Bài viết của Đồng Căn và Vô Huyền
[MINH HUỆ 09-04-2020] Virus corona bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Trong vòng vài tháng, từ một dịch bệnh ở một khu vực, nó đã phát triển thành một đại dịch toàn cầu.
Khi người dân ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đang chiến đấu với dịch bệnh và tìm cách chữa trị, chúng tôi muốn trình bày một cái nhìn toàn diện về những bài học có thể rút ra từ đại dịch: về xã hội, văn hóa và khoa học hiện đại, cũng như lịch sử của chúng ta.
Chúng tôi hy vọng loạt bốn bài viết này sẽ giúp độc giả hiểu rằng đại dịch toàn cầu đã không xảy ra nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc không liên tục đưa tin sai lệch (Phần 1). Chúng tôi cũng xem xét các giả thuyết về nguồn gốc của virus corona (Phần 2) và đại dịch bắt đầu như thế nào (Phần 3).
Mặt khác, phần hiểu về đại dịch trong bối cảnh của văn hóa và lịch sử (Phần 4) sẽ đưa ra các manh mối về cách đánh giá lại các nguyên tắc và nghĩa vụ đạo đức của chúng ta trong khi chuẩn bị cho chương tiếp theo của lịch sử.
Sau đây là những nét chính của loạt bài viết này:
Phần 1: Các mốc thời gian và phân tích
Chương 1: Che giấu dịch bệnh ở Trung Quốc
Chương 2: Liệu thảm kịch như thế này có tái diễn?
Phần 2: Một chủng virus bí ẩn — Nó bắt đầu từ đâu?
Chương 3: Thuyết nguồn gốc từ Hoa Kỳ
Chương 4: Thuyết nguồn gốc từ Trung Quốc
Phần 3: Một chủng virus bí ẩn — Nó bắt đầu như thế nào?
Chương 5: Thuyết nguồn gốc nhân tạo
Chương 6: Thuyết nguồn gốc tự nhiên
Phần 4: Nhìn lại khoa học hiện đại và tìm về các giá trị truyền thống
Chương 7: ĐCSTQ đã đặt ra một thách thức chưa từng có đối với nhân loại
Chương 8: Suy ngẫm về trí huệ của cổ nhân
* * *
Phần 1: Các mốc thời gian và phân tích
“Dịch bệnh không phải là sự kiện ngẫu nhiên ảnh hưởng thất thường đến xã hội mà không có cảnh báo”, Frank Snowden, Giáo sư Danh dự ngành Lịch sử và Lịch sử Y học tại Đại học Yale viết trong cuốn sách Dịch bệnh và xã hội: Từ Cái chết Đen đến hiện tại (tên gốc: “Epidemics and Society: From the Black Death to the Present”), xuất bản vào tháng 10 năm 2019, vài tuần trước khi đại dịch virus corona bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc.
“Dịch bệnh là một loại bệnh dựng lên tấm gương để con người nhìn lại chúng ta thực sự là ai”, ông giải thích cụ thể điểm này trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Người New York (The New Yorker) ngày 3 tháng 3 năm 2020.
Trong phần này, trước hết, chúng tôi sẽ rà soát lại việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa thông tin sai lệch về sự bùng phát dịch virus corona. Từ góc độ này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về những điểm sai và cách khắc phục.
Chương 1: Che giấu dịch bệnh ở Trung Quốc
Các mốc thời gian sau cho thấy ĐCSTQ đã xử lý sai đại dịch virus corona như thế nào.
Ngày 1 tháng 12 năm 2019, bệnh nhân nhiễm virus corona Vũ Hán đầu tiên được xác nhận và điều trị. Người này không hề đến Chợ Hải sản Hoa Nam, và đã lây bệnh cho 14 chuyên gia y tế điều trị, chăm sóc ông ấy.
Ngày 18 tháng 12 năm 2019, một nhân viên vận chuyển 65 tuổi được đưa vào Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Bệnh nhân này có triệu chứng viêm phổi, nhưng không xác định được mầm bệnh, điều trị bằng thuốc không có tác dụng. Ngày 24 tháng 12, dịch rửa phổi của bệnh nhân này đã được gửi đến Công ty Gen Vi Viễn (Vision Medicals) ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, để chẩn đoán.
Ngày 26 tháng 12 năm 2019, kết quả đánh giá dữ liệu về giải trình tự gen thế hệ mới (mNGS) từ kết quả phân tích dữ liệu tự động của bệnh nhân 65 tuổi này cho thấy một chủng virus corona giống như SARS. Trình tự gen này có đến 81% tương đồng với virus SARS năm 2003.
Nội dung trao đổi nội bộ về kết quả xét nghiệm ngày 26 tháng 12 năm 2019 chỉ ra rằng virus phù hợp nhất với thông tin về gen của chủng virus mới này là virus corona giống như virus SARS.
Ngày 27 tháng 12 năm 2019, Công ty Gen Vi Viễn đã chia sẻ chuỗi gen của nhân viên vận chuyển 65 tuổi này với Viện Sinh học Mầm bệnh thuộc Viện Hàn lâm Y Khoa Trung Quốc. Bệnh viện Trung ương Vũ Hán cũng đã được thông báo về một chủng virus corona mới và được khuyến nghị về việc cách ly.
Từ ngày 26-27 tháng 12, Trương Kế Tiên, Trưởng khoa Hô hấp của Bệnh viện Trung Y Cổ truyền và Tây y, đã xét nghiệm cho một đôi vợ chồng có biểu hiện viêm phổi bất thường. Cả hai, cũng như con trai của họ, có các vết đặc trưng trong phim chụp phổi của họ. Cùng ngày đó, một người bán hàng ở chợ hải sản Hoa Nam cũng có những triệu chứng tương tự. Ngày 27 tháng 12, kết quả này đã được báo cáo cho các quan chức bệnh viện, sau đó là Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Vũ Hán (CDC). Nhân viên y tế được hướng dẫn đeo khẩu trang, và được yêu cầu mặc áo choàng cách ly y tế.
Từ ngày 28-29 tháng 12 năm 2019, thêm ba bệnh nhân liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam đã phải nhập viện. Bệnh viện Trung y Cổ truyền và Tây y Hồ Bắc lại báo cáo lên các cấp trên. Sau đó, Ủy ban Y tế Trung Quốc đã cử các quan chức đến Vũ Hán để mở một cuộc điều tra.
Ngày 30 tháng 12, phòng thí nghiệm CapitalBio MedLab tại Bắc Kinh đã cung cấp kết quả mNGS của một bệnh nhân viêm phổi khác và kết luận rằng đó là virus corona SARS. Bà Ngải Phân, trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, đã khoanh tròn chữ “virus corona SARS” trong báo cáo và chia sẻ với đồng nghiệp của bà, một bác sỹ nội khoa, và bác sỹ này đã đăng nó lên các nhóm xã hội trên WeChat.
Lưu ý: Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ, virus corona SARS ở dơi được xếp vào nhóm SARS. Ủy ban Quốc tế Phân loại Virus đã đặt tên nó là SARS-Cov-2. Vì ĐCSTQ tuyên bố họ đã chiến thắng dịch SARS năm 2003, nên đã đề nghị đổi tên thành 2019-nCov.
Ngày 30 tháng 12, Ủy ban Y tế Vũ Hán ban hành một thông báo khẩn liên quan đến bệnh viêm phổi chưa xác định. Thông báo đề cập đến nhiều trường hợp viêm phổi chưa xác định có liên quan đến Chợ Hải sản Hoa Nam, và cảnh báo các cơ sở y tế và cá nhân không tiết lộ thông tin liên quan khi chưa được phép.
Khoảng 6 giờ chiều ngày 30 tháng 12, bác sỹ Lý Văn Lượng của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán đã chia sẻ trong một nhóm WeChat rằng 7 trường hợp SARS đã được xác nhận, và ông nhắc các đồng nghiệp phải cảnh giác. Bác sỹ Lưu Văn của Bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán cũng đăng một tin nhắn tương tự trên WeChat lúc gần 8 giờ tối về một trường hợp ở Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, và cảnh báo nhân viên y tế chú ý an toàn. Bác sỹ Tạ Lâm Khải của Bệnh viện Liên minh Vũ Hán cũng đã đăng một mẩu tin vào khoảng 9 giờ tối, đề cập đến một bệnh viêm phổi giống SARS liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam. Bà cho biết nhiều bệnh nhân tương tự đã được đưa vào bệnh viện của bà, và nhắc nhở nhân viên y tế đeo khẩu trang.
1 giờ 30 sáng ngày 31 tháng 12 năm 2019, bác sỹ Lý Văn Lượng bị Ủy ban Y tế Vũ Hán triệu tập để điều tra. Cả ngày hôm đó, anh đã nhiều lần bị gọi đến Văn phòng Pháp chế của bệnh viện và bị khiển trách. Bác sỹ Lưu Văn cũng bị bệnh viện điều tra, còn bác sỹ Tạ Lâm Khải bị cảnh sát thẩm vấn qua điện thoại.
Cùng ngày 31 tháng 12 năm 2019, Ủy ban Y tế Vũ Hán đã ra một thông báo khác về các ca viêm phổi liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam. Thông báo lần này cho biết các chuyên gia y tế đã kết luận rằng đó là bệnh viêm phổi do virus nhưng không quan sát được trường hợp nào lây truyền từ người sang người và không có nhân viên y tế nào bị nhiễm bệnh.
Ngày 1 tháng 1 năm 2020, Sở Cảnh sát Vũ Hán tuyên bố: “Vì lan truyền tin đồn liên quan đến bệnh viêm phổi Vũ Hán, 8 người đã bị cảnh sát triệu tập và điều tra.” Mặc dù vậy, cảnh sát không cho biết 8 người này có bao gồm các bác sỹ Ngải Phân, Lý Văn Lượng, Lưu Văn và Tạ Lâm Khải không.
Ngày 2 tháng 1, Ngải Phân, bác sỹ cung cấp thông tin về virus corona, đã bị các lãnh đạo bệnh viện khiển trách gay gắt đến nỗi bà gần như bị suy sụp. Bác sỹ Lưu Văn bị cảnh sát triệu tập để thẩm vấn.
Từ ngày 3 tháng 1, Trung Quốc bắt đầu thông báo cho các nước láng giềng về chủng bệnh này nhưng đã hạ thấp tính nghiêm trọng của nó. Sau đó, các quan chức ĐCSTQ tuyên bố rằng riêng trong tháng 1, chính phủ Hoa Kỳ đã nhận được 30 bản cập nhật.
Ngày 5 tháng 1, ông Trương Vĩnh Chấn của Đại học Phúc Đán và Trung tâm Y tế Cộng đồng Thượng Hải đã phát hiện một chủng virus giống SARS trong các mẫu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Vũ Hán, và lấy được toàn bộ trình tự chuỗi gen của virus. Trong một báo cáo gửi chính quyền Thượng Hải và Trung ương, ông Trương cho biết chủng virus mới này có cùng nguồn gốc với virus SARS và lây qua đường hô hấp. Ông cũng kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Ngày 6 tháng 1, CDC Trung Quốc khởi động tình trạng khẩn cấp cấp độ hai trong nội bộ. Cùng ngày, Thành phố Vũ Hán đã khai mạc Đại hội Nhân dân Quốc gia (NPC) và Hội nghị Tham vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc của Ủy ban Quốc gia (CPPCC).
Ngày 7 tháng 1, bác sỹ Lý Văn Lượng khám cho một bệnh nhân bị tăng nhãn áp. Ngày hôm sau, bệnh nhân này bị sốt, rồi được chẩn đoán nhiễm virus corona. Ngày 10 tháng 1, bác sỹ Lý bắt đầu ho, sốt vào ngày hôm sau, và nhập viện ngày 12 tháng 1.
Sau khi ông Trương Vĩnh Chấn và nhóm của ông báo cáo tình trạng khẩn cấp của dịch SARS, ông không hề nhận được phản hồi. Do đó, ngày 10 tháng 1, ông đã tải trình tự chuỗi gen mới lên mạng và chia sẻ với những người khác. Nhờ đó mà ngành y tế nhận thức được về chủng virus này, và các chuyên gia y tế đã hối thúc các lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ công khai thông tin về dịch bệnh. Đáp lại, Ủy ban Y tế Thượng Hải đã đóng cửa Trung tâm Y tế Cộng đồng Thượng Hải, nơi ông Trương làm việc vào ngày 12 tháng 1 để điều tra mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào. Sau đó, ông Trương đã trình bốn kiến nghị yêu cầu mở lại phòng thí nghiệm BSL-3. Nhưng những đề xuất này không được chấp thuận cho đến ngày 24 tháng 1, khi dịch bệnh vượt quá tầm kiểm soát.
Ngày 11 tháng 1, Ủy ban Y tế Vũ Hán công bố 41 trường hợp nhiễm virus corona, trong đó có 2 trường hợp đã phục hồi, 7 trường hợp nghiêm trọng và 1 trường hợp tử vong. Ủy ban này vẫn khẳng định không quan sát thấy ca lây nhiễm từ người sang người nào, đồng thời tuyên bố căn bệnh này “có thể phòng ngừa và kiểm soát được”.
Ngày 17 tháng 1, Ủy ban Y tế Vũ Hán báo cáo 17 trường hợp mới đã được phát hiện bằng bộ dụng cụ xét nghiệm, nâng tổng số ca nhiễm lên 62 trường hợp. Ủy ban này không loại trừ khả năng lây nhiễm từ người sang người, nhưng tuyên bố nguy cơ này là thấp. Đến lúc đó, người trong nội bộ nghe được tin từ các lãnh đạo hàng đầu ở Vũ Hán rằng thành phố sẽ bị phong tỏa. Một số cư dân bắt đầu chuẩn bị chạy trốn.
Ngày 18 tháng 1, Cộng đồng Bách Bộ Đình tổ chức Tiệc 10.000 Gia đình thường niên lần thứ 20 như dự kiến, với khoảng 40.000 người tham dự. Cộng đồng này nhanh chóng trở thành một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh.
Ngày 20 tháng 1, bác sỹ chuyên khoa phổi Chung Nam Sơn tuyên bố trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc rằng chủng virus corona mới có thể lây từ người sang người.
Ngày 23 tháng 1, Vũ Hán bị phong tỏa. Đến thời điểm đó, đã có 5 triệu người trốn khỏi thành phố, mang theo mầm bệnh ra khắp Trung Quốc. Nếu không có virus corona, số người rời Vũ Hán trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chỉ là khoảng 2 triệu người, theo dữ liệu các năm trước. Nói cách khác, đã có hơn 3 triệu người nữa rời khỏi thành phố hoàn toàn vì dịch bệnh, khiến tình hình lây lan virus càng nghiêm trọng hơn.
Từ ngày 24 tháng 1, Trung Quốc đã khởi động bộ máy tuyên truyền để giảm nhẹ tình trạng dịch bệnh bằng cách tuyên truyền số ca tử vong do cúm ở Mỹ từ tháng 9 năm 2019 đã lên tới 13 triệu. Điều mà tuyên truyền này không đề cập là hàng năm cúm mùa thường cướp đi 88.000 sinh mạng ở Trung Quốc.
Sáng sớm ngày 7 tháng 2, cái chết của bác sỹ Lý Văn Lượng được công bố. Trong vòng vài giờ, tin tức này đã có hàng trăm triệu người xem trên mạng xã hội với khoảng một triệu bình luận. Các bài đăng về tự do ngôn luận cũng đã thu hút hàng triệu người xem, nhưng chúng đã nhanh chóng bị bộ máy kiểm duyệt khổng lồ và đội quân an ninh mạng của ĐCSTQ xóa bỏ.
Chương 2: Liệu thảm kịch như thế này có tái diễn?
Sau khi dịch bùng phát, ĐCSTQ tiếp tục đưa thông tin sai lệch, từ việc giảm bớt số ca nhiễm được xác nhận cho đến đổ lỗi cho các quốc gia khác, như Hoa Kỳ, vì để lây truyền virus, và khoe khoang về thành công trong việc đẩy lùi dịch bệnh này của Trung Quốc.
Các mốc thời gian trên chỉ ra rằng mặc dù các chuyên gia y tế đã liên tục báo động khi dịch mới khởi phát, nhưng ĐCSTQ đã liên tục đưa tin giảm nhẹ nguy cơ của dịch bệnh. Không phải vì ĐCSTQ không có khả năng phổ biến thông tin, mà vì nó đặt sự “ổn định chính trị” lên trên mạng sống của người dân.
Những trường hợp được các bác sỹ phát hiện và báo cáo
Trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, các bác sỹ đã thu thập đủ thông tin, chẳng hạn như kết quả mNGS từ Vision Medicals ngày 26 tháng 12, và dữ liệu từ phòng thí nghiệm CapitalBio MedLab ngày 30 tháng 12.
Ngoài ra, các bác sỹ và các cơ sở xét nghiệm này đã báo cáo các phát hiện cho các cấp trên, kể cả thông tin trao đổi giữa Vision Medicals và Viện Hàn lâm Y khoa Trung Quốc ngày 27 tháng 12, cũng như nội dung trao đổi giữa Trương Kế Tiên với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Vũ Hán ngày 27 tháng 12 và những ngày sau đó.
Hơn nữa, từ ngày 5 tháng 1, ông Trương Vĩnh Chấn từ Đại học Phúc Đán và Trung tâm Y tế Cộng đồng Thượng Hải đã phát hiện chủng virus giống SARS trong các mẫu do CDC Vũ Hán cung cấp, và thu được toàn bộ trình tự chuỗi gen. Ông đã báo cáo điều này với các quan chức ở Thượng Hải và Trung ương, chỉ ra virus mới có cùng nguồn gốc với virus SARS. Vì nó lây lan qua hệ hô hấp nên ông kêu gọi công chúng cảnh giác.
Vì vậy, Trung Quốc có đủ trình độ công nghệ, nhân lực và thông tin để ngăn chặn việc lan truyền của dịch bệnh nếu có hành động kịp thời.
Vai trò của Ủy ban Y tế
Ngày 29 tháng 12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, có chi nhánh ở các cấp chính quyền, đã cử các quan chức điều tra tình hình ở Vũ Hán. Tại thời điểm đó, nhiều bệnh viện đã báo cáo về bệnh nhân nhiễm virus corona.
Ngày 30 tháng 12, Ủy ban Y tế đã gửi một thông báo để cảnh báo các nhân viên y tế về một bệnh viêm phổi chưa xác định, mà không đề cập đến virus corona. Ủy ban này còn cấm các nhân viên y tế thảo luận về thông tin này.
Sau khi bác sỹ Lý Văn Lượng và các bác sỹ khác chia sẻ thông tin qua WeChat—bởi đây là cách duy nhất người dân có thể thông tin cho công chúng trong trường hợp này, thì tất cả họ đều bị các quan chức, thậm chí cả cảnh sát khiển trách.
Trong khi dịch bệnh còn chưa được truyền thông quốc gia công bố, Tân Hoa Xã đã nhanh chóng đăng một bản tin về 8 người bị xử phạt vì lan truyền tin đồn.
Rõ ràng là ĐCSTQ có khả năng nhanh chóng phổ biến thông tin, nhưng nó đã chọn thông tin để phát sóng. Ngay cả khi các chuyên gia y tế đã nhiều lần cảnh báo về việc lây nhiễm từ người sang người, Ủy ban Y tế vẫn tuyên bố bệnh này “có thể phòng ngừa và kiểm soát được”. Nó không thừa nhận việc lây nhiễm từ người sang người cho đến ngày 20 tháng 1, ba ngày trước khi Vũ Hán bị phong tỏa.
Tuy nhiên, cũng không thể quy trách nhiệm cho Ủy ban Y tế vì đã chặn thông tin về dịch bệnh, vì cơ quan này chỉ báo cáo những gì ĐCSTQ muốn cho người dân biết. Việc kiểm soát thông tin về dịch bệnh chỉ là một biểu hiện của bản chất của ĐCSTQ, vốn phát triển bằng bạo lực, lừa mị và dối trá để duy trì quyền lực.
Nhà dột từ nóc
Ngày 29 tháng 9 năm 2017, Văn phòng Thông tin của Quốc vụ viện Trung Quốc đã phát hành sách trắng với tiêu đề: “Phát triển sức khỏe cộng đồng của Trung Quốc là một yếu tố thiết yếu của nhân quyền”. Sách trắng mở đầu bằng câu: “Trung Quốc đã thiết lập hệ thống báo cáo trực tuyến lớn nhất thế giới về dịch bệnh cần khai báo và cứu trợ y tế cộng đồng vào năm 2015, và thời gian báo cáo trung bình đã được rút ngắn xuống còn bốn giờ so với năm ngày trước khi hệ thống này đi vào hoạt động.”
Hệ thống này đã được thử nghiệm thêm vào tháng 7 năm 2019 với hơn 8.200 người từ 31 tỉnh và thành phố cấp tỉnh tham gia. Mục đích là để tập huấn cách xử lý dịch virus vào năm 2020.
Ngoài ra, một cuộc tập dượt cứu hộ khẩn cấp khác đã diễn ra tại sân bay Thiên Hà, Vũ Hán ngày 18 tháng 9 năm 2019, trước khi Thế vận hội Quân sự 2019 diễn ra. Chương trình tập dượt bao gồm khảo sát dịch bệnh, giám sát nhân viên, khu vực cách ly tạm thời, di chuyển bệnh nhân và dọn sạch.
Nhưng ba tháng sau đó, mọi sự chuẩn bị này đã không còn tác dụng khi các bệnh nhân virus corona được phát hiện và trình báo cho các quan chức cấp trên, bởi họ đã hạ thấp nguy cơ để duy trì “ổn định xã hội”. Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hiếm khi xuất hiện trong đại dịch, mặc dù ông ấy thường xuất hiện trong các sự kiện quan trọng.
Ngày 23 tháng 1 năm 2020, khi Vũ Hán bị phong tỏa, Tập đã có bài phát biểu chào đón Tết Nguyên đán, nhưng ông không đề cập đến virus corona. Hôm sau, ông đã tham dự một bữa tiệc mừng năm mới, nhưng cũng không đề cập đến dịch bệnh. Ngày 28 tháng 1, ông đã gặp Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ngày 5 tháng 2, ông đã gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Mãi đến ngày 10 tháng 2, Tập mới xuất hiện trước công chúng, khi ông đến thăm quận Triều Dương của Bắc Kinh để kiểm tra việc chống dịch của các quan chức địa phương. Lần xuất hiện sau đó là ngày 10 tháng 3, khi ông Tập đến thăm Vũ Hán lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 12 năm 2019.
Sự im lặng của Tập càng khiến cuộc khủng hoảng này bị xử lý sai. Một tài liệu gần đây mà Minh Huệ nhận được cho thấy Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã ra lệnh tiêu hủy các mẫu bệnh phẩm và cấm các cuộc thảo luận liên quan trong thời gian đại dịch virus corona.
Hơn nữa, các dữ liệu thô, chân thực cũng đã bị hủy để đảm bảo nhất quán với số liệu thống kê được công bố chính thức, theo báo cáo do Ủy ban Y tế thành phố Triều Dương gửi cho Ủy ban Y tế Liêu Ninh ngày 23 tháng 2 năm 2020. Một số cơ quan chính phủ đã tham gia hủy dữ liệu, trong đó “ngoài việc hủy dữ liệu, các quan chức cũng xác định tất cả những cá nhân có quyền truy cập dữ liệu, từng người một, và yêu cầu họ ký thỏa thuận không tiết lộ thông tin.”
Với một hệ thống toàn diện như vậy để phong tỏa thông tin, che đậy sự thật và đánh lừa công chúng, nếu như có bùng phát một đợt dịch bệnh nữa, thì rất khó có khả năng công chúng có thể tiếp cận được thông tin.
(Còn nữa)
Bài viết liên quan bằng tiếng Hán:
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/9/新冠瘟疫-回溯误区–惊见根源–根本治愈(1)-403592.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/26/185216.html
Đăng ngày 02-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.