Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 07-10-2020] Gần như qua đời sau 20 năm bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công, một người đàn ông 44 tuổi nhìn già hơn nhiều so với tuổi thực tế lại bị đưa ra xét xử một lần nữa vào ngày 28 tháng 9 năm 2020, sau vụ bắt giữ diễn ra trong một đợt truy quét của cảnh sát.

Ngày 15 tháng 8 năm 2019, ông Đàm Thu Thành, một cư dân ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm bị bắt giữ tại nhà trọ của mình. Bạn cùng phòng của ông, ông Phó Đức Tài cũng bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công. Cảnh sát khám xét nơi ở của họ và chụp mũ chùm đen lên đầu của hai học viên trước khi đưa họ đi. Cảnh sát tịch thu giấy tờ tùy thân, thẻ ghi nợ và 850 nhân dân tệ tiền mặt của ông Phó.

Mặc dù sau đó ông Phó được trả tự do, nhưng ông Đàm bị đưa tới Trại tạm giam Thành phố Từ Bình và bị giam giữ ở đó cho tới nay. Tòa án huyện Lê Thụ đưa ông Đàm cùng 15 học viên khác bị bắt giữ cùng ngày ra xét xử trong một vụ án tập thể. Trước phiên xét xử vào ngày 28 tháng 9, tòa án đã thay ba chủ tọa phiên tòa mà không thông báo cho các học viên và luật sư của họ. Các học viên không được nói chuyện trong phiên xét xử và hầu hết các thành viên gia đình đều bị cấm tham dự phiên tòa.

15 học viên bị đưa ra xét xử cùng với ông Đàm gồm: Ông Hầu Hồng Khánh, 49 tuổi; Ông Hàn Kiến Bình, 58 tuổi; Ông Giang Đào, 46 tuổi; Bà Trương Thiệu Bình, 51 tuổi; Bà Thôi Quế Hiền, 56 tuổi; Bà Lưu Đông Anh, 55 tuổi và thông gia của bà Thôi; Ông Lý Trường Khôn, 76 tuổi; Bà Chu Lệ Bình, 62 tuổi; và bảy thành viên trong đại gia đình (anh Mạnh Tường Kỳ 37 tuổi, cha anh Mạnh là ông Mạnh Phàm Quân 59, mẹ vợ anh Mạnh là bà Phó Quý Hoa 55 tuổi, em vợ anh Mạnh là cô Vu Kiện Lị 30 tuổi, chồng cô Vu là anh Vương Đông Cát 40 tuổi, cha anh Vương là ông Vương Khắc Dân 69 tuổi và mẹ anh Vương là bà Vương Phượng Chi 69 tuổi).

Bức hại trong quá khứ

Ông Đàm bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa vào tháng 10 năm 1997. Ông tin rằng pháp môn giúp ông từ bỏ rất nhiều thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu và đánh bạc. Từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, ông Đàm bị bắt giữ và giam giữ nhiều lần vì không từ bỏ đức tin của mình.

10 tháng lao động cưỡng bức

Tháng 10 năm 1999, ông Đàm khi đó 22 tuổi đã tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công và ông bị bắt giữ. Sau đó ông bị kết án 10 tháng lao động cưỡng bức tại Trại Lao động Cưỡng bức Cửu Đài.

Ghế cọp, sách nhiễu tình dục và sốc điện

Ngày 22 tháng 9 năm 2001, ông Đàm bị bắt giữ một lần nữa vì phân phát tờ rơi có thông tin Pháp Luân Công. Ba cảnh sát đánh đập ông khiến mặt của ông sưng phồng lên và mắt ông chảy máu.

Sau khi đưa ông tới đồn công an, một cảnh sát sử dụng chai bia thủy tinh gõ mạnh vào tinh hoàn của ông. Sau đó ông phải chịu đựng nhiều hình thức tra tấn khác nhau gồm ghế cọp, sốc điện vào nách và “lái máy bay” (buộc ông cúi đầu xuống và nâng hai tay lên). Cảnh sát còn đổ nước lên người ông và sau đó sử dụng dùi cui điện để sốc điện.

2004-6-6-tiger_bench--ss.jpg

Mô phỏng tra tấn: Ghế cọp

Ngày hôm sau, ông Đàm bị đưa tới trại tạm giam Thiết Bắc. Ông tuyệt thực 15 ngày để phản đối sự bức hại và ông bị bức thực.

Bị kết án 15 năm

Sau sáu tháng tạm giam, ông Đàm bị đưa ra xét xử vào tháng 3 năm 2002. Thẩm phán không cho phép ông nói bất cứ điều gì trong phiên tòa xét xử. Một chấp hành viên đe dọa “Nếu anh dám nói một lời trong phiên tòa xét xử, thì đợi để xử lý sau.” Sau đó, thẩm phán kết án ông 15 năm tù.

Sau khi tới Nhà tù Số 2 Tỉnh Cát Lâm, ông Đàm bị đưa vào nhóm quản chế nghiêm ngặt, ở đó ông phải ngồi trên ván gỗ từ 5 giờ 30 phút sáng tới 7 giờ 20 phút tối mỗi ngày. Ông phải giữ thân thể thẳng. Nếu ông cử động chỉ một chút thì tù nhân sẽ đánh đập ông. Sau vài ngày chịu sự tra tấn như vậy, mông ông nổi lên những mụn nước và ông gặp khó khăn trong việc đi lại.

Tháng 10 năm 2003, Nhà tù Cát Lâm đã lắt đặt khung giường mới trong phòng biệt giam để tra tấn các học viên. Trong phương thức tra tấn mới đối với các học viên từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, lính canh sẽ trói họ trong tư thế đại bàng ở trên giường và sau đó tháo đế đỡ bên dưới để các học viên lơ lửng trên không. Đôi khi, lính canh còn kéo tay chân các học viên để tăng thêm sự đau đớn cho họ.

Ông Đàm cũng không thoát khỏi sự tra tấn tàn bạo này vì ông từ chối viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Bên bờ vực của cái chết, ông tuyệt thực để phản đối sự bức hại. Mặc dù lính canh không để ông lơ lửng trên không nữa nhưng họ vẫn giữ ông trên giường trong tư thế đại bàng. Sau hai tháng chịu đựng sự tra tấn, cổ tay của ông bị rách nghiêm trọng và có mủ chảy ra. Lưng ông tím bầm do thiếu máu lưu thông. Các cơ của ông teo đi và ông gặp khó khăn trong việc đi lại.

Từ năm 2004 đến 2007, ông Đàm phải chịu đựng sự tra tấn tàn bạo như vậy mỗi năm một lần.

Năm 2009, ông bị đưa tới nhóm quản chế nghiêm ngặt và bị tra tấn sau khi tù nhân phát hiện ông nghe các bài giảng Pháp Luân Công. Lính canh thẩm vấn ông với nỗ lực tìm ra nơi ông đã lấy máy mp4 có các bài giảng. Ông Đàm từ chối trả lời và tuyệt thực 15 ngày. Lính canh ra lệnh cho tù nhân bức thực ông. Tù nhân sử dụng gậy gỗ để cạy miệng của ông khiến răng cửa của ông bị rụng ra.

Ông Đàm trở thành mục tiêu một lần nữa trong chiến dịch tẩy não toàn nhà tù đối với các học viên Pháp Luân Công vào năm 2012 và ông bị cấm ngủ.

Tại thời điểm được trả tự do vào ngày 23 tháng 11 năm 2014 (trước thời hạn hai năm), ông rụng nhiều tóc và răng ở cả hàm trên lẫn hàm dưới. Cho đến nay những vết sẹo trên cổ tay của ông vẫn có thể nhìn thấy.

Bài liên quan:

Mười sáu học viên Pháp Luân Công là mục tiêu của một vụ bắt giữ quy mô lớn đang đối mặt với phiên tòa


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/7/413472.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/21/187905.html

Đăng ngày 28-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share