toán học tại Đại học Bắc Kinh, cũng đồng ý với quan điểm này. Ông cho biết, làm nghiên cứu ở Trung Quốc khó hơn nhiều so với ở các nước phương Tây; Bên cạnh khó khăn về nguồn tài chính, hệ thống tham nhũng và tình trạng gian lận dữ liệu tràn lan cũng là mối đe dọa đối với những người muốn theo đuổi sự nghiệp khoa học ở Trung Quốc.

Bài học từ việc đứng về phía ĐCSTQ

Trong khi nhiều người Trung Quốc ngày nay chọn ở lại các nước phương Tây, thì những người trong những năm đầu thời kỳ trỗi dậy của ĐCSTQ lại bị những dối trá của Đảng lừa mị mà quyết định ở lại với ĐCSTQ, rồi thường trở thành nạn nhân trong các chiến dịch chính trị của Đảng.

Hồ Phong và Lý Thận Chi, hai học giả Trung Quốc nổi tiếng và là những người ủng hộ nhiệt thành của Mao Trạch Đông cũng như ĐCSTQ vào năm 1949, cả hai đã rút ra bài học chỉ vài năm sau đó. Năm 1955, Mao bắt giữ Hồ như một kẻ phản cách mạng, và Hồ bị cầm tù cho đến năm 1979; vài năm sau, ông đã qua đời. Năm 1957, Lý cũng bị đả kích là phần tử cánh hữu, sau đó đã trở thành người chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa độc tài của ĐCSTQ.

Nhiều người trong những học giả này có quyền tự do lựa chọn con đường của họ. Tháng 12 năm 1948, trước khi rút về Đài Loan, Tưởng Giới Thạch, cựu Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, đã đưa ra một kế hoạch giải cứu khoảng 1.000 học giả và bố trí cho họ sang Đài Loan. Nhưng rất ít trí thức nhận lời và đồng ý dời đi.

Năm 1949, trong 81 thành viên của Học viện Academia Sinica, học viện quốc gia của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), chỉ có 10 người sang Đài Loan, 12 người sang các nước khác, và 59 người còn lại ở lại Trung Quốc đại lục. Ngoài ra, trong 5.000 nhà khoa học Trung Quốc sống tại các quốc gia khác, hơn 2.000 người đã trở về Trung Quốc vào cuối năm 1956 với hy vọng đóng góp cho xã hội bằng tri ​​thức của mình.

Nhưng những gì xảy ra sau đó thật không ngờ:

Ngô Mật, một trong những người sáng lập trường phái văn học so sánh Trung Quốc, bị gán mác phản cách mạng vì không chịu đi theo đường lối của Đảng mà công kích Khổng Tử.

Tiền Đoan Thăng, một trong những quan chức cấp cao được Tưởng Giới Thạch biểu dương, đã bị ép tự phê bình tại Đại hội Nhân dân Bắc Kinh năm 1957 trước khi bị nhắm đến là một thành phần cực hữu.

Chu Thủ Hiền, một trong những người tiên phong về khoa học máy tính ở Trung Quốc, đã bị đưa vào trại lao động cưỡng bức ở tỉnh Giang Tây xa xôi. Ông bị mắc chứng rối loạn tâm thần, sau đó đã tự sát.

Tiền Tấn, một người có đóng góp quan trọng cho công nghệ vũ khí hạt nhân, tên lửa và vệ tinh của Trung Quốc, đã bị đối xử như một phần tử phản cách mạng trong Cách mạng Văn hóa. Thời đó có một khẩu hiệu: “Những người biết tiếng Anh là gián điệp của Mỹ; những người biết tiếng Nga là gián điệp của Liên Xô.” Ông Tiền phủ nhận mình là gián điệp và đã bị đánh đến chết.

Đổng Kiên Nghị sinh ra ở Thượng Hải và tốt nghiệp chuyên ngành y dược của Đại học Harvard. Sau khi trở về Thượng Hải năm 1952, ông trở thành Giám đốc Khoa Tiết niệu tại Bệnh viện Huệ Dân. Năm 1957, ông bị gán mác cánh hữu và bị đưa đến Giáp Biên Câu ở tỉnh Thiểm Tây để lao động cưỡng bức. Vợ của ông là bà Cố Hiểu Dĩnh, cũng tốt nghiệp một trường cao đẳng ở Mỹ, đã đi tìm chồng, để rồi phát hiện ra thi thể của ông đã bị ăn hết, chỉ còn lại cái đầu treo trên bộ xương.

Giáp Biên Câu là một phần của Sa mạc Gobi nằm ở Tây Bắc Trung Quốc, nơi gió mạnh và cực lạnh. Tuy nhiên, trong suốt phong trào Đại nhảy vọt, hơn 3.000 trí thức cực hữu đã bị đưa đến đó để trồng trọt, tự lo nuôi thân. Khi cạn đồ ăn, họ chỉ có thể ăn cỏ, chuột, thằn lằn, và thậm chí cả chất thải của con người, có người thậm chí phải ăn cả thịt đồng loại. Năm 1960, có chưa đến 1.000 người còn sống sót.

Những gì xảy ra ở Giáp Biên Câu chỉ là một trong vô số những thảm kịch ở Trung Quốc do ĐCSTQ gây ra. Vô số trí thức mơ tưởng về ĐCSTQ đã phải nhận thực tế cay nghiệt.

Họ gồm có Trần Dần Khác (một trong những nhà sử học nổi tiếng nhất ở Trung Quốc thế kỷ 20), Diệp Xí Tôn (một trong những nhà tiên phong của vật lý hiện đại ở Trung Quốc), Tạ Gia Vinh (một trong những nhà sáng lập Hiệp hội Địa chất Trung Quốc), Trần Mộng Gia (nhà thơ và nhà khảo cổ học), Mã Dần Sơ (nhà kinh tế), cặp vợ chồng Tằng Quốc Phiên (cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục) và Tằng Chiêu Luân (giáo sư Đại học Bắc Kinh), Vương Vinh (nhà phát triển chính của tàu ngầm thế hệ đầu tiên của Trung Quốc), Phong Tử Khải (họa sỹ), Tiêu Quang Diễm (kỹ sư hóa dầu), cặp vợ chồng Phó Lôi (dịch giả) và Chu Mai Phức, Ngu Quang Dụ (chuyên gia hàng không vũ trụ), và Chiêm An Thái (học giả).

Giai cấp thượng tầng cộng sản

Để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa chính trị và kinh tế Trung Quốc, cựu quan chức cấp cao Vương Chấn đã đề xuất mỗi quan chức ĐCSTQ được có một con tham gia vào chính trị, và một con tham gia hoạt động kinh doanh (trong khi những công dân bình thường chỉ được phép có một con, các quan chức cấp cao được phép có hai con). Với cách tổ chức này, con cái của các quan chức ĐCSTQ có thể lợi dụng các mối quan hệ chính trị để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp của họ. Kết quả là những con ông cháu cha này đã tích trữ được khối tài sản khổng lồ vào những năm 1980. Một thập kỷ sau, vì lo sợ nếu để lộ khối tài sản này có thể làm xấu hình ảnh “quang vinh” của Đảng, các quan chức lãnh đạo đã khuyên con cái họ ra nước ngoài định cư.

Năm 2011, theo một báo cáo của Đài Á Châu Tự Do, khoảng 74,5% con cái của các quan chức ĐCSTQ cấp bộ trưởng trở lên (bao gồm cả những người đã về hưu) đã có thẻ thường trú (thẻ xanh) hoặc quốc tịch Hoa Kỳ; tỷ lệ này thậm chí còn lên đến 91% đối với thế hệ cháu chắt của các quan chức.

Một cuộc khảo sát cũng cho thấy có đến 91% Ủy viên Trung ương ĐCSTQ có người thân trong gia đình định cư ở nước ngoài. Ngay cả đối với cơ quan kiểm toán, hay còn gọi là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, 88% ủy viên của cơ quan này có người thân nhập cư đến nước ngoài. Chẳng hạn như Giang Chí Thành (cháu trai của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân), Trần Nguyên (con trai của Trần Vân), Lưu Triêu Anh (con gái Lưu Hoa Thanh) và con gái của Viên Mộc được biết là đã trở thành công dân Hoa Kỳ. Bạc Qua Qua (con trai của Bạc Hy Lai) và cháu gái của Ngô Quan Chính có thẻ xanh thường trú tại Hoa Kỳ. Tằng Vĩ (con trai của Tăng Khánh Hồng) đã trở thành công dân Úc.

Theo một quan chức chống tham nhũng, một cuộc điều tra năm 2014 đã phát hiện có đến hơn 4,2 triệu quan chức bị phát hiện có hành vi tham nhũng tại thời điểm nào đó trong 30 năm qua. Khoảng 10.000 quan chức tham nhũng trong số này đã trốn ra nước ngoài, trong đó khoảng 7.000 quan chức trốn sang Mỹ. Các nguồn tin khác chỉ ra rằng có 10.000 quan chức đã chuyển ít nhất 1.000 tỷ Nhân dân tệ (149 tỷ USD) ra nước ngoài.

Một báo cáo cho hay 3.220 người Trung Quốc có tài sản trị giá hơn 100 triệu Nhân dân tệ (chưa tính tài sản ở nước ngoài). Trong đó, có 2.932 người (chiếm 91%) là con cháu của các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, khối tài sản của họ lên tới 2.000 tỷ Nhân dân tệ (299 tỷ USD).

Wikileaks cũng tiết lộ các quan chức ĐCSTQ có khoảng 5.000 tài khoản ở các ngân hàng Thụy Sỹ, trong đó, 2/3 là quan chức cấp Trung ương ĐCSTQ. Từ phó thủ tướng, chủ tịch ngân hàng, bộ trưởng đến ủy viên Ủy ban Trung ương Đảng, hầu hết đều có tài khoản ở đó.

Một cư dân mạng từng mô tả bản chất nhiều bộ mặt của các quan chức ĐCSTQ như sau:

Đọc Tuyên ngôn Cộng sản của Đức. Hát Quốc tế ca của Pháp. Cam kết liên minh với cờ búa liềm của Liên Xô. Sở hữu tài khoản ngân hàng ở Thụy Sỹ. Sở hữu thẻ xanh thường trú tại Hoa Kỳ, Canada hoặc Úc, trong khi liên tục bảo thường dân Trung Quốc rằng “Chúng ta tuyệt không làm theo phương Tây!”

Ngày càng ít nơi trú ẩn an toàn

Các quan chức Trung Quốc kiếm quốc tịch EU bằng cách đầu tư một “hộ chiếu vàng” như của Cộng hòa Síp. Bất kỳ ai đầu tư 2,5 triệu Euro đều có thể trở thành công dân Đảo Síp, và hộ chiếu của họ sẽ có hiệu lực tại 27 quốc gia trong khối Liên minh Châu Âu. Các báo cáo cho thấy có gần 500 người Trung Quốc đã có hộ chiếu đảo Síp theo cách này kể từ khi chương trình được triển khai vào năm 2013.

Do Ủy ban Châu Âu thắt chặt quy định, Đảo Síp đã thu hồi 26 hộ chiếu loại này vào năm 2019, gồm cả hộ chiếu của một số người gốc Trung Quốc. Vào tháng 10 năm 2020, Đảo Síp tuyên bố sẽ ngừng chương trình “hộ chiếu vàng” vào ngày 1 tháng 11 để ngăn chặn các quan chức ĐCSTQ lạm dụng chương trình đầu tư này.

Tương tự, Mỹ cũng đã xét lại các chính sách nhập cư liên quan đến Trung Quốc. Một lý do của việc này là quan ngại về gián điệp và đánh cắp tài sản trí tuệ. Các số liệu thống kê cho thấy 90% các vụ gián điệp kinh tế ở Mỹ trong 7 năm qua có liên quan đến Trung Quốc, trong khi 2/3 các vụ gián điệp tình báo có liên quan đến Trung Quốc. Giám đốc FBI Christopher Wray gần đây đã xác nhận trung bình cứ mỗi 10 tiếng, Hoa Kỳ lại tiến hành một vụ điều tra gián điệp mới liên quan đến Trung Quốc.

Ngày 1 tháng 9 năm 2020, để kiềm chế sự thâm nhập của ĐCSTQ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã tuyên bố các Viện Khổng Tử sẽ phải chấm dứt hoạt động vào cuối năm nay. Ngày 2 tháng 10, Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ cũng thông báo đã cập nhật Sổ tay Chính sách để thi hành chính sách cấm nhập cảnh và lưu trú “cho thành viên hoặc người có mối quan hệ với Đảng Cộng sản hoặc bất kỳ đảng độc tài toàn trị nào khác.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/19/413969.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/2/188075.html

Đăng ngày 10-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share