Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp

[MINH HUỆ 05-10-2020] Năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lật đổ Trung Hoa Dân Quốc và thành lập một chế độ mới với cái tên “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH)”. ĐCSTQ cũng gọi chế độ mới này là “Trung Quốc mới”, đồng thời tuyên bố rằng giai đoạn trước đó là “Trung Quốc cũ” hoặc “xã hội cũ”.

Tuy nhiên, khi nhìn lại, lịch sử 71 năm qua dưới sự cầm quyền của ĐCSTQ lại cho thấy ĐCSTQ không mang lại cho người dân Trung Quốc một cuộc sống tốt hơn, mà bảy thập kỷ qua lại đầy sự đè nén bằng kiểm soát tư tưởng, bức hại tín ngưỡng, tước đoạt kinh tế, bất công, đau khổ, và chết chóc.

Nói cách khác, trái ngược với những gì ĐCSTQ từng tuyên bố, “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” không phải là vì nước, vì dân, cũng không phải vì một nền cộng hòa.

Không phải vì nước

ĐCSTQ được thành lập vào năm 1921 với tư cách là một chi nhánh của Quốc tế Cộng sản. Còn được gọi là Quốc tế thứ ba, tổ chức này do Vladimir Lenin phát động nhằm khuếch trương chủ nghĩa cộng sản thế giới. Ở Trung Quốc, ĐCSTQ được thành lập dưới sự bảo trợ của Liên Xô với mục tiêu lật đổ Trung Hoa Dân Quốc dưới thời Quốc Dân Đảng (KMT) và thay thế đảng này bằng chế độ cộng sản.

Vào thời điểm đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ĐCSTQ là “bảo vệ Liên Xô”. Nó cũng đã chuyển cho Liên Xô tất cả các tài liệu trọng yếu của nó. Ngày nay, người ta có thể đọc các quyết định nội bộ của ĐCSTQ từ các tài liệu không phải là tài liệu mật về cộng sản của Nga sau khi Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ. Khi Trần Độc Tú, Tổng Bí thư đầu tiên của ĐCSTQ, đặt câu hỏi tại sao đảng của Trung Quốc lại cần phải bảo vệ Liên Xô, ông ta liền bị khai trừ khỏi ĐCSTQ.

Bản chất của chủ nghĩa cộng sản đã được Karl Marx định nghĩa trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Marx viết: “Một bóng ma đang ám ảnh Châu Âu – bóng ma của chủ nghĩa cộng sản.“

Qua nhiều chiến dịch chính trị, đặc biệt là cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, ĐCSTQ đã phá hủy vô số di tích văn hóa cổ đại và bức hại hàng triệu tinh anh văn hóa, rồi ruồng bỏ lịch sử lâu đời của nền văn minh Trung Quốc, cũng như cắt đứt di sản văn hóa truyền thống Trung Hoa. Do đó, “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” không đại diện cho Trung Quốc, cũng không đại diện cho người Trung Quốc.

Không phải vì dân

Suốt mấy thập kỷ qua, ĐCSTQ hết lần này đến lần khác đã bỏ mặc nhân dân Trung Quốc để củng cố quyền thống trị của nó.

Nông dân là giai cấp đông đảo nhất ở Trung Quốc. ĐCSTQ đã lãnh đạo nông dân làm “cách mạng”—tấn công hoặc giết chết địa chủ và những người giàu có để chia đất đai và tài sản của họ. Đổi lại, những nông dân này sẽ tham gia Hồng quân để chiến đấu trong cuộc nội chiến chống lại Quốc dân Đảng.

Tuy nhiên, năm 1950, một năm sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, nó bắt đầu thành lập hợp tác xã—một cơ chế sở hữu chung do người dân “tự nguyện” thành lập nhằm đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng chung về kinh tế, xã hội và văn hóa của mình. Mấy năm sau, công xã nhân dân lại được thành lập để giành lại đất đai từ tay nông dân.

Cuối cùng, những nông dân này chẳng còn gì trong tay, và phải sống dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ.

Công nhân cũng là một giai cấp đông đảo, cũng được ĐCSTQ ca ngợi là “giai cấp đi đầu” và “chủ nhân của đất nước.” ĐCSTQ đã lợi dụng họ trong các cuộc vận động chính trị của nó nhằm tiêu diệt “kẻ thù giai cấp”, bao gồm tư sản trong nước, trí thức và các nhóm khác trong tầm ngắm của ĐCSTQ.

Khi ĐCSTQ chuyển sang chính sách cải cách và mở cửa, nó đã bỏ rơi giai cấp công nhân một cách không thương tiếc. Công nhân bị sa thải hoặc bị ép nghỉ hưu chỉ được trả một khoản tiền. Chính phủ không cấp trợ cấp thất nghiệp cho họ và thường chậm trả lương hay lương hưu cho họ. ĐCSTQ chỉ gọi những nạn nhân này là “cái giá của cuộc cải cách”.

Cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước đã khiến khoảng 30 triệu công nhân bị mất việc làm, đẩy nhiều người trong số họ xuống đáy của đời sống kinh tế.

Đầu năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết có 600 triệu người Trung Quốc có thu nhập dưới 1.000 Nhân dân tệ (150 đô la Mỹ) hàng tháng.

Trong khi đó, các quan chức lại ngồi trên đống tài sản khổng lồ. Năm 2014, các nhà chức trách đã tìm thấy 200 triệu Nhân dân tệ (30 triệu USD) tiền mặt tại một trong những ngôi nhà của cựu Phó Giám đốc Ban Năng lượng Quốc gia Ngụy Bằng Viễn. Họ mang theo 16 máy đếm tiền mới đếm hết số tiền này, trong đó, bốn máy đã bị hỏng khi đang đếm.

Sáu năm sau, các nhà chức trách báo cáo Lại Tiểu Dân, cựu Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hoa Dung, đã chiếm đoạt 1,8 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 290 triệu USD). Lại cũng có hơn 100 bất động sản, hơn 100 mối quan hệ chu cấp tiền cho ông ta, và hơn 100 tình nhân.

Lịch sử bi thảm của ĐCSTQ và sự kệch cỡm của các quan chức khiến nó đối lập với người Trung Quốc, chứ không phải “vì dân” như nó từng tuyên bố.

Không phải vì một nền cộng hòa

Trong cuộc nội chiến, ĐCSTQ hứa hẹn sẽ thành lập một nền cộng hòa dân chủ nhằm thu hút sự ủng hộ của nhân dân. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, nó nhanh chóng biến nền cộng hòa này thành chế độ độc tài độc đảng. Thực ra, nó còn thêm nội dung “dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ” vào Hiến pháp năm 1954.

Nó đã thành lập tám đảng nhỏ để thể hiện tính “dân chủ”. Nhưng các đảng này phải theo sát sự lãnh đạo của ĐCSTQ. Trên thực tế, nhiều lãnh đạo của các đảng bình phong này là thành viên bí mật của ĐCSTQ.

Nhìn bề ngoài, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trong hơn 3.000 đại biểu của nó, không có mấy ai là nông dân hay công nhân, mà đều là quan chức, bao gồm các bí thư đảng ủy, tỉnh trưởng, thị trưởng, chủ tịch thị trấn, giám đốc các doanh nghiệp nhà nước, v.v.

Một “nền cộng hòa” mang hàm nghĩa là một quốc gia tuân thủ pháp quyền, và công dân của nước đó sẽ có quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng.

Còn ĐCSTQ từ phong trào chính trị này đến phong trào chính trị khác, đã tước đi quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng của người dân, chặn họng giới trí thức, khiến nhân dân e sợ chính quyền. Ai nấy đều ngậm miệng không dám chất vấn ĐCSTQ, chứ chưa nói đến việc đăng báo hay biểu tình trên đường phố. Dưới sự tuyên truyền lặp đi lặp lại của ĐCSTQ, nhiều người dần dần đã rơi vào bẫy logic của nó mà tin tưởng vào đảng.

Một cư dân mạng đã viết như sau về ĐCSTQ:

“Trong gần 200 quốc gia trên thế giới, có:

  • 20 quốc gia yêu cầu công dân tự chi trả chi phí y tế;
  • 4 quốc gia ướp xác lãnh tụ đã qua đời trong quan tài pha lê: Trung Quốc, Nga, Việt Nam và Bắc Triều Tiên;
  • 4 quốc gia phong tỏa Internet: Trung Quốc, Cuba, Iran và Bắc Triều Tiên;
  • 3 quốc gia cưỡng chế một hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ khẩu: Trung Quốc, Benin và Bắc Triều Tiên;
  • 2 quốc gia buộc học sinh phải tham gia các lớp giáo dục chính trị ở trường gồm có Trung Quốc và Bắc Triều Tiên;
  • 2 quốc gia viết ‘chế độ độc tài’ vào Hiến pháp (ĐCSTQ gọi chế độ cai trị của nó là ‘chế độ độc tài dân chủ nhân dân’): Trung Quốc và Triều Tiên;
  • 1 quốc gia duy nhất áp dụng chính sách một con: Trung Quốc.
  • Và chỉ có một quốc gia (Trung Quốc) thuộc mọi thể loại như trên.“

Bên cạnh đó, ĐCSTQ còn tiến hành những cuộc bức hại tín ngưỡng kinh hoàng, đặc biệt là đối với các học viên Pháp Luân Công. Một trong những tội ác ghê rợn nhất là nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng các học viên Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã kéo dài 21 năm và đến nay vẫn tiếp diễn. Theo thống kê của trang Minh Huệ Net, chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, chính quyền ĐCSTQ đã bắt giữ hoặc sách nhiễu 5.313 học viên Pháp Luân Công tại 238 thành phố thuộc 28 tỉnh thành. Tòa án đã kết án tù đối với 132 học viên.

Như đã đề cập bên trên, dưới sự cai trị của ĐCSTQ, không có chỗ cho văn hóa Trung Quốc, không có chỗ cho người dân, và cũng không có chỗ cho một nền cộng hòa.

Sau khi chứng kiến ​​cách ĐCSTQ che đậy sự bùng phát của virus corona, toàn thế giới, bao gồm nhiều người Trung Quốc, đã thức tỉnh trước bản chất giả dối của nó và bắt đầu cắt đứt quan hệ với ĐCSTQ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/5/413348.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/30/188035.html

Đăng ngày 03-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share