Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 02-06-2020] Tôi được sinh ra vào những năm 1980. Là con gái duy nhất trong nhà, dù tôi không bị chiều hư, nhưng cũng tự cho mình là trung tâm. Chịu ảnh hưởng của những xu hướng hiện đại trong xã hội, tôi tin rằng phụ nữ nên mạnh mẽ, thậm chí mạnh mẽ hơn cả đàn ông. Ở trường, tôi không thể chịu được khi bạn trai có thành tích vượt hơn tôi. Tôi cố gắng học tập, cuối cùng vượt qua anh ấy. Mặc dù chồng tôi rất hiểu chuyện, nhưng bố mẹ chồng tôi thì rất truyền thống; bố chồng tôi cho rằng đàn ông nên quyết định mọi việc và mẹ chồng tôi [là người] rất phục tùng.

Bị sốc khi mới gặp bố mẹ chồng tương lai

Sáu tháng sau khi gặp chồng tôi, tôi được mời đến thăm bố mẹ chồng tương lai. Nhiều họ hàng của chồng tương lai của tôi cũng ở đó. Tôi lịch sự chào bố mẹ anh ấy: “Con chào chú, con chào dì.”

Lúc đó, bố chồng tôi nói trước mặt mọi người rằng tôi nên gọi họ là “Bố” “Mẹ”. Tôi cảm thấy rất xấu hổ, không biết phải làm thế nào cho phải, vì lúc đó chúng tôi còn chưa nói chuyện cưới gả. Cuối cùng để không khiến họ mất mặt, tôi đã nhỏ giọng gọi “Bố” “Mẹ”, nhưng lúc đó trong lòng rất khó chịu.

Mỗi lần gặp họ, tôi phải nhịn không gọi họ là “Chú” “Dì”, mà gọi là “Bố” “Mẹ”. Tôi cảm thấy rất khó chịu và nghĩ bố chồng tương lai của mình thật gia trưởng và hống hách.

Con trẻ tạo mâu thuẫn

Khi kết hôn với chồng tôi, tôi đang học tiến sĩ. Sau khi chúng tôi kết hôn, bố chồng tôi đã chỉ ra những lợi thế của việc có con khi chúng tôi còn đang đi học. Chúng tôi làm theo lời khuyên của ông và tôi có thai. Tôi bị ốm khi mang thai và không thể nấu ăn. Thế là mẹ chồng tôi phải từ quê lên để chăm sóc tôi.

Theo bố chồng tôi, người chồng là chủ gia đình và vợ phải nghe theo. Phụ nữ chịu trách nhiệm tất cả các việc nhà. Bố chồng tôi đặt bản thân ở trên tất cả mọi người, mẹ chồng tôi làm việc, làm tất cả các việc nhà và chăm sóc con cái trong khi thường xuyên bị ông chỉ trích. Đôi lúc, tôi cảm thấy thương bà. Nhưng tôi nghĩ rằng, vì việc đó phù hợp với họ và họ có vẻ không gặp vấn đề gì, nên tôi cứ để kệ như vậy. Nhưng thật ngạc nhiên, bố mẹ chồng tôi cũng mong chúng tôi có mối quan hệ tương tự. Là một phụ nữ hiện đại theo chủ nghĩa nữ quyền, tôi cảm thấy mình bị thử thách.

Tôi biết ơn mẹ chồng đã nấu ăn cho tôi mỗi ngày và chăm chỉ làm lụng việc nhà. Nhưng cách mà bà can thiệp vào công việc nhà của tôi và cách mà bố chồng tôi kiểm soát chúng tôi qua các cuộc điện thoại thực sự khiến tôi khó chịu. Ví dụ, ông sẽ bảo chúng tôi rằng ai nên rửa nồi chảo, ai nên rửa bát đĩa, ai nên giặt giũ, v.v.. Có lần, tôi cãi nhau với chồng. Bố chồng tôi gọi điện và bảo chồng tôi: “Con là chủ gia đình. Con phải là người quyết định.” Sau đó, ông nói với tôi: “Con phải nghe chồng con!” Tôi bực mình và nghĩ thầm: “Tại sao phụ nữ phải nghe lời đàn ông? Chồng mình nên nghe mình chứ!”

Sau ngày 1 tháng 10, bố chồng đến thăm chúng tôi vào dịp lễ. Chúng tôi có nhiều mâu thuẫn và không ai trong chúng tôi chịu nhường. Có một lần bố chồng tôi khăng khăng ý kiến với một chuyện xảy ra, khiến tôi khó chịu đến mức buột miệng bảo ông là “cố chấp”. Lúc đó, bố chồng tôi rất tức giận, kỳ nghỉ còn chưa kết thúc ông đã ra về.

Sau khi con gái tôi chào đời, bố chồng tôi không hài lòng vì ông muốn có cháu trai. Chồng tôi cũng biểu thị rằng anh muốn có con trai. Hai ngày sau, bố chồng tôi ra về. Sau khi bố chồng tôi ra về, chồng tôi rất lạnh lùng với tôi, thái độ thay đổi 180 độ so với trước khi em bé chào đời. Tôi cảm thấy nhà chồng có lỗi với mình. Tôi khóc cả tháng trời và cảm thấy uất ức. Trong một lần cãi nhau gay gắt với mẹ chồng, tôi đã ném đồ xuống sàn và tức run người. Chồng tôi sợ hãi và ôm chặt lấy tôi. Khi con tôi được một tháng tuổi, mẹ chồng tôi ra về. Tôi bế con về nhà mẹ đẻ.

Đại Pháp đã thức tỉnh tôi

Ở nhà bố mẹ đẻ, tôi bị uất ức một thời gian và cảm thấy tức giận mỗi khi nghĩ về bố mẹ chồng. Tôi khóc nhiều đến mức hoa cả mắt. Tôi biết rằng nếu cứ tiếp tục như thế này tôi sẽ đổ bệnh. Mẹ tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Từ lâu tôi đã biết Pháp Luân Đại Pháp dạy người hướng thiện, tịnh hóa tâm linh, thế là tôi quyết định học Đại Pháp.

Kể từ đó, tôi đọc các sách của Pháp Luân Đại Pháp mỗi ngày và nghe các bài giảng của Sư phụ. Tôi cảm thấy vật chất uất ức liên tục bị thanh trừ. Tôi bắt đầu trở nên bình thản. Đọc các bài giảng, tôi nhận ra phụ nữ nên ôn nhu hiền thục, chính xã hội bây giờ đã biến phụ nữ trở thành mạnh mẽ, vợ hiền trở thành người đàn bà đanh đá. Tôi còn biết giữa người và người là có quan hệ nhân duyên, người khác đối với mình không tốt, có thể là trước đây mình đã mắc nợ người ta. Là người tu luyện, tôi phải hướng nội xem mình đã làm điều gì không đúng. Nhiều Pháp lý đã thức tỉnh tôi. Khi dựa trên các Pháp lý xem xét lại ân oán trước đây giữa tôi và bố mẹ chồng, tôi phát hiện toàn bộ sự việc cũng đã thay đổi.

Tôi hiểu rằng mẹ chồng tôi là một phụ nữ truyền thống đức hạnh và biết nhẫn chịu, trong khi quan niệm cho rằng phụ nữ là người ra quyết định của tôi là sản phẩm của xã hội hiện đại. Khi bố chồng tôi không đồng tình với tôi, tôi đã bảo ông là “cố chấp.” Tôi đã không kính trọng người lớn tuổi. Thật ra, tôi là người rất hống hách và bướng bỉnh. Mẹ chồng tôi đã phải rời nhà và đi quãng đường dài đến để chăm sóc tôi. Đối với bà thật không dễ dàng. Ngược lại, tôi lại đi tranh đấu với bà vì những chuyện nhỏ nhặt. Bất kể tôi nghĩ mình đúng như thế nào, tôi đã bị ngược đãi ra sao, lấy các Pháp lý mà đo lường, tôi chính là rất ích kỷ rất tự tư, cũng không có đứng trên lập trường của bố mẹ chồng để nghĩ vấn đề. Dần dần, cái tâm oán hận của tôi đối với bố mẹ chồng ngày càng nhẹ, cũng chầm chậm bắt đầu xem họ là người thân của mình.

Đề cao giữa mâu thuẫn

Sau sáu tháng nghỉ thai sản, tôi phải đi học lại. Tôi phải đối mặt với vấn đề chăm sóc trẻ. Ngay khi phải đối mặt với vấn đề khó xử, chồng tôi bảo tôi rằng bố mẹ chồng tôi đã gọi và nói rằng họ sẵn lòng đến giúp nếu tôi gọi điện cho họ và có lời mời. Tôi cảm thấy bực, nhưng sau đó tôi nhận ra rằng mình là một học viên Đại Pháp. Có lẽ trước đây khi họ ở đây tôi đã làm tổn thương họ và họ cảm thấy e ngại khi lại đến ở cùng chúng tôi. Vì vậy, tôi đã gọi cho họ và chân thành mong họ đến.

Bố chồng tôi cũng đến. Trước khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi không thể sống cùng ông trong một tuần. Liệu tôi có thể chung sống hòa thuận với ông không? Tôi không chắc chắn. Khi chuyện xảy ra, tính gia trưởng của ông lại sớm nổi lên.

Chúng tôi sống trên tầng hai và phải xuống lấy nước từ tầng dưới. Chồng tôi thường là người xách nước lên vì cái xô nặng. Một ngày, chúng tôi hết nước. Vì bố chồng tôi bị viêm khớp và mẹ chồng tôi lại nhỏ người, nên tôi nghĩ bây giờ mình có thể làm việc đó vì tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và sức khỏe của tôi đã được cải thiện. Ngay khi tôi định làm việc đó, thì bố chồng tôi chộp lấy cái xô và muốn tự làm. Tôi không muốn để ông làm việc đó vì ông bị viêm khớp.

Khi chúng tôi tranh cãi, bố chồng tôi nói: “Đây là việc của đàn ông. Phụ nữ các người chính là ở nhà làm việc nhà. Ta thường xuyên nói với mẹ con: ‘Việc lớn bà không làm được, việc nhỏ bà lại không làm, tôi còn cần bà làm gì? Sao tôi phải nuôi bà?’” Lúc đó tôi có chút bị sốc. Bố chồng tôi nhấc xô lên và đi xách nước.

Một vài ngày sau, chúng tôi lại hết nước. Khi ông chuẩn bị xách nước, tôi nhớ lại những gì Sư phụ đã giảng:

“…làm việc gì đều luôn luôn cân nhắc đến người khác.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Không chút cảm xúc tiêu cực, tôi nói với ông rằng: “Bố, con biết bố đối tốt với chúng con. Nhưng bố không nên mang vác nặng. Bố hãy để con làm.” Ông dừng lại và đồng ý. Có sức khỏe tốt nhờ Đại Pháp, tôi đã có thể xách nước lên. Kể từ đó, bố chồng tôi không bao giờ phải làm lại việc đó. Tôi đã vượt qua khảo nghiệm.

Một vài ngày sau, tôi cùng bố chồng nói chuyện phiếm. Ông đột nhiên nói về con dâu không hiếu thuận. Ông đột nhiên nói: “Nếu là ta thì sẽ không giữ con dâu kiểu như thế. Ta đã nói với con trai, vợ mà không nghe lời thì phải đánh.” Ông biểu lộ rất đắc ý. Tôi nghĩ: “Ông ấy đang huấn luyện chồng mình đánh mình!!” Trước khi nổi giận, tôi nhận ra mình là người tu luyện và ông ấy đang giúp tôi đề cao. Vì vậy tôi mỉm cười và nói: “Bố đừng lo. Con sẽ ngoan ngoãn.” Ông ngạc nhiên và mỉm cười.

Một ngày, tôi ra ngoài cùng bố mẹ chồng để đi dạo và thấy một bài thơ cổ ý nói rằng việc phụ nữ làm chủ gia đình là không tốt. Khi bố chồng tôi thấy bài thơ, ông bảo tôi giải thích nó có nghĩa là gì. Tôi cảm thấy xấu hổ. Có lẽ tôi sẽ rất bực mình nếu chuyện này xảy ra trước đây; có lẽ tôi sẽ nhất quyết không nói hoặc nói điều xấu. Nhưng tôi nhận ra rằng mình là một người tu luyện và tôi không nên hành xử như vậy. Vì vậy tôi tử tế giải thích cho ông rằng: “Nó có nghĩa là phụ nữ không nên làm chủ gia đình, vì phụ nữ tầm nhìn thiển cận.” Tôi cũng bổ sung thêm một số giải thích của tôi. Ông không nói thêm gì.

Khi những tình huống như thế xảy ra quá thường xuyên, tôi vẫn thấy khó chịu. Trước đây, tôi rất nôn nóng qua mặt người khác và sẽ không nhẫn chịu chuyện này. Ngay khi tâm oán hận của tôi nổi lên, tôi bắt đầu đọc Chuyển Pháp Luân và nó sẽ lắng xuống. Tôi trở lại bình thường.

Tôi cố gắng để giống như một người vợ hiền, con dâu hiếu thảo. Trước đây, khi tôi thấy mẹ chồng giặt tất và quần lót cho chồng và bố chồng, tôi nghĩ điều đó thật nực cười. Bây giờ, tôi bắt đầu làm việc đó. Mỗi sáng, trước khi bố mẹ chồng tôi thức dậy, tôi đã chuẩn bị bữa sáng cho gia đình rồi. Đường huyết của bố chồng tôi rất cao nên ông cần ăn ít đồ ăn có carbohydrates, vì vậy tôi chuẩn bị các món riêng cho ông. Sau bữa trưa, tôi chăm sóc con và để bố mẹ chồng nghỉ ngơi.

Bố mẹ chồng tôi ngày càng chấp nhận tôi hơn. Có lần, bố chồng tôi đến sớm một chút và thấy chồng tôi vẫn đang ngủ trong khi tôi đang cõng con trên lưng và nấu ăn. Ông lập tức đón lấy đứa bé. Tôi đoán bố chồng gia trưởng của tôi cũng đã thay đổi một chút, một minh chứng cho việc thay đổi bản thân là cách tốt nhất để ảnh hưởng tích cực đến người khác.

Lời kết

Trước đây tôi từng cho mình là trung tâm và luôn đúng. Bây giờ tôi nhận ra rằng tôi chỉ đang ích kỷ. Khi chiểu theo yêu cầu của Đại Pháp, tu thành vô tư vô ngã, bản tính chân thành thiện lương nhường nhịn của tôi ngày càng hiển lộ. Bây giờ cái tôi sùng bái chủ nghĩa nữ quyền kia đã dần biến mất, bố chồng từng gia trưởng của tôi cũng dần biết thông cảm hơn. Mọi người trong gia đình cũng gần nhau hơn.

Con xin cảm tạ Sư phụ đã cho con một gia đình hòa thuận!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/2/407167.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/20/185586.html

Đăng ngày 09-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share