Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-09-2020] Luật sư đại diện cho một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh đang đề nghị thẩm phán huỷ bỏ vụ án của thân chủ ông.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần và thiền định cổ xưa đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Ngày 8 tháng 9 năm 2019, ông Cúc Thế Miểu, một chuyên viên quản lý tài chính 45 tuổi, đã bị bắt cùng bà Tôn Trung Cầm, 68 tuổi, và bà Đông Tú Hồng vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lục soát nhà của họ và cũng bắt giữ bà Chu Xuân Linh khi bà tình cờ ghé qua chỗ của ông Cúc đúng lúc cảnh sát đến.

Bà Tôn, bà Đông và bà Chu bị đưa đến Trại tạm giam Đan Đông vào đêm hôm đó, và ông Cúc bị giam tại trại tạm giam Phượng Thành. Bà Chu được thả sau khi bị giam 12 ngày. Bà Đông được bảo lãnh tại ngoại.

Viện Kiểm sát Khu Chấn An đã chấp thuận việc bắt giữ bà Tôn, bà Đông và ông Cúc vào ngày 15 tháng 1 và đã truy tố họ vào ngày 28 tháng 6 năm 2020. Gia đình của bà Tôn và ông Cúc đã thuê luật sư bào chữa cho họ.

Ngày 4 tháng 9, luật sư của ông Cúc đã gửi một bức thư đến Toà án Khu Chấn An, yêu cầu thẩm phán huỷ bỏ việc cáo buộc ông Cúc.

Luật sư viết: “Tự do tín ngưỡng là quyền cơ bản của mỗi người, và nó không bị ảnh hưởng bởi chủng tộc, giới tính, quốc gia hay đức tin của họ. Quyền này không bao giờ bị cấm hay vi phạm luật pháp quốc gia dưới bất kỳ hình thức nào.”

Ông nói thêm rằng tư tưởng của một người không thể bị sử dụng đề làm bằng chứng truy tố người đó và chỉ những tội ác thực sự mới bị trừng phạt. Do đó, một người không nên bị trừng phạt hoặc truy tố vì đức tin của họ.

Luật sư cũng nói rằng không có luật nào ở Trung Quốc cấm Pháp Luân Công. Vì thế, bất kể ông Cúc có sở hữu hay phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công như cáo trạng chỉ ra thì ông cũng không vi phạm bất kỳ điều luật nào.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Cúc và bà Tôn bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của họ. Ông Cúc trước đây đã đến Bắc Kinh nhiều lần để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và đã bị kết án bốn năm lao động cưỡng bức. Bà Tôn bị kết án một năm ở Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia vào năm 2007 và bị kết án ba năm tù vào năm 2011. Bà bị đánh đập trong một căn phòng tối, bị lột trần và bị đổ nước lạnh lên người.

Bài liên quan:

Chín cư dân Liêu Ninh bị giam giữ trong dịp Tết Nguyên Đán vì đức tin của mình


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/9/9/411586.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/8/187731.html

Đăng ngày 13-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share