Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 06-10-2020] Sau 8 năm thụ án vì đức tin vào Pháp Luân Công, một cư dân thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang ở độ tuổi 70 đã bị nhà chức trách tống tiền 100.000 nhân dân tệ để có thể nhận lại lương hưu.

Vào ngày 12 Tháng 9 năm 2019, một ngày trước khi mãn hạn tù của bà Thạch Kiến Hoa, gia đình bà đã đi gần 100 dặm từ Đại Khánh đến Nhà tù nữ Hắc Long Giang ở Cáp Nhĩ Tân để đón bà. Chức trách nhà tù đã giữ gia đình bà đợi bên ngoài trong ba giờ và không thả bà cho đến khi nhân viên từ nơi làm việc trước đây của bà và đại diện ủy ban dân cư đến.

Trong 8 năm tù giam của bà Thạch, nhà chức trách đã phong tỏa tài khoản lương hưu của bà và không thanh toán cho bà bất kỳ khoản nào. Khi gia đình bà nộp đơn yêu cầu kích hoạt lại tài khoản lương hưu của bà và yêu cầu được nhận lương hưu của bà trong 8 năm qua, nhà chức trách đã ép họ phải trả 100.000 nhân dân tệ trước khi họ bắt đầu thanh toán cho bà. Tuy nhiên, số tiền trả lại cho các khoản trợ cấp hưu trí của bà chỉ là 2.100 nhân dân tệ mỗi tháng, ít hơn 400 nhân dân tệ so với mức quy định.

Một năm lao động cưỡng bức

Bà Thạch, một công nhân dầu mỏ đã nghỉ hưu, 71 tuổi, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa vào tháng 4 năm 1997. Nhiều căn bệnh mãn tính từng đeo đuổi bà dai dẳng trong nhiều thập kỷ đã biến mất.

Bà Thạch đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào tháng 11 năm 1999, bốn tháng sau khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc ra lệnh bức hại. Bà đã bị bắt ngay khi đến Văn phòng kháng cáo. Nhà chức trách giam bà trong khách sạn một đêm và đưa bà trở lại Đại Khánh vào ngày hôm sau và giam bà trong một tháng rưỡi.

Bà Thạch trở lại Bắc Kinh vào tháng 12 năm 2000 và giơ một biểu ngữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” tại Quảng trường Thiên An Môn. Bà lại bị bắt và bị giam tại Trại tạm giam Thiên Tân.

Vào ngày 18 tháng 1 năm 2001, các công an ở Đại Khánh trực tiếp đưa bà từ Thiên Tân đến Trại lao động cưỡng bức nữ tỉnh Hắc Long Giang để thụ án một năm.

Trong trại lao động, bà Thạch bị bắt phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ và không được cử động trong nhiều giờ mỗi ngày. Bà phải giữ chân khép lại, hai tay đặt trên đầu gối và giữ cơ thể thẳng đứng. Trong khi đó, các lính canh cũng bắt bà xem các video tuyên truyền bôi nhọ về Pháp Luân Công và ép bà hát các bài hát ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngoài sự tra tấn về thể xác, bà còn bị buộc phải lao động không công, bao gồm cả làm hộp giấy hoặc sách.

Công an tiếp tục sách nhiễu bà sau khi bà được thả.

Bị kết án 8 năm

Vào tối ngày 13 tháng 9 năm 2011, một nhóm công an đã đột nhập vào nhà bà Thạch, bắt bà và hai học viên khác cũng có mặt khi tình cờ đến thăm bà. Bà Thạch bị nhốt trong một chiếc lồng kim loại và bị bắt phải ngồi trên nền bê tông trong đồn công an trong một đêm, trước khi bị đưa đến trại tạm giam thành phố Đại Khánh vào khoảng trưa hôm sau.

Trong khi bà Thạch bị giam giữ, công an đã tiến hành lục soát nhà của bà. Sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, máy in, hai máy tính và gần 10.000 nhân dân tệ tiền mặt của bà đã bị tịch thu. Một chiếc tủ cũng bị lấy đi để làm bằng chứng phạm tội của bà. Trước khi rời đi, công an đã xịt mực màu lên giường và gối của bà và xé các bức tranh chủ đề về Pháp Luân Công trên tường của nhà bà.

Việc bắt giữ bà Thạch được phê chuẩn vào ngày 20 tháng 10 và bà bị truy tố vào ngày 26 tháng 12. Công tố viên tuyên bố rằng họ đã nói chuyện với bà Thạch và xác minh trường hợp của bà trước khi cáo trạng, nhưng bà Thạch nói rằng bà chưa bao giờ gặp bất kỳ ai từ Viện kiểm sát.

Bà Thạch bị Tòa án Nhượng Hồ Lộ đưa ra xét xử vào ngày 10 tháng 1 năm 2012. Triệu Tuyết Hàm, chủ tọa phiên tòa đã không cho phép bà Thạch nói chuyện trong phiên xét xử kéo dài 20 phút.

Thẩm phán Triệu sau đó đã kết án bà Thạch 8 năm với tội danh “lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật” một cái cớ quy chuẩn được chính quyền Trung Quốc sử dụng để kết tội và bỏ tù các học viên Pháp Luân Công. Bà Thạch đã nộp đơn kháng cáo nhưng bị Tòa án Trung cấp thành phố Đại Khánh bác bỏ.

Bị tra tấn trong nhà tù

Vào ngày 6 tháng 6 năm 2012, bà Thạch bị chuyển từ trại tạm giam thành phố Đại Khánh đến Nhà tù nữ Hắc Long Giang. Bà đã đệ đơn đề nghị xem xét lại trường hợp của mình vào năm 2014, nhưng không bao giờ nhận được phản hồi cho đến khi bà được trả tự do.

Bà phải chịu sự tra tấn liên tục trong tù, bao gồm không cho ngủ, bắt ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ và lao động khổ sai. Các lính canh thường lục soát giường của bà để tìm các sách Pháp Luân Công và các tài liệu liên quan.

Không cho ngủ

Vào ngày bà Thạch bị đưa đến nhà tù, các lính canh đã cố gắng ép bà từ bỏ Pháp Luân Công. Vào đêm đầu tiên, lính canh bắt bà ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ không được cử động và không cho bà ngủ. Tám tù nhân thành lập bốn nhóm nhỏ và thay phiên nhau theo dõi bà Thạch.

Vào ban ngày, lính canh bắt bà Thạch nghe các đoạn băng ghi âm bôi nhọ Pháp Luân Công. Khi bà buồn ngủ và chợp mắt vào ban đêm, các tù nhân được phân công theo dõi bà dùng móc quần áo quất vào đùi và xịt nước vào mắt. Cuộc tra tấn kéo dài trong ba ngày và chân bà Thạch đầy vết bầm tím.

Ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ

Mặc dù sau đó các lính canh đã cho phép bà Thạch được ngủ vào ban đêm, tuy nhiên họ vẫn bắt bà ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ vào ban ngày khi xem các tài liệu tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công.

Khi bà Thạch từ chối hợp tác, các tù nhân đã đánh và chửi mắng bà. Một tù nhân kéo đầu và vai của bà về phía sau và dùng đầu gối thúc vào phần lưng dưới của bà. Hậu quả là cột sống thắt lưng của bà Thạch bị biến dạng và hiện tại vẫn còn đau. Việc ngồi trên ghế nhiều giờ cũng khiến vùng mông của bà bị đau đớn rất nhiều.

Lao động cường độ cao

Vào tháng 3 năm 2013, bà Thạch được chuyển đến Khu số 7. Các lính canh ra lệnh cho bà làm nhiệm vụ gác đêm và làm tăm bông vào ban ngày.

Bà Thạch đôi khi dành thời gian vào ban đêm để chép tay cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công. Sau khi các lính canh phát hiện ra điều đó, họ đã tăng khối lượng công việc của bà trong ngày lên đến 16 giờ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/6/413435.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/19/187882.html

Đăng ngày 27-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share