Bài viết của Vương Anh và Tùy Chi

[MINH HUỆ 28-10-2020] Vào Ngày Tự do Tín ngưỡng Quốc tế (ngày 27 tháng 10), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo đã công bố một thông cáo báo chí nhắc lại những nỗ lực của Hoa Kỳ về tự do tín ngưỡng.

Đây là sự tiếp nối chuỗi hành động nhất quán của Chính phủ Hoa Kỳ nhằm chống lại các cuộc bức hại về đức tin, đặc biệt là những cuộc bức hại đang diễn ra ở Trung Quốc. Trên toàn cầu, Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đã tăng cường nỗ lực trừng phạt thủ phạm nhân quyền, bao gồm cả thủ phạm của cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Thông cáo Báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Ngoại trưởng Pompeo cho hay, Đạo luật Tự do Tín ngưỡng Quốc tế được Hoa Kỳ thông qua vào năm 1998 nhằm thúc đẩy các quyền cơ bản về tự do tín ngưỡng cho mọi người trên toàn thế giới. Ông nói: “Một cá nhân, bất kể theo tôn giáo hay tín ngưỡng nào, đều nên được tự do tổ chức cuộc sống của mình theo lương tâm”, ông cho biết thêm: đây là ưu tiên chính sách đối ngoại cốt lõi của Hoa Kỳ.

Ông cũng nhận định: “Tuy nhiên, ngày hôm nay, ba thủ phạm chà đạp tự do tín ngưỡng nghiêm trọng nhất thế giới là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH), Iran, và Triều Tiên đã thắt chặt các biện pháp cưỡng chế nhằm bịt miệng người dân nước họ. Tệ hơn nữa, CHNDTH đã tìm cách xóa bỏ mọi hình thức tín ngưỡng và niềm tin không phù hợp với học thuyết của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

“Hiện nay đang tồn tại một phong trào toàn cầu về tự do tín ngưỡng”, ông Pompeo kết luận, “một phong trào giàu tính đa dạng về vùng miền, văn hóa, và chính trị — minh chứng cho một sự thật phổ quát và quá rõ ràng rằng: tất cả mọi người, ở mọi nơi, đều có quyền tin hay không tin, thay đổi đức tin của họ, nói lên đức tin của họ, tập hợp và giảng dạy về đức tin.”

Đó là lý do Liên minh Tín ngưỡng hoặc Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFBA) được thành lập vào tháng 2 năm 2020, thông qua đó “31 quốc gia đã cam kết sẽ cống hiến cho sứ mệnh chung của liên minh này nhằm giải quyết những chướng ngại trên toàn thế giới.“ Kể từ đó, một số quốc gia đã trả tự do cho những người bị bỏ tù oan vì đức tin của họ, để họ được đoàn tụ cùng gia đình.

Cam kết từ 31 quốc gia

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Liên minh IRFBA gồm các quốc gia cùng chung chí hướng trong việc thúc đẩy quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng trên toàn thế giới. Tổ chức này tin rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ thành viên của các nhóm tín ngưỡng thiểu số và chống lại nạn phân biệt đối xử và bức hại dựa trên tôn giáo hoặc tín ngưỡng.

Ông Sam Brownback, Đại sứ Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, cũng chỉ trích tình hình ở Trung Quốc.

Ông phát biểu trong cuộc phỏng vấn với ShareAmerica ngày 22 tháng 10: “Trung Quốc đã tuyên chiến với đức tin. Chúng tôi đã chứng kiến sự ngược đãi ngày càng gia tăng của chính quyền Trung Quốc đối với các tín đồ của gần như tất cả các tín ngưỡng và từ khắp nơi ở Trung Quốc đại lục. Trung Quốc đã gia tăng đàn áp các tín đồ Cơ Đốc giáo, đóng cửa nhà thờ và bắt giữ họ vì các hoạt động tôn giáo ôn hòa của họ. Và về vấn đề này, chúng tôi nói với Trung Quốc: Đừng phạm sai lầm; các vị sẽ không bao giờ chiến thắng trong cuộc chiến về đức tin. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy cho vị thế của các vị trên chính quê hương của các vị và trên toàn thế giới.”

Trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền

Trong vài tháng qua, nhiều quốc gia bao gồm cả Hoa Kỳ đã tăng cường các hành động chống lại những kẻ vi phạm nhân quyền.

Ngày 9 tháng 7, Chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố xử phạt Sở Công an tỉnh Tân Cương và bốn quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu do Quốc hội nước này thông qua năm 2016. Ngày 22 tháng 9 năm 2019, trong bài báo có tiêu đề “Đạo đức là mối đe dọa chính của Trung Quốc”, Tạp chí Phố Wall cho hay: “Trung Quốc đang áp đặt một triều đại khủng bố đối với các nhóm tín ngưỡng thiểu số—như Cơ đốc giáo, Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Pháp Luân Công và các nhóm khác.”

Một trong bốn quan chức của ĐCSTQ là Trần Toàn Quốc, Bí thư Đảng ủy ĐCSTQ tại Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, từng làm việc tại tỉnh Hà Nam. Một bài báo khác của Tạp chí Phố Wall ngày 7 tháng 4 năm 2019 có tiêu đề “Mặt trái của Trung Quốc: Lãnh đạo của cuộc đàn áp Hồi giáo tại Bắc Kinh giành được ảnh hưởng” cũng nói về những vi phạm nhân quyền của Trần khi ông ta làm việc ở tỉnh Hà Nam. Bài báo cho hay, “Năm 1999, sau khi chính quyền cấm môn tu luyện Pháp Luân Công, Trần đã tham gia vào cuộc đàn áp này với tư cách một quan chức cấp cao của tỉnh Hà Nam; nhiệm vụ của ông ta là tiêu hủy sách, tài liệu giới thiệu và đĩa CD của nhóm tín ngưỡng này. Sau đó, ông ta đã giám sát các cuộc thanh trừng những người tu luyện Pháp Luân Công trong hàng ngũ đảng ủy Hà Nam bằng cách cải tạo và đuổi việc họ, theo ghi chép lịch sử của tỉnh này.”

Đảng Dân chủ Liên bang (FDP) của Đức cũng đã thông qua Đạo luật Magnitsky vào tháng 9. Bà Gyde Jensen, Nghị sỹ Quốc hội, đã đề cập đến luật trừng phạt các vụ vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế trên toàn thế giới.

Bà Jensen giải thích, mặc dù Nghị viện EU đã thông qua một nghị quyết vào năm 2019 để các nước thành viên ban hành luật tương tự như Đạo luật Magnitsky của Hoa Kỳ, nhưng khi đó, Đức chưa tiến hành. Bởi vậy, bà đã hy vọng các luật tương tự như Đạo luật Magnitsky Toàn cầu có thể được thông qua ở Vương quốc Anh và Canada.

Danh sách thủ phạm nhân quyền trong cuộc bức hại Pháp Luân Công được đệ trình

Các học viên Pháp Luân Công cũng đã làm việc với nhiều chính phủ nhằm truy cứu trách nhiệm của các thủ phạm nhân quyền đối với tội ác của họ. Tháng 7 năm 2020, các học viên ở năm quốc gia (Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, Úc và New Zealand) đã đệ trình danh sách thứ ba gồm những thủ phạm của cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Danh sách mới này tiếp nối hai danh sách được đệ trình trước đó vào tháng 9 và tháng 11 năm 2019. Tương tự hai danh sách đã đệ trình trước đó, danh sách thứ ba này bao gồm các cá nhân ở các cấp chính quyền tại các khu vực khác nhau ở Trung Quốc.

Thủ phạm nhân quyền thường bị truy nã suốt đời. Reinhold Hanning, một lính canh SS ở trại tập trung Auschwitz khi Ba Lan bị chiếm đóng từ năm 1942 đến năm 1944, đã bị kết án tại một tòa án Đức vào năm 2016 vì là tòng phạm của 170.000 vụ giết người. Oskar Gröning, một lính canh SS khác đóng tại trại tập trung Auschwitz cho đến năm 1944, bị kết tội tiếp tay cho các vụ giết người hàng loạt và bị kết án bốn năm tù ở tuổi 83 vào năm 2015.

Bài viết liên quan bằng tiếng Hán:

https://www.minghui.org/mh/articles/2020/9/16/411873.html


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/28/414348.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/30/188034.html

Đăng ngày 01-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share