[MINH HUỆ 23-10-2020] “Hầu hết họ chỉ im lặng lắng nghe — Xét cho cùng, tất cả đều làm việc trong bộ máy chính quyền Trung Quốc, các cuộc điện thoại đều bị theo dõi. Nhưng sau khi tôi nói xong, họ luôn cảm ơn tôi mãi thôi. Chuyện này gần đây xảy ra rất nhiều”, Tiểu Hà nói.

Tiểu Hà là một tình nguyện viên tại Trung tâm Phục vụ thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Los Angeles. Cô cho biết cô đã nhận thấy những thay đổi lớn trong những tháng gần đây khi gọi điện cho người dân ở Trung Quốc để nói cho họ về cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với những người tuân thủ pháp luật như các học viên Pháp Luân Công. Trong những năm đầu làm công việc tình nguyện này, người nhận cuộc gọi thường dập máy hoặc nói những lời tục tĩu.

Khi thế giới ngày càng cảnh giác trước sự tàn bạo và dối trá của ĐCSTQ, đặc biệt là thông qua vụ che đậy virus corona, ngày càng nhiều quan chức ĐCSTQ, những người biết nội tình của Đảng, cũng đã cảm nhận được khủng hoảng đang bùng phát ở Trung Quốc, và bắt đầu cân nhắc các phương án để đảm bảo an toàn cho bản thân. Nhiều người trong số họ đã chọn thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó để tránh bị liên đới trách nhiệm khi đến thời điểm ĐCSTQ bị đưa ra công lý vì những tổn hại mà nó gây ra cho Trung Quốc và thế giới.

Phiên tòa Đông Đức

Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc hôm nay cũng từng xảy ra tương tự ở những nơi khác trong lịch sử. Đông Đức là một ví dụ.

Ngày 4 tháng 12 năm 1989, bốn tuần sau khi Bức tường Berlin bị sụp đổ, ông Arnold Vaatz, một nhà vật lý làm việc tại Erfurt, nơi lưu trữ hồ sơ của cảnh sát mật Đông Đức (Stasi), đã phát hiện thấy khói bốc ra từ trụ sở của Stasi. Ông và cư dân địa phương liền đến đó và niêm phong tài liệu, bao gồm cả máy tính nhằm bảo quản hồ sơ.

Thông qua những hồ sơ này và những hồ sơ được bảo quản khác, mọi người mới biết Stasi hoạt động như một cơ quan tình báo và cảnh sát ngầm của đảng cộng sản. Với 270.000 nhân viên trong đó có 180.000 người đưa tin, nó đã theo dõi gần như mọi mặt trong cuộc sống hàng ngày của người dân Đông Đức và triển khai các hoạt động gián điệp quốc tế.

Thông qua sóng truyền hình và truyền miệng, người dân Đông Đức đã biết về thế giới phương Tây, và khoảng 2,7 triệu người đã vượt biên ở Berlin sang Tây Đức, vì để có được tự do và chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Bức tường Berlin được xây dựng vào năm 1961 theo lệnh của chủ tịch đảng cộng sản Walter Ulbricht. Chính phủ Đông Đức cũng yêu cầu lính canh nổ súng vào những người tẩu thoát. Trong một mệnh lệnh tháng 10 năm 1973 có viết: “Đừng ngần ngại sử dụng vũ khí, ngay cả khi có phụ nữ và trẻ em vượt biên giới, đó là một chiến thuật mà bọn phản bội thường dùng.”

Sau đó, tất cả những điều này đã trở thành bằng chứng để buộc tội các lãnh đạo đảng cộng sản. Egon Krenz, lãnh đạo cộng sản Đông Đức cuối cùng, đã bị kết án vào tháng 8 năm 1997 về tội giết người. Trong bản tin vào ngày 25 tháng 8 năm 1997 của Associated Press (AP) với tiêu đề “Nhà lãnh đạo cộng sản cuối cùng của Đông Đức bị kết án về việc nổ súng ở biên giới” viết: “Theo các nhà chức trách, trong 41 năm Đông Đức tồn tại, ít nhất 916 người bị giết khi tìm cách trốn thoát, trong đó có 80 người bị giết ở Bức tường Berlin.”

Tổng cộng có 160 người liên quan đến những cái chết này đã bị buộc tội. “Tôi cho rằng các vụ xét xử vụ việc ở bức tường cần phải tiếp tục để những gia đình bị hại có thể tiếp tục công bố những bất công”, ông Klaus-Peter Eich, 56 tuổi, người bị liệt thân dưới vì bị bắn vào lưng khi tìm cách trốn thoát khỏi Đông Berlin năm 1961, cho hay.

Ẩn sau sự bình yên trên bề mặt

Hãy xem Trung Quốc hiện đại. Mặc dù trên bề mặt, ĐCSTQ vẫn đang cai trị như bình thường, nhưng nhiều dấu hiệu đã cho thấy những khủng hoảng lớn.

Tất cả các công chức Trung Quốc, từ quan chức cấp cao đến trưởng thôn, đều phải nộp hộ chiếu cho cơ quan giám sát giữ khi họ ở trong nước. Khi các quan chức cần ra nước ngoài, họ thường đi theo nhóm theo cơ chế giám sát lẫn nhau, trong đó mỗi người phải để mắt đến tất cả những người còn lại để không một cá nhân nào có thể bỏ trốn hoặc đào thoát mà không bị phát hiện.

Vương Lập Cường, đặc vụ đầu tiên ĐCSTQ từ thời ĐCSTQ nắm quyền vào năm 1949, đã đào thoát sang Úc vào ngày 22 tháng 11 năm 2019 và tiết lộ danh tính của mình ra bên ngoài. Hoàng Hà, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, coi điều này có ý nghĩa quan trọng vì Vương làm việc cho mạng lưới tình báo của ĐCSTQ ở Hồng Kông, và cấp trên cũ của ông này là một trong những cán bộ tình báo chủ chốt của ĐCSTQ ở Hồng Kông.

Thông tin do Vương cung cấp nêu chi tiết ĐCSTQ kiểm soát Hồng Kông, cũng như các kênh truyền thông xã hội và dư luận ở Đài Loan. Sự thâm nhập của ĐCSTQ rất sâu và toàn diện. Lời khai của Vương đã xé toạc bức màn sắt về mạng lưới tung tin sai lệch rộng khắp của ĐCSTQ. Vương cho biết ông quyết định lên tiếng vì đã chứng kiến việc ĐCSTQ đối xử với Hồng Kông tệ đến thế nào khi Hồng Kông phản đối dự luật chống dẫn độ vào tháng 6 năm 2019. Ông ấy không muốn những điều tương tự xảy ra với Đài Loan.

Cư dân mạng 4EverHongKong đã cho thấy một ví dụ về những gì mà Hồng Kông phải chịu đựng: số trường hợp “tự tử” ở thanh niên Hồng Kông cao bất thường trong phong trào chống dự luật dẫn độ. Cư dân mạng này viết: “Năm 2015 có 38 sinh viên tự tử, năm 2016 là 32 và năm 2017 là 25, nhưng năm 2019, con số này đột ngột tăng lên hàng nghìn.” Anh còn cho hay: “Rất nhiều trong số hàng nghìn trường hợp ‘tự tử’ là những thanh niên mặc đồ đen và bị trói tay. Một số thi thể nổi trên mặt nước, một số bị bỏ mặc trong rừng, số khác rơi từ các tòa nhà cao tầng xuống”. Được biết, nhiều người trong đó đã tham gia vào phong trào chống dự luật dẫn độ. Gia đình của họ nghi ngờ rằng họ đã bị cảnh sát giết, giống như những sinh viên trong vụ Thảm sát Thiên An Môn năm 1989.

Người Hồng Kông không phải là những người duy nhất chịu đựng dưới bàn tay của ĐCSTQ. Ngày 16 tháng 11 năm 2019, một quan chức của ĐCSTQ khác đã cung cấp hơn 400 trang tài liệu cho New York Times, trình bày chi tiết về việc ĐCSTQ tiến hành các vụ bắt giữ và giam cầm hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương dưới danh nghĩa giáo dục và đào tạo. Vào ngày 24 tháng 11 năm 2019, Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) cũng đã tiết lộ các tài liệu của ĐCSTQ, nêu chi tiết việc ĐCSTQ đã xây dựng các trại tập trung ở Tân Cương với sức chứa một triệu người Duy Ngô Nhĩ.

Kỷ nguyên của sự tỉnh thức

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) đã biết về đợt bùng phát virus corona vào ngày 30 tháng 12 năm 2019, vài ngày sau khi ca nhiễm đầu tiên được xác nhận. Song, cùng với các cơ quan chính quyền khác, NHC và các chi nhánh ở cấp tỉnh và thành phố đều bưng bít thông tin, đồng thời xử phạt những người thổi còi.

Tính đến cuối tháng 10 năm 2020, trên thế giới đã có hơn 46 triệu ca nhiễm và hơn 1,2 triệu ca tử vong. Những tổn thất về nhân mạng đã gây ra làn sóng phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế.

Ông Arthur Waldron, nhà sử học Trung Quốc, giáo sư ngành quan hệ quốc tế của Khoa Lịch sử của Đại học Pennsylvania, cho biết ĐCSTQ đã bước vào con đường suy tàn và hướng tới số phận tương tự như Liên Xô khi nó sụp đổ vào năm 1991.

Một quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã từng trao đổi với ông Waldron về mối quan ngại này. Ông Waldron kể lại trong một cuộc phỏng vấn vào cuối năm ngoái: “Ông ấy nói với tôi: Ông Arthur này, chúng tôi phải làm cái quái gì đây? Ai cũng biết hệ thống [chính trị] này là không được rồi. Chúng tôi đã lâm vào ngõ cụt rồi.”

Vị quan chức này còn nói: “Nhưng điều chúng tôi không biết là bước tiếp theo phải làm gì bởi vì… đâu đâu cũng có mìn, hễ chúng tôi đi một bước là có thể gây ra một vụ nổ khủng khiếp.”

Vương Kỳ Sơn, Phó Thủ tướng Trung Quốc, đã nhận ra điều này vào năm 2015, khi ông còn là Bí thư Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương. Ông nói trong một cuộc họp của ủy ban thường vụ năm đó: “Tham nhũng trong Đảng đã phổ biến và nghiêm trọng đến mức sẽ khiến nó giải thể. Dù bạn có thừa nhận hay không thì đó là sự thật.”

Sự chấm dứt của cơn ác mộng chủ nghĩa cộng sản

Tình hình hiện tại ở Trung Quốc thậm chí còn tệ hơn khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989. Tháng 1 năm 1989, Erich Honecker, Tổng Bí thư Đông Đức còn lạc quan nói: “Bức tường vẫn sẽ đứng vững trong 50 hay 100 năm nữa nếu những lý do tồn tại của nó không bị bác bỏ.“

Tuy nhiên, bức tường đã bị dỡ bỏ vào cuối năm đó, tiếp đó là sự sụp đổ của khối cộng sản Đông Âu, bao gồm cả Liên Xô, vào năm 1991.

Sự bi quan rộng khắp trong giới quan chức ĐCSTQ cũng đã được xác nhận bằng các số liệu thống kê của nước ngoài. Ngày 6 tháng 10, Trung tâm Nghiên cứu Pew đã công bố một báo cáo cho thấy quan điểm về Trung Quốc đã xấu đi rõ rệt ở các nước lớn của phương Tây.

Báo cáo viết: “Quan điểm về Trung Quốc ở nhiều nước phát triển trong những năm gần đây ngày càng xấu đi, quan điểm bất lợi cho Trung Quốc đã tăng vọt trong năm qua… phần lớn người dân ở các quốc gia được khảo sát đều có quan điểm bất lợi cho Trung Quốc. Quan điểm tiêu cực đã đạt mức cao nhất kể từ khi trung tâm này bắt đầu khảo sát về chủ đề này cách đây một thập kỷ.”

Chẳng hạn, quan điểm tiêu cực về Trung Quốc ở Úc đã tăng 24% kể từ năm ngoái và hiện đã lên đến 81%. Tương tự, tỷ lệ này đã tăng thêm 24% ở Vương quốc Anh, vọt lên đến 74%.

Báo cáo giải thích: “Quan điểm bất lợi gia tăng trong bối cảnh Trung Quốc bị chỉ trích rộng rãi về cách xử lý đại dịch virus corona. Tại 14 quốc gia được khảo sát, trung bình 61% cho rằng Trung Quốc đã rất tệ trong việc đối phó với đại dịch.”

Đồng thuận với dư luận, các quan chức chính phủ cũng đã hành động. Vào tháng 10, Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) đã cập nhật sổ tay chính sách nhằm đẩy mạnh nỗ lực ngăn cấm nhập cảnh hoặc cấp giấy phép thường trú cho các thành viên của Đảng Cộng sản.

Chương 3 của sổ tay chính sách giải thích: “Cơ sở từ chối nhập cảnh cho các thành viên hoặc người có mối liên hệ với Cộng sản hay bất kỳ đảng độc tài toàn trị nào khác nằm trong bộ luật do Quốc hội thông qua nhằm xử lý nguy cơ đối với sự an toàn và an ninh của Hoa Kỳ. Mục đích ban đầu của nó là bảo vệ Hoa Kỳ trước các hoạt động phản đối và lật đổ Hoa Kỳ được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.”

Sau khi ĐCSTQ áp dụng luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông vào ngày 30 tháng 6 năm 2020, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật về quyền tự trị của Hồng Kông vào tháng 7 để “buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những hành động thô bạo với người dân Hồng Kông”. Theo yêu cầu của Đạo luật này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo vào ngày 14 tháng 10 nhằm “xác định những người nước ngoài đã, đang hoặc cố gắng đóng góp về mặt vật chất cho việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) không đáp ứng các cam kết theo Tuyên bố Chung Trung-Anh hoặc Luật Cơ bản của Hồng Kông.”

Báo cáo đã xác định 10 cá nhân gây tổn hại đến lợi ích của Hồng Kông. Theo một thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, theo Mục 5(a) của Đạo luật, Ngoại trưởng đã làm việc với Bộ trưởng Tài chính để áp đặt các biện pháp trừng phạt bằng cách phong tỏa tài sản của mỗi cá nhân được nêu trong báo cáo này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/23/414142.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/3/188090.html

Đăng ngày 09-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share